Chương 3 ᄃ: MỘT SỐ BÌNH DIỆN THI PHÁP GẦU PLỀNH
3.1. Đời sống tinh thần dân tộc Hmông trong Gầu plềnh nhìn từ bình diện quan niệm nghệ thuật về con người
3.1.2. Quan niệm tình yêu, hôn nhân
3.1.2.1. Quan niệm hạnh phúc lứa đôi thuỷ chung gắn bó
Người Hmông Lào Cai có năm ngành, mỗi ngành thường cư trú ở những vùng rộng lớn khác nhau; đông nhất là Hmông hoa (70% số dân). Các ngành Hmông đều có tập quán cư trú thành những làng riêng với truyền thống khép kín tộc người một cách vững chắc trong cộng đồng làng (giao) [121, tr. 35]. Với tính chất cố kết cộng đồng chặt chẽ, người Hmông xưa hầu như không xây dựng gia đình với người dân tộc khác và "đến tuổi dậy thì, trai gái trước khi bước vào hôn nhân, thường có một giai đoạn tìm hiểu nhau’’[173, tr.134]. Cách tìm hiểu bằng lời ca, tiếng hát, bằng kèn lá, đàn môi là một phong tục đẹp đã để lại cho đời muôn khúc ca say đắm và những ước mơ cháy bỏng của đôi lứa yêu nhau, trong đó, tình yêu luôn gắn với quan niệm về hạnh phúc, thuỷ chung. Gầu plềnh có số lượng khá lớn những bài đề cập đến vấn đề này (110/250 bài = 44%); trong đó, ước mơ tình yêu chung thuỷ: 56/110 = 51%, ước mơ tình yêu đi đến hôn nhân: 53/110 = 49%. Vấn đề này cũng được phản ánh khá đậm nét trong Tục ngữ Hmông: đề cao tình yêu chung thuỷ: 32% tổng số đơn vị; đề cao khát vọng tình yêu: 28% tổng số đơn vị [121, tr.126]. Từ các số liệu trên có thể thấy vấn đề hạnh phúc gia đình, tình yêu chung thuỷ là hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng Hmông, thậm chí trở thành tiêu chuẩn của tình yêu, là quan niệm của đồng bào về cuộc sống con người, nằm sâu trong tiềm thức mỗi người, trở thành khát vọng cháy bỏng của lứa đôi, chi phối nội dung Gầu plềnh, nhất là các cuộc hát trong LHGT vì LHGT có mục đích cầu con. Ở một phương diện khác, quan niệm thủy chung của người Hmông có mối quan hệ mật thiết với tập tục hôn nhân. Theo tập tục, cộng đồng Hmông có các dạng hôn nhân: - do gả bán, - do tự nguyện (kéo vợ hoặc cưới xin bình thường), - do luật tục (chẳng hạn lấy con bà cô), - do thừa kế (chồng chết, lấy anh em chồng); những tình huống hôn nhân như trên đều mặc nhiên được thừa nhận trong cộng đồng. Mặt khác, vai trò đặc biệt của dòng họ trong cộng đồng cùng với các quy định chặt chẽ về quan hệ dòng họ chi phối mạnh mẽ cuộc hôn bất kể cuộc hôn nhân đó ở dạng
nào. Khi đã là người cùng dòng họ thì tuyệt đối tin tưởng nhau, khi đã thông gia thì có thể chia sẻ ruộng đất cho nhau, khi làm dâu là thuộc ma nhà chồng, nếu bỏ chồng thì phải đi biệt xứ, phải trả lại toàn bộ lễ cưới...Những điều ấy tạo ra ràng buộc và góp phần tạo nên quan niệm về thủy chung hôn nhân trong cộng đồng Hmông.
