Diễn xướng Gầu plềnh trong Lễ hội Gầu tào

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 49 - 59)

Chương 2 ᄃ: DIỄN XƯỚNG GẦU PLỀNH TRONG LỄ HỘI GẦU TÀO

2.2. Diễn xướng Gầu plềnh

2.2.2. Diễn xướng Gầu plềnh trong Lễ hội Gầu tào

Diễn xướng Gầu plềnh trong LHGT chỉ là một trong rất nhiều cách thức diễn xướng của nó nhưng lại quan trọng nhất, không chỉ biểu hiện tập trung sự “trao đổi tình cảm giữa con trai, con gái” [74, tr. 63] Hmông mà còn biểu hiện chức năng sinh hoạt với các mối quan hệ nam nữ, tình duyên, tình yêu đa phức của con người trong không khí linh thiêng, náo nhiệt, cởi mở của ngày hội. Đối tượng tham gia đa dạng với mọi thành phần, lứa tuổi. Đây là một đặc thù có tính chất “tâm lý-xã hội” (Bauman, Bài

“Diễn xướng” [148, tr. 78]) của cộng đồng Hmông khi tham gia LHGT, biểu hiện tập trung nhất tinh thần của một dân tộc yêu ca hát. Mỗi một đối tượng sẽ có một tập hợp

“cấu trúc phương tiện thông tin riêng” và các mã “khóa” kết cấu diễn xướng riêng biểu hiện ở các nghi thức, cách thức, công thức diễn xướng. Mặt khác, tương ứng với đối tượng diễn xướng có thể có các bối cảnh diễn xướng khác nhau mà theo Bauman, về cơ bản có bối cảnh diễn xướng “đúng” và bối cảnh diễn xướng “tùy nghi” [147, tr.

772]; vì vậy, sau đây, chúng tôi phân chia theo đối tượng tham gia và bối cảnh diễn xướng Gầu plềnh để việc trình bày được tập trung, khoa học hơn.

1) Hát nghi thức

Cuộc hát bắt đầu ngay sau khi làm xong các thủ tục cúng cây nêu, khai hội.

Mở đầu cuộc hát ở LHGT xã Pha Long bao giờ cũng là bài hát nói về “người Hán và người Hmông” (Người Hán ăn tết, cúng bia đá; người Hmông ăn tết, cúng cột nêu tre...); hình thức hát: sau khi thắp hương vàng dưới gốc nêu, các ông, bà chủ lễ (có năm 6, có năm 8 người) che ô hát (qua micro), quay phải ba vòng, quay trái ba vòng xung quanh gốc nêu (A2.4, tr. 294). LHGT xã Cán Cấu (Si Ma Cai, 2003) cũng là hát múa tập thể mở đầu cuộc hát xung quanh gốc nêu nhưng được sắp xếp từng đôi: 1 đôi ông bà già, 1 đôi trung niên, 1 đôi thanh niên; nam cầm cành cây còn nguyên lá, nữ cầm ô đi trước; theo sau là một đoàn trai gái, người múa ô, người múa gậy tiền, người múa khèn, đặc biệt có cả người múa liềm, côn; những người đi đầu

