Những định hướng cơ bản trong việc xây dựng pháp luật cho vay ngang hàng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật về cho vay ngang hàng (Trang 65 - 69)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỀ CHO VAY NGANG HÀNG

3.1. Những định hướng cơ bản trong việc xây dựng pháp luật cho vay ngang hàng ở Việt Nam

Hoạt động CVNH xuất hiện đã tạo thêm một kênh dẫn vốn mới hiệu quả cho nền kinh tế, với những thủ tục nhanh gọn, điều kiện đơn giản và chi phí thấp hơn kênh cấp tín dụng truyền thống của các TCTD. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và hệ lụy xấu nếu không siết chặt quản lý hoạt động của các công ty P2P Lending. Thách thức đặt ra đối với các nhà làm chính sách là cần quy định như thế nào để quản lý tốt các bên tham gia trong quan hệ CVNH, giảm thiểu những rủi ro và duy trì được thị trường CVNH minh bạch, an toàn và công bằng.

Cùng với đó, cũng phải khuyến khích được đổi mới sáng tạo công nghệ, tạo điều kiện cho các cá nhân nhỏ lẻ, các DNVVN tiếp cận được nguồn vốn. Tại Việt Nam, CVNH có rất nhiều tiềm năng phát triển do dân số phần lớn trong độ tuổi lao động, thu nhập tăng nhanh, người dân ưa thích sử dụng công nghệ, việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng còn hạn chế so với các nước trong khu vực và sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0. Thị trường đầy tiềm năng phát triển là cơ hội lớn để phát triển CVNH, nhưng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều tình huống bất cập, rủi ro đối với khách hàng tham gia hoạt động do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và chưa được quản lý chặt chẽ trên thực tế.

Cuộc CMCN 4.0 mang lại vô vàn những cơ hội và thách thức mới cho đất nước, trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành những văn bản chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, gồm có việc tạo điều kiện đối với các sản phẩm, mô hình, dịch vụ kinh doanh mới, ứng dụng những thành quả của cuộc CMCN 4.0.

Trước hết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra một quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 rằng chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng mạng tính cấp bách và lâu dài đối với cả hệ thống chính trị và xã hội, là

giải pháp đột phá, là cơ hội để bứt phá phát triển kinh tế xã hội. Cuộc CMCN 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức, nhưng phải biết nắm lấy cơ hội để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh cho nền kinh tế và chủ động phòng ngừa những tác động tiêu cực đến an ninh, quốc phòng, công bằng xã hội. Cần tiếp cận với nó một cách mở, sáng tạo, tránh những biểu hiện thụ động, nóng vội, duy ý chí. Để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 thì cần phát huy tối đa và bảo đảm các nguồn lực, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Trong phần “Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia”, Ban chấp hành Trung ương Đảng cho rằng cần xây dựng cơ chế quản lý môi trường kinh doanh số, sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm đối với hoạt động kinh doanh ứng dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0.

Tiếp theo, tại Nghị quyết 69/2018/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Quốc hội đã đưa ra mục tiêu tổng quát về việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng một cách hiệu quả Cuộc CMCN 4.0. Để đạt được mục tiêu tổng quát đó, nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra là phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chính sách phát triển khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, tăng cường chuyển giao công nghệ và tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo chủ trương của Chính phủ, cần thiết lập cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh, tạo không gian cho đổi mới sáng tạo, sớm ban hành khung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thực hiện thí điểm những sản phẩm, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0 và phải xác định rõ phạm vi thời gian, không gian đói với việc triển khai thử nghiệm, thí điểm.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra quan điểm về việc triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox) và thúc đẩy mô hình mô hình kinh tế chia sẻ trong Quyết định số 999/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ngày 12/08/2019.

Như vậy, quan điểm của Đảng và nhà nước vừa nhất quán vừa phát triển ngày càng hoàn thiện hơn để phù hợp hơn với từng giai đoạn của đất nước. Chủ trương của Đảng và nhà nước là cần phải nhanh chóng bắt kịp xu thế, thay đổi, chớp lấy thời cơ, tận dụng những thành quả của cuộc CMCN lần thứ tư đem lại để phát triển kinh tế, xã hội và khẩn trương tiến hành thí điểm cơ chế quản lý thử nghiệm đối với các doanh nghiệp Fintech nói chung và các doanh nghiệp P2P Lending nói riêng.