Quan hệ vợ chồng chung thủy là điều được giáo huấn cẩn thận trong từng gia đình, dòng họ và trong cả cộng đồng. Tục ngữ Hmông có câu: Anh đi đâu, em đi theo, anh sống được em sống được hoặc Mặt trời không bằng mặt trăng, người dưng không bằng chồng [182; tr. 45 - 46], còn trong cuộc hát Gầu plềnh, trước hết, đó là tiếng lòng của trai gái; họ chỉ mong sao giãi bày cho hết ý nghĩ, ước mong của mình với bạn tình, mong bạn tình thấu hiểu lòng mình, do vậy, tình cảm lứa đôi được tỏ bày hết sức đa dạng, có sắc thái riêng và độc đáo. Biểu hiện ở hai mặt khát vọng thủy chung và thủy chung gắn với quan niệm hôn nhân.
Khát vọng thuỷ chung là vấn đề muôn thuở của con người nơi trần thế nhưng với trai gái Hmông, tính chất mãnh liệt biểu hiện rất rõ ở cả hai mặt tích cực (quyết tâm cao, bất chấp cản trở: 16/56 bài, chiếm 28,5%) và tiêu cực (bi ai, đau khổ cao độ, đoạn tuyệt, tự tử: 40/56 bài, chiếm 71,5%); tạo ra những trạng thái tình cảm đa dạng và phức tạp. Khi yêu, người ta thề non, hẹn biển yêu nhau đời đời, kiếp kiếp, hoặc bằng cách trực tiếp giãi bày: Em ơi! Nếu không phải tình trai gái thì thôi/ Phải tình trai gái đôi ta nguyện yêu nhau mãi mãi, hoặc bóng gió xa xôi thông qua một vật kỉ niệm: Nàng ưng thì trao ta tặng vật, ta mang về/ Khi không gần nàng, nhìn tặng vật, ta như thấy bòng nàng tay nâng tà áo [132, tr.131]. Trong cuộc hát Gầu plềnh, nếu trai gái ưng nhau thì tặng nhau một vật đang mang theo trên mình làm kỉ niệm (vòng, nhẫn, khăn...; tham khảo A3.1, tr. 302), coi như đã thề nguyền, vì vậy, tặng vật đó rất thiêng liêng và được họ nâng niu trân trọng. Từ đó, lòng thủy chung đã được xác định và dệt thành tiếng hát với chất thơ bay bổng đầy lãn mạn: Anh ra đi/ Em không đi được, em quay trở về/ Em về tới con suối tám khúc mười hai đoạn mới ăn cơm trưa/ Em ăn cơm với nước suối xanh chờ ngày anh trở về [134, tr. 81]. Nào có khác gì nàng Tô Thị chờ chồng trong văn học dân gian của người Việt! Tuy nhiên, cũng có khi lời thề nguyền ấy thật dữ dội, nghĩa tình chung thuỷ của họ chỉ có thể so sánh với non cao, núi bạc, lòng thủy chung của họ chỉ có thể lấy máu thề nguyền: Mình không tin, đôi ta lên tầng núi cao/ Cứa máu ăn thề, vẹn tình chung thuỷ [133, tr. 41]; nhưng dù dữ dội đến mấy thì đó cũng chỉ là cái dữ dội nơi trần thế; để thề nguyền thuỷ chung, đôi khi người ta còn đi xa hơn vào cõi hư vô, biến ảo, thánh thần: Anh không lấy được em, em không lấy được anh/ Em biến ra con bướm đen, anh biến ra chiếc đàn môi/ Bướm đen ôm lấy đàn môi mà thổi suốt mùa xuân [134, tr. 84]. Tình yêu trần thế có lắm nỗi éo le, cay đắng; đâu phải cứ yêu nhau là lấy được nhau và được sống với nhau trọn đời - ấy là vấn đề muôn thuở của loài người. Nếu chàng trai Thái chọn giải pháp: Không lấy được em ta làm giặc
