CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CHO VAY NGANG HÀNG
2.2. Thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về cho vay
2.2.1. Thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về điều kiện thành lập và hoạt động của công ty hoạt động cho vay ngàng hàng
Thứ nhất, việc xác định cho vay ngang hàng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh nào
Trong quyết định số 27/2018/QĐ-TTg năm 2018 được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ về “Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam”, CVNH không được liệt kê trong danh sách hệ thống ngành nghề kinh tế tại Việt Nam. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 về các ngành, nghề kinh doanh bị cấm tại điều 6 và các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại điều 7 thì có thể thấy hoạt động cho vay ngang hàng đều không thuộc nhóm ngành, nghề bị cấm kinh doanh hay ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, CVNH chưa được pháp luật Việt Nam quy định là ngành, nghề, kinh doanh cụ thể nào.
Do chưa được xác định cụ thể về ngành, nghề kinh doanh nên các doanh nghiệp CVNH ở Việt Nam đang đăng ký hoạt động ở các ngành nghề như: môi giới tài chính, tư vấn tài chính,… Tuy nhiên, có nhiều công ty CVNH còn thực hiện nhiều hơn thế, đó là các hoạt động như hỗ trợ tài chính, cho vay trực tiếp, cung cấp mô hình định giá (lãi suất) khoản vay, trung gian thanh toán, mua/ bán nợ trên thị trường thứ cấp (người cho vay bán lại khoản vay), thu hồi nợ, bảo lãnh khoản vay, công ty cầm đồ. Có khoảng 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa là công ty cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến, phần lớn là có vốn nước ngoài và đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính hoặc kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để thực hiện hoạt động cho
vay tiền, thu hồi nợ (Hoàng Châu, 2021). Rất nhiều công ty CVNH hoạt động kinh doanh như các công ty tài chính nhưng là không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính.
Thứ hai, về mô hình cho vay ngang hàng
Kể từ khi gia nhập vào thị trường Việt Nam đến nay, đã xuất hiện rất nhiều mô hình CVNH khác nhau, nhưng phổ biến là mô hình CVNH truyền thống và mô hình CVNH hợp tác với ngân hàng. Với hai mô hình này, các công ty P2P Lending đóng vai trò là bên trung gian cung cấp thông tin hoặc đại lý môi giới kết nối bên vay và bên cho vay với nhau. Ngoài ra, còn xuất hiện một số mô hình CVNH khác mà ở đó công ty CVNH đóng vai trò như các ngân hàng, tự huy động vốn rồi cho vay hay những công ty cầm đồ tự xây dựng website và app để cho vay nặng lãi hay liên kết với công ty công nghệ để ứng dụng trong hoạt động cho vay nặng lãi, cầm đồ. Đây chính là những mô hình biến tướng hoạt động CVNH, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) trong năm 2021 đưa ra thông tin rằng rất nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến hoạt động dưới hình thức tín dụng đen, những ứng dụng này thực hiện việc thay đổi tên hay không công khai thông tin minh bạch trên trang web để tránh bị cơ quan chức năng để ý, theo dõi (như Tamo, Ucash, Vdong,…).
Theo quy định của pháp luật, cho vay là hình thức cấp tín dụng (điều 4 Luật các TCTD 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)) và thuộc một trong số các nghiệp vụ của hoạt động ngân hàng. Mà hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện của các TCTD và được cấp phép, chịu sự quản lý từ NHNN. Tại điều 8 Luật các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định rằng cấm các cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng. Qua đó thấy rằng chỉ các TCTD mới được thực hiện hoạt động ngân hàng.
Như vậy, đối với những mô hình P2P Lending mà nền tảng đóng vai trò là một bên trung gian cung cấp thông tin thì không vi phạm quy định của Luật các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, đối với một số mô hình CVNH
mà nền tảng đóng vai trò như một ngân hàng (tự huy động vốn rồi tự cho vay) hay mô hình CVNH có sự kết hợp với các công ty cầm đồ để cho vay nặng lãi thì đang vi phạm quy định tại Điều 8 của Luật các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Lý do là các công ty CVNH này không phải là các TCTD nhưng lại thực hiện hoạt động ngân hàng của các TCTD.
