Chương 3 ᄃ: MỘT SỐ BÌNH DIỆN THI PHÁP GẦU PLỀNH
3.2. Thời gian, không gian nghệ thuật trong Gầu plềnh
3.2.2. Không gian nghệ thuật
“Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật”[128, tr.
88]. “Hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó.
Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính chủ quan. Ngoài không gian vật thể, có không gian tâm tưởng. Do vậy, không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy được vào không gian địa lý. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự... Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật” [44, tr. 160]. Nghiên cứu không gian nghệ thuật trong dân ca, tác giả Phạm Thu Yến, cho rằng đó là “một hiện tượng ước lệ mang ý nghĩa cảm xúc tâm tưởng” [186, tr. 146]. Không gian nghệ thuật vừa là đại lượng chỉ địa điểm, vừa gắn với điểm nhìn, trường nhìn, môi trường hoạt động; không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, nhiều khi mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật và mang tính chủ quan. Nó vừa là không gian vật lý (không gian thực, có tính cụ thể) vừa là không gian tâm lý (không gian ảo). “Sự phân biệt không gian vật lý và không gian tâm lý trong thơ ca trữ tình dân gian xét cho cùng chỉ mang tính tương đối vì không gian vật lý khi đi vào thơ ca đã qua sự chọn lọc của tâm trạng"[186, tr. 146]. Từ cơ sở khái niệm trên, tìm hiểu không gian nghệ thuật Gầu plềnh - một tiểu loại dân ca Hmông - chúng tôi khảo sát trên 2 phương diện không gian vật lý và không gian tâm lý.
1) Không gian vật lý là không gian cụ thể gắn với những cảnh vật nơi những nhân vật sinh sống, gặp gỡ, hẹn hò... Gầu plềnh được người Hmông hát (diễn xướng) trong nhiều hoàn cảnh: lúc đi làm nương, đi chợ, giao lưu bạn bè; lại cũng có thể hát một mình hoặc hát đối đáp; đặc biệt, Gầu plềnh được hát nhiều trong dịp Lễ hội Gầu tào (LHGT) đầu xuân. Do đó, trước hết, không gian nơi diễn xướng Gầu plềnh được phản ảnh đậm nét trong các bài ca. Đó là không gian của LHGT - nơi trai gái hàng năm về đây tụ họp, nơi hẹn hò, gặp gỡ, nơi của tình yêu thương, nơi chia xa lưu luyến: - “Người Mèo trồng cây nêu trên đèo/ Làm nơi cho đoàn trai gái trẻ trung về đậu”, - “Cây nêu mọc ở giữa, mình đứng một bên ta đứng một bên/...Kẻo nữa bước chân ra về, qua đồi nương cùng dốc núi” [132, tr. 123, 124];
hoặc là không gian gần gũi, gắn bó với đồng bào trong sinh hoạt đời thường với khung cảnh thiên nhiên cụ thể bao quanh nhân vật trữ tình mà người ta quan sát trực tiếp được: -“Trước cửa nhà em có cây lanh mọc/ Ong mới tìm về đậu” [133, tr. 10]
- “Nàng hỡi ta bảo nàng hát nàng không hát/ Lúc này mặt trời đã nghiêng về phía đồi”...[133, tr. 10]. Cũng có khi, đó là thiên nhiên - vũ trụ thể hiện sự quan sát thế giới tự nhiên xung quanh trong quá trình sống, lao động sản xuất, qua đó thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, thậm chí cả tín ngưõng, văn hoá của đồng bào: Mặt trời chiếu mặt trăng/ Mặt trăng sáng rực soi ngả núi/ Đêm nay, mình cùng ta kết duyên thắm tươi [133, tr. 6]. Khác với dân ca trữ tình người Việt, Gầu plềnh trước đây hầu như không có những không gian nêu địa danh cụ thể kiểu như “nước Sông Thao biết bao giờ cạn/ Núi Ba Vì biết vạn nào cây”, nhưng giống ở chỗ Gầu plềnh có một số không gian con đò, dòng sông, ruộng lúa, ao bèo... mà nhiều người giả thuyết rằng đây là dấu ấn ký ức một thời dân tộc Hmông đã từng là cư dân đồng bằng còn lưu giữ lại (Ví dụ: “Chạy đến bờ sông, anh lấy bạc giắt người/ Đôi ta xuống thuyền, nước yên, thuyền đi trót lọt” [132, tr. 247]).
