Cơ sở khoa học về duy trì và chuyển tải tính đa dạng hình thức của kiến trúc đô thị

Một phần của tài liệu Duy trì và chuyển tải các giá trị kiến trúc đô thị đặc trưng trong bối cảnh phát triển mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu thành phố hồ chí minh (Trang 89 - 93)

VỰC TRUNG TÂM HIỆN HỮU TPHCM

2.3.4. Cơ sở khoa học về duy trì và chuyển tải tính đa dạng hình thức của kiến trúc đô thị

Vào những năm 1960, khi chân dung của các đô thị toàn cầu gần như bắt đầu trờ thành một thứ sa mạc của bê tông và kính, của cái gọi là “phong cách quốc tế” đồng nhất và buồn tẻ, thì con người mới kịp nhận ra được sự thiếu vắng của các ký ức tinh thần vốn ẩn chứa trong hình ảnh kiến trúc địa phương. Nhiều tác phẩm lý luận ra đời từ những năm 1960 đặt lại vấn đề lưu giữ bản sắc của kiến trúc đô thị, với những khuynh hướng tiếp cận rất đa dạng.

Các tác giả tiêu biểu như Gorden Cullen, Whyte và Jane Jacobs đặc biệt nhấn mạnh việc phải hiểu được mối quan hệ mật thiết giữa hình thái đô thị và các yếu tố tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội đã tạo nên chúng. Bằng việc chú tâm vào nghiên cứu quy mô nhỏ như khu ở, ô phố, họ hướng sự quan tâm của các nhà quy hoạch vào những cảm xúc cá nhân của người dân đô thị, phát triển phương pháp thiết kế đô thị

từ dưới lên, với mục tiêu kiến tạo nên những không gian hữu cơ, thân thiện, có thể đi bộ, và đa dạng công năng. (Hình 2.04a)

Trong tác phẩm Cái chết và cuộc sống của các thành phố lớn Hoa Kỳ, Jane Jacobs phát hiện sự hấp dẫn của các đô thị lớn xuất phát từ nguyên tắc xây dựng công trình gắn chặt với không gian đường phố. Góc độ quan sát này là cơ sở để tác giả phê phán tính chất duy lý của quy hoạch hiện đại, dẫn đến triệt tiêu hình ảnh truyền thống của đô thị qua phương thức bố cục phân tán tạo nên mối liên hệ lỏng lẻo giữa công trình với đường phố, giữa con người với hoạt động đô thị.

Tôi đã có những bình luận không thân thiện về lý thuyết quy hoạch chính thống, và sẽ tiếp tục làm như vậy khi có cơ hội. Lúc này, những ý tưởng chính thống đó là một phần truyền thống của chúng ta. Chúng làm tổn hại chúng ta bởi chúng ta chấp nhận chúng như là chân lý…

Đường phố được coi là môi trường không tốt cho con người; nhà cửa buộc phải quay lưng lại với đường phố và quay mặt vào những không gian xanh nội bộ.

Đơn vị cơ bản của thiết kế đô thị không còn là đường phố nữa mà là khối nhà và cụ thể hơn là những khối nhà khổng lồ. Thương mại cần phải tách biệt khỏi dân cư và không gian xanh… Một quy hoạch tốt phải hướng tới việc tạo ra ảo tưởng về sự cô lập và riêng tư kiểu ngoại ô…

Đô thị trong mơ của Le Corbusier có tác động sâu đậm tới các thành phố của chúng ta…Ông ta cố gắng quy hoạch thành phố cho xe cơ giới như một phần không thể thiếu của ý tưởng,… Ông ta dời người đi bộ ra khỏi đường phố và đặt họ vào công viên. Thành phố của ông ta giống như một cỗ đồ chơi cơ khí.…

Không được nghiên cứu, không được trân trọng, các thành phố đã được sử dụng như là những vật tế thần. [79]

Vì sự thách thức trực diện như thế đối với các nguyên lý của quy hoạch Hiện đại, tư tưởng của Jacobs có thể là đề tài tranh luận, thậm chí trong một số trường hợp nó có thể bị từ chối và bác bỏ. Tuy nhiên, William Whyte cho rằng đó là một phản biện rất cần thiết. Thời gian đã chứng minh rằng, tầm nhìn và đề xuất của Jacobs về một không gian đô thị nhân văn, với những đường phố sống động, các vỉa hè đông

đúc, và những ô phố quy mô nhỏ nhắn đã trở thành nền tảng, thành điểm tựa quan trọng cho sự phát triển của thiết kế đô thị hiện nay. [62]

Năm 1960, Kevin Lynch cho ra đời tác phẩm Hình ảnh của thành phố mang lại một công cụ về thiết kế đô thị. Sau năm năm nghiên cứu thông qua công cụ bản đồ tâm lý, ông tìm ra mối liên hệ khăng khít của con người đối với không gian sống thông qua những yếu tố không gian quen thuộc dưới dạng tuyến, biên, mảng, cụm điểm nhấn. Tác giả đề xuất rằng các nhà thiết kế đô thị nên sử dụng các yếu tố không gian cơ bản này để kiến tạo hình ảnh đô thị rõ ràng và mạch lạc, với những nơi chốn mà cộng đồng có thể dễ dàng “đọc” được.

