PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG BIỂN
II. HỆ THỐNG CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ
3. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011-2015 là 22,4%/năm, thời kỳ 2016-2020 là 26,7%/năm. Sơ bộ dự tính tổng nhu cầu vốn đầu tư của vùng trong 2 năm 2009 - 2010 là khoảng 1.894 tỷ đồng (riêng xây dựng hạ tầng điện lực là 1.800 tỷ đồng), giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 52.661 tỷ đồng (riêng 2 nhà máy điện công suất mỗi nhà máy 1.200MW, vốn
đầu tư đã là 51.000 tỷ đồng), giai đoạn 2016-2020 là 65.580 tỷ đồng (vốn đầu tư nhà máy điện 2.000 MW là 34.000 tỷ đồng) và đầu tư cảng nước sâu, xây dựng và mở rộng các cảng trung chuyển, cảng ICD tới 30.000 tỷ đồng). Đây là một khối lượng vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, khuyến khích mạnh mẽ để thu hút mọi nguồn vốn có thể (cả trong và ngoài nước) dưới mọi hình thức, đồng thời có kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của nền kinh tế trong từng giai đoạn, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau đây:
3.1. Các giải pháp chung
- Xác định các công trình, các địa bàn ưu tiên và quy mô ưu tiên để kêu gọi vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào phát triển sản xuất kinh doanh tại Vùng Biển Sóc Trăng. Tổ chức điều tra các nguồn vốn có khả năng huy động trong Vùng để có kế hoạch huy động kịp thời.
- Sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích theo dự án thông qua đấu thầu, giảm tình trạng lãng phí, thất thóat vốn nhất là trong khâu thi công xây dựng. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
- Xây dựng và thực hiện quỹ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đối với các vùng nông thôn ven biển. Sử dụng quỹ đất hợp lý để tạo vốn xây dựng các công trình hạ tầng đô thị.
- Nâng cao chất lượng và đổi mới các hoạt động tài chính ngân hàng trong Vùng. Tạo các cơ chế phù hợp để mở rộng hình thức tự bổ sung vốn của các doanh nghiệp và thu hút các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và vốn đầu tư nước ngoài. Khuyến khích các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trên địa bàn. Đơn giản hóa các thủ tục cấp phát nhằm cải thiện môi trường vốn đầu tư.
- Tăng cường việc huy động các hình thức lao động nghĩa vụ (theo luật định) để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và các công trình phúc lợi khác...
- Tiến hành tuyên truyền, quảng bá các thế mạnh của Vùng, quảng bá vị trí, vai trò và khả năng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, cụ thể là vào các KCN, các Khu du lịch trọng điểm, Khu thương mại lớn... Có chính sách khuyến khích (chính sách về đất đai, hỗ trợ vốn...) đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, Khu vui chơi giải trí, hệ thống chợ… trên địa bàn Vùng Biển.
Khai thác sử dụng quỹ đất hợp lý để tạo vốn xây dựng hạ tầng cho các KCN.
3.2. Giải pháp huy động vốn trong nước 3.2.1. Đối với vốn ngân sách tập trung
Nguồn vốn ngân sách tập trung bao gồm cả ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương thông qua các dự án, chương trình mục tiêu của Chính phủ nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên Vùng Biển. Đây là nguồn vốn hết sức quan trọng, nhất là đối với Vùng Biển Sóc Trăng, có tác dụng định hướng và tạo môi trường thuận lợi trong việc huy động các nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Để đảm bảo nguồn vốn này, một mặt chính quyền các cấp trong Vùng Biển và tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm dành nguồn vốn ngân sách và tín dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Vùng Biển, mặt khác các huyện trong Vùng cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và có các biện pháp khuyến khích tiết kiệm cho đầu tư phát triển để tăng tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế của huyện.
Cùng với ngân sách Trung ương, của tỉnh, các huyện trong Vùng Biển Sóc Trăng cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và có các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu ngân sách trên địa bàn. Quản lý, giám sát chặt chẽ các nguồn thu chi, thực hiện thu chi hợp lý để đảm bảo vốn cho đầu tư phát triển.
Thực hiện triệt để tiết kiệm để sử dụng có hiệu quả và tăng tích luỹ đầu tư từ ngân sách của tỉnh, của huyện biển. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu, các chương trình quốc gia trên từng địa bàn huyện, xã. Mở rộng việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, công trái kho bạc để huy động vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng trong Vùng, đóng góp vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tăng cường công tác quản lý đầu tư, quản lý thu chi ngân sách, đảm bảo huy động đúng mức các nguồn thu từ các thành phần kinh tế theo chính sách thuế hiện hành. Tiếp tục cải cách cơ chế chi ngân sách địa phương theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng dần chi ngân sách cho đầu tư phát triển.
Thực hiện tốt các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý đầu tư, quản lý xây dựng để tránh thất thóat, lãng phí, nhất là trong khâu xây dựng cơ bản..
3.2.2. Đối với nguồn vốn tín dụng
- Áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng thông qua sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng công cụ lãi suất tín dụng, hướng luồng vốn chảy vào các ngành, các lĩnh vực ưu tiên trong quá trình phát triển
Vùng Biển. Tiếp tục cải cách hành chính, mở rộng các hình thức cho vay và các đối tượng cho vay, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tiếp cận được nguồn vốn này. Chuyển hình thức cho vay bằng thế chấp tài sản sang hình thức cho vay theo dự án, tín chấp.
- Thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo lãnh một phần và chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
3.3. Giải pháp huy động vốn nước ngoài
Vốn nước ngoài gồm 2 nguồn chính là vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguồn vốn nước ngoài có vai trò rất quan trọng, không những đáp ứng một lượng vốn đầu tư lớn cho kinh tế biển mà còn tạo cơ hội để đổi mới công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật và mở rộng thị trường.
3.3.1. Đối với nguồn vốn ODA
Thời gian qua, lượng vốn ODA đầu tư vào Sóc Trăng nói chung và Vùng Biển còn rất thấp. Vì vậy, tỉnh Sóc Trăng cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành TW và các tổ chức quốc tế để tranh thủ vận động đàm phán các dự án ODA, trong đó ưu tiên vào các lĩnh vực như: phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội (điện, giao thông, cấp thóat nước, các công trình công cộng, y tế, giáo dục...); các dự án về môi trường, phòng chống thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cộng đồng; về phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo góp phần thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo của cả tỉnh cũng như của Vùng Biển... Căn cứ vào những lĩnh vực ưu tiên trên, các huyện trong Vùng Biển cần xây dựng các dự án cụ thể, tích cực vận động đầu tư và chủ động bố trí vốn đối ứng... làm cơ sở để vận động tài trợ. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm kinh tế đối ngoại và quản lý dự án để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA.
3.3.2. Đối với nguồn vốn FDI
Dự báo trong thời gian tới, cùng với sự hình thành Khu kinh tế và phát triển của nhiều công trình kinh tế lớn trên địa bàn như nhiệt điện quy mô lớn, cảng nước sâu, các KCN, các khu du lịch.... nguồn vốn FDI đầu tư vào Vùng Biển Sóc Trăng sẽ tăng mạnh. Song, để thu hút được nguồn vốn này cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
- Đổi mới cơ chế thu hút FDI, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút nguồn vốn FDI phù hợp với quá trình hội nhập. Tạo mọi điều kiện thuận lợi và thông thóang (chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng đồng bộ và
từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính…) để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh tại Vùng Biển Sóc Trăng và tỉnh Sóc Trăng.
- Điều chỉnh cơ cấu thu hút đầu tư FDI phù hợp, hướng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực ưu tiên (cảng, KCN, đánh bắt hải sản, du lịch biển...) để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư của Vùng Biển theo hướng giảm dần những dự án quy mô nhỏ, khoa học- công nghệ thấp, ưu tiên các dự án thuộc các ngành mũi nhọn, các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh và có giá trị gia tăng cao. Khuyến khích các dự án có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh cho Vùng và các dự án sản xuất hàng xuất khẩu.
- Kết hợp nhiều hình thức liên doanh liên kết, kể cả hình thức 100% vốn nước ngoài đối với các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng như cảng nước sâu, đội tàu đánh bắt xa bờ, cơ khí chế tạo, điện-điện tử, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí cao cấp...
- Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, giới thiệu ra nước ngoài về các tiềm năng thế mạnh của Vùng Biển, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tham tán kinh tế và sứ quán ta ở nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp thị, xúc tiến đầu tư, nghiên cứu thị trường và lựa chọn đối tác nước ngoài...
- Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư (về định hướng phát triển của Vùng Biển, Khu kinh tế, các điều kiện và cơ hội đầu tư, các ngành, lĩnh vực ưu tiên...) để các nhà đầu tư có đủ những thông tin cần thiết.
Đồng thời tổ chức các Hội nghị trong tỉnh, trong vùng ĐBSCL... để trao đổi kinh nghiệm về công tác xúc tiến đầu tư, các giải pháp thu hút đầu tư, trao đổi các thông tin liên quan đến đầu tư trên địa bàn với các đối tác đầu tư.
- Nâng cao năng lực của các cơ quan Nhà nước có liên quan trực tiếp đến hoạt động FDI như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở tài nguyên môi trường, Cục Thuế, Cục Hải quan… của tỉnh Sóc Trăng, tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài. Chuẩn bị tốt năng lực nội tại để đón nhận, lựa chọn và tham gia bình đẳng trong quan hệ hợp tác, đầu tư với bên ngoài.
- Tập trung thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn vào đầu tư tại Vùng Biển Sóc Trăng.
3.3.3. Đối với các nguồn vốn khác
- Xây dựng các dự án cụ thể để tranh thủ các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, nâng cao năng lực cộng đồng…
- Mở rộng các hình thức đầu tư như BOT, BT và các hình thức khác để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài Vùng Biển (kể cả nước ngoài). Đẩy mạnh việc tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những người xuất thân, hoặc có thân nhân đang sinh sống ở các huyện Vùng Biển Sóc Trăng (hoặc trong tỉnh Sóc Trăng) về đầu tư phát triển sản xuất và dịch vụ tại quê nhà với những cơ chế, chính sách ưu đãi thích hợp.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh, các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL,vùng ĐNB (nhất là Tp. Hồ Chí Minh)...tham gia đầu tư vào Vùng Biển.