Đánh giá xếp loại loại hình Lễ hội Gầu tào

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 45 - 48)

Chương 2 ᄃ: DIỄN XƯỚNG GẦU PLỀNH TRONG LỄ HỘI GẦU TÀO

2.1. Lễ hội Gầu tào ở Lào Cai

2.1.2. Đánh giá xếp loại loại hình Lễ hội Gầu tào

Để đánh giá, nhận diện đặc trưng, bản chất và xếp loại LHGT, chúng tôi vận dụng lý thuyết lễ hội của Falassi và Stoeltje, đồng thời tham khảo kết quả nghiên cứu của Lương Vũ Minh ở Văn Sơn, Vân Nam, TQ đã khẳng định “có truyền thuyết thể hiện tàn tích cúng tế của dân tộc Miêu, có truyền thuyết phản ánh tàn dư của tín ngưỡng, có truyền thuyết phản ánh cuộc đấu tranh chống lại giai cấp thống trị, có truyền thuyết phản ánh thuyết thiên di của dân tộc Miêu” [189, tr.131]; và tham khảo tiêu chí xếp loại lễ hội của một số tác giả trong nước như Hoàng Lương, Lê Thị Nhâm Tuyết, Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Khắc Xương [75], Lê Trung Vũ [178], trên cơ sở đối chiếu thực tế LHGT đã tham dự, quan sát tại các huyện Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng tỉnh Lào Cai. LHGT có những đặc trưng (cũng là các lớp văn hóa) cơ bản sau:

Một là, cốt lõi của LHGT là cầu con và cầu sức khỏe. LHGT thường có các dạng: thứ nhất, gia đình hiếm muộn con cái, được thầy cúng phán truyền thì tổ chức LHGT để cầu tự; thứ hai, gia đình có người thân, con cái yếu đau, được thầy cúng phán truyền thì tổ chức LHGT để cầu phúc, cầu may, sức khỏe; thứ ba, nhiều gia đình cùng cảnh ngộ cùng tổ chức (ở Pha Long những năm gần đây có từ 6-8 gia đình cùng tổ chức lễ hội) hoặc có thể do chính quyền địa phương đứng ra tổ chức (Tả Giàng Phình, Sa Pa, 2013). Có lẽ tín ngưỡng phồn thực (cầu con), cầu sức khỏe là lớp văn hóa cổ xưa nhất. Việc cầu con, con trai, duy trì nòi giống, tạo ra sức lao động chính của gia đình, trụ cột của dòng họ, rộng hơn là của cộng đồng để phát triển cuộc sống, nhất là trong điều kiện chiến tranh, loạn lạc, thiên nhiên khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, mưu sinh khó khăn của cộng đồng Hmông là vấn đề hệ trọng hàng đầu. Đây cũng là mong mỏi sự phát triển dân tộc của cả cộng đồng Hmông trong điều kiện cư trú rải rác trên các đỉnh núi cao trong suốt quá trình thiên di. Mong mỏi đó được thể hiện nhiều trong dân ca và dường như trở thành khát khao của một dân tộc. Trong LHGT, họ thường hát: Chúc người dựng cây nêu sinh được con trai/ Con trai lớn lên giữ ruộng nương cho cha mẹ. Quan sát các LHGT, hoạt động cầu nguyện cho con cái diễn ra thường xuyên: rất nhiều tốp khác nhau trong mỗi ngày lễ hội; từng đoàn người (cả nam, nữ) địu con nhỏ đi vòng quanh cây nêu, vừa đi vừa hát (cầu nguyện, chúc phúc). Có ý kiến cho rằng, một số vùng người Hmông còn có tục cầu chồng trong lễ hội (có thể liên quan đến tục kéo vợ,

hay việc kén chồng mà ngày nay vẫn tồn tại ở LHGT Pha Long, Mường Khương).

Trong một ngày lễ hội Pha Long có 4-5 đám kéo vợ, thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Theo chúng tôi, không có sự tách bạch rõ rệt giữa cầu con, cầu sức khỏe và cầu chồng vì các vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Trong một phạm vi nhất định nào đó, các vấn đề trên liên quan đến nội dung rộng lớn hơn là tín ngưỡng phồn thực với ý nghĩa cầu mong cho sự sinh sôi, nảy nở (xem 2.3.2). Điều này, nói chung phổ biến trong nhiều lễ hội nông nghiệp. Trong phạm vi Luận án, chúng tôi không phân tích sâu hơn vấn đề này.

