CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA JICA Ở VIỆT
2.1. Khái quát về quan hệ hợp tác Nhật Bản – Việt Nam
Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới có những biến động sâu sắc, tất cả các quốc gia, dân tộc, nhất là các cường quốc lớn, trong đó có Nhật Bản đã
điều chỉnh đường lối, chính sách đối ngoại của mình phù hợp với tình hình mới của quốc tế và khu vực, đáp ứng lợi ích cao nhất của mỗi nước. Dựa vào nền tảng kinh tế mạnh của mình, sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại hết sức khôn khéo, mềm dẻo, nhằm xây dựng một vị thế vững mạnh, độc lập và toàn diện hơn trên trường quốc tế.
Nhật Bản thực hiện chính sách đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại, giảm bớt phụ thuộc vào chính sách đối ngoại của Mỹ, tăng cường quan hệ với các nước từ trước đến nay chưa có tiền sử quan hệ, đặc biệt là Châu Á. Đồng thời thực hiện chính sách ngoại giao dựa trên đối thoại, hợp tác, cạnh trạnh, hai bên cùng có lợi, làm cho thế giới biết đến Nhật Bản như một quốc gia chuộng hoà bình, không mưu cầu chiến tranh. Mặt khác, từ những năm 1990, Nhật Bản cũng tích cực viện trợ ODA và đưa ODA lên thành quốc sách. Hiến chương “ODA của Nhật Bản đã trở thành một trụ cột quan trọng trong nhiệm vụ đóng góp quốc tế và là một phương sách có ý nghĩa trong chính sách ngoại giao”. Chính sách đối ngoại trên với mục tiêu khẳng định mạnh mẽ hơn vị trí, vai trò của Nhật Bản trong quan hệ quốc tế sao cho tương xứng với tiềm năng và tiềm lực của mình, đồng thời bảo đảm một môi trường khu vực ổn định, hướng tới khẳng định vị trí tiên phong, lãnh đạo trong khu vực.
Cùng nằm ở châu Á – Thái Bình Dương, lại có sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử lâu đời, trong hành trình phát triển của mình, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản gắn kết với nhau một cách tự nhiên. Đây là
nền tảng vững bền cho sự phát triển của quan hệ giữa hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nằm trên các tuyến giao thông biển ở khu vực Tây Thái Bình Dương có nhiều cửa ngõ thông thương ra biển, những hải cảng lớn như Hải Phòng, Cam Ranh, Đà Nẵng, Vũng Tàu… đều rất có ý nghĩa lớn về mặt quân sự, có thể được xem như một yếu tố tác động đến chiến lược an ninh của Nhật Bản và các nước ASEAN. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách thực tiễn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thiết lập chính sách ưu đãi với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Trong con mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản , Việt Nam là thị trường có triển vọng đứng thứ tư toàn cầu , chỉ sau Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Là một nền kinh tế đang trên đà phát triển và hứa hẹn gặt hái nhiều thành công mới trong tương lai, Việt Nam chính là điểm đến giàu tiềm năng trong mắt giới doanh nhân Nhật Bản. Lực lượng lao động trẻ tuổi, siêng năng và có trình độ cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút cho môi trường kinh doanh. Ngoài ra, một đất nước Việt Nam hòa bình và ổn định chính là môi trường đầu tư an toàn mà các nhà đầu tư đang hướng đến trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hơn nữa, từ lâu, Nhật Bản đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Đông Nam Á của mình. Sự ổn định chính trị và hợp tác quốc gia trong khu vực có ý nghĩa tích cực đối với mục tiêu và lợi ích chiến lược của Nhật Bản đồng thời vị trí và tầm quan trọng của Việt Nam trong ASEAN sẽ là nhân tố quan trọng cho sự phát triển nhiều mặt của Nhật Bản. Trong cuộc chạy đua tìm kiếm đồng minh, viện trợ ODA là một trong những biện pháp tỏ ra rất hiệu quả. Hơn thế nữa, sự ảnh hưởng của Trung Quốc cũng khiến Nhật Bản phải vùng lên tạo thế cân bằng. Điều này cho thấy tham vọng và mục đích của Nhật Bản là thiết lập một trật tự thế giới mới trên cơ sở tạo lập được niềm tin và sự đồng tình ủng hộ của các nước mang tính cách mạng theo ý muốn của họ. Mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản
có nhiều tiếng nói chung và điểm tương đồng. Con người, đất nước Việt Nam và Nhật Bản đều cần cù, chịu khó, tiết kiệm và tinh thần phấn đấu vươn lên, có lối sống cộng đồng chặt chẽ, có nhiều đặc điểm văn hoá hàng nghìn năm cùng tồn tại trong điều kiện văn minh nông nghiệp lúa nước, cùng tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, và tâm lý tương tự. ODA bản chất là tiền đóng thuế của nhân dân nước tài trợ thông qua cơ quan Chính phủ Nhật Bản và người dân Việt Nam ở các vùng quê đang được hưởng lợi trong việc sử dụng các công trình công cộng xây dựng bằng ODA.
