1.2. Tổng quan về dân tộc Hmông
1.2.3. Đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá, văn học dân gian
Về kinh tế, nền kinh tế trước đây của người Hmông chủ yếu tự cung tự cấp, mang tính chất khép kín, biệt lập; chưa thực sự có nền tảng kinh tế - xã hội của một xã hội phong kiến. Ngày nay, nhìn chung diện mạo kinh tế của đồng bào có nhiều thay đổi, đời sống ấm no hơn, được học hành, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể hàng năm (10%).
Người Hmông Lào Cai có một số phương thức hoạt động kinh tế là: canh tác trồng trọt một mùa trên địa bàn núi đá hiểm trở và ruộng bậc thang; chăn nuôi nhỏ ở hộ gia đình; nghề thủ công mang tính tự cung tự cấp; hoạt động kinh tế chợ chủ yếu giao thương, trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ những nhu yếu phẩm thiết yếu. Nhìn chung, đời sống đồng bào Hmông Lào Cai còn nhiều khó khăn nhưng đang thay đổi mạnh mẽ do chính sách phát triển kinh tế của Đảng, nhà nước đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (PL1.8, tr. 266).
Về xã hội, việc quản lý dân cư chủ yếu do các giao (làng) đảm nhận, có một trưởng họ đứng đầu. Quy mô làng trong vài thập kỷ qua có sự thay đổi mạnh, số hộ ở mỗi làng tăng hơn trước nhiều; trước kia chỉ có từ 10-15 hộ, đến nay, phổ biến từ 30-50 hộ.
Dòng họ (xênhv) có vị trí vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố cấu thành xã hội Hmông và thể hiện bản sắc dân tộc. Dòng họ chi phối mọi hoạt động đời sống hàng ngày của cộng đồng; mỗi dòng họ có một tổ chức tự quản riêng, gồm các thành viên: - Trưởng họ (uô thơưx hoặc hâur pâul) “cầm quyền người”, quyết định mọi vấn đề sau khi có sự bàn bạc của cộng đồng; - Người “cầm quyền ma, quyền khách” (cho đaz khuô) là cố vấn của trưởng họ trong việc đối ngoại, lo toan việc tín ngưỡng; - Bà cô (fâux hoặc pu nhăngx) là người có uy tín tham gia vào công việc chung của dòng họ, giám sát công việc của cho đaz khuô và mọi thành viên dòng họ trong vấn đề thực hiện quy định của dòng họ; -Thầy Sa man (trir ninhz), khi được mời đến sẽ như viên “thanh tra” giúp người có trách nhiệm phát hiện những vấn đề trong dòng họ [107, tr. 75].
Gia đình người Hmông là gia đình phụ quyền, bình quân 6 - 7 người, có thể hai, ba thế hệ cùng chung sống; theo đó, họ chú trọng trước hết quyền lợi đàn ông, quyền lợi dòng họ rồi mới đến quyền lợi phụ nữ. Người Hmông đặc biệt coi trọng quan hệ láng giềng và thường nói khẩu ngữ “chúng ta là một giống người” hay
“chúng ta cùng một hạt lanh gieo xuống đất”, hoặc “người Hmông ta”. Sự cư trú đan xen nhiều dân tộc trong cùng một bản làng bắt đầu từ khi có chính sách định canh, định cư, đưa một bộ phận người Hmông thiếu ruộng đất đến làng của dân tộc khác sinh sống, nhưng người Hmông vẫn thích tách thành khu vực riêng và họ quan niệm đó là dò, giao của mình. Điều đó phản ánh truyền thống khép kín, tính cố kết tộc người của họ. Tuy nhiên, đời sống xã hội của đồng bào Hmông Lào Cai hiện
đang có sự thay đổi rất lớn do được học hành, tiếp cận thông tin, khám chữa bệnh, giao lưu văn hóa...(xem thêm PL1.8, tr. 266).