Hai là, ngoài việc cầu con và sức khỏe cổ xưa, trong quá trình phát triển, LHGT được bồi đắp, bổ sung thêm các lớp văn hóa sau này, rộng hơn cầu con, sức khỏe là cầu sự sinh tồn. Vì vậy, quan sát tổng thể các LHGT trong vùng, chúng tôi cho rằng LHGT là loại hình lễ hội nông nghiệp (nông thôn - rural) liên quan đến tín ngưỡng cầu mùa có những nét đặc sắc, riêng biệt. Đây là loại hình lễ hội nông nghiệp khá phổ biến ở nhiều dân tộc; tuy mỗi địa phương, mỗi dân tộc có những nghi thức, nghi lễ khác nhau nhưng đều chung một nội dung cầu mùa: lễ hội Lồng tồng của người Tày, lễ gọi Hồn lúa của người Lô Lô, Hà Nhì, hội Sắc bùa của người Mường, lễ hội Chọi trâu (Đồ Sơn, Hải Phòng), trò múa đánh bệt (Giã la, Hà Đông) của người Kinh...LHGT với nội dung tín ngưỡng cầu mùa đặc sắc của dân tộc Hmông, được biểu hiện ở các nghi thức (nghi lễ hoặc lễ thức) sau:

- LHGT có nghi thức liên quan đến chu trình sản xuất nông nghiệp: tổ chức vào mùa xuân, kết thúc mùa vụ trước, chuẩn bị mùa vụ sau. Cây nêu được coi là trung tâm điểm của hội là cây thân đốt có ý nghĩa tái sinh (như cây mía của người ở Mêlanêdi, người Thái, người Mường...), mang bóng dáng của cây vũ trụ, trở thành cây “thiêng”; người dự hội chúc người trồng nêu (chủ hội) đại diện cộng đồng, nên cũng là chúc cộng đồng nhiều con, nhiều con trai (tăng sức lao động chủ yếu), cộng đồng thêm mạnh. Vì vậy, tác giả Lê Trung Vũ nhận định LHGT “có thể là hội chúc tụng nghề nông thịnh vượng” là có cơ sở [180].

- LHGT có nghi thức cầu đảo (hay nghi lễ tạo bối cảnh) mở đầu (với yếu tố sacralization - thiêng liêng hóa) và kết thúc (tuy rất đơn giản: chủ tế làm lễ cầu mong cho người an, vật thịnh: ngậm rượu, nước - đã được thiêng hoá - phun ra bốn góc trời). Phải chăng đây là nghi thức cầu mong cho mưa thuận gió hoà đặng đem lại mùa màng tươi tốt (?) được thực hiện theo nguyên lý “ma thuật vi lượng” dựa vào sự kết hợp các ý tưởng bằng trạng thái giống nhau [33, tr. 36] từ thời nguyên thủy truyền lại.

- LHGT có tranh tài, thượng võ và các trò bách hí: bắn nỏ, võ đá, đẩy gậy, ném pa pao, bịt mắt bắt dê, đánh quay...Tuy nhiên, quan sát LHGT tại Pha Long (2015), Tả Giàng Phình (2014), các trò chơi này thu hút ít người quan tâm, tham gia.

- LHGT có các trò văn nghệ giải trí: múa, hát, trò vui.

- LHGT có nghi thức phồn thực – giao duyên nhằm biểu dương sự kết hợp âm dương cho con người, vạn vật sinh sôi; cho phép nhìn, đụng chạm, sùng bái, tôn thờ các yếu tố tượng trưng quan trọng nhất của cộng đồng; chức năng giao tiếp của chúng là thể hiện tình cảm khi giao tiếp; trai gái chen chúc nhau xung quanh cây nêu, đứng sát nhau thành vòng tròn che ô thấp xuống kín đầu để tình tự, đặc biệt là hát Gầu plềnh.

- LHGT có nghi thức hát tập thể gắn với thần thoại. Nghi thức này không hẳn là “kịch nghi lễ” như tiêu chí của Falassi nhưng đã có sự sắp xếp, tổ chức, dàn dựng để từng đoàn người đi vòng quanh cây nêu và hát bài hát huyền thoại về sự sáng tạo, sự hình thành lịch sử, văn hóa cộng đồng.