giữa bản [103, tr. 54], thì chàng trai Hmông lại hướng lòng mình theo nẻo khác: Ta dù chết, hồn ta quyết cầm ô lên cửa nhà trời đứng đợi mình [134, tr. 64]. Có người cho rằng, sao bi thương làm vậy? Thực ra, đó chỉ là vấn đề quan niệm! Theo tín ngưỡng, người Hmông cho rằng thế giới có ba tầng: tầng trời, tầng đất và âm ti. Họ tin rằng, con người chết đi, hồn sẽ lên tầng trời sống cùng tổ tiên. Ở đó, cuộc sống cũng hạnh phúc và họ tin rằng, người chết có thể tái sinh trở lại kiếp người. Cho nên, lời thề thuỷ chung kia, xét đến cùng, vẫn là quyết liệt, mạnh mẽ, thể hiện đến mức tột cùng ước muốn thuỷ chung gắn bó của lứa đôi. Nhưng sự đời đâu phải cứ yêu nhau, ước mơ bay bổng là lấy được nhau. Xã hội Hmông xưa đầy dẫy bất công và lạc hậu, hủ tục nặng nề, nhất là tệ tảo hôn, cưỡng duyên. Nhiều người khi nhận ra giá trị của tình yêu thì cuộc đời đã lỡ làng; có đôi ngậm ngùi sống trong đau khổ. Phải cảnh ấy, nhiều nàng dâu tuyệt vọng và tự tử (trong Tiếng hát làm dâu, 50% số bài nàng dâu tìm đến cái chết bằng cách tự tử [121, tr.135]); mặc dầu vậy, trong Gầu plềnh vẫn có những cách ứng xử khác, cảm động hơn: trai gái thường rủ nhau đi trốn để được sống với nhau. Đây là cách tự bảo vệ tình yêu, chống lại hủ tục một cách mạnh mẽ: Ta chạy tới tận chín con đường rải cát/
Em chạy như con hươu biết dấu vết móng/ Anh chạy như con chuột biết dấu vết chân.../ Sang đến bờ bên kia/ Đôi ta làm nhà sang như người Hán [132, tr. 246]; giải pháp khác là giữ gìn tình nghĩa cho con cháu mai sau được hưởng hạnh phúc: Đôi ta yêu nhau không lấy được nhau/ Đành mai sau có con, ta gả chúng cho nhau nàng ơi!
hoặc đành hẹn nhau ở kiếp sau: Tình duyên đôi ta kiếp này không đẹp/ Kiếp sau ta quyết đầu thai kết thành đôi lứa [134, tr. 155].
Thủy chung gắn với quan niệm hôn nhân: Thuỷ chung không chỉ nói suông! Lòng thuỷ chung thường gắn liền với một quan niệm về hôn nhân, hạnh phúc gia đình và được phản ánh bằng hàng trăm câu Gầu plềnh. Trong cộng đồng Hmông, chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được tôn trọng với quan niệm vợ chồng là một đôi không thể đi lẻ. Truyền thuyết kể rằng, đôi trai gái Nồng Su và Dợ lấy nhau, Nồng Su không yêu vợ, hoá hổ và đi theo Pù dông (thần hổ), sống cùng bầy hổ. Dợ không quản gian khó, đi theo chồng, cuối cùng đã cảm hoá được chồng và cứu chàng trở lại làm người. Một lần, nàng không đi cùng Nồng Su ra ngoài nên Nồng Su đã bị thần hổ giết chết. Từ đó vợ chồng người Hmông không bao giờ xa nhau [131, tr. 375]. Có thể khẳng định, người Hmông rất đề cao quan hệ gia đình, nhất là quan hệ vợ – chồng. Theo thống kê, trong tổng số đơn vị Tục ngữ Hmông về quan hệ gia đình thì tỉ lệ số đơn vị đề cao quan hệ vợ chồng là 46% [121, tr.127].
Trong cuộc hát giao duyên, trai gái khi đã ưng ý nhau thường bày tỏ ước mơ xây dựng hạnh phúc gia đình với nhau một cách thẳng thắn, hồn nhiên: Nam: Đã yêu em thì phải có được em/ Anh mới có một gia đình// Nữ: Em yêu anh thì phải được anh/ Em mới có cửa nhà anh ạ! [TLĐD, bài 8].
