Một số giải pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật về cho vay ngang hàng (Trang 69 - 73)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỀ CHO VAY NGANG HÀNG

3.2. Một số giải pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam

Như đã phân tích, Việt Nam chưa có khung pháp lý điều chỉnh đối với hoạt động CVNH mà đang áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và Luật các TCTD, … Tuy nhiên, hoạt động CVNH là một hoạt động, một ngành nghề kinh doanh mới với những đặc thù riêng biệt. Chính vì vậy, việc sử dụng những quy định của hiện có của pháp luật để điều chỉnh hoạt động CVNH sẽ dẫn đến việc nảy sinh những bất cập, hạn chế, không phù hợp như đã phân tích và chỉ ra tại Chương 2. Thực tế đó đòi hỏi phải xây dựng, ban hành một hệ thống quy phạm pháp luật mới phù hợp với những đặc thù riêng biệt của hoạt động cho vay ngang hàng. Việc xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh riêng đối với hoạt động cho vay ngang hàng phải lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về ngành nghề kinh doanh

Phần lớn các công ty P2P Lending ở Việt Nam hoạt động với vai trò là bên trung gian cung cấp thông tin nhưng lại gắn liền với việc cấp tín dụng cho một bộ phận các chủ thể trong nền kinh tế, kết hợp với những tác động và hệ lụy nó tạo ra thời gian qua cho thấy cần thiết phải xếp CVNH vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Khác với các doanh nghiệp thông thường, một doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đi vào hoạt động thì phải hoàn tất các thủ tục, điều kiện mà pháp luật quy định để được cấp giấy phép kinh doanh nhằm đảm bảo lợi ích doanh nghiệp và bảo vệ an ninh quốc gia như: điều kiện về giấy phép kinh doanh có điều kiện, điều kiện về chứng chỉ hành nghề, điều kiện về vốn pháp định,…

Như vậy, đưa P2P Lending vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là vô cùng đúng đắn và cần thiết. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động; phổ cập tài chính; tận dụng tính linh hoạt của kênh dẫn vốn trên nền tảng online; giúp nhà nước quản lý hoạt động của các công ty CVNH tốt hơn, đảm bảo quyền lợi cho người dân, đất nước; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp; giúp phản ánh về hoạt động, quy mô và tổ chức của doanh nghiệp. Hơn hết, còn giúp cơ quan nhà nước siết chặt quản lý, loại bỏ những doanh nghiệp tự giới thiệu là hoạt động CVNH nhưng ẩn sau đó là tiến hành những hành vi bất hợp pháp như cho vay nặng lãi, cầm đồ,...

Thứ hai, về mô hình cho vay ngang hàng

Trước tiên, cần thiết phải có một khái niệm rõ ràng và đầy đủ về hoạt động cho vay ngang hàng, từ đó thấy được bản chất thực sự của CVNH là gì, những chủ thể nào sẽ tham gia vào mối quan hệ cho vay trực tuyến. Sau đó, xác định rõ mô hình cho vay ngang hàng nào được phép hoạt động, mô hình cho vay ngang hàng nào không được phép hoạt động tại Việt Nam.

Trên thực tiễn, đã có nhiều mô hình CVNH biến tướng mang màu sắc của tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Quy định rõ về mô hình CVNH sẽ thấy được vai trò của các công ty CVNH, xác định được đối tượng khởi tạo khoản vay, từ đó làm rõ trách nhiệm của công ty CVNH, các bên tham gia nếu xảy ra tranh chấp. Chẳng hạn, trong trường hợp quy định cho phép các công ty CVNH được đóng vai trò như các ngân hàng, được huy động vốn, tự cho vay và tự thu hồi nợ, kết hợp với việc thực hiện các giao dịch thực hiện hoàn toàn trên nền tảng công nghệ trực tuyến thì có lẽ còn phải đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với cả các TCTD. Vì khi đó, nền tảng sẽ đối mặt với những rủi ro, phải thực hiện những nghĩa vụ giống của các ngân hàng như giám sát bên vay, khoản vay, phân tích, xếp hạng tín dụng chặt chẽ, có cơ chế thu hồi khoản vay,…và hơn hết là yêu cầu phải cực kỳ minh bạch về các thông tin giao dịch trực tuyến.

Tuy nhiên, xét theo đúng bản chất của hoạt động CVNH và để đồng bộ với quy đinh tại Luật các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì các công ty CVNH chỉ nên đóng vai trò là bên trung gian kết nối bên có nhu cầu vốn với nhà đầu tư và duy trì hoạt động dựa trên việc thu phí từ dịch vụ cung cấp thông tin trên. Như vậy,

có thể xem xét quy định mô hình CVNH được hoạt động hợp pháp là mô hình P2P Lending truyền thống, mô hình P2P Lending hợp tác với ngân hàng và cấm các mô hình P2P Lending liên quan đến các công ty cầm đồ, tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Bên cạnh đó, cũng nên khuyến khích mở rộng đối với mô hình cho vay ngang hàng hợp tác với các ngân hàng. Đây là mối quan hệ hợp tác có lợi cho cả hai bên, các công ty CVNH sẽ có thêm vốn đầu tư và có thêm khách hàng, còn các ngân hàng sẽ có thêm cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Thứ ba, về cấp phép hoạt động, giám sát và công bố thông tin

Do vận hành, duy trì hoạt động chủ yếu trên nền tảng trực tuyến, ngoài xin cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp (điều kiện với một doanh nghiệp thông thường), Giấy phép kinh doanh (điều kiện với doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện), thì các doanh nghiệp CVNH cần phải được cấp phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đảm bảo, chất lượng thông tin đủ tiêu chuẩn, hạn chế được sự cố mạng và các rủi ro về công nghệ thông tin khác.

