SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC DUY TRÌ VÀ CHUYỂN TẢI CÁC GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN KHU VỰC

Một phần của tài liệu Duy trì và chuyển tải các giá trị kiến trúc đô thị đặc trưng trong bối cảnh phát triển mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu thành phố hồ chí minh (Trang 58 - 62)

VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.4. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC DUY TRÌ VÀ CHUYỂN TẢI CÁC GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN KHU VỰC

1.4.1. Thực trạng phát triển kiến trúc đô thị tại trung tâm hiện hữu

Những đổi thay lớn của kiến trúc đô thị tại trung tâm TPHCM, về thực chất chỉ thực sự diễn ra từ thập niên 1990. Nền kinh tế mở đã làm hồi phục và gia tăng các diễn tiến xây dựng tại trung tâm. Công trình kiến trúc có quy mô và số lượng tăng vọt.

Công nghệ, vật liệu xây dựng và hình thức kiến trúc trở nên đa dạng hơn nhiều so với thời kỳ trước đó.

Quá trình hiện đại hoá này đã đóng góp cho thành phố một số công trình tạo được điểm nhấn mới cho hình ảnh đô thị, như toà tháp Bitexco, khu phức hợp Saigon Pearl…

Xét dưới góc độ gắn kết giữa kiến trúc cũ và mới, có thể ghi nhận mốt số công trình có sự thích ứng khá thành công về quy mô và hình thức với khung cảnh lịch sử của khu vực. Các ví dụ tiêu biểu nhất là toà nhà Metropolitan, Vincom A, khối đế công trình Diamond Plaza, Kho bạc nhà nước mở rộng... Một đặc điểm rất đáng lưu ý là phần lớn công trình cao tầng tại trung tâm hiện hữu đều có bố cục khối đế với chức năng thương mại dịch vụ. Đặc điểm này tạo nên sự gắn kết về quy mô giữa công trình mới với không gian thấp tầng hiện hữu, và góp phần duy trì tính chất sống động cho cảnh quan đường phố. (Hình 1.15)

Các thành tựu nêu trên, trong một chừng mực nhất định đã thể hiện được dấu ấn của quá trình hiện đại hoá vào không gian kiến trúc đô thị tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên với một cách nhìn khách quan thì những dấu ấn này là chưa đủ để khẳng định được chất lượng của kiến trúc mới trong bức tranh kiến trúc tổng thể của khu vực.

Nhìn chung phần lớn công trình mới tuy có biểu hiện kiến trúc đa dạng, nhưng giá trị thẩm mỹ chưa tương xứng với quy mô xây dựng. Diễn tiến xây dựng trong những năm gần đây đã tạo nên một sức ép rất lớn đối với khu trung tâm hiện hữu, dẫn đến một số hiện tượng mang tính cảnh báo đối với nhu cầu bảo vệ các giá trị di sản kiến trúc đô thị ở một mặt, và cả mục tiêu phát triển tiếp nối của đô thị ở một mặt khác.

Thứ nhất là hiện tượng hiện đại hoá “bề nổi” trên cái nền cũ kỹ, lạc hậu của hệ thống hạ tầng đô thị. Hình ảnh “lô cốt” liên tục án ngữ các trục đường đô thị khu vực trung tâm trong suốt cả thập kỷ nay là minh hoạ đơn giản nhưng dễ hiểu nhất của hiện tượng này. Việc cho phép xây dựng nhiều công trình quy mô lớn đã chồng chất thêm tải trọng cho cái nền già nua của hạ tầng kỹ thuật.

Thứ hai là hiện tượng hiện đại hoá thiếu chọn lọc về hình thức. Do chưa có được bộ khung hướng dẫn cần thiết của thiết kế đô thị, các phương án kiến trúc mới chỉ

thuần tuý căn cứ vào những số liệu vô hồn của mật độ, hệ số, khoảng lùi, tầng cao, mà thiếu hẳn định hướng để đạt được sự hài hoà về hình thức với khu vực.

Thứ ba là hiện tượng xây chen nhà cao tầng vào không gian di sản. Thống kê cho thấy trên 100 công trình cao từ 15 tầng trở lên được thoả thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chỉ tính trên địa bàn quận 1,3,4 từ năm 1991 đến nay. Không dưới 50 công trình trong số đó đã được xây dựng hoàn tất. [87] Quá trình xen cấy này đã làm biến đổi các không gian kiến trúc đô thị đặc trưng của trung tâm hiện hữu. Mảng đô thị mật độ thấp tại khu biệt thự Quận 3, mảng đô thị mang sắc màu “thị phố” vùng Chợ Cũ là những khu vực chịu tác động nhiều nhất của quá trình này. Các tuyến đường cảnh quan tiêu biểu như Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ…đã có những biến động lớn về cao độ công trình.