Về văn hoá, người Hmông trọng danh dự, dễ tin người, tôn trọng tập thể, luật tục của làng; bản tính thuỷ chung, ít thay đổi; đời sống tín ngưỡng, tâm linh phong phú, tinh tế. Tín ngưỡng tôn giáo Hmông có nhiều nét tương đồng với các dân tộc khác nhưng không chịu ảnh hưởng của tam giáo (Nho, Phật, Lão) như các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao...; thờ cúng tổ tiên là chính, Saman giáo phát triển. Những hình thức tôn giáo sơ khai như vật linh giáo, tô tem giáo, các loại ma thuật... vẫn tồn tại ở dạng tàn dư nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần cộng đồng. Tôn giáo, tín ngưỡng đã hoà quyện với các lễ thức hội hè tạo nên những sắc thái, sự phong phú trong đời sống tinh thần dân tộc. Tác giả Trần Hữu Sơn khái quát ba đặc điểm cơ bản của văn hoá tinh thần đồng bào Hmông: Một là: Khát vọng bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc là đặc điểm nổi bật trong văn hoá tinh thần người Hmông; trở thành một hằng số trong lịch sử, được phản ánh đậm nét trong nền văn hoá tinh thần; đặc biệt trong văn học dân gian. Hai là: Luôn luôn đề cao ý thức cộng đồng; trong đó, ý thức cộng đồng dòng họ được đề cao hơn ý thức cộng đồng bản làng; biểu hiện trong hệ thống lễ nghi, tín ngưỡng của ma chay, cưới xin, lễ hội... mà các cá nhân, mỗi lần tham gia được thế hệ trước trao truyền phong tục truyền thống. Ba là: Văn hoá tinh thần cổ truyền đậm đặc tính nguyên hợp; biểu hiện của nó là ở sự hoà quyện, kết hợp các loại hình nghệ thuật trong tổng thể văn hoá, tiêu biểu nhất là trong lễ thức diễn xướng dân gian [103, tr. 19]. Đời sống tinh thần của người Hmông đương đại đã và đang có sự thẩm thấu, tiếp biến văn hoá của các dân tộc khác, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, theo đó, tính khép kín, cục bộ truyền thống bị phá vỡ dần, những yếu tố không còn phù hợp dần bị loại bỏ, thay vào đó là những giá trị mới. Bởi đất nước ta đổi mới, hội nhập quốc tế trên nhiều phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội đã hơn hai chục năm qua, diện mạo xã hội ở những vùng khó khăn có nhiều thay đổi; các dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, đường giao thông, các phương tiện truyền thông phát triển đã mở rộng không gian nhận thức cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy, yếu tố tồn tại xã hội của người Hmông đã thay đổi, có thể chưa đến độ căn bản và phổ biến, nhưng đã đủ mạnh để làm thay đổi ngày một rõ hơn đời sống văn hoá tinh thần của họ.
Văn học dân gian Hmông phát triển phong phú về thể loại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, câu đố, dân ca..., và đậm đặc tính nguyên hợp. Thần thoại tồn tại thành hệ thống tương đối hoàn chỉnh. Thần thoại Khúa kê (Kruôz cê) được diễn xướng trong lễ thức đám ma nói về nguồn gốc vũ trụ, loài người, cây trồng vật nuôi...Truyện cổ tích khá phong phú với ba tiểu loại nhỏ: truyện cổ tích thần kỳ; truyện cổ tích loài vật; truyện cổ tích sinh hoạt. Người Hmông yêu thích ca
hát và ca hát là một phần quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, vì vậy, nền dân ca của họ hết sức đa dạng, phong phú với số lượng bài hát rất lớn; đặc biệt, Gầu plềnh chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống dân ca Hmông, vừa là lời ca tiếng hát hàng ngày của đồng bào, vừa là phương tiện để trai gái tỏ tình yêu đương. Hát Gầu plềnh còn là phương thức giao tiếp đặc biệt trong LHGT.
Về lễ hội, ở Lào Cai người Hmông có hai lễ hội quan trọng: lễ Nào lồng (Naox lôngx - ăn ước) và LHGT (Grâuk taox). Lễ ăn ước tổ chức đầu năm tại cộng đồng làng (jaol) để cúng thần rừng, thống nhất những quy định của làng để mọi người thực hiện trong năm. LHGT chỉ có ở một số vùng người Hmông Lào Cai và một số vùng của các tỉnh phía Tây Nam TQ, gọi theo tiếng Quan hoả (tiếng dùng chung của các dân tộc vùng biên giới Việt Trung) là Sải sán (leo núi), có người gọi theo tiếng Việt là “hội chơi núi mùa xuân hoặc hội đạp núi” [149, tr. 175, 223];
người Trung Quốc vùng Vân Nam gọi là Thái hoa sơn (踩 花 山) hay Xọa hoa sơn, Sại hoa san cũng có nghĩa đạp lên cỏ hoa đi chơi. Tuy nhiên, theo người dân vùng lễ hội Pha Long thì nội hàm của từ này không nên dịch đơn giản như vậy, vì: thứ nhất, chữ grâuk có nghĩa là hội chơi, đình đám [18, tr.187], chữ taox là sườn đồi;
khi hội diễn ra phải gọi là ntênhl grâuk taox tức là đã có sự tham dự của con người mới thành hội; thứ hai, trong hội có một phần nghi lễ nhất định (nghi lễ trồng cây nêu, thắp hương, cúng bái...) chứ không chỉ đi chơi; thứ ba, lễ hội nhằm mục đích cầu may, cầu sinh sôi nảy nở và để trai gái có dịp gặp nhau “nên vợ nên chồng” nên có tục “kéo vợ”, hát Gầu plềnh; cho nên còn có ý nghĩa hội tình yêu hay hội hát. Do vậy, nhóm tác giả Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý đã đánh giá: “hát Sải sán” là phần đặc biệt của hội, diễn ra ở cả ba giai đoạn: Khai hội, Hội, Kết thúc hội và “sau buổi hội, nhiều đôi nên vợ, nên chồng”[74, tr. 68 -73]. Trong Luận án, chúng tôi thống nhất dùng cụm từ “Lễ hội Gầu tào" nhưng trích dẫn tài liệu chúng tôi vẫn để nguyên cách gọi mà tác giả tài liệu đã sử dụng.