Nói chung, mặc dù chưa có hành lang pháp lý đối với mô hình CVNH nào được hợp pháp hoạt động nhưng qua quy định tại Điều 8 Luật Các TCTD 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể gián tiếp hiểu rằng chỉ những công ty P2P Lending hoạt động với vai trò là bên trung gian cung cấp thông tin, kết nối bên vay và bên cho vay với nhau mới hợp pháp, còn các công ty CVNH tự thực hiện hoạt động huy động vốn rồi cho vay hay các công ty cầm đồ kết hợp với công ty công nghệ để cho vay nặng lãi là hoạt động không đúng với bản chất của CVNH và đang vi phạm quy định của Luật các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trên thực tế, phần lớn các công ty CVNH ở Việt Nam hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng truyền thống (bảng 7), chủ yếu hướng đến một số đối tượng như cá nhân (vay tiêu dùng, ngắn hạn) và DNVVN. Các công CVNH cung cấp nền tảng công nghệ để kết nối bên vay với bên cho vay, và hưởng phí dịch vụ, không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên vay không thanh toán được tiền cho nhà đầu tư (hình 7,8).
Bảng 7. Danh sách các công ty P2P Lending đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay
Nguồn: Lender.vn, 19/03/2020 Hình 7. Mô hình hoạt động của Interloan
Hình 8. Mô hình hoạt động của Lendbiz
Để gia tăng những tiện ích cho khách hàng thì các công ty CVNH còn hợp tác với các ngân hàng trong việc thanh toán, quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng (Công ty cổ phần Interloan hợp tác với ba ngân hàng Sacombank, Nam Á Bank và Vietcapital Bank; Công ty cổ phần Tima hợp tác với NCB, Nam Á Bank; Công ty cổ phần Lendbiz hợp tác với PG Bank, VIB…(Cấn Văn Lực & cộng sự, 2022)).
Bên cạnh đó, có những công ty P2P Lending hoạt động dưới mô hình cho vay ngang hàng hợp tác với ngân hàng. Theo đó, các công ty CVNH sẽ thực hiện việc tìm kiếm khách hàng, còn các ngân hàng sẽ hợp tác với công ty CVNH để cho vay khách
hàng (Công ty cổ phần Dragon Bank hợp tác với các ngân hàng: OCB, Shinhan Bank, HDBank, ACB, UOB, VPBank, TPBank, MSB; công ty cổ phần Gobear kết nối với BaovietBank, Citibank, DongA Bank, Eximbank, HD Bank; The Bank có các đối tác tài chính là: FE Credit, Techcombank, Manulife, VPBank, UOB, Shinhan Bank, BIDV, ABBank, Sacombank,…(Cấn Văn Lực & cộng sự, 2022)).
Thứ ba, về vấn đề đăng ký kinh doanh và cấp phép hoạt động đối với các công ty hoạt động cho vay ngang hàng
Tương tự như hai vấn đề đã được đề cập ở trên, khuôn khổ pháp luật về việc đăng ký kinh doanh và cấp phép hoạt động đối với các công ty hoạt động cho vay ngang hàng chưa được ban hành. Hiện các công ty CVNH tuân thủ quy định Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan trong việc đăng ký kinh doanh và hoạt động. Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng của Chính phủ năm 2020 cũng cho rằng các tổ chức công nghệ tài chính (bao gồm cả các tổ chức trong lĩnh vực cho vay ngang hàng) là những tổ chức không phải ngân hàng, được hình thành và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Các công ty muốn thành lập hoạt động trong lĩnh vực CVNH sẽ phải nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính. Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty cần có đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;
c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí”.