Quan niệm tình yêu gắn với hôn nhân và hạnh phúc gia đình đã trở thành ước nguyện không chỉ của thanh niên nam nữ mà của cả cộng đồng Hmông. Ước nguyện ấy được gửi gắm vào Gầu plềnh với nhiều dạng vẻ. Nhưng trước hết phải kể đến tính thực tế của người Hmông: luôn quan tâm đến những điều thiết thực với cuộc sống hàng ngày. Luật tục Hmông trước kia, thách cưới rất nặng nên không ít lứa đôi đành chấp nhận lìa xa và họ luôn ý thức rõ điều này. Cảnh gả bán ép duyên, cảnh cô dâu than khóc, khổ đau không hiếm trong xã hội Hmông xưa nhưng trai gái đã yêu nhau thì chính điều đó lại làm họ quyết tâm vượt qua để lấy được nhau:
Nam: Em hỡi! Ta chăm chỉ làm vụ mùa đầy nhà/ Đủ bạc để đón em về làm dâu//
Nữ: Anh hãy về cùng cha mẹ/ Lo một vụ mùa đầy gác/ Em mới về cùng anh xây tổ ấm [TLĐD, bài 10]. Thứ hai, sự lãng mạn trong tình yêu và hôn nhân vượt lên trên thực tế đời thường; trái tim những người đang yêu tràn ngập ước mơ lãng mạn, bay bổng: Anh cùng em làm nhà lá lau, ta cùng ở/ Để em được như cánh bướm bay tự do [134, tr.151]. Cái lãng mạn kiểu “một túp lều tranh hai trái tim vàng” này chỉ có thể là sự thăng hoa khi tình cảm nam nữ đã dạt dào, sôi nổi; khiến họ vẽ lên những viễn cảnh gia đình thật đầm ấm vui vẻ: Sống tự do ta làm nhà nóc lên tận lưng trời... Đầu gian phết giấy vàng/ Làm nơi bạn bè bên anh múa khèn thổi sáo/ Cuối gian treo giấy đỏ/ Là chỗ bạn bè bên em dệt vải thêu hoa [134, tr.152].
Sở dĩ Gầu plềnh tạo ra được nhiều thế ứng xử trước vấn đề tình yêu, hôn nhân như vậy vì chính con người Hmông đã nhận thức và coi trọng vấn đề này.
Ngược lại, nhờ có quan niệm đó mà người Hmông luôn tìm ra được những cách ứng xử hợp lí trong đời sống, đặc biệt là thể hiện trong Gầu plềnh.
3.1.2.2. Quan niệm tình yêu gắn với lao động sản xuất, xây dựng gia đình Bản chất người Hmông yêu lao động, cần cù và chịu khó. Điều này được phản ánh đậm nét trong văn học dân gian Hmông. Trong truyện cổ, những chàng trai có tài là những người lao động giỏi; ở tục ngữ Hmông, vấn đề lao động được đề cao: 26% tổng số đơn vị [121, tr.128]. Gầu plềnh có 95/250 (38%) bài đề cập đến vấn đề lao động. Số lượng không lớn nhưng rất đáng quan tâm, bởi lẽ, đồng bào Hmông hầu hết làm nông nghiệp nương rẫy ở núi, xa nhà; thời gian ở nương rẫy thường nhiều hơn thời gian ở nhà; đất đai bạc màu, núi non hiểm trở, năng xuất lao động thấp nên đòi hỏi phải rất cần cù, chịu khó mới có thể đảm bảo cuộc sống. Do đó, họ luôn luôn đề cao lao động và lấy lao động làm thước đo con người là điều dễ hiểu: Con gái không biết làm lanh lấy được chồng vẫn rách/ Con trai không biết làm nương lấy được vợ vẫn đói [182, tr. 41]. Ngày thường, tay các cô gái Hmông hầu như không rời cuộn lanh; lúc ở nhà cũng như khi lên nương, lưng đeo gùi nặng, họ vẫn miệt mài làm việc. Các chàng trai chịu khó với công việc, mải miết trên nương rẫy. Ông Hoàng Chúng cho biết, khi hỏi vợ cho con trai, người ta hay hỏi
rằng cô gái đó “có biết ăn hạt lanh không’’(tức là có đảm đang lao động thêu may, nội trợ hay không); nếu biết mới đồng ý cho con trai lấy cô gái đó làm vợ.