Có thể khẳng định, hầu hết không gian vật lý trong Gầu plềnh xưa không có không gian xác định địa danh cụ thể mà chủ yếu là không gian phiếm chỉ giống như dân ca của nhiều dân tộc khác, nhưng khác ở chỗ, trong Gầu plềnh không gian ấy gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng cao, là không gian miền núi đặc trưng, gắn với đặc điểm địa bàn cư trú đặc thù của người Hmông ở nơi cheo leo, hiểm trở nhất như: nương kiệu, nương ớt, ruộng bậc thang, hang sâu, núi, đá, đèo, đồi, khe suối, rừng cây... Chúng tôi thống kê 95 bài Gầu plềnh Doãn Thanh sưu tầm ở 5 huyện vùng cao Lào Cai năm 1967 [132] có 66 bài (69,4%) xuất hiện những hình ảnh trên; tần số xuất hiện hình ảnh là 286 lần/66 bài, có bài hình ảnh ấy lặp đi lặp lại nhiều lần; đặc biệt, hình ảnh núi xuất hiện trong 43/66 bài (65,1%), hình ảnh đá xuất hiện trong 8/66 bài (12%). Kết quả thống kê trên liên quan mật thiết tới địa bàn cư trú của người Hmông gần như ở khắp nơi trên các đỉnh núi mà độ cao trung bình trên 1000m và theo Nguyễn Mạnh Tiến nhận xét thì “...vùng người Hmông sinh sống nổi bật lên hai yếu tố sương mù và đá” [157, tr. 30]. Chính không gian sống ấy, một mặt cung cấp dữ liệu trực quan cho nhận thức, mặt khác chi phối các hoạt động, trong đó có hoạt động sáng tạo nghệ thuật của con người. Trong sáng tạo Gầu plềnh, không gian nơi đồng bào Hmông sinh sống trở thành chất liệu đặc thù tạo nên những hình ảnh, hình tượng độc đáo, hơn nữa, chủ yếu đó là những hình ảnh không gian thiên nhiên vùng cao có tính chất phiếm định nhưng vốn rất gần gũi, gắn bó với cuộc sống lao động hàng ngày của bà con Hmông, nhiều hình ảnh trở thành biểu tượng của người vùng cao: ngọn núi, rừng cây, lùm cây, chim lì di, nương ngô, ruộng ớt, mây trời, khe suối, hang đá...Ngày nay, không gian sống của đồng bào Hmông được mở rộng hơn bởi sự phát triển nhiều mặt kinh tế, xã hội và tầm nhìn con người có nhiều thay đổi. Điều đó làm cho việc sáng tạo Gầu plềnh biến đổi, trong đó có sự bổ sung về chất liệu không gian vật lý so với trước kia.
Chẳng hạn, trong số 61 bài (lời) chúng tôi mới sưu tầm tại LHGT ở Lào Cai có 5 bài (lời) hình ảnh không gian LHGT xã Pha Long xuất hiện mà trước đây không có.
Bản thân không gian LHGT cũng được nhìn nhận rất mới theo thực tại: Em ra khỏi cửa nhà/ Đến mảnh đất Pha Long/ Chàng trai, cô gái nhiều thật nhiều/ Đất Pha Long có gì hay?/ Pha Long sinh ra hội mùa xuân/ Em ra khỏi cửa đến mảnh đất này là vì anh [TLĐD, bài 36]. Tuy nhiên, do đặc điểm chung của dân ca trữ tình, nhìn chung, không gian trong Gầu plềnh không mang tính cá thể hoá, vì vậy, được nhiều người diễn xướng trong những bối cảnh khác nhau; theo tác giả Nguyễn Xuân Kính thì “không gian phiếm chỉ như vậy, tương ứng với những con người chỉ mang tâm trạng chung, tình cảm phổ biến của nhiều người trong dân chúng” [62, 184].
Tuy nhiên, qua các dẫn liệu trên, có thể nhận xét rằng, đối với người Hmông, khác với các dân tộc định cư vùng thấp, không gian phiếm chỉ nổi trội hơn và liên quan mật thiết với tập quán du cư của đồng bào trên những rẻo núi cao.
2) Không gian tâm lý gắn với trường nhìn, điểm nhìn của nhân vật trữ tình nên trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống mang ý nghĩa cảm xúc, tâm tưởng.
Nó thể hiện đa dạng các trạng thái tâm hồn con người, là phương tiện nghệ thuật giúp nhân vật bộc lộ, biểu cảm tâm trạng “yêu” với nhiều cung bậc, dạng vẻ tinh tế.
Đây là tâm trạng chàng trai khi được yêu, được hẹn cùng người yêu đi hát hội, không gian rừng núi như mở rộng vui tươi: Lúc này mình hẹn ta về còn sớm/ Ta hẹn mình về từ lúc tinh sương/ Ta đi trên đoạn đường, chim rừng ca ríu rít [132, tr. 123].
Nhưng tình yêu không chỉ có niềm vui mà cả nỗi buồn, bởi tình cảm không toại nguyện, không gian được cảm nhận như một sự lụi tàn, hoang vu: - Lúa lại héo vì nước/ Cỏ lại lụi vì bờ/