Thực trạng quy định pháp luật về cho vay ngang hàng của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Pháp luật về cho vay ngang hàng (Trang 37 - 43)

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CHO VAY NGANG HÀNG

2.1. Thực trạng quy định pháp luật về cho vay ngang hàng ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

2.1.1. Thực trạng quy định pháp luật về cho vay ngang hàng của Trung Quốc

Mô hình hoạt động CVNH ở thị trường Trung Quốc đã phát triển và thay đổi theo thời gian. Trong thời gian đầu, các công ty P2P Lending vận hành các mô hình đơn giản (mô hình P2P Lending truyền thống), người vay và người cho vay là những người trực tiếp tiến hành các hợp đồng vay, nền tảng không phải là một bên tham gia trong giao dịch. Trên nền tảng P2P Lending, các nhà đầu tư có thể chọn các doanh nghiệp hoặc dự án tùy thuộc vào ưu tiên và khẩu vị rủi ro của mình. Nền tảng sẽ thu phí cả bên vay và bên cho vay (nhà đầu tư) khi giao dịch được thực hiện. Một điều quan trọng là tiền của người cho vay và người đi vay được tách khỏi bảng cân đối kế toán của nền tảng nên tiền của người cho vay và người đi vay sẽ không bị trộn lẫn

vào tiền của nền tảng, và sẽ không bị ảnh hưởng trong trường hợp nền tảng có xảy ra các rủi ro, thất bại. Từ năm 2012 trở đi, các nền tảng phát triển sang những mô hình phức tạp hơn. Do luôn có sự chênh lệch thông tin giữa những người cho vay và đi vay đã phát sinh nhu cầu về một nền tảng cung cấp nhiều thứ hơn chứ không phải chỉ làm một bên trung gian kết nối thông tin. Điều này tạo ra những mô hình kinh doanh mới, ở đó nền tảng mở rộng phạm vi rộng hơn hoạt động của một trung gian thông tin đơn thuần. Sự chuyển mô hình đầu tiên được gọi là “mô hình đảm bảo lợi nhuận”, trong đó các công ty P2P Lending đóng vai trò như một ngân hàng truyền thống, không chỉ cung cấp thông tin tín dụng mà còn cung cấp dịch vụ đảm bảo tín dụng.

Mô hình thứ hai với sự chuyển đổi rộng hơn trong thực tiễn là “mô hình nền tảng là người cho vay”. Trong mô hình này, nền tảng sẽ là bên khởi tạo khoản vay cho bên cho vay dựa trên nguồn vốn tín dụng tập hợp từ quỹ tài sản của một nhóm các nhà đầu tư. Sau đó, các nền tảng sẽ đóng gói lại các khoản vay và bán chúng lại cho các nhà đầu tư. Với cách hoạt động như vậy, nền tảng có thể khởi tạo khoản vay cho bên vay một cách chủ động mà không cần đến việc bên vay và bên cho vay phải gặp nhau.

Do đó, bên vay và bên cho vay sẽ giao dịch riêng biệt với nền tảng mà không có mối quan hệ hợp đồng vay với nhau. Các công ty cung cấp dịch vụ CVNH sẽ kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giữa lãi suất trên các khoản vay và tỷ suất lợi nhuận cam kết với nhà đầu tư.

Thị trường CVNH tại Trung Quốc bắt đầu gia tăng rủi ro và xuất hiện ngày càng nhiều các vụ lừa đảo do cơ quan quản lý nhà nước quản lý lỏng lẻo. Các vụ lừa đảo và các nền tảng có vấn đề tăng lên ngày càng nhiều: “Vào cuối năm 2015, nền tảng vay mượn online Ezubao được phát hiện là một thể thức Ponzi với con số lừa đảo kỷ lục là trên 7,6 triệu USD và liên quan đến trên 900.000 nhà đầu tư. Từ vụ lừa đảo của Enzubao, một loạt các Ponzi khác của Trung Quốc bắt đầu lộ diện, năm 2016 các số liệu thống kê của Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc cho thấy khoảng 40% các nền tảng cho vay ngang hàng thực ra là các thể thức Ponzi” (Hoàng Công Gia Khánh & cộng sự, 2021). Các nhà hoạch định chính sách quốc gia này buộc phải tìm cách tiếp cận và đưa ra các quy định quản lý nhằm hạn chế và giảm thiểu các rủi ro. “Tập đoàn Yingean Group, một công ty nghiên cứu ở Thượng Hải ước tính khoảng

một nửa nền tảng P2P của Trung Quốc biến mất trong năm 2018. Họ cũng ước tính rằng 70% số còn lại sẽ ra khỏi ngành vào cuối năm 2019. Nếu dự báo này đúng thì chỉ qua hai năm, quy mô của ngành cho vay ngang hàng đã giảm đi 85% về số lượng nền tảng” (Hoàng Công Gia Khánh & cộng sự, 2021).