Và thực tế trong suốt 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản không ngừng đổi mới và phát triển toàn diện. Kể từ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 04/1993), hầu hết các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đều đến thăm Nhật Bản. Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10/2006 đã đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, với việc hai bên ký kết Tuyên bố chung “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Tiếp đó, với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã thông qua “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Tháng 04/2009, Chính phủ hai nước nhất trí nâng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Đây được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và sâu sắc hơn giữa hai nước. Sau các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (tháng 10/2010) và chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10/2011), quan hệ song phương lại được mở ra một trang mới với việc lãnh đạo cấp cao
hai nước ký các Tuyên bố chung về “Phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” và “Triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.
Năm 2013, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (21/09/1973 – 21/9/2013) và chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện chính sách nhất quán của Nhật Bản luôn coi trọng, ưu tiên cao quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, cũng như thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi được bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản (tháng 12/2012) và là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng. Đặc biệt, trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 03/2014), hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, mở ra một giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, cả về chiều rộng và chiều sâu. Ngày 15/06/2015, quan hệ song phương càng được củng cố, thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa bởi chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm khẳng định sự coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản. Chuyến thăm được thực hiện hơn một năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới, thúc đẩy các mặt hợp tác song phương, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương, Việt Nam và Nhật Bản còn đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề quốc tế. Trong thời gian qua, Chính phủ hai nước luôn nhất quán chủ trương cùng phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Liên hợp quốc và nhiều cơ chế khác… Ngoài kênh chính thức, Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế ngoại giao kênh II, như: Đối thoại ba bên Việt Nam – Nhật Bản – Mỹ, Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP),… trong nhiều vấn đề an ninh nguồn nước, chống biến đổi khí hậu… Năm 2009, hai nước xác lập khuôn khổ “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Từ đó đến nay, tinh thần đối tác chiến lược đã lan tỏa sâu rộng trong hợp tác hữu nghị không chỉ giữa các cấp, các ngành ở trung ương mà cả giữa các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước; đồng thời đi vào tình cảm và hoạt động giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân, trí thức và thanh niên Việt Nam và Nhật Bản. Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản đã xác lập vững chắc vị thế là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, là nước cung cấp ODA lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài số một, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Phần lớn các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã có mặt và đang kinh doanh hiệu quả, ổn định và lâu dài tại thị trường Việt Nam, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đã và đang được mở ra và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, theo hướng bền vững và lâu dài, như ODA, đầu tư, chiến lược công nghiệp hóa, nông nghiệp,
giáo dục – đào tạo, y tế...Nhật Bản đã trở thành đối tác hàng đầu và quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Với những lợi thế so sánh quan trọng như vị trí địa – chiến lược thuận lợi, chính trị – xã hội ổn định, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số “vàng” và giá nhân công hợp lý, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng, lâu dài của các nhà đầu tư Nhật Bản.