Tiếp theo, để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin xuyên suốt thời gian hoạt động, cần yêu cầu các công ty CVNH nộp các báo cáo thông tin và tài liệu liên quan thường niên cho cơ quan quản lý và thông báo công khai tới công chúng.

Về danh mục những thông tin cần phải công bố có thể tham khảo các quy định quản lý của Trung Quốc do Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc ban hành.

Các thông tin mà công ty P2P Lending phải công bố chia làm ba danh mục thông tin:

mục đầu tiên là những thông tin cơ bản của nền tảng (vốn đăng ký; vốn góp; thông tin quản trị; thông tin kế toán; các sự kiện chia, tách, sáp nhập...), mục hai gồm có thông tin liên quan đến các dự án đang cần tài trợ, mục ba đưa ra các số liệu thống kê liên quan đến nền tảng (tổng giá trị giao dịch; tổng số lượng khoản vay; tổng số người cho vay;...).

Để bảo đảm quyền lợi cho người vay và nhà đầu tư, cần quy định công ty CVNH có nghĩa vụ phải đánh giá cẩn thận thông tin bên vay trước khi cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư; thông báo thông tin tới khách hàng trung thực, chính xác, kịp thời và đầy đủ. Những người quản lý và điều hành của công ty P2P Lending phải thực hiện nhiệm

vụ của mình một cách trung thực, đảm bảo những thông tin công bố là đúng, chính xác, không gây ra những hiểu lầm và thiếu xót.

Dựa trên biến động trên thị trường, mức độ rủi ro cần thiết lập giới hạn tổng số tiền đầu tư và giới hạn tổng số tiền cho vay đối với bên cho vay và bên vay. Tránh tình trạng người vay vỡ nợ, do vay tiền từ nhiều nền tảng CVNH khác nhau và không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư cùng một lúc.

Hơn nữa, để không xảy ra tình trạng chủ sở hữu nền tảng CVNH ôm tiền của nhà đầu tư bỏ trốn thì cần quy định công ty P2P Lending bắt buộc phải tách quỹ của công ty với quỹ của người vay và người cho vay để quản lý, và phải chọn một công ty kiểm toán đủ điều kiện thực hiện giám sát việc quản lý quỹ của công ty.

Thứ tư, về quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay ngang hàng

Một là, quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đối với các công ty cho vay ngang hàng và hoạt động cho vay ngang hàng

Nên quy định giao cho NHNN là cơ quan đầu mối, chủ trì, ban hành chính sách quản lý với hoạt động CVNH. Việc chưa ban hành các quy định pháp luật về cơ quan quản lý các nền tảng kinh doanh trực tuyến khiến các công ty này chưa chịu sự quản lý cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước nào. Không có cơ quan quản lý, hoạch định chính sách khiến cho các công ty tự do hoạt động, lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật, gây ra những vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, để tạo ra sự công bằng đối với các TCTD cũng đang hoạt động và cung cấp các sản phẩm tương tự trên thị trường đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên môn quản lý các công ty CVNH.

NHNN Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là ngân hàng trung ương của nước CHXHCN Việt Nam, NHNN thực hiện chức năng quản lý hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động cho vay của các TCTD. Do đó, sẽ rất phù hợp để giao cho NHNN là cơ quan tham mưu, chủ trì quản lý hoạt động CVNH.

Hai là, ban hành quy định điều chỉnh sự phối hợp giữa các quan nhà nước trong quản lý hoạt động cho vay ngang hàng

NHNN cùng với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với nhau cùng thiết lập nên những chính sách phù hợp, phân rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, tránh tình trạng quản lý chồng chéo và phức tạp như tại Mỹ. Các cơ quan nhà nước cũng cần phối hợp nâng cấp hạ tầng cộng nghệ thông tin, chú trọng những dữ liệu liên quan đến cá nhân,…việc này không chỉ góp phần phát triển hệ thống cho vay ngang hàng mà còn cho cả nền kinh tế quốc gia nói chung. Bên cạnh đó, NHNN có thể đề xuất, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về tài chính, ngân hàng, phổ biến về những rủi ro, hệ lụy của các hoạt động tín dụng đen, cầm đồ, cho vay nặng lãi,…Cuối cùng, quy định về quyền và trách nhiệm quản lý các công ty CVNH từ cấp trung ương đến địa phương.

Một phần của tài liệu Pháp luật về cho vay ngang hàng (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)