Về hình thức pháp lý, các doanh nghiệp CVNH không bị pháp luật ràng buộc thuộc loại hình doanh nghiệp nào. Thực tế, đa phần các công ty CVNH ở Việt Nam hoạt động dưới loại hình công ty cổ phần (CTCP Tập đoàn Tima; CTCP Đổi mới Công nghệ tài chính Fiin; CTCP Eloan; CTCP Vay Mượn; …).
Thống kê của NHNN cho biết có khoảng 40 công ty P2P Lending thực sự (không tính con số của các công ty CVNH nhưng ẩn náu hoạt động tín dụng đen, cầm đồ,…) đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, trong đó có một số công ty có nguồn gốc trong nước và có cả một số công ty có nguồn gốc từ nước ngoài (Trung Quốc, Singapore,...). Các công ty CVNH ở Việt Nam chủ yếu có trụ sở hoạt động ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô nhỏ nên còn hạn chế trong phòng ngừa rủi ro. Phần lớn các công ty có vốn điều lệ dưới mười tỷ đồng, rất ít công ty có vốn điều lệ lớn hơn con số này.
Bên cạnh những doanh nghiệp CVNH hoạt động tốt, như đã đề cập ở các phần trên thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp khác lợi dụng việc pháp luật Việt Nam chưa có quy định quản lý đối với CVNH nên núp bóng công ty CVNH để hoạt động bất hợp pháp. Chẳng hạn như việc huy động vốn cho doanh nghiệp mình hay tạo ra các khoản vay ảo rồi sử dụng vào mục đích khác. Dòng tiền đi vào công ty không minh bạch, sau đó được dùng cho những hoạt động đầu tư mạo hiểm. Đến khi thị trường không còn thuận lợi, các công ty mất khả năng thanh toán, không hoàn trả được tiền cho nhà đầu tư, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế. Hay trường hợp một số công ty tại Trung Quốc chuyển sang hoạt động bất hợp pháp tại thị trường Việt Nam sau khi Chính phủ nước này đưa ra những quy định quản lý khắt khe hơn đối với hoạt động cho vay trực tuyến. Vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do những đối tượng người Trung Quốc và đồng bọn thực hiện trong năm 2021 tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố là một ví dụ điển hình và đã bị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh điều tra (Hoàng Châu, 2021).
Tóm lại, mặc dù các công ty P2P Lending đa phần chỉ đóng vai trò là bên trung gian thông tin trong hoạt động cho vay trực tuyến, nhưng hình thức cho vay này còn rất mới và nó gắn với hoạt động ngân hàng (cho vay). Hơn nữa, tuy chịu sự điều chỉnh từ BLDS năm 2015 như những giao dịch vay thông thường, nhưng có thể thấy hoạt động này có tính phức tạp hơn nhiều so với những giao dịch vay trong dân sự. Có thể P2P Lending chưa tác động sâu sắc lên nền kinh tế như hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, nhưng những lợi ích trong việc phổ cập tài chính, tạo dòng vốn ngắn hạn và nhanh chóng cho nền kinh tế, kết hợp với những rủi ro và biến tướng của P2P Lending cũng cho thấy những ảnh hưởng nhất định của nó đến sự phát triển của nền kinh tế, an toàn của hệ thống tài chính và sự ổn định của xã hội. Do đó, việc chưa được quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ chịu sự điều chỉnh của BLDS năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020 hay Luật Đầu tư năm 2020 là chưa đủ và chưa phù hợp với hoạt động CVNH. Sớm ban hành khung pháp lý điều chỉnh riêng dành cho CVNH là việc làm vô cùng cấp bách và cần thiết trước sự phát triển ngày càng sâu rộng và phát sinh nhiều rủi ro chưa được kiểm soát đầy đủ của hoạt động này.