hát nhỏ trong nhịp điệu nhạc của cây gậy tiền và tiếng khèn. Ở xã Tả Giàng Phình, Sa Pa, 2013, khai hội được khá lâu mới diễn ra hát nghi thức do sau khai hội, người ta tổ chức hát, múa hiện đại. Nhiều phụ nữ địu con nhỏ đứng chờ có ai hát nghi thức thì đi theo. Ở xã Lao Cái Chư (Hà Khẩu, TQ), tổ chức hát nghi thức mở đầu có tới chín cặp trai gái mang theo rất nhiều dụng cụ gia đình (cày, cuốc, xoong, chảo, ô, dao, búa, liềm, khèn...). Như vậy, LHGT nào cũng hát nghi thức song hình thức tổ chức tại mỗi địa phương khác nhau. Nhìn chung, mở đầu LHGT, hát nghi thức là bắt buộc theo quy định nhưng trong tiến trình lễ hội, hát nghi thức lại mang tính tự giác; bởi nó diễn ra nhiều lần trong một ngày hội, nhiều nhóm khác nhau tham gia, ai cũng có thể tham gia. Ông Lù Seo Sềnh ở Pha Long cho biết, nhiều phụ nữ có con nhỏ, không biết hát hoặc không thể một mình hát thì phải nhờ người biết hát dẫn đường và họ địu con đi theo. Điều đó rất quan trọng, nó chứng tỏ việc hát này không phải chỉ để vui chơi mà có một ý nghĩa cầu đảo, khẩn cầu thần linh phù hộ;

chủ yếu phù hộ con người, nhất là trẻ con khỏe mạnh. Họ hát nhiều bài ca cầu phúc lộc, may mắn khác nhau nhưng nhất định phải hát bài nói về sự khác nhau giữa người Hán và người Hmông, đồng thời căn dặn người hát với lòng mong mỏi bình an, hoà thuận trong cộng đồng: Ta hát tâm tình trai gái đôi bên/ Hát không hát lời đau.../ Bài hát không nguyền anh rủa chị [133, tr. 9].

2) Hát đối đáp của nam nữ thanh niên

Ngoài nghi thức hát mở đầu, chúng tôi chia cuộc hát thành ba chặng (trên thực tế, cuộc hát đan xen nhau, chúng tôi tạm phân chia để thuận tiện nghiên cứu).

Chặng 1: Diễn ra trong ngày thứ nhất hoặc ngày thứ hai tùy nơi, tùy năm. Theo miêu thuật của tác giả Savina (và một số tác giả khác), nam nữ chia thành từng tốp đứng hai bên cây nêu hát; từng đôi hát một, hết đôi này đến đôi khác, hết tốp này đến tốp khác. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi 3 năm gần đây, do có phương tiện âm thanh, người ta hát qua micro và lên đứng ở gần gốc nêu như biểu diễn trên sân khấu;

có thể hát đơn ca, có thể song ca nam – nữ; mọi người đứng quây thành vòng tròn rộng quanh gốc nêu để tán thưởng; nhiều người hát theo, đại thể:

Làm quen:

Nam: Hỡi cô thiếu nữ xinh!/ Vì sao nắng sớm không nóng?/ Nắng muộn nắng cả thung lũng xa/ Anh đây ở tận quê nhà/ Vẫn nghe tin em là cô gái thêu thùa rất giỏi.

Nữ: Hỡi chàng trai!/ Lưng đèo mang tiếng thông reo/ Em đây ở tận quê mình/ Từng nghe tin anh là người trai tốt [TLĐD, bài 1].

Chào mời:

Nam: Nàng hỡi! Sao nàng không hát/ Mai kia các cụ bô lão hạ cây nêu/

Chất thành đống đốt cháy/ Bè bạn mọi người đều hát ca vui vẻ/ Bài hát du dương thấm tận thớ tim/ Nàng hỡi sao nàng không hát!

Nữ: Mình ơi, mình là ai vậy/ Mà giọng lưỡi mình giỏi như chim sơn ca/

Mình là ai đó hỡi mình/ Giọng lưỡi mình khéo như chim hót [134, tr. 47].

Ướm hỏi – tỏ bày :

Nam: Có ngày mình có chồng, ta có vợ/ Đôi ta chẳng còn được lấy tay che mắt nhìn nhau.

Nữ: Em như con gà mái bới khắp nơi không có chuồng/ em còn chưa có bạn/

Mình như con gà sống bới khắp nơi lại có chuồng/ Mình đã có bạn lại có bè [134, tr. 61].