Trong Gầu plềnh, hình tượng những chàng trai cô gái hiện lên đẹp đẽ: con trai tháo vát, giỏi việc nương rẫy, con gái khéo léo thêu thùa, nội trợ: Sáng sáng em dậy làm, không để cái chõ, cái chảo nhà ta bụi bám/ Ta cày vụ nương, không để đâm chồi một ngọn cỏ rác [134, tr. 79]. Họ không khách sáo mà thật lòng đến mộc mạc, giản dị khi hát giao duyên: - Nếu mình thực tình/ Hãy vui vẻ theo ta về làm vụ nương kẻo muộn; - Thích anh rồi có được anh/ Nếu anh muốn mặc thì em sẽ làm bạn với chân khung cửi [TLĐD, bài 6]. Gầu plềnh không có những bài ca lao động riêng, nhưng đó đây bóng dáng của các công việc lao động thường ngày vẫn ẩn hiện. Điều đó dễ hiểu bởi đây là lời ca tiếng hát của những người nông dân lao động, hơn nữa lại lao động ở chốn đèo cao heo hút. Công việc lao động của người Hmông cực kì vất vả; ruộng ít, chủ yếu nương rẫy nơi hốc đá, trồng ngô là chính, năng suất lao động rất thấp. Nền kinh tế tự cung tự cấp, đã bao đời nghèo khó đè nặng lên cuộc đời những người dân lao động Hmông, vả lại, còn biết bao hủ tục nặng nề, lạc hậu, tốn kém cho nên họ khao khát có cuộc sống ấm no, mơ ước gia đình giàu mạnh. Gầu plềnh có nhiều bài chàng trai bỏ đi buôn kiếm tiền về xây dựng gia đình có lẽ cũng không nằm ngoài khao khát ngàn đời đó, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là ước mơ lao động trên chính mảnh nương của mình để đưa gia đình vưọt lên trên nghèo khó, để được sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống: Nếu ta được em, em được ta /Ta sẽ lấy phãng (một loại dao) phát trụi bụi lau tận rễ/ Đôi ta thành vợ thành chồng/ Nảy nở sinh sôi như tổ ong mật [134, tr. 79]. Biết lao động để xây dựng gia đình là một tiêu chuẩn quan trọng vì thực ra nó liên quan đến vấn đề sống còn của gia đình và cộng đồng; cho nên, trong cuộc hát giao duyên, cô gái thường hay nói một cách khiêm tốn: Em đây cũng muốn về cùng anh/ Nhưng sợ rằng không lo liệu nổi gia tài nhà anh, khi chàng trai hỏi: Anh biết người em là một người đảm đang thì anh mới nói lời hay .../ Có bằng lòng về với anh không? [TLĐD, bài 3].
Tình yêu hôn nhân gắn liền với vấn đề lao động, xây dựng gia đình, thực chất là quan niệm thẩm mĩ của đồng bào Hmông về bản chất cái Đẹp gắn với cuộc sống con người và bản chất các quan hệ con người trong cộng đồng. Nói cách khác, con người đẹp, ngoài những phẩm chất như có tình yêu thương chung thuỷ còn phải biết lao động để xây dựng cuộc sống cho bản thân và gia đình; nói rộng ra là để bảo tồn cộng đồng. Đây cũng là một cách góp phần tạo ra thế cân bằng trong cái cheo leo nơi đỉnh núi.