2.2.2. Thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về lãi suất cho vay ngang hàng
Nếu như vấn đề điều kiện cấp giấy phép và đăng ký kinh doanh các công ty CVNH đang thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020, thì vấn đề lãi suất trong hoạt động cho vay ngang hàng đang chịu sự điều chỉnh của quy định về lãi suất cho vay trong BLDS năm 2015. Hoạt động CVNH được coi như những giao dịch cho vay thông thường trong quan hệ dân sự nên hợp đồng cho vay giữa bên vay và bên cho vay trong hoạt động CVNH là hợp đồng vay tài sản và phải tuân thủ các quy định pháp luật từ điều 463 đến điều 471 trong BLDS năm 2015. Theo đó, mức lãi suất cho vay theo quy định của BLDS năm 2015 là do các bên trong hợp đồng thỏa thuận với nhau và không được vượt quá 20%/năm ( Điều 468 BLDS năm 2015).
Như đã đề cập ở phần đặc điểm của hoạt động CVNH tại chương 1, CVNH được coi như giải pháp tài chính thay thế, do nó cung cấp vốn ngắn hạn cho những
cá nhân, doanh nghiệp nhỏ không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng, hay không thích thủ tục vay khắt khe của ngân hàng, hoặc không có tài sản bảo đảm nên lãi suất trong CVNH thường khá cao. Mức lãi suất trong CVNH được thiết lập bởi hệ thống đánh giá của chính công ty cung cấp nền tảng cho vay trực tuyến. Công ty P2P Lending sẽ đánh giá để đưa ra mức lãi suất phù hợp dựa trên những nghiên cứu đặc thù về khách hàng, ứng dụng công nghệ thẩm định tín dụng, thông tin từ tài khoản tín dụng, thuật toán dữ liệu lớn,…
Bản chất của CVNH là một hoạt động tài chính hướng đến nhu cầu về vốn thực sự, nền tảng P2P Lending chỉ đóng vai trò là cầu nối cung cấp thông tin giữa bên có nhu cầu về vốn và bên có số vốn nhàn rỗi với nhau. Tuy nhiên, hoạt động CVNH đang bị biến tướng thành màu sắc của tín dụng đen, rất nhiều công ty CVNH thực hiện trái quy định pháp luật trong BLDS năm 2015 bằng việc cho vay với mức lãi suất lớn hơn rất nhiều 20%/năm hoặc cho vay với mức lãi suất thấp hơn 20%/năm nhưng lại áp thêm rất nhiều chi phí khác như chi phí tư vấn, chi phí bảo hiểm, … Chẳng hạn như trường hợp của trang web cho vay robocash.vn: “không công bố lãi suất trên website và quảng cáo vay càng nhiều, phí và lãi suất càng ít, song khi khách hàng đặt lệnh vay 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày, thì tổng số tiền mà khách phải thanh toán lên tới 15.465.000 đồng. Như vậy, chi phí và lãi vay lên tới 54,65%/tháng, tức 655%/năm. Có thể thấy, dù mang danh nghĩa là cho vay ngang hàng, nhưng thực chất là tín đụng đen với lãi suất cao ngất ngưởng. Đáng nói hơn, nếu đã lỡ vay tiền, mà không trả đúng hạn, thì lãi mẹ đẻ lãi con và lúc này, lãi suất sẽ tiếp tục nhảy theo cấp số nhân. Để đòi nợ, các đối tượng sẽ dùng nhiều thủ đoạn như đe dọa, hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa người thân của những người vay nợ nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ” (Hà An, 2019).
Mức lãi suất quá cao khiến cho nhiều người vay không có khả năng trả nợ, dẫn tới nhà đầu tư lâm vào cảnh mất trắng số tiền đầu tư. Đặc biệt đáng báo động với những trang web cho vay như robotcash.vn, những công ty bên ngoài tự giới thiệu là công ty CVNH nhưng thực chất là các công ty cầm đồ, các công ty cho vay nặng lãi triển khai cho vay với mức lãi suất cao cắt cổ, vi phạm quy định trong BLDS năm 2015. Hậu quả theo sau là tình trạng nợ xấu tăng cao, là những hoạt động đòi nợ thô
bạo mang tính xã hội đen, gây phiền nhiễu và ảnh hưởng đến ổn định, trật tự an toàn của xã hội.