Nhìn chung, họ hát những nội dung bóng gió, xa xôi có tính chất chung chứ chưa đi vào cụ thể cuộc tâm tình, bày tỏ tâm sự cá nhân. Đó là đặc điểm chung diễn xướng có tính đặc thù trong giao tiếp “giao duyên” trong bối cảnh cụ thể một cuộc hát công khai giữa công chúng của nhiều dân tộc. Chẳng hạn, người Việt mở đầu hát giao duyên: Anh đà có vợ hay chưa/ Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào, hay người Nùng hát Sli trong hội Sính Mình: Cẩm nào chăng có mầu/ Lòng ai chẳng giống nhau/ Giáp mặt e thẹn nói/ Nhờ câu lượn mở đầu [135].

Để làm rõ đặc điểm, tính chất, bản chất của diễn xướng Gầu plềnh ở chặng 1, chúng tôi so sánh diễn xướng của nó với diễn xướng dân ca giao duyên một số dân tộc khác. Gầu plềnh ở chặng này có nhiều điểm giống với hát Ví cuộc của người Việt; Sli, Lượn của người Tày - Nùng; Khắp báo sao của người Thái; Vươn chan hằm của người Giáy nhưng cũng có những điểm khác biệt.

Người Tày tổ chức cuộc Lượn ở đình làng hay nhà sàn để trai gái làng này hát với trai gái làng khác; hình thức tổ chức thành phe nhóm, bên chủ - bên khách, bên trai - bên gái ngồi đối diện hát đối đáp theo trình tự: - mở đầu (gồm chào mời, thăm hỏi, làm quen); - tỏ bày (gồm trao đổi tình cảm, tài năng, tỏ tình yêu thương);

- tiễn biệt (gồm hứa hẹn, dặn dò....). Người Thái tổ chức Khắp báo sao tại “Sàn hoa Hạn khuống” vào mùa thu, mùa đông, sau khi thu hoạch mùa, có nhiều vải dệt và tương đối nhàn rỗi. Sàn hoa cao 1,5m, rộng 5-6m, có lan can, xung quanh đan hoa văn mềm mại; dựng cây nêu chính giữa và bốn cây ở bốn góc... Các cô gái quay tơ, kéo sợi, các chàng trai thổi khèn, sáo, hát đối đáp giao duyên. Cuộc hát có các cụ già khai cuộc và rất đông dân làng cổ vũ. Trình tự: chào mời -> thăm hỏi -> thi tài -> tình tự -> hẹn ước. “Bên ánh lửa, cuộc hát đối đáp thâu đêm, hết ngày này sang ngày khác. Sinh hoạt Hạn khuống không đêm nào giống đêm nào với thời gian có thể kéo dài hết mùa thu sang mùa đông và nó có sức cuốn hút kỳ lạ” [103, tr. 761].

Hát Ví của người Việt hay hát Vươn chan hằm của người Giáy về cơ bản hình thức tổ chức, diễn biến cuộc hát cũng trải qua các bước như vậy.

Nhìn chung, hát Gầu plềnh chặng này ít nhiều có tính tổ chức giống như diễn xướng cuộc hát đối đáp giao duyên một số dân tộc khác, nhưng điểm khác biệt là tính tổ chức của Gầu plềnh còn ở mức độ đơn giản; biểu hiện ở ba điểm sau:

(1) Địa điểm hát đã có quy định (nơi tổ chức lễ hội) nhưng thuộc loại địa điểm tự nhiên được mọi người quy định ngầm với nhau từ trước ngày mở hội. Nói chung, dân ca đã có nơi hát quy định một cách tự nhiên, theo tác giả Đặng Văn Lung [74, tr. 80], gồm các dân ca đối đáp trai gái có gắn với hội hè, gắn với lao động mà chưa có bóng dáng của nghi lễ ca hát và sự xác định địa điểm hát biểu hiện một quá trình phát triển dân ca. Các dân ca tiến triển từ chỗ không có nơi hát cố định đến chỗ có quy định nơi hát; và ông phân chia sự phát triển này thành bốn bậc:

1) Nơi hát không cố định (lối hát đơn lẻ). 2) Nơi hát có quy định một cách tự nhiên (Gầu plềnh). 3) Nơi hát có quy định địa điểm một cách rõ ràng, đã tương đối ổn định (hát ở hang Thẩm Lé của người Thái). 4) Nơi hát cố định (hát Quan họ: hát ở nhà chị Cả hoặc ở chùa thực hiện hai chức năng cơ bản là giao duyên và nghi lễ).

