VỰC TRUNG TÂM HIỆN HỮU TPHCM
CHƯƠNG 3: CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. DUY TRÌ VÀ CHUYỂN TẢI GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ ĐẶC TRƯNG TẠI TRUNG TÂM HIỆN HỮU BẰNG GIẢI PHÁP CHỈNH TRANG
3.3.2. Giải pháp chỉnh trang các không gian công cộng
Về kiến trúc, một đặc điểm đáng lưu ý là, quanh các quảng trường trung tâm hiện nay có nhiều công trình di tích và di sản kiến trúc quan trọng. Phần lớn các di tích kiến trúc tiêu biểu nhất của thành phố đều quy tụ tại các quảng trường, tạo thành những điểm nhấn nổi bật. Giải pháp chỉnh trang không gian quảng trường vì vậy liên quan mật thiết với việc bảo tồn, tôn tạo các công trình di tích. Do chất lượng thẩm mỹ nổi bật của các di tích hiện hữu nên việc bổ sung các các công trình mới vào không gian quảng trường đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt đối với chất lượng kiến trúc mặt đứng để bảo vệ giá trị nghệ thuật của quần thể không gian.
Toà nhà Vincom A là một ví dụ khá thành công trong việc thích ứng mặt đứng công trình mới vào không gian quảng trường có di sản kiến trúc nổi bật là UBNDTPHCM. Cách xử trí như vậy cần được áp dụng đối với công trình mới
quanh các quảng trường có các điểm nhấn kiến trúc quan trọng khác như quảng trường Hoà Bình với kiến trúc Nhà thờ và Bưu điện, quảng trường Lam Sơn với công trình Nhà hát và khách sạn Continental...
Ngoài ra, việc chỉnh trang quảng trường còn cần lưu ý đến các tiêu chí về bố cục và yêu cầu chiếu sáng tự nhiên.
Về bố cục, các công trình kiến trúc mới nên được bố cục liền lạc với bề mặt quảng trường để duy trì tính chất hình học đặc trưng về mặt bằng của quảng trường hiện hữu (hình chữ nhật, vuông, bán nguyệt...). Mặt đứng công trình mới nên được thiết kế với tính chất “phẳng”, tỷ lệ cửa sổ lớn để tạo nên một bức phông nền an toàn, sống động cho không gian quảng trường.
Về yêu cầu chiếu sáng tự nhiên, cần phải xác định giới hạn chiều cao các công trình xung quanh quảng trường. Trên thực tế, một số công trình xây dựng đã không chú ý đến đặc điểm bố cục và yêu cầu chiếu sáng (như trường hợp khách sạn Caravell trước đây), nên mục đích của giải pháp giới hạn chiều cao là để ngăn ngừa các trường hợp tương tự. Chiều cao các công trình xung quanh quảng trường nên được giới hạn không vượt quá 1,25 lần chiều rộng quảng trường để đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và duy trì đặc trưng bố cục không gian. Như vậy, chiều cao công trình mới tại các quảng trường trung tâm quy mô nhỏ như quảng trường Nhà Hát và UBND sẽ bị giới hạn. Trong khi đó thì chiều cao công trình tại quảng trường có không gian lớn hơn như quảng trường Quách Thị Trang sẽ cao hơn, hoặc thậm chí tại quảng trường có không gian rộng lớn mở ra sông Sài Gòn như quảng trường Mê Linh thì có thể phát triển công trình cao tầng mà vẫn đảm bảo yêu cầu chiếu sáng tự nhiên cho không gian công cộng.
Về chức năng, các quảng trường hiện hữu tại TPHCM trong phần lớn trường hợp đã không phát huy được chức năng giao tiếp cộng đồng. Nguyên nhân chính là do khả năng tiếp cận bộ hành đến quảng trường bị hạn chế. Hiện tượng này dẫn đến thực tế là các quảng trường hiện nay gần như chỉ đóng vai trò “đảo giao thông” hơn là không gian công cộng với ý nghĩa hoàn chỉnh của nó. Do đó việc chỉnh trang, tôn tạo các quảng trường hiện hữu, theo hướng thuận lợi cho tiếp cận bộ hành, đảm bảo
an toàn tối đa cho các hoạt động bên trong không gian quảng trường phải được quan tâm xử lý.