Kevin Lynch lưu ý rằng trong tất cả năm yếu tố cơ bản trên, không một yếu tố nào có thể tồn tại cô lập, tách rời hoàn toàn khỏi các yếu tố khác. Mảng được cấu trúc bởi các cụm, được xác định bởi các biên, được thâm nhập bởi tuyến, và được đột xuất bằng các điểm nhấn. Các yếu tố này thường xuyên chồng lấn và đan cài với nhau. Vì vậy mà, nếu như việc kiến tạo hình ảnh đô thị được bắt đầu bởi sự phân loại, thì nó phải được kết thúc bằng việc phục hồi toàn bộ dữ liệu vào hình ảnh chung của toàn đô thị. [81] (Hình 2.04b)

Năm 1961, một tác phẩm kinh điển khác của lĩnh vực thiết kế đô thị ra đời bên kia bờ Đại Tây Dương, Cảnh quan đô thị súc tích của kiến trúc sư Gordon Cullen.

Cullen quan tâm tới cách con người cảm nhận về môi trường sống thông qua thị giác, nhưng ông nhấn mạnh về tác động cảm xúc hơn là khả năng “đọc” môi trường.

Cullen định nghĩa thiết kế đô thị là nghệ thuật về mối quan hệ. Ông cho rằng con người tiếp nhận môi trường đô thị thông qua di chuyển và định vị trong môi trường đó. Từ đó ông phát triển khái niệm Tầm nhìn chuỗi, trong đó giải trình các hình ảnh đô thị như là một chuỗi các khám phá. Ông đã chi tiết hoá khái niệm về “ý thức địa điểm”, chỉ rõ phương thức các biểu hiện thị giác kiến tạo nên ý thức về địa điểm, thông qua đó tạo nên cảm xúc cho con người có mặt trong không gian. [10]

Năm 1966, tác phẩm Mâu thuẫn và phức hợp trong kiến trúc của kiến trúc sư Hậu Hiện đại Hoa kỳ Robert Venturi được xây dựng từ nghiên cứu kiến trúc đô thị tại các mặt phố sinh động và đa dạng ở Ý. Tính chất thích nghi bền bỉ của công trình

kiến trúc trước những yêu cầu nhiều khi trái ngược hẳn với nhau đã giúp Venturi phát hiện rằng:

Tôi yêu thích sự đa dạng và mâu thuẫn trong kiến trúc...kiến trúc phức hợp chứa đầy mâu thuẫn có cội nguồn từ sự phong phú và đa nghĩa của cuộc sống hiện đại, và của kinh nghiệm sống chứ không phải chỉ tách riêng trong lĩnh vực nghệ thuật…Cái sai lệch đôi chút hơn cái tuyệt đối tinh khiết, méo mó hơn cứng đờ, phức tạp hơn đơn giản, mâu thuẫn hơn mạch lạc, sinh động hơn thống nhất. [58]

Venturi quan niệm sự phức hợp và mâu thuẫn trong kiến trúc là cần thiết vì nó tạo nên sự đa dạng, nó chứa đựng ý nghĩa của cuộc sống, nó chuyên chở các thông tin giao tiếp tới đông đảo công chúng. Trật tự kiến trúc là sự đa dạng phong phú khác với trật tự cứng nhắc của chủ nghĩa Công năng. Trong trật tự này, sự tồn tại đồng thời, chứ không phải là sự loại trừ, sẽ tạo nên tính phong phú về vần điệu. Ông ủng hộ sự kết hợp, tồn tại song song của nhiều quan điểm trong kiến trúc, thay cho quan điểm lọai trừ chỉ chấp nhận sự tồn tại của một quan điểm chính thống duy nhất, dẫn đến sự áp đặt cứng nhắc mang tính không tưởng trong kiến trúc đô thị.

Cũng vào năm 1966, trong tác phẩm Kiến trúc đô thị, kiến trúc sư người Ý Aldo Rossi, dựa trên các bài học kinh nghiệm đúc kết được từ công cuộc tái thiết các đô thị châu Âu sau thế chiến II, đã phê phán các luận điểm công năng của trào lưu Hiện đại và đặc biệt là nguyên tắc “một thời vang bóng” hình thức theo sau công năng của trào lưu này. Aldo Rossi không chủ trương tìm kiếm các phong cách và hình thức nặng tính trừu tượng, mà ngược lại, đã nỗ lực xây dựng một phương pháp phân tích, một thủ pháp thiết kế kiến trúc có quan tâm đến việc kết nối ba nhân tố địa điểm- kiến trúc- con người, và chuyển tải đặc điểm lịch sử, chuyển tải “mã AND”

truyền thống của nơi chốn vào quá trình phát triển của kiến trúc đô thị. (Hình 2.04b)

Một phần của tài liệu Duy trì và chuyển tải các giá trị kiến trúc đô thị đặc trưng trong bối cảnh phát triển mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu thành phố hồ chí minh (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)