Bảng 5. Thống kê liên quan đến các nền tảng thất bại trong hoạt động cho vay ngang hàng tại Trung Quốc qua các năm

Năm Số lượng nền tảng sụp đổ hoặc có

vấn đề

Số lượng nhà đầu tư liên quan (ngàn người)

Giá trị khoản vay liên quan (triệu nhân dân tệ)

2015 1.686 272 16,79

2016 3.407 454 26,59

2017 4.129 576 33,24

2018 5.147 2.154 176,65

2019 5.433 2.162 177,21

Nguồn:wdzj.com

Năm 2016, Uỷ ban quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã ban hành “Các biện pháp tạm thời đối với cho vay ngang hàng 2016”, đây là khung pháp lý toàn diện được ban hành nhằm điều chỉnh về hoạt động CVNH tại quốc gia này. Bao gồm 47 điều khoản, chia làm 5 phần, điều chỉnh tất cả các khía cạnh quan trọng của hoạt động CVNH. Việc không tuân thủ các quy định của “Các biện pháp tạm thời đối với cho vay ngang hàng 2016” có thể bị phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Những khía cạnh chính được quy định gồm có:

Thứ nhất, phạm vi hoạt động của nền tảng vay mượn trực tuyến

Thuật ngữ cho vay trực tuyến đã được định nghĩa tại điều 2 “Các biện pháp tạm thời đối với cho vay ngang hàng 2016” là hoạt động cho vay được thực hiện trực tiếp giữa bên cho vay và bên vay qua nền tảng Internet. Nền tảng cho vay chỉ được đóng vai trò là bên trung gian thông tin trong việc cho vay trực tuyến, chức năng của nó

chỉ là cung cấp các dịch vụ về thông tin như công bố thông tin; trao đổi thông tin; kết nối khách hàng; xếp hạng tín dụng. Như vậy, các công ty cung cấp nền tảng cho vay trực tuyến chỉ được hoạt động như một bên trung gian cung cấp các dịch vụ về thông tin, chứ không được hoạt động như một trung gian tài chính, trực tiếp hay gián tiếp huy động tín dụng và cho vay. Bên vay và bên cho vay trong quan hệ vay mượn trực tuyến trực tiếp giao dịch với nhau, trả vốn gốc và lãi cho nhau. Các công ty cho vay trực tuyến thỏa thuận với bên vay và bên cho vay về mức phí, phương thức thanh toán phí cho dịch vụ thông tin mà các công ty cung cấp. Bên cho vay và bên vay phải đăng ký bằng tên thật của mình và được nền tảng xác minh. Bên cho vay mới là bên có quyền quyết định cho vay, nếu không có sự đồng ý của bên cho vay thì nền tảng không được đưa ra quyết định để thay mặt cho bên cho vay dưới mọi hình thức.

Các biện pháp tạm thời đối với cho vay ngang hàng 2016” cũng đã liệt kê mười hai hoạt động mà nền tảng không được phép thực hiện, bao gồm các hoạt động như:

trực tiếp hay gián tiếp chấp nhận, gộp quỹ của bên cho vay; trực tiếp hay gián tiếp gây quỹ cho chính nền tảng; trực tiếp hay gián tiếp thúc đẩy tín dụng, cung cấp bảo lãnh hay hứa hẹn đảm bảo gốc và lãi cho bên cho vay; thực hiện kinh doanh chứng khoán hóa tài sản; chuyển nhượng giấy nhận nợ dưới dạng tài sản bảo đảm;… Các quy định này đã làm cho các mô hình kinh doanh cho vay P2P như “mô hình đảm bảo lợi nhuận” và “mô hình nền tảng là người cho vay” trở nên bất hợp pháp.