(2) Thời gian hát có định kỳ vào dịp đầu xuân, dịp tổ chức hội nhưng chưa phải đã được quy định chặt chẽ; có thể hát một ngày, ba ngày, năm ngày, bảy ngày hoặc kéo dài hơn tuỳ ý. Điều đó khác lối hát có định kỳ chắc chắn của một số vùng dân tộc Kinh như hát Ví (Quảng Lãm) chỉ được phép trong ba ngày, ngoài ra, nếu ai còn dan díu tình cảm sẽ bị làng phạt vạ, hay hát Quan họ có tục kết chạ mà theo đó, các liền anh liền chị chỉ được hát chứ không được lấy nhau.

(3) Lề lối hát: Nội dung bài ca sắp xếp theo sự giao tiếp thông thường (gặp nhau, chào hỏi, ướm thử...) chưa bắt buộc theo làn điệu và hệ thống bài bản (như kiểu hát đối ứng của Quan họ).

Để rõ hơn bản chất, nguồn gốc và quá trình phát triển Gầu plềnh ở chặng 1, chúng tôi so sánh với hát hội của một số dân tộc khác như Tính tang (Mường), Quan họ (Kinh) và Xoong hau (Nùng Phàn Sình):

- Hát Tính tang khác hát Gầu tào ở chỗ: có tổ chức, có tục kết chạ, có địa điểm tổ chức cố định ở chùa, hát Gầu tào cũng có người đứng ra tổ chức nhưng tính tổ chức lỏng lẻo, địa điểm không cố định, không có tục kết chạ mà hát tự do. Gầu tào có tính chất thờ tổ tiên còn Tính tang thờ thần bảo hộ (biểu hiện bằng ba lễ:

khung mùa, thửa là ó, cúng cơm mới). Tuy nhiên, hát Tính tang giống hát Gầu tào ở chỗ những ngày đầu xuân, người Mường tiến hành tục kết chạ nhưng vẫn hát ở quanh đồi, trên bờ ruộng quanh chùa.

- Hát Quan họ có những điểm khác hát Gầu tào: đủ đôi mới hát, một đôi có hát chính - hát phụ (gọi là luồn); các nghệ nhân tổ chức thành từng đội, có đội trưởng. Khi hát, đội trưởng phải sắp đôi; bọn trong đội coi nhau như anh em một nhà, ai phạm luật sẽ bị khinh bỉ và hội mùa xuân thì hát thờ Thành hoàng làng.

- Hát Xoong hau giống hát Quan họ ở chỗ có đội, đủ đôi mới hát và giống hát Gầu tào ở chỗ diễn ra trong dịp thờ tổ tiên, cầu may.

Tựu chung lại, hát Gầu tào, Tính tang, Xoong hau, Quan họ mang bản chất

cuộc hát giao duyên, có nhiều điểm chung và những điểm khác biệt. Những điểm chung phản ánh sự đồng dạng của sinh hoạt văn hóa trong lễ hội nông nghiệp.

