Biến đổi về diễn xướng

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 131 - 135)

Chương 4 ᄃ: SỰ BIẾN ĐỔI CỦA GẦU PLỀNH VÀ LỄ HỘI GẦU TÀO

4.3. Biến đổi Gầu plềnh

4.3.1. Biến đổi về diễn xướng

Vào những năm sáu mươi của thế kỷ XX, khi bước vào xây dựng đời sống văn hoá mới, do cho rằng việc hát giao duyên, nhất là hát trong LHGT nảy sinh nhiều mâu thuẫn, phức tạp nên một số lãnh đạo cơ sở đã cấm việc hát [112, tr.198]. Sau này, LHGT được khôi phục, việc phục dựng các nghi lễ, trò chơi thuận lợi hơn việc hát Gầu plềnh. Ngày nay, trai gái đứng hai bên cây nêu đồng thanh hát những bài Gâu plềnh mở đầu cuộc hát mang tính chất nghi lễ hầu như không còn nữa; thay vào đó là chiếc loa phát những bài Gầu plềnh tưng bừng hoặc những tiết mục biểu diễn tập thể, cá nhân như múa khèn, múa gậy tiền, múa liềm, côn, hát đơn ca, song ca, tốp ca...nhưng điểm đặc biệt là lúc nào cũng thu hút rất đông người đứng xung quanh; họ đứng sát nhau thành từng nhóm, cổ vũ, hát theo, làm quen, bình luận, tâm sự...; các chàng trai, cô gái có thể mở điện thoại ghi âm các bài hát yêu thích để lên tai nghe. Việc hát Gầu plềnh tự do cũng biến đổi khá nhiều và mức độ khác nhau giữa các lễ hội.

Hiện tượng nhiều người (nhất là phụ nữ) ngại hát đối đáp, thanh niên hầu như không hát mà chủ yếu người già, trung niên hát có tính chất tượng trưng (đây là những

“người lưu giữ truyền thống tích cực” theo cách nhìn nhận của Sydow [147, tr. 439]) là sự biến đổi mang tính chất đặc thù riêng của vùng Sa Pa nhưng rất có thể đó là tín hiệu báo sớm sự biến đổi diễn xướng Gầu plềnh cho các vùng khác trong tương lai. Ông Giàng Seo Gà (Giám đốc TTVH huyện, 2013) và một số cụ già ở Sa Pa phàn nàn: so với trước kia, số người biết hát, dám hát trong lễ hội ngày nay là quá ít ỏi.

Tình hình diễn xướng Gầu plềnh ở huyện Si Ma Cai diễn ra tương tự như vậy nhưng khác Sa Pa là LHGT xã Cán Cấu tổ chức 2 – 3 ngày tùy năm; bà con có thời gian để vui chơi, ca hát nhiều hơn. Các hình thức diễn xướng nói chung có tính chất nghi lễ được tổ chức cẩn thận, nhiều chương trình, tiết mục, số lượng người tham gia khá đông. Xu hướng sân khấu hóa Gầu plềnh nói riêng, các hoạt động văn hóa nói chung diễn ra mạnh, các cuộc hát Gầu plềnh tự do thưa vắng dần và chủ yếu do người

trưởng thành hát; việc tìm hiểu yêu đương trong LHGT vẫn duy trì nhưng đa dạng, phong phú; tục kéo vợ còn tồn tại nhưng mức độ không nhiều như Mường Khương.

Chúng tôi tham dự 01 ngày (5/Giêng/2013) tại LHGT Lao Kha (Hà Khẩu, TQ) và năm 2015, trao đổi với ông Chấu Seo Văn chủ tịch UBND xã Lao Kha (Trưởng đoàn giao lưu của xã Lao Kha tại Pha Long, 2015 (A4.2, tr. 305). Theo ông, LHGT Lao Kha không đông người dự bằng Pha Long, hát Gầu plềnh tự do diễn ra tương tự Pha Long. Tuy vậy, tính tổ chức của LHGT La Kha được chú trọng, chu đáo và xu hướng tổ chức sự kiện biểu hiện rất rõ như mang nhiều loại dụng cụ lao động, nhạc cụ đến lễ hội; chương trình văn nghệ dàn dựng công phu, có khi làm sân khấu lớn để biểu diễn, mời ca sỹ diễn nhiều tiết mục Gầu plềnh (A4.3, tr. 306, băng hình kèm theo);

chương trình văn nghệ trong hội mang tính chất ca múa nhạc dân gian kết hợp hiện đại thu hút nhiều khán giả người Hmông đến xem, cổ vũ.