Thứ hai, yêu cầu đăng ký đối với các nền tảng cho vay trực tuyến

Theo quy định tại điều 5 của “Các biện pháp tạm thời đối với cho vay ngang hàng 2016”, để tạo lập một nền tảng cho vay trực tuyến gồm 3 bước. Bước một, được Cơ quan quản lý nhà nước về Công nghiệp và Thương mại và các chi nhánh tại địa phương của các cơ quan này cấp giấy phép kinh doanh thông thường. Bước hai, đăng ký và xác nhận với cơ quan quản lý tài chính tại địa phương nơi công ty vận hành nền tảng cho vay trực tuyến đặt trụ sở. Tại bước này, không có quy định nào về đánh giá triển vọng thực sự, cũng không có quy định về vốn góp tối thiểu, vốn đăng ký hay việc lập quỹ dự phòng. Điều này thể hiện sự nới lỏng trong quy định quản lý của cơ quan nhà nước với hoạt động CVNH, với mục tiêu là để thị trường quyết định số phận các công ty cho vay trực tuyến. Bước cuối cùng, công ty cho vay trực tuyến phải xin

giấy phép kinh doanh viễn thông từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và các chi nhánh tại địa phương của Bộ này.

Ngày 28 tháng 11 năm 2016, CBRC, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Cơ quan quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại đã cùng nhau ban hành Hướng dẫn về “Quản lý hồ sơ và đăng ký đối với các tổ chức trung gian thông tin cho vay trực tuyến” (Hướng dẫn đối với cho vay trực tuyến 2016). Hướng dẫn đưa ra các thông tin liên quan đến đăng ký một số giấy tờ cần thiết, quy trình và thời gian xử lý. Các công ty cung cấp nền tảng cho vay trực tuyến chỉ được chấp nhận nếu họ cung cấp đầy đủ những tài liệu có liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan chính quyền ở địa phương cũng phải đưa ra những quy định riêng về thực thi luật chung của nhà nước cũng như các quy định để thúc đẩy hoạt động cho vay trực tuyến phát triển tại địa phương. Điển hình là vào ngày 14 tháng 01 năm 2017, tỉnh Quảng Đông là tỉnh đầu tiên đã ban hành một văn bản hướng dẫn việc đăng ký. Trong đó, đưa ra những quy định chi tiết, giải quyết các vấn đề về việc đăng ký, các đặc điểm của một nền tảng cho vay được khuyến khích gồm có các cổ đông tổ chức mạnh, vốn góp và vốn đăng ký từ 50 triệu Nhân dân tệ trở lên và thuê những người có kinh nghiệm làm việc tốt trong các tổ chức tài chính để làm quản lý cấp cao.

Thứ ba, giới hạn cho vay và yêu cầu giám sát

Cho vay trực tuyến là một hoạt động rủi ro, về nguyên tắc, đòi hỏi bên vay tham gia vào giao dịch cho vay trực tuyến phải có những hiểu biết nhất định về rủi ro, đầu tư, có kinh nghiệm đầu tư vào các giao dịch tài chính không đảm bảo vốn gốc và phải thành thạo việc sử dụng Internet. Các công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến phải cảnh báo bên cho vay những rủi ro và những sản phẩm bị cấm và được bên vay xác nhận.

Bên cạnh đó, các công ty này cũng có nhiệm vụ đưa ra những đánh giá về độ tuổi, khả năng tài chính, kinh nghiệm đầu tư, khẩu vị rủi ro và mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. Các nền tảng cho vay không được phép cung cấp dịch vụ khi chưa đưa ra các đánh giá về nhà đầu tư.

Nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra, đã có quy định về số vốn đầu tư tối đa đối với mỗi loại nhà đầu tư. Theo đó, số tiền cho vay của một cá nhân tại một nền tảng cho vay trực tuyến không được vượt quá 200.000 Nhân dân tệ, con số này