Nhưng điểm khác biệt phản ánh quá trình, mức độ phát triển khác nhau; tập quán, tâm lý dân tộc khác nhau; trình độ sản xuất, trình độ tổ chức khác nhau. Có thể nhận thấy tính tổ chức, lề lối hát Quan họ rất cao, quy định chặt chẽ, phân vai rõ ràng, có tính ước lệ, gần với chuyên nghiệp; tính tổ chức của hát Xoong hau gần với Quan họ nhưng vẫn còn dấu vết của lối hát tự nhiên (cầu phúc, cầu may); hát Tính tang đã có tính tổ chức (ở chùa, kết chạ), tuy vậy, dấu vết tự nhiên còn khá đậm (hát ở đồi, ruộng, quy định kết chạ không chặt chẽ như Quan họ) nhưng hát Gầu tào thì tính chất tổ chức, lề lối hát lỏng lẻo hơn nhiều (hát tự do, không có quy định ràng buộc như kết chạ, có thể yêu, lấy nhau) và mang đậm dấu ấn tự nhiên, nguyên thuỷ.

Chúng ta biết rằng người Hmông vốn là cư dân làm ruộng nước, do điều kiện lịch sử, phải di cư vào núi sinh sống một cách tương đối biệt lập. Nghi lễ trong LHGT còn nhiều dấu vết nghi lễ của cư dân nông nghiệp ruộng nước xa xưa nhưng dấu ấn của cư dân vùng cao, hẻo lánh, kinh tế - xã hội lạc hậu là rất rõ. Nghi lễ ấy vừa là cớ để trai gái hát giao duyên, đồng thời hát giao duyên lại là một hình thức của nghi lễ. Ở đây Gầu plềnh vừa thực hiện chức năng giao duyên vừa thực hiện chức năng văn nghệ, đồng thời thực hiện chức năng nghi lễ, chưa có sự phân biệt rạch ròi ba chức năng trên. Do trên địa bàn rẻo cao hẻo lánh, trình độ, phương thức sản xuất còn thấp, dân tộc Hmông chưa thực sự có nền tảng kinh tế – xã hội của một chế độ xã hội phong kiến như các dân tộc Việt, Nùng, Thái, Mường (giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX). Phải chăng vì vậy mà các nghi thức, cách tổ chức, tính chất sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, hát Gầu plềnh trong LHGT còn dừng lại ở mức độ đơn giản, nhiều dấu ấn cổ sơ, nguyên thuỷ? LHGT những năm gần đây cho thấy hát Gầu plềnh đang có xu hướng biến đổi, tính chất sân khấu hóa ngày càng chen lấn vào lối hát tự nhiên, dân dã song mới chỉ tác động vào tính chất văn nghệ, giải trí bề ngoài chứ chưa đủ sức tác động vào phần bản chất bên trong là chức năng giao duyên và chức năng nghi lễ (xem Chương 4).

Chặng 2 là chặng hát quan trọng, chủ yếu nhất, chiếm phần lớn thời gian của hội và cuộc hát: khi đã ưng ý nhau, trai, gái tự động tách từng đôi hát với nhau.

Chặng này giống hát lẻ, hát tự do của một số dân tộc khác cho nên chúng tôi tạm dùng cụm từ “Gầu plềnh tự do”. Đại thể, khi chàng trai (có thể xòe ô hoặc không) hát mời: Mùa đông dây leo không mọc chồi, mùa xuân dây leo mới mọc/ Dây leo mọc không có đường vượt, lách vượt lên lá tre/ Ta bảo mình theo ta tâm sự mình không nói [132, tr.148]. Cô gái đồng ý hát thì xoè ô, còn nếu không đồng ý thì cụp ô lại (gọi là cọ dù hoặc cọ ô) hoặc chàng trai xòe ô mà cô gái đứng vào trong ô là đồng ý hát. Nam nữ xoè ô, đứng trong ô để hát (A2.5. tr. 295). Hai người hát chính