Ở LHGT xã Pha Long (Mường Khương), các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, tự nhiên hơn; tuy vậy, xét hai giai đoạn diễn xướng Gầu plềnh: 2000 - 2003 và 2012 – 2015 chúng tôi trực tiếp theo dõi sẽ nhận thấy sự biến đổi tương đối rõ nét (PL4.6, tr. 280). Năm 2003, sưu tầm tại LHGT Pha Long, chúng tôi dễ dàng ghi âm được các bài hát tự do từng nhóm nhỏ của nam nữ thanh niên, nội dung tâm tình hồn nhiên, trong trẻo:

Nam: Hỡi em, cô nữ đồng trinh!/ Tại sao nắng sớm nắng lại không nóng/

Nắng muộn nắng lại nóng khắp cả thung lũng xa/ Để cho anh, chàng trai này!/ Anh ở tận nơi đây/ Vẫn nghe tin em/ Cô nữ đồng trinh đó là cô gái thêu thùa rất khéo.

Nữ: Hỡi chàng trai!/ Lưng đèo vang tiếng thông reo/ Và nữ đồng trinh này/

Em ở tận quê mình/ Em đã từng nghe tin anh, chàng trai ấy/ Không bao giờ phạm một chút lỗi [TLĐD, bài 1, 2].

Nhưng ngày nay thực hiện điều đó rất khó khăn. Sự biến đổi diễn xướng Gầu plềnh Pha Long trong 2 giai đoạn trên dễ dàng nhận thấy nhất là thay đổi về cơ cấu số lượng cuộc hát và lứa tuổi, liên quan đến tương quan, cơ cấu các sinh hoạt văn nghệ nói chung. Các nội dung sinh hoạt quan trọng nhất của Gầu plềnh có sự thay đổi đáng kể.

Về số lượng, hát đối trên sân khấu tăng từ 2 lên 5 cuộc, hát tập thể tăng từ 4 lên 9 cuộc, hát đơn tăng từ 3 lên 6 cuộc nhưng đám hát Gầu plềnh của nam nữ (tức hát Gầu plềnh tự do) quanh cây nêu giảm mạnh từ 21 còn 5 cuộc; đặc biệt, việc thanh niên nam nữ ra khỏi đám hát tâm tình bằng kèn lá, đàn môi giảm từ 3 đến không còn nữa.

Về lứa tuổi, người tham gia hát ngày càng cao tuổi, nhất là đám hát Gầu plềnh quanh cây nêu: giai đoạn 2000 - 2003 nhiều đôi nam nữ 15 - 20 tuổi hát

(A4.4, A.4.4b, tr. 306 - 307), đến năm 2014, 2015 còn một vài đôi trẻ tuổi hát; số đông là người tuổi trung, cao niên hát (A4.5, tr. 307); cuộc hát mang tính chất tượng trưng hơn là cuộc tâm tình:

Nam: Anh nghe tin em đã đi làm dâu nhà họ/ Trái tim anh chưa chết/ Anh viết vội trang thư đưa cho chú ve/ Tiết trời vào thu ve kêu buồn bã/ Vọng khắp các ngọn cây.

Nữ: Miệng em không nói/ Nhưng trong lòng lại nghĩ thầm/ Chỉ lo sẽ nhiều tin không tốt/ Tiếng ve kêu khắp đỉnh đèo/ Miệng em chẳng nói/ Nhưng trong lòng nghĩ thầm sẽ có nhiều tin chẳng hay [TL Đ D, bài 13, 14].

Trái lại, tuổi trẻ hăng hái tham gia biểu diễn văn nghệ hơn với nhiều tiết mục hoặc nhiệt tình cổ vũ, rồi từng nhóm tản ra rìa đồi, dưới bóng cây tụ tập nói chuyện, hoặc tham dự các trò chơi xung quanh. Tôi hỏi một nhóm 2 nam, 2 nữ đang tâm sự bên sườn đồi (A4. 6a,b, tr. 308), bạn nữ Lý Thị Chảo nói “bây giờ thời đại thay đổi rồi, ai còn tìm hiểu bằng hát như trước nữa!”, rồi bạn mở chiếc chiếc điện thoại IPhon bật cho xem một đoạn video dạng ca kịch, nói “lúc nào thích thì nghe cái này”. Như vậy, diễn xướng Gầu plềnh có xu hướng biến đổi từ hát tìm hiểu yêu đương (đặc biệt hát Gầu plềnh tự do) truyền thống sang hình thức biểu diễn văn nghệ, thi tài trước công chúng.

