Ngôn ngữ và làn điệu Gầu plềnh

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 118 - 122)

Chương 3 ᄃ: MỘT SỐ BÌNH DIỆN THI PHÁP GẦU PLỀNH

3.5. Ngôn ngữ và các biện pháp tu từ

3.5.5. Ngôn ngữ và làn điệu Gầu plềnh

Gầuplềnh có sức hấp dẫn đặc biệt còn bởi giai điệu say đắm lòng người.

Người hát Gầu plềnh thường dựa vào một số làn điệu có sẵn mà hát, gần như tự do, tuỳ theo cảm xúc và tài năng mà thêm thắt lời vào câu hát cho hợp với làn điệu [132, tr. 24]. Những lời thêm thắt ấy thường là những tiếng đệm không có nghĩa hoặc giả câu chữ có nghĩa nhưng chỉ là nghĩa phụ cho lời hát, như Zur nar ik ax, ntux tês nduô... Mặt khác, Gầu plềnh có những làn điệu đơn giản phù hợp với ứng tác nhanh trong cuộc hát. Những làn điệu quen thuộc của Gầu plềnh: fiêx phangz

(phìa phá), lul tâuv (lù tẩu), lul txiêx - khơưr txiêx (lu chìa - khơ chìa), [112, tr.142].

- Phìa phá là lối hát đối đáp của nam nữ thanh niên, gần với thể nói, làn điệu rất đơn giản, đặc biệt thích hợp với hát Gầu plềnh tìm hiểu yêu đương nên người già thường ít hoặc không hát. Làn điệu này “có nhiều biến thể” [140, tr. 46], linh hoạt nên dễ vận dụng khi hát. Có lẽ vì vậy mà nhìn từ phương diện này, nhà văn Mã A Lềnh gọi Gầu plềnh là những “bài ca sáng trí” để thi tài trí thông minh, ứng đối linh hoạt của nam nữ thanh niên Hmông.

- Lù tẩu (theo Hồng Thao hoặc suôz sênhv theo Hoàng Chúng - Mường Khương) là “hát ngâm bày tỏ tâm tình” [140, tr. 47] rất thích hợp với hát Gầu plềnh đơn lẻ, nhiều người có tuổi hay hát loại này (A3.8, tr. 304); ngày nay thanh niên ít người biết hát làn điệu này.

- Lù chìa - khơ chìa (hoặc khâu xìa) là hát kể, rất phổ biến thường để tự nói nội tâm có thể kể những câu chuyện dài. Theo Hồng Thao lù chìa chỉ chung khái niệm tình ca, những câu hát thuộc về tình cảm, trữ tình, còn khơ chìa (khâu xìa) là một dạng của lù chìa [140, tr. 50].

Do những đặc điểm trên, Gầu plềnh có nhiều nhóm bài thích hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi như đã nói ở các chương trên, đặc biệt, người Hmông xưa ai cũng có thể hát Gầu plềnh và đã sáng tạo rất nhiều bài ca, chưa thể sưu tầm hết được.

Đáng lưu ý là nhạc điệu của các bài ca chịu sự chi phối mạnh mẽ của ngôn ngữ Hmông [140, tr. 91]. Theo tác giả Hồng Thao, giai điệu âm nhạc Hmông đậm đặc tính chất dân gian, có tính gẫy khúc, nhấp nhô; điều đó do ba nguyên nhân: thứ nhất, ngôn ngữ Hmông đa thanh (7 dấu thanh hoặc 8 dấu thanh), một câu bao gồm nhiều tiếng, nhiều dấu giọng; thứ hai, ngôn ngữ Hmông có ít từ đồng nghĩa nên không có từ thay thế. VD: chí (txir) là cha, nả (nav) là mẹ; nếu lời ca có từ cha, buộc phải phổ âm cao, ngược lại nếu lời ca có từ mẹ, buộc phải phổ âm thấp, trầm, vì vậy, tạo ra tính chất gẫy khúc, nhấp nhô; thứ ba, ngôn ngữ Hmông có khuynh hướng nhấn mạnh tiếng đầu tiết nhưng ngay tiếng sau đó lại phát âm rất nhẹ. Từ việc phát âm mạnh - nhẹ khác nhau nên phải đặt vào hai phách bổng trầm khác nhau, vì vậy, mà giai điệu nhạc gẫy khúc.