Việc tổ chức mạng lưới đi bộ liên hoàn giữa hệ thống các quảng trường với không gian bờ sông Sài Gòn sẽ là giải pháp cần thiết để vừa kết nối quảng trường với các hoạt động giao tiếp của đô thị, vừa tăng cường bản sắc nhân văn cho đô thị. Ngoài hoạt động thương mại, du lịch, các tuyến phố đi bộ nên được tổ chức đa dạng để gắn kết con người với các hoạt động giao tiếp cộng đồng, các sự kiện văn hoá, các không gian mở bên sông...để tạo nên lộ trình có ý nghĩa về văn hoá và kiến trúc.
Lộ trình này sẽ kết nối liên hoàn không gian trung tâm hiện hữu với bờ sông Sài Gòn, và gắn kết trung tâm hiện hữu với trung tâm mới Thủ Thiêm, nhấn mạnh tính độc đáo của một không gian kiến trúc đô thị bên sông nước. (Hình 3.15)
3.3.2.2. Đối với công viên, không gian mở
Đối với công viên và cây xanh đô thị, mặc dù trung tâm hiện hữu có nhiều công viên lâu đời nhưng khu vực nội thành rộng lớn quanh lõi trung tâm lại rất thiếu mảng xanh do tình trạng xây dựng dày đặc. Vì vậy, công viên cây xanh cần được quan niệm như là những di sản xanh, góp phần tạo nên giá trị di sản kiến trúc đô thị đặc trưng cho trung tâm hiện hữu. Quan niệm như vậy sẽ tạo nên các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, duy trì tối đa hệ thống công viên, cây xanh đường phố.
Bảo vệ công viên, cây xanh đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng các dự án xây dựng ngầm bên dưới công viên, để ngăn ngừa hiện tượng bê tông hoá dẫn đến hư hại các cây xanh cổ thụ.
Chỉnh trang công viên gồm các giải pháp tháo gỡ tường rào, phá bỏ các công trình tạm không phù hợp, bổ sung các hạng mục tiện ích phục vụ sinh hoạt công cộng với chức năng và hình thức thẩm mỹ có chất lượng.
Việc mở rộng diện tích công viên hoặc bổ sung công viên mới tại các ô phố hiện hữu có thể rất khó thực hiện do giá trị đất trung tâm và sự phức tạp về sở hữu. Tuy nhiên có thể tạo thêm diện tích mảng xanh trên các lề đường lớn như Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Pasteur, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng.
Đối với không gian mở, cảnh quan tự nhiên sông nước chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hình ảnh đặc trưng của đô thị vùng châu thổ Nam Bộ.
Tuy nhiên trong thực trạng hiện nay, phần lớn chiều dài bờ Tây sông Sài Gòn đang được sử dụng cho các chức năng quân sự, bến cảng. Vị trí các cảng đã chia cắt quan hệ giữa không gian công cộng với bờ sông Sài Gòn, làm che mờ đặc trưng sông nước và khung cảnh “trên bến dưới thuyền” truyền thống. Theo nội dung đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu, định hướng di dời các khu vực cảng dọc sông Sài Gòn chính là là một cơ hội lớn để khôi phục, nhấn mạnh bản sắc đô thị sông nước của TPHCM.
Trong bối cảnh đó, các loại hình không gian mở đa dạng nên được nghiên cứu tích hợp vào khu bờ Tây sông Sài Gòn, với các giải pháp như:
- Kết nối các không gian, tuyến phố đi bộ từ trung tâm hiện hữu đến bờ sông Sài Gòn.
- Đa dạng hoá hoạt động và hình thức các không gian mở bên sông như quảng trường, công viên, bến thuyền, phố đi bộ.
- Tăng cường các loại hình giao thông thuỷ trên sông Sài Gòn, khôi phục và chuyển tải khung cảnh sinh hoạt “trên bến dưới thuyền”.
- Nghiên cứu đồng bộ đối với chức năng và hình thức không gian mở trên cả bờ Tây và bờ Đông sông Sài Gòn, để làm đa dạng hoá và kết nối hài hoà các không gian công cộng ven sông giữa hai trung tâm cũ và mới. (Hình 3.16)