Những đám hát đối Gầu plềnh tự do hiện nay ở Pha Long (Mường Khương), Cán Cấu (Si Ma Cai), Tả Giàng Phình (Sa Pa) vẫn còn song chủ yếu người lớn tuổi hát, hình thức diễn xướng thay đổi khác trước và khác so với lớp trẻ mà chúng tôi quan sát được giai đoạn 2000 - 2003 (những đôi trẻ đứng sát nhau hoặc đối diện nhau hát; bạn bè đứng sát đôi trẻ, 5 - 6 người chụm đầu khoác tay, khoác vai nhau trong một cái ô, hát nhỏ đủ nghe). Những đôi lớn tuổi ngồi cạnh nhau, trên ghế, không ngồi sát quá mà có khoảng cách nhất định; họ lắng nghe đối phương hát chứ không có động thái như liếc mắt đưa tình, nắm tay hay khoác vai; những người bạn ngồi xung quanh cũng có khoảng cách chứ không biểu hiện quá thân mật như lớp trẻ. Như vậy cùng là diễn xướng Gầu plềnh nhưng ở mỗi giai đoạn của cuộc đời cách thức diễn xướng có sự biến đổi.

Xét tương quan sinh hoạt Gầu plềnh với các sinh hoạt văn nghệ khác, các hình thức múa hát hiện đại, múa gậy tiền, hát nghi lễ đi xung quanh cây nêu tăng số lượng, mở rộng độ tuổi và quy mô tổ chức hoành tráng hơn. Múa hát hiện đại có xu hướng vừa cải biến dân ca vừa tiếp thu các trào lưu văn nghệ của các dân tộc khác.

LHGT năm 2013, 2015, xã Pha Long tổ chức giao lưu với xã Lao Kha (Hà Khẩu, TQ) có một số tiết mục như nhảy disco, nhảy van, chachacha và một số bài hát tình ca hiện đại (A4.7, tr. 309). Năm 2014, tại LHGT Lao Kha, ca sỹ Chấu Sín Lằng (người Hmông) tổ chức như một show diễn dân ca, với sân khấu hiện đại, hoành

tráng, thu hút rất đông người xem và hát theo (xem thêm A4.3, tr. 306). Múa gậy tiền truyền thống ngày càng nhiều thiếu nhi tham gia hơn, có sự kết hợp múa khèn của nhiều lứa tuổi (A4. 8a, A4. 8b, tr. 309 - 310). Hát nghi lễ đi xung quanh cây nêu ngày càng thu hút nhiều người, nhiều lứa tuổi, năm 2015, trên 40 người tham gia một cuộc và diễn ra liên tục trong mỗi ngày hội (A4. 9, tr. 310). Đặc điểm chung của các hình thức văn nghệ này là tính tổ chức cao, chuẩn bị kỹ lưỡng; âm nhạc, âm thanh lớn, rộn ràng; múa hát hiện đại với trang phục cách điệu, hóa trang diễn viên đẹp, tập luyện công phu, tính nghệ thuật cao, hấp dẫn người xem hơn. Có thể nói, chính những điều trên đã thu hút tuổi trẻ; vì vậy, dần dần thay thế một phần cách diễn xướng truyền thống ngay tại nơi bảo lưu truyền thống khá tốt là Pha Long. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, từ sự biến đổi này, tuổi trẻ ngày nay được tiếp cận truyền thống đa dạng, đa chiều hơn thế hệ cha anh.

Nhìn chung, việc lưu giữ truyền thống cũng như biến đổi diễn xướng Gầu plềnh ở các cộng đồng Hmông có sự khác nhau. Sự biến đổi chủ yếu từ hình thức diễn xướng này chuyển sang hình thức diễn xướng khác chứ chưa phải biến dạng hay mất đi. Mức độ biến đổi ít, nhiều tùy điều kiện môi trường xã hội, tự nhiên và điều kiện sống cụ thể của từng địa phương mà từ đây có thể lý giải một cách khách quan, khoa học sự biến đổi hay duy trì phát triển Gầu plềnh. Chúng tôi lý giải biến đổi Gầu plềnh như sau:

Về kinh tế (PL1. 8, tr. 266): (1) Nhu cầu hưởng thụ văn hoá trong cuộc sống hàng ngày được đáp ứng ngày càng cao. Do đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ngày một tăng lên, đồng bào Hmông cũng như đồng bào nhiều dân tộc khác ở vùng cao ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn các loại hình văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần từ phúc lợi xã hội và từ thông tin đại chúng. (2) Giao thông đi lại thuận tiện hơn, tuổi trẻ được đến trường (chịu ảnh hưởng của văn hóa các dân tộc khác), thanh niên nam nữ có điều kiện giao lưu với nhau nhiều hơn, việc tìm hiểu yêu đương không phải chờ đến chợ phiên hay lễ hội nữa. (3) Các phương tiện thông tin, truyền thông như tivi, radio, cát xét, internet...phát triển đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, chiếm phần lớn thời gian nhàn rỗi, con người có ít thời gian sinh hoạt tập trung và ít chú tâm đến việc học hát.

