CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CHO VAY NGANG HÀNG
2.2. Thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về cho vay
2.2.4. Thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quản lý nhà nước với hoạt động cho vay ngang hàng
Cơ quan nào sẽ đóng vai trò là cơ quan chuyên trách đứng ra quản lý hoạt động CVNH đến nay chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào (từ Luật đến Nghị định hay Thông tư). Thế nên, khi có vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động CVNH, các cơ quan quản lý còn lúng túng, chưa xác định được liệu rằng họ có quyền hạn hay trách nhiệm gì liên quan không và mức độ liên quan đến đâu. Trong bối cảnh P2P Lending ngày càng có tác động sâu rộng đến nền kinh tế, Chính phủ đã giao cho NHNN – cơ quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ và ngân hàng làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai tìm hiểu, nghiên cứu
nhằm xây dựng Nghị định Quy định về cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động P2P Lending4.
Dưới quan điểm, và những định hướng của Đảng, Chính Phủ đã bắt đầu triển khai việc xây dựng những chính sách nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên thành quả của cuộc CMCN 4.0. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực cuộc CMCN 4.0. Cũng trong năm này, nhằm xây dựng và quản lý hệ sinh thái Fintech để giúp các công ty tài chính công nghệ có môi trường phát triển lành mạnh, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực Fintech.
Trong cuộc họp báo diễn ra vào tháng 4 năm 2019, để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng Quý I/2019 của NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có chia sẻ rằng có nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật qua nền tảng CVNH, Chính Phủ đã giao cho NHNN là cơ quan đầu mối về nghiên cứu về hoạt động CVNH. Từ kinh nghiệm về hoạt động CVNH tại các nước trên thế giới, NHNN đã đề xuất cho thực hiện thí điểm P2P Lending là ngành kinh doanh có điều kiện.
Cũng trong năm 2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án kinh tế chia sẻ, trong đó đưa ra vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động CVNH và giao cho NHNN xây dựng, nghiên cứu Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong hoạt động ngân hàng và nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.
4 Cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox) bắt nguồn từ nước Anh, cho phép một số doanh nghiệp Fintech (doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính, P2P Lending cũng thuộc lĩnh vực này) tham gia thử nghiệm trong phạm vi và thời gian nhất định mà không bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, các doanh nghiệp tham gia thử nghiệm sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý sẽ giám sát, đánh giá hoạt động, sau đó tìm ra những kẽ hở để đề ra các phương án dự phòng rủi ro, ngăn chặn sự thất bại, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia của các công ty Fintech. Từ đó, giúp các nhà làm chính sách đưa ra được nhưng quy định pháp lý phù hợp với hoạt động trên thực tiễn. Khi tham gia vào hoạt động thử nghiệm, độ uy tín của các công ty Fintech sẽ tăng lên trên thị trường. Không phải doanh nghiệp nào cũng được tham gia cơ chế thử nghiệm. Chỉ những doanh nghiệp đạt đủ điều kiện do cơ quan quản lý đề ra mới được tham gia thử nghiệm (tham khảo điều 9 quy định về Tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech trong Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng của Chính phủ năm 2020).
Tiếp thu những chỉ đạo và chủ trương của Chính phủ, NHNN đưa ra Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (trong đó xác định một số vấn đề bất cập và nêu đánh giá tác động chính sách khi xây dựng Nghị định này) và Tờ trình Đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong hoạt động ngân hàng (NHNN nêu sự cần thiết phải ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong hoạt động ngân hàng; mục đích và quan điểm xây dựng Nghị định; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định và mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện chính sách trong Đề nghị xây dựng Nghị định) trình Chính phủ vào năm 2020.
Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng với 21 điều, chia làm 5 chương. Chương thứ nhất là những Quy định chung về phạm vi điều chỉnh; đối tượng điều chỉnh của nghị định; phần giải thích một số từ ngữ quan trọng (công nghệ tài chính, cơ thế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và tổ chức công nghệ tài chính); mục tiêu của việc thực hiện cơ chế thử nghiệm (5 mục tiêu); nguyên tắc xét duyệt tổ chức muốn tham gia cơ chế thử nghiệm; cơ quan quản lý đóng vai trò tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký. Chương thứ hai quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đăng ký, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm dành cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ đổi mới muốn tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech trong hoạt động ngân hàng. Quá trình giám sát thử nghiệm và rút khỏi thử nghiệm sẽ được quy định rõ trong chương ba của Dự thảo Nghị định. Cuối cùng, nội dung chương bốn và năm lần lượt là về trách nhiệm của các bên liên quan (tổ chức tham gia thử nghiệm; NHNN Việt Nam; trách nhiệm của các Bộ, ngành) và điều khoản thi hành.
Đến năm 2021, Chính phủ đã chính thức thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng tại Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/09/2021. Theo Nghị quyết, Chính phủ giao cho NHNN là cơ quan thực hiện chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng Nghị định.
Trước những rủi ro và sai phạm đã xảy ra của các công ty CVNH suốt thời gian qua thì Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra những khuyến cáo đối với người tiêu dùng. Theo Cục, người dùng nên cân nhắc kỹ càng trước khi cung cấp những thông tin cá nhân của mình khi đăng ký khoản vay; nghiên cứu rõ những thông tin trước khi giao dịch; nghiên cứu kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi giao kết; phải chú ý đến các loại chi phí phải trả khi thực hiện vay trên nền tảng trực tuyến và yêu cầu gửi bản sao hợp đồng sau khi ký.
Để đảm bảo an toàn cho các TCTD, NHNN đưa ra khuyến nghị với các TCTD về hoạt động CVNH trong Công văn số 5228/NHNN-CSTT ngày 08/07/2019:
Một là, TCTD cần nghiên cứu, tìm hiểu về những rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh của hoạt động CVNH, để hướng dẫn, thông báo trong chính nội bộ của TCTD.
Hai là, TCTD phải thận trọng trong việc ký kết, thực hiện những thỏa thuận hợp tác với các công ty CVNH.
Ba là, TCTD nếu hợp tác với các công ty CVNH thì phải xem xét về tính minh bạch, đầy đủ, trung thực trong công bố thông tin của các công ty CVNH.
Bốn là, khi hợp tác, giao dịch và kết nối với các công ty CVNH, TCTD phải đảm bảo thực hiện một cách an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Cho vay ngang hàng đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới với các mô hình CVNH đa dạng tại mỗi quốc gia khác nhau. Nội dung chủ yếu trong chương 2 là phân tích, đánh giá, so sánh thực trạng quy định pháp luật về P2P Lending tại hai thị trường CVNH lớn nhất trên thế giới hiện nay là Trung Quốc và Hoa kỳ. Sau đó, tập trung đi sâu tìm hiểu về thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật tại thị trường P2P Lending của Việt Nam để thấy được những bất cập, khó khăn, điển hình nhất trong đó là thiếu xót hành lang pháp lý dành riêng cho lĩnh vực đặc thù CVNH.
Từ đó, đưa ra một số giải pháp và kiến nghị trong Chương 3 để khắc phục những hạn chế và khó khăn đã chỉ ra tại Chương 2.