Như vậy chính ngôn ngữ dân ca Hmông nói chung, ngôn ngữ Gầu plềnh nói riêng đặc biệt thanh điệu, ngữ điệu là yếu tố quyết định làn điệu dân ca Hmông và làn điệu Gầu plềnh. Nguyên nhân giai điệu âm nhạc về mặt ngôn ngữ như vậy nhưng với người thưởng thức thì chính giai điệu nhạc gẫy khúc, nhấp nhô tạo ra chất nhạc bổng trầm khi thiết tha, khi sâu lắng; khi vút cao trong sáng, khi lắng đọng trầm tư...tạo ra sự liên tưởng mạnh mẽ đến không gian sinh tồn của đồng bào, nhất là không gian vùng cao với khe sâu, vực thẳm, núi cao, đá tai mèo gai góc (nhưng không có nghĩa là không gian ấy quy định bản chất giai điệu âm nhạc Hmông).

Điều chắc chắn rằng nét nhạc đặc thù ấy chính là hoá thân tâm hồn, tính cách dân tộc Hmông, là sản phẩm sáng tạo có một không hai của đồng bào. Nét nhạc ấy phần nào phản ánh tình cảm dứt khoát, lành mạnh; tâm hồn trong sáng, giản dị; tính cách phóng khoáng, hồn nhiên của đồng bào Hmông.

Tiểu kết chương 3

Gầu plềnh là bộ phận dân ca đa dạng, phong phú nhất và có vị trí quan trọng trong dân ca Hmông. Gầu plềnh phản ánh đời sống tư tưởng, tình cảm, tâm hồn Hmông trong trường kỳ lịch sử một cách mãnh liệt, thiết tha, sâu sắc trong xương tủy, gan ruột. Nội dung Gầu plềnh thể hiện tập trung bản thân con người Hmông với những quan niệm của họ về cuộc sống, tình yêu, hôn nhân, gia đình, những phẩm chất tốt đẹp của con người với những nét thẩm mĩ riêng có tính đặc thù dân tộc.

Người Hmông đã sáng tạo ra những hình thức lời ca phù hợp nhất với những quan niệm của họ về bản chất con người mình. Hình thức dân ca ấy là hình thức nghệ thuật, mang nghĩa và mang tính quan niệm.

Các bình diện nghệ thuật trong Gầu plềnh vừa mang những đặc trưng chung của thể loại dân ca, vừa mang tính đặc thù của tiểu loại Gầu plềnh, biểu hiện ở ngôn ngữ thuần nhất, ít pha tạp; lối nói, lối diễn đạt, cấu tứ tác phẩm độc đáo, giàu màu sắc, hình ảnh; lời ca giàu nhạc điệu say đắm lòng người. Gầu plềnh với nghệ thuật ngôn từ đặc sắc, nghệ thuật diễn xướng độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Hmông là chất men đắm say bao nhiêu thế hệ người Hmông. Không gian, thời gian nghệ thuật trong Gầu plềnh vừa phản ánh quan niệm, cái nhìn của người vùng cao đối với thực tại cuộc sống nơi đèo cao núi thẳm, vừa phản ánh nhận thức đặc thù của một dân tộc có lịch sử thiên di đầy bi tráng. Kết cấu tác phẩm Gầu plềnh vừa mang nét chung của dân ca miền núi vừa mang nét riêng, độc đáo phản ánh tâm hồn một dân tộc ưa lý giải, giãi bày tình cảm, là sản phẩm sáng tạo độc đáo có một không hai của đồng bào. Thế giới biểu tượng trong Gầu plềnh rất đa dạng, kết tinh tinh hoa tiếng nói tư tưởng, tình cảm là sự tích hợp lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, tín ngưỡng có giá trị độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc. Cụm biểu tượng cây nêu trong LHGT và Gầu plềnh ẩn chứa tinh hoa văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh và lịch sử đấu tranh sinh tồn của đồng bào. Ngôn ngữ Gầu plềnh bình dân, trong sáng, giàu chất thơ, nhạc điệu phản ánh tâm hồn hồn nhiên, chất phác của đồng bào với lối suy nghĩ, lối diễn đạt riêng độc đáo.

Gầu plềnh là sản phẩm trí tuệ, tâm hồn dân tộc Hmông trong suốt trường kỳ lịch sử đấu tranh sinh tồn. Nghệ thuật Gầu plềnh còn nhiều vấn đề, nhiều bình diện, khía cạnh có thể khai thác, tìm hiểu sâu sắc hơn như thế giới biểu tượng, ẩn dụ, các con số, nhạc điệu...vô cùng thú vị mà trong khuôn khổ Luận án, chúng tôi chưa có dịp trình bày đầy đủ. Hy vọng sẽ có dịp trở lại tìm hiểu kỹ càng hơn.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 118 - 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)