Về xã hội: (1) Trong lễ hội, việc phát loa phóng thanh những bài hát dân ca rộn ràng nhưng ồn ào làm cho hát đối của nam nữ bị hạn chế; đôi khi họ cũng dùng micro để hát song những người đã quen hoạt động xã hội mới đủ tự tin để hát như vậy; do đó, việc hát dân gian nói chung, hát Gầu plềnh nói riêng trong lễ hội chuyển sang dạng thức khác. (2) Có thể trong LHGT ở Sa Pa, sự có mặt của khách du lịch đã làm bà con e ngại nhưng nguyên nhân chủ yếu là bà con, thanh niên các bản làng đến hội chưa kịp làm quen nhau do thời gian tổ chức trong một ngày là quá ngắn; vả lại, đã gần 40 năm (từ 1960 - 2000), LHGT ở Sa Pa không được tổ chức. (3) Một bộ phận thanh niên đã chuyển đổi nghề nghiệp làm công nhân, giáo viên, công

chức...nên tham gia các hoạt động truyền thống gặp khó khăn. (4) Một số thôn, xã vùng đồng bào Hmông, đạo Tin lành xâm nhập, “bản sắc văn hoá của dân tộc Mông như dân ca, nhạc cụ,… gần như bị loại bỏ” (Báo cáo của Tỉnh ủy Lào Cai, 2013).

(5) Trường học chưa chú trọng giáo dục truyền thống dân tộc. (6) Sự xâm nhập một số trò chơi như quay số điện tử, bán vé số, ném vòng cổ chai...ăn tiền.

LHGT Pha Long còn giữ được nhiều truyền thống hát Gầu plềnh hơn do các nguyên nhân: (1) Pha Long là trung tâm cụm xã nằm giữa tuyến biên giới huyện Mường Khương gồm các xã Tung Chung Phố, Tả Ngải Chồ, Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu;

trong thời gian LHGT bị cấm hoạt động (1960 - 1980), bà con Hmông ở các xã này vẫn tham gia LHGT tổ chức chui di chuyển khi ở xã Lao Kha, khi ở xã Lao Cái Chư của huyện Hà Khẩu (TQ), cũng có khi ở Tả Ngải Chồ (Mường Khương); thời kỳ chiến tranh biên giới (1980 - 1990), biên giới bị kiểm soát chặt, bà con Hmông ở các xã này vẫn tổ chức LHGT chui di chuyển mỗi năm một xã; do đó, truyền thống vẫn “như ngọn lửa”

được lưu giữ. (2) Huyện Mường Khương không phải huyện phát triển du lịch, đi lại giao thương khó khăn hơn, kinh tế - xã hội nói chung phát triển bình thường, không có đột biến, vì vậy, nhân dân còn giữ được nhiều truyền thống cổ truyền. (3) LHGT Pha Long tổ chức cơ bản theo đúng phong tục nên còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống;

cho đến nay, một số phong tục cổ xưa vẫn tồn tại như tục kéo vợ (ngày 5 tháng Giêng năm 2014 chúng tôi chứng kiến có đến 4 đám kéo vợ tại LHGT) nhưng tại các lễ hội của các huyện khác hầu như không có. (4) Mường Khương là nơi đầu tiên các nhóm người Hmông từ TQ thiên di sang với tư cách bắt đầu nhập tịch vào nước khác, từ đây họ dựa vào một quốc gia khác để chống lại sự chèn ép, xua đuổi của Triều đình phong kiến TQ;

bà con Hmông cùng đoàn kết với các dân tộc khác chống lại sự xâm lấn biên giới một cách mạnh mẽ, LHGT như là biểu tượng của màu cờ để khẳng định mình, chống lại đại Hán nên việc tìm mọi cách duy trì nó trở thành một nhu cầu mạnh mẽ hơn các vùng khác. (5) Pha Long là một trong 3 nơi đầu tiên người Hmông từ TQ thiên di sang Việt Nam, ngay từ đó, đồng bào đã chọn bãi đất thôn Nì Sỉ 1 làm địa điểm tổ chức LHGT;

sau nhiều lần chuyển địa điểm do điều kiện khách quan, cuối cùng người ta vẫn quay về tổ chức LHGT đúng bãi đất đã tổ chức lần đầu tại thôn Nì Sỉ 1. Đồng bào Hmông Pha Long còn cho rằng đây là “nơi thủ lĩnh dựng nêu tập hợp lực lượng”, do vậy truyền thống ở đây luôn như một ngọn lửa được hun đúc không bao giờ tắt.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 131 - 135)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)