đối với tổ chức là không quá một triệu nhân dân tệ. Bên cạnh đó, con số giới hạn đối với tổng các khoản tiền cho vay trên các nền tảng trực tuyến với một cá nhân là không vượt một triệu Nhân dân tệ và với tổ chức là không quá năm triệu Nhân dân tệ. Để tránh việc chủ sở hữu nền tảng cho vay trực tuyến đem theo số tiền của nhà đầu tư bỏ trốn thì các công ty cho vay trực tuyến tại Trung Quốc buộc phải quản lý tách bạch số quỹ của công ty với số quỹ của nhà đầu tư, và phải chọn một ngân hàng để giám sát các quỹ đó. Ngày 22 tháng 2 năm 2017, CBRC đã ban hành “Hướng dẫn về việc giám sát đối với quỹ cho vay trực tuyến” (Hướng dẫn về giám sát 2017). Bản hướng dẫn đã đưa ra các quy định chi tiết về cách thức thực hiện việc giám sát và quy định rằng chỉ NHTM mới được cung cấp dịch vụ giám sát quỹ cho các nền tảng. NHTM phải tạo lập một tài khoản giám sát đặc biệt, không được thuê ngoài khi thực hiện các công việc như: mở tài khoản, xử lý thông tin giao dịch và xác nhận mật khẩu trong giao dịch. Bên cạnh đó, cũng quy định rằng các nền tảng chỉ được phép thuê một bên giám sát, tức chỉ được sử dụng dịch vụ tại duy nhất một ngân hàng thương mại. Hướng dẫn cũng quy định rõ rằng các ngân hàng thương mại giám sát không đảm bảo cho các hoạt động cho vay trực tuyến và sẽ không chịu trách nhiệm với các khoản cho vay không được hoàn trả.

Thứ tư, công bố thông tin

Các biện pháp tạm thời đối với cho vay ngang hàng 2016” đã quy định rằng nền tảng cho vay trực tuyến phải công bố trên trang web đầy đủ các thông tin cơ bản của bên vay, thông tin về các dự án cần tài trợ, đánh giá rủi ro có thể xảy ra, việc sử dụng vốn trong những dự án chưa đáo hạn và các thông tin có liên quan cho bên vay.

Phải công bố báo cáo thường niên trên phần quy định của trang web chính thức của nền tảng. Quy định tại “Các biện pháp tạm thời đối với cho vay ngang hàng 2016

cũng đã đưa ra ba cơ chế để đảm bảo tính trung thực, chính xác và đầy đủ của thông tin: Một là, thông tin công bố phải được một công ty kiểm toán kiểm toán định kỳ, nền tảng cũng phải được đánh giá về sự tuân thủ quy định, tính bảo mật và sự lành mạnh về hệ thống thông tin bởi một bên thứ ba. Hai là, phải nộp các thông báo về việc công bố thông tin và những tài liệu liên quan cho việc kiểm tra trong tương lai cho cơ quan quản lý tài chính địa phương, nơi nền tảng thực hiện việc đăng ký kinh

doanh và dán công bố thông tin trước công chúng. Ba là, giám đốc, giám sát viên và những người quản lý cấp cao của công ty cho vay trực tuyến phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách trung thực, cẩn thận, đảm bảo những thông tin công bố ra là đúng, chính xác, đầy đủ, kịp thời, hợp lý, không chứa những thông tin sai lệch, những công bố gây hiểu lầm hay những thiếu xót trọng yếu.

Đến đầu năm 2018, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các địa phương tiến hành tổng điều tra, tiến hành đăng ký, cấp phép đối với toàn bộ các nền tảng cho vay trực tuyến. Đồng thời Chính phủ cũng đưa ra 10 biện pháp giúp giảm thiểu rủi ro từ hoạt động này, bao gồm: chính quyền địa phương phải thiết lập kênh đối thoại để phản hồi những yêu cầu của nhà đầu tư, để kiểm tra các nền tảng; chính quyền địa phương không được cấp phép cho bất kỳ nền tảng mới nào; những người vay tiền không trả nợ đúng hạn sẽ bị đưa vào danh sách đen trong hệ thống xếp hạng tín dụng,… Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã phối hợp với CBRC ban hành “Thông báo về công tác hướng dẫn tăng cường giáo dục và phòng ngừa rủi ro từ mô hình cho vay ngang hàng”, “Biện pháp thi hành tạm thời hoạt động quản lý nghiệp vụ với hoạt động cho vay ngang hàng” để định hướng cho các cơ quan thông tin và truyền thông về chủ trương của Chính phủ đối với hoạt động cho vay qua nền tảng trực tuyến nhằm đẩy mạnh nhận thức của công chúng về những rủi ro có thể xảy ra khi giao dịch trên các nền tảng trực tuyến này.

Một phần của tài liệu Pháp luật về cho vay ngang hàng (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)