Năm 2007, thành phố còn giới thiệu thêm 20 “khu đất vàng” tại trung tâm để mời gọi đầu tư [87]. Toàn cảnh thực trạng phát triển nêu trên cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, để duy trì được đặc trưng kiến trúc đô thị, việc triển khai các nội dung bảo tồn, thiết kế đô thị cho trung tâm hiện hữu, và giải toả sức ép tăng trưởng cho nó bằng cách mở rộng không gian trung tâm chính là nhu cầu mang tính hiển nhiên và cấp thiết. (Hình 1.16)

1.4.2. Thực trạng bảo tồn di sản kiến trúc đô thị và sự cần thiết của việc duy trì và chuyển tải các giá trị kiến trúc đô thị trong bối cảnh phát triển khu vực trung tâm hiện hữu TPHCM hiện nay

Đối với công tác bảo tồn, ngay từ thời điểm kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển, TPHCM đã sớm triển khai chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. “Thông báo số 46 năm 1996 về Bảo tồn cảnh quan kiến trúc” chủ yếu dựa theo kết quả của nghiên cứu này. Nội dung của nó tạm xác định 108 đối tượng đã được chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đưa vào danh mục và sớm soạn thảo quy chế tạm thời để yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng quy chế bảo vệ. [42] [43][67]

Về nguyên tắc, để danh sách này có hiệu lực thi hành, thành phố phải ban hành quy chế nhằm pháp lý hóa các công trình cần bảo tồn. UBND thành phố đã có một số văn bản chỉ đạo thực hiện đối với các Sở-ngành có liên quan. Tuy nhiên đến thời

điểm này việc thực hiện vẫn “chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đáp ứng được nội dung, yêu cầu theo chỉ đạo của UBNDTP, thiếu số liệu chính xác và phân tích đánh giá, chưa đề xuất tiêu chí cụ thể để phân loại nhóm biệt thự cần bảo tồn, chưa có danh mục công trình bảo tồn, chưa đề xuất quy chế quản lý các công trình bảo tồn” (Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM, năm 2013) [70]

Như vậy, một cách khái quát nhất, có thể nhận thấy rằng hoạt động bảo tồn di sản kiến trúc đô thị ở khu vực trung tâm gần như chỉ mới dừng lại ở ngay công đoạn đầu tiên của nó, là lập nên danh mục các công trình cần được nghiên cứu bảo tồn, tập hợp những mô tả sơ bộ về hình thức kiến trúc và tình trạng kỹ thuật của công trình, cùng với những kiến nghị triển khai công tác bảo tồn. Các bước nghiên cứu và thực hiện tiếp theo của quá trình bảo tồn vẫn chưa được khởi động một cách có hệ thống. Lý do xuất phát từ việc chậm trễ thể chế hoá bảo tồn thành một công đoạn của quy hoạch, thiết kế đô thị. Và ở mức độ chiến lược, thành phố này gần như chưa có được một nghiên cứu căn bản nào để làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách tổng hợp- đa ngành- đồng bộ về các mặt kinh tế- văn hoá- xã hội để có thể hiện thực hoá công tác bảo tồn.

Hậu quả đầu tiên của thực trạng này là hiện tượng các công trình di sản bị tháo dỡ để nhường chỗ cho các dự án xây dựng mới. Thứ hai là hiện tượng dồn nén công trình cao tầng vào trung tâm đã tạo nên nguy cơ phá vỡ cảnh quan đặc trưng của các không gian di sản thấp tầng. Một hậu quả khác là mối liên hệ yếu tố thành phần tại nhiều khu vực cảnh quan kiến trúc đô thị đã không được duy trì chặt chẽ do sự chênh lệch về cả hình thức lẫn quy mô giữa các công trình cũ và mới trong quá trình hiện đại hoá.

Các hiện tượng trên đây đã và đang phản ánh nguy cơ về sự bào mòn ký ức lịch sử trong quá trình phát triển. Trong bối cảnh này, việc triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị kiến trúc đô thị đặc trưng của trung tâm thành phố đã trở thành một nhu cầu rất cấp bách. [20]

Một phần của tài liệu Duy trì và chuyển tải các giá trị kiến trúc đô thị đặc trưng trong bối cảnh phát triển mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu thành phố hồ chí minh (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)