Tóm lại, những định hướng, chủ trương trên là những cơ sở, tiền đề cho việc ban hành khuôn khổ pháp luật cho hoạt động CVNH tại Việt Nam. Những định hướng trên chỉ có thể phát huy thực sự nếu chúng được kết hợp hài hòa và khoa học với những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng pháp luật.

Cuối cùng, xây dựng pháp luật về cho vay ngang hàng đặt ba vấn đề chính sau:

Thứ nhất, pháp luật về hoạt động cho vay ngang hàng cần xây dựng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc xây dựng pháp luật về hoạt động P2P Lending theo thông lệ quốc tế là điều tất yếu để đảm bảo hội nhập, cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay chưa có một khuôn khổ quốc tế chung nào dành cho hoạt động CVNH, do hoạt động này còn liên tục biến đổi và phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ toàn cầu. Thay vào đó, có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có thị trường CVNH phát triển trên thế giới như của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc xây dựng quy định pháp luật phải đồng nghĩa với việc đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm để giảm thiểu tối đa nhưng rủi ro có thể xảy ra trên thực tế.

Chẳng hạn, có thể tham khảo quan điểm của Nemoto và cộng sự (2019), rút ra từ việc tổng hợp, nghiên cứu kinh nghiệm về hoạt động CVNH của của các nước trên thế giới những năm qua cho rằng, quản lý hoạt động P2P Lending ở một quốc gia phải đảm bảo có đủ các điều kiện sau đây:

(i) Nền tảng cho vay ngang hàng cần là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả cho một bộ phận xã hội rộng lớn.

(ii) Nền tảng cho vay ngang hàng cần tạo điều kiện cho người vay tiếp cận với nguồn vốn đáng tin cậy và hợp lý với các điều khoản công bằng.

(iii) Nền tảng cho vay ngang hàng cần có khả năng phân loại được những người vay dựa trên rủi ro vỡ nợ.

(iv) Nền tảng cần cung cấp cho các nhà đầu tư các hiểu biết chính xác về rủi ro tín dụng và các nhà đầu tư nên nắm giữ ít nhất một số rủi ro để ngăn ngừa rủi ro đạo đức.

(v) Các nền tảng cho vay yếu có thể ra khỏi thị trường mà không gây thiệt hại cho các nhà đầu tư hoặc gây ra thiếu hụt tài trợ cho người vay.

(vi) Cho vay phải đủ mạnh trong thời kỳ suy thoái trong chu kỳ kinh tế để ngăn ngừa việc dừng cho vay đột ngột, lãi suất cho vay quá cao và các vấn đề bất ổn hệ thống từ sự sụp của các nền tảng cho vay.

(vii) Cần duy trì thị trường cạnh tranh giữa các nền tảng cho vay ngang hàng để thúc đẩy sự lựa chọn của người tiêu dùng; ngăn chặn độc quyền, hoặc thực hành độc quyền; và tránh rủi ro hệ thống của sự phụ thuộc quá mức vào một hoặc một số ít nền tảng.

(viii) Nền tảng này phải hữu ích cho xã hội và phục vụ nền kinh tế thực sự

(Hoàng Công Gia Khánh & cộng sự, 2021).

Thứ hai, pháp luật phải phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế quốc gia

Nội dung quy định pháp luật trong lĩnh vực P2P Lending phải phù hợp với các quy luật kinh tế, điều kiện kinh tế đất nước trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, nó phải phản ánh đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân, bảo vệ lợi ích cho các tầng lớp xã hội khác nhau trong xã hội trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, những quy định ấy cũng phải phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước.

Thứ ba, pháp luật phải bảo đảm công bằng, minh bạch, thống nhất và khả thi

Những quy định pháp luật đối với lĩnh vực CVNH phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ (không mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành), tính khả thi và tính toàn diện (quy định đầy đủ các vấn đề). Ngoài ra, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành cần đảm bảo sự công bằng với các chủ thể khác trong nền kinh tế, phải được công bố rộng rãi đến công chúng trước khi có hiệu lực pháp luật.

Một phần của tài liệu Pháp luật về cho vay ngang hàng (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)