VỰC TRUNG TÂM HIỆN HỮU TPHCM
2.2.3. Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị tại Việt Nam
2.2.3.1. Cơ sở pháp lý Việt Nam về bảo tồn di sản văn hoá
Hiện nay, Việt Nam về cơ bản đã xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất để bảo tồn và phát triển hệ thống di sản văn hóa thông qua các văn bản: Luật di sản văn hóa ban hành năm 2001 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) và Nghị định số 98/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành luật sửa đổi bổ sung năm 2009.
Luật Di sản văn hoá gồm 7 chương, 79 điều. Chương I quy định các điều khoản chung, chương VI quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm, chương VII quy định về các điều khoản thi hành, còn lại 4 chương của Luật là những quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hoá.
Về cơ bản, Luật di sản văn hóa phù hợp với các điều ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam đã tham gia. Luật đề cập cụ thể đến mục đích của luật, khái niệm về di sản văn hóa, di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; quyền và nghĩa vụ của các cá nhân đối với di sản văn hóa.
Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật kể trên, nhà nước còn ban hành nhiều văn bản khác để cụ thể hoá chính sách, phương hướng, mục tiêu cũng như những cách thức để thực hiện hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa. Có thể kể đến Quyết định số 25/1993 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII, 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 nêu vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Quyết định số 36/2005 của Thủ tướng chính phủ, lấy ngày 23/11 hàng năm là “ngày Di sản văn hóa Việt Nam”. Đây là một trong những hành động thiết thực khẳng định giá trị của di sản văn hóa, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. [04]
2.2.3.2. Trường hợp khu 36 phố phường Hà Nội
Khi Hà Nội càng bước gần đến ngày kỷ niệm 1.000 năm thành lập, các chuyên gia về di sản đều lo ngại và kiến nghị rằng, những nhà quản lý phải quyết định dứt khoát nếu không muốn để cho thành phố này lặp lại các bài học mang tính cảnh báo ở Châu Á, khi quá trình hiện đại hoá đã khiến nhiều đô thị đánh mất bản sắc.
Các nhà thiết kế đô thị phải tìm cách để thực hiện một thế cân bằng giữa hiện đại hóa và bảo tồn ký ức đô thị. Sự khó khăn trong việc duy trì thế cân bằng này đã được nhận thấy tại khu phố thị, nơi được xem là linh hồn của Hà Nội với 36 phố phường mà mỗi con đường đều được gọi bằng những cái tên quen thuộc in sâu vào lịch sử. Mặc dù có nhiều người muốn bảo tồn khu vực này, nhưng thực tế cho thấy rằng việc duy trì những nét đặc trưng truyền thống tại đây là một thách thức lớn.
Nguyên nhân chính xuất phát từ việc giá trị di sản đô thị tại đây chưa được nhìn nhận phù hợp, khách quan theo đúng với bản chất của chính nó. Quy chế áp đặt cho khu 36 phố phường Hà Nội là phương thức ứng xử với một khu bảo tàng, khu di tích. Nhưng về thực chất thì cấu trúc vật chất của nó phần lớn đều có niên đại muộn, còn giá trị đích thực vốn in sâu vào những phương thức sinh sống truyền thống, vào văn hoá, vào con người của địa bàn lịch sử đã chưa thực sự được quan tâm.
Khu vực chỉ rộng 3km2 nhưng có đến 15 ngàn gia đình cư ngụ này, đã trở thành một trong những khu vực có dân cư và mật độ cao nhất thế giới. Thực thể đô thị sống động đó đòi hỏi phải được duy trì, cải tạo và thích ứng vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại với tư cách là di sản đô thị, chứ không phải là những di tích bị đóng băng trong bối cảnh đô thị không ngừng vận động và phát triển. [34]
2.2.3.3. Trường hợp khu phố cổ Hội An
Giáo sư Hoàng Đạo Kính đánh giá Hội An là di sản đô thị đầu tiên ở Việt Nam được gọi đúng tên, được nghiên cứu từ nhiều phương diện, bởi nhiều lực lượng chuyên môn khác nhau, trên cơ sở phương pháp luận và bài bản kỹ thuật tương ứng.
Công tác bảo tồn và trùng tu di sản kiến trúc ở Hội An trong hai thập kỷ qua chẳng những khắc phục được tình trạng xuống cấp của các di tích, mà còn nâng cấp diện mạo chung của khu phố cổ, nâng cao chất lượng sống cho cư dân, tạo nên sự đảm bảo cho di sản tồn tại lâu dài.
Thực tiễn bảo tồn di sản đô thị tại đây đã không biến khu phố cổ thành bảo tàng.
Nó tính tới và mở đường cho sự song tồn của hai nhân tố cơ bản: di sản kiến trúc và nhu cầu tiếp tục sống của cư dân và tiếp tục phát triển của đô thị. Nó khả thi về sự chấp nhận tất yếu phần “mềm” và phần “cứng” trong bảo tồn. Nó sát với di tích, được chủ nhân của chúng chấp nhận và ủng hộ. [34]
Thêm nữa, trong những năm qua, Hội An đã trở thành nơi hội tụ của các nhà bảo tồn và khảo cổ học từ các nước, từ các lực lượng chuyên môn quốc nội. Chính sự gặp gỡ và hợp tác của những cách ứng xử đa dạng đã nâng công tác bảo tồn di sản Hội An lên tầm và chuẩn mực quốc tế. Đây là một kinh nghiệm thực tiễn sống động đối với vấn đề bảo tồn di sản đô thị mà các đô thị khác ở Việt Nam có thể tham khảo và rút ra những bài học cần thiết.
Tuy vậy, quan sát thực tế những năm gần đây, chúng ta có thể nhận thấy tại phố cổ Hội An dấu hiệu của hiện tượng được các nhà nghiên cứu quốc tế gọi là
“gentrification”- trung lưu hoá. Quá trình chuyển đổi sở hữu này đã đẩy nhiều cư dân phố cổ đi nơi khác, đồng nghĩa với việc lấy đi của Hội An một phần cung cách sinh hoạt, hồn cốt văn hoá của chính nó. Vấn đề này đã được ICOMOS khuyến cáo trong các văn kiện bảo tồn di sản đô thị những năm gần đây, vì vậy việc kiểm soát quá trình chuyển đổi sở hữu cần được phân tích nghiêm túc để Hội An có thể bảo vệ được các đặc trưng văn hoá của nó một cách bền vững. [78]