Ba là, tìm hiểu thực tế, hỏi ý kiến người già (các ông Hoàng Chúng, Vàng Lềnh, Ly Chẩn Tờ (2010) tại các vùng lễ hội ở Lào Cai, nhiều người kể rằng LHGT còn phản ánh lịch sử thiên di của dân tộc Hmông thời kỳ bị người Hán chèn ép, xua đuổi, tàn sát đẫm máu. Họ kể câu chuyện người Hmông xưa cũng có nhiều ruộng, nhiều cánh đồng và có một ông vua (tên là Xuy Vưu?) cai quản đất nước. Người Hmông có thói quen đánh dấu ruộng đất của mình bằng cỏ gianh và cây. Người Hán đã lén mang bia đá có khắc chữ chôn vào ruộng đất của người Hmông rồi đốt cháy cỏ cây.

Cuối cùng, người Hmông bị thua kiện vì chỉ còn dấu chữ trên bia đá của người Hán.

Họ bị đánh đuổi phải chạy vào núi mà sinh sống. Để tập hợp mọi người, họ đã treo một tấm vải đen gắn với tấm vải đỏ (hoặc trắng) lên ngọn cây nêu. Đây là tín hiệu tập hợp, cố kết cộng đồng. Mọi người thấy tín hiệu này đều tập trung về gốc nêu để ôn lại quá khứ đau thương của dân tộc, hát bài ca quen thuộc: Người Hán ăn tết, đốt dầu thông cúng bia đá/ Người Hmông ăn tết, đốt hương, đốt giấy cúng cột nêu tre [134, tr. 44] và các bài hát thường mở đầu bằng câu: ntux tangl! (đất trời hết rồi!). Xem xét lại con đường thiên di của người Hmông, chúng ta biết rằng, chỉ có bộ phận người Hmông thiên di (chứ các nhóm Hmu, Gao Xong, Hmao của đất nước Tam Miêu không thiên di) và con đường thiên di của họ là vào vùng núi tây nam TQ rồi xuống Vân Nam, vào Lào Cai. Điều này có thể lý giải vì sao LHGT chỉ có ở nhóm người Hmông và chỉ có ở một số vùng của các tỉnh Vân Nam, tây Quý Châu, nam Tứ Xuyên và Lào Cai. Trên con đường thiên di chủ yếu này của nhóm Hmông, LHGT được bồi đắp thêm ý nghĩa mới về lịch sử thiên di, giúp ta hiểu thêm về những người Hmông đến Việt Nam. Phải chăng đây là nhóm người đã không chịu khuất phục và đã không bị, không thể bị đồng hóa như các nhóm Hmao, Gao Xong, Hmu ở TQ.

Từ những vấn đề nêu trên, vận dụng quan điểm nghiên cứu các tầng văn hóa trong folklore: “Cái cũ được nhào nặn lại và có nhiều hình thức, biểu hiện ở những thay đổi của cái cũ cho phù hợp với cuộc sống mới...Dân tộc nào cũng trải qua một

số trình độ phát triển và các trình độ ấy đều được phản ánh, lắng đọng trong folklore, cho nên folklore của mọi dân tộc đều có tính chất nhiều tầng văn hóa...

Quá trình nhào nặn cái cũ thành cái mới là quá trình sáng tạo cơ bản trong folklore, quá trình ấy diễn ra đến tận hôm nay [147, tr. 61]; chúng tôi nhận định: từ tín ngưỡng thờ nhiên thần, cầu con cái, sức khỏe, LHGT phát triển thành lễ hội nông nghiệp; LHGT ở Lào Cai tiếp tục phát triển và mang ý nghĩa lịch sử của dân tộc Hmông trong trường kỳ đấu tranh sinh tồn, chống lại sự áp bức của các thế lực phong kiến TQ.

Đánh giá đầy đủ, nhận diện bản chất của một lễ hội truyền thống nói chung là việc làm thú vị nhưng vô cùng khó khăn vì lễ hội tích chứa trong nó những vấn đề cốt lõi văn hóa cổ truyền của một dân tộc dưới các dạng của biểu tượng văn hóa.

Tuy nhiên, từ việc nhận diện bản chất LHGT có thể mở ra con đường khẳng định một phương diện bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Hmông sinh sống trên quê hương Lào Cai. Tiếp tục nghiên cứu, giải mã, nhất là giải mã các biểu tượng văn hóa trong lễ hội, làm sáng tỏ bản chất LHGT của dân tộc Hmông ở Lào Cai, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tốt đẹp của đồng bào là hết sức cần thiết.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)