nhưng mỗi người có thêm một vài bạn hát. Một ô như vậy có bốn đến sáu người (hai đôi hoặc ba đôi nam nữ) che ô kín đầu, tay cầm tay hoặc khoác vai nhau để tham gia cuộc hát. Những người bạn đứng để nghe hát và động viên là chính, song cũng có khi họ tham gia nhắc lời cho đôi hát. Họ hát nhỏ đủ cho nhau nghe ở trong ô. LHGT Pha Long (Mường Khương) các năm 2003, 2012 chúng tôi chứng kiến từ ngày thứ hai, thứ ba của hội có hàng chục đám hát như vậy; các nghiên cứu LHGT ở huyện Hà Khẩu, châu Văn Sơn cho biết có nhiều đám hát tương tự. Tác giả Lương Vũ Minh (TQ) miêu tả trùng hợp sự quan sát của chúng tôi: “...Từ một vòng tròn lớn quanh gốc nêu tách ra hàng chục vòng tròn nhỏ...Trong khi hát đối, khi ý trung nhân của mình rủ rỉ hát bên vai, chỉ cần dùng cái gương là có thể nhìn thấy người mình yêu rồi...; các cô gái rất yêu chiếc ô hoa, một là để che nắng, mưa, hai là để che bí mật tình yêu” [189, tr.128. bg]. Theo ông Sùng Sèo Lìn, cán bộ văn hóa huyện Mường Khương (2003) thì “những người đủ tự tin đứng ra hát phải có giọng tốt, thuộc rất nhiều bài, có tài ứng khẩu, đối đáp”. Thời gian cuộc hát này tại LHGT kéo dài từ sáng đến chiều tối mỗi ngày hội. Trai gái hát với nhau một cách say sưa, quyến luyến từ sáng đến chiều; bên kia ngừng tiếng, bên này cất giọng đáp lại ngay;

vai trò sáng tạo Gầu plềnh của người hát được thể hiện rõ. Càng về cuối hội, cuộc hát càng say sưa, nồng nàn, tình cảm nam nữ càng thêm gắn bó. Ngoài những bài hát ướm lòng, tìm hiểu ra, chủ yếu họ hát giãi bày tâm sự, tỏ bày tình cảm yêu thương. Trong Gầu plềnh tự do, hai người hát, vì vậy, bản thân lời hát đã bộc lộ đầy đủ âm thanh, nhịp điệu, sắc giọng; đặc biệt, những sắc thái tình cảm của người thương biểu hiện rất rõ sự hồn nhiên, chân chất, mộc mạc, giản dị của tâm hồn.

Điểm độc đáo là Gầu plềnh tự do diễn ra, nhìn chung, như một cuộc trò chuyện tìm hiểu của đôi bên nam - nữ bằng lời ca, với rất nhiều cung bậc tình cảm: từ bóng gió nghi ngờ đến giận hờn trách móc, từ những tình cảm yêu thương thắm thiết đến thề thốt, hẹn hò...nhưng quan trọng hơn cả là tính chân thực trong cảm xúc và sự giãi bày biểu hiện rõ nhất, tập trung nhất chức năng giao duyên của cuộc hát:

Nam: Chàng trai này biết nữ đồng trinh đó/ Là một người con gái đẹp thì anh mới ngỏ lời yêu thương/ Không phải là hoa của ong, ong không mang.

Nữ: Nữ đồng trinh này muốn về cùng anh/ Nhưng sợ rằng sẽ không lo liệu nổi gia tài của bố mẹ anh [TLĐD].

Hơn thế nữa, chức năng giao duyên của cuộc hát Gầu plềnh còn như một hành vi nghi lễ phồn thực mà người Hmông hiểu rõ hơn ai hết. Trước đông đảo quan khách và bà con, những chiếc ô như muốn che thấp nữa...Có nhà Miêu học TQ gọi điều đó là “để giữ bí mật tình yêu” [189, tr.128. bg]. Có thể nói, đây là trạng thái tự nhiên, nguyên thuỷ nhất còn “hỗn hợp giữa chức năng giao duyên nam nữ và chức năng văn nghệ” [100, tr. 61].

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 49 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)