VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.5. TỔNG QUAN VỀ CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
1.5.1. Các công trình nghiên cứu khoa học
- Chương trình “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM” của TS.KTS Lê Quang Ninh cùng nhóm tác giả, năm 1996. Là công trình khoa học mở đầu, và cũng là nghiên cứu quy mô nhất về bảo tồn di sản kiến trúc tại TPHCM từ trước đến nay.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được áp dụng bước đầu cho việc pháp lý hoá bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại TPHCM. Cụ thể là danh mục 108 đối tượng bảo tồn do chương trình xây dựng đã trở thành cơ sở cho việc ban hành Thông báo số 46 năm 1996, với nội dung xác định các đối tượng kiến trúc cảnh quan có giá trị để triển khai soạn thảo quy định tạm thời và quy chế bảo vệ. [42] [43]
- Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tìm hiểu di sản kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc trong mối tương quan giữa bảo tồn và phát triển đô thị” (Giới hạn trong kiến trúc Pháp tại TPHCM) của PGS.TS Nguyễn Khởi và THS.KTS Phạm Phú Cường, năm 2008. Kết quả nghiên cứu của đề tài là đúc kết các yếu tố có giá trị bảo tồn của kiến trúc Pháp tại TPHCM; định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc Pháp trong bối cảnh phát triển đô thị tại TPHCM.
- Chương trình nghiên cứu “Bảo tồn Di sản kiến trúc đô thị và chiến lược quản lý di sản trong khu trung tâm lịch sử của TPHCM” của Trung tâm dự báo nghiên cứu đô thị Pháp, năm 2010. Kết quả nghiên cứu của đề tài là đúc kết hiện trạng di sản và các vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản; đề xuất năm chiến lược trọng điểm để nâng cao hiệu quả bảo tồn di sản đô thị, gồm các chiến lược: quy hoạch chung, quy hoạch khu vực di sản, lập và quản lý dự án, triển khai thực hiện, xây dựng văn hoá di sản.
- Đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng Thủ Thiêm như một điểm nhấn của truyền thống lịch sử- văn hoá TPHCM” của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, năm 2010. Kết quả nghiên cứu của đề tài là đúc kết các đặc điểm lịch sử- văn hoá hiện trạng; định hướng chuyển tải những đặc trưng văn hoá Sài Gòn-TPHCM vào không gian đô thị mới Thủ Thiêm. [19]
- Chương trình hành động “Công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM” do UBND TPHCM ban hành ngày 29/5/2013, nhằm xác định các nội
dung,tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể để các Sở- ngành, quận huyện có liên quan tổ chức thực hiện. Chương trình này xác định chín nhóm nội dung cần được triển khai thực hiện, trong đó có các nội dung như: Xác định danh mục các công trình kiến trúc nghệ thuật, quần thể kiến trúc và các công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị; Xác định các đối tượng kiến trúc cảnh quan đô thị cần bảo tồn; Xác định các khu vực kiến trúc cảnh quan đô thị cần bảo tồn; Xây dựng các quy định chung trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị; Xây dựng quy chế bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị đối với các đối tượng khu vực, công trình; Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn...Hiện nay tất cả các nội dung trong chương trình hành động này đang được các cơ quan, đơn vị có liên quan khởi động thực hiện. [70]
1.5.2. Các luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ
- Luận văn Thạc sĩ “Một số vấn đề cải tạo, phát triển trung tâm hạt nhân các thành phố cực lớn của Việt Nam trên quan điểm hiện đại hóa và bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị” của Lê Thanh Sơn, năm 1995. Kết quả nghiên cứu của luận văn là phát hiện và dự báo khả năng phát triển hài hoà giữa hiện đại hoá và bảo tồn di sản kiến trúc của các trung tâm đô thị cực lớn; vận dụng các kiến nghị mang tính nguyên lý vào việc cải tạo và phát triển hạt nhân trung tâm của Hà Nội và TPHCM.
- Luận văn Thạc sĩ “Vấn đề bảo tồn Phố thị trong bối cảnh phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay” (qua ví dụ TPHCM) của Phạm Phú Cường, năm 1996. Kết quả nghiên cứu của luận văn là xây dựng luận cứ khoa học để bảo tồn các khu phố thị dân lịch sử trong bối cảnh phát triển đô thị tại Việt Nam. Kết quả được thể hiện thông qua các nội dung cụ thể: nhận dạng các giá trị cần bảo tồn của di sản kiến trúc tại các khu phố thị dân lịch sử; định hình các giải pháp duy trì thế cân bằng động giữa bảo tồn với nhu cầu phát triển đô thị; minh hoạ kết quả nghiên cứu thông qua ứng dụng vào các trường hợp Chợ Cũ và Chợ Lớn tại TPHCM.
- Luận án Tiến sĩ “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc trung tâm lịch sử đô thị Hà Nội theo hướng du lịch văn hoá” của Nguyễn Vũ Phương, năm 2006. Kết quả nghiên cứu của luận án là xây dựng các quan điểm bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc với mô hình phát triển du lịch văn hoá bền vững tại trung tâm lịch sử Hà Nội; xây dựng phương pháp, tiêu chí đánh giá tiềm năng di sản trung tâm lịch sử
Hà Nội, phân vùng không gian kiến trúc đặc trưng để xác định các biện pháp can thiệp; đề xuất các nguyên tắc và phương pháp bảo tồn, cải tạo và kiểm soát phát triển xây dựng trung tâm lịch sử Hà Nội, áp dụng nghiên cứu cho một ô phố thí điểm.
- Luận văn Thạc sĩ “Duy trì tính đa dạng kiến trúc đường phố Chợ Lớn-TPHCM”
(lấy đường Triệu Quang Phục làm ví dụ) của Nguyễn Thị Tuyết Mai, năm 2007. Kết quả nghiên cứu của luận văn là xác định các giá trị nhiều mặt của di sản đô thị Chợ Lớn; đề xuất định hướng vả giải pháp duy trì bền vững các đặc điểm và giá trị di sản trong sự kết hợp với phát triển tiếp nối để đảm bảo tính khả thi của bảo tồn.
- Luận án Tiến sĩ “Bảo tồn và phát triển giá trị di sản kiến trúc tại TPHCM trong tiến trình phát triển” của Cao Anh Tuấn, năm 2009. Kết quả nghiên cứu của luận án là đánh giá thực trạng và tiềm năng của di sản kiến trúc TPHCM trong tiến trình phát triển; phân vùng không gian và xác định các đặc trưng di sản kiến trúc; định hướng bảo tồn, cải tạo, phát triển; xác định cấp độ bảo tồn; tổ chức kiểm soát phát triển không gian và thích ứng hình thức thẩm mỹ kiến trúc tại các khu vực bảo tồn di sản kiến trúc. [37][45][49]
1.5.3. Đánh giá chung về các công trình nghiên cứu liên quan
Nội dung của các công trình nghiên cứu có liên quan đã thể hiện tính đa dạng, phức tạp của vấn đề biện chứng “bảo tồn trong bối cảnh phát triển đô thị”. Nhiều luận điểm khoa học đã được Luận án kế thừa và đúc kết thành một phần của cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên, việc xử lý thoả đáng các vấn đề nội tại của mối quan hệ đa chiều giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới, giữa chủ thể hoá và hiện đại hoá đòi hỏi phải được nghiên cứu trên bình diện rộng, liên quan đến những yếu tố truyền thống và hiện đại, không gian vật thể và không gian xã hội đô thị. Những nội dung cơ bản chưa được triển khai sâu trong nội dung các công trình nghiên cứu là:
- Việc phân tích và đánh giá các đối tượng di sản kiến trúc đô thị tại trung tâm hiện hữu TPHCM trong nhiều trường hợp đã chưa được phân tích dưới một góc nhìn hệ thống, thông qua một thang giá trị hoàn chỉnh.
- Các cơ sở khoa học về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị khu vực trung tâm TPHCM phần lớn vẫn đặt trọng tâm vào phương thức bảo vệ và phát huy tính xác thực vật thể của đối tượng di tích kiến trúc riêng lẻ.
- Các cơ sở khoa học về cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới bằng giải pháp kiến trúc và thiết kế đô thị còn phân tán, thiếu tính hệ thống, thiếu minh chứng từ những bài học kinh nghiệm đã được thực tiễn soi rọi.
- Cơ sở thực tiễn về nội dung cải tạo, chỉnh trang, mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu là một khoảng trống lớn trong các công trình nghiên cứu. Các căn cứ thực tiễn quan trọng như điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 (phê duyệt năm 2010), quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm (phê duyệt năm 2005) quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu (phê duyệt năm 2012), đã chưa được cập nhật trong phần lớn các công trình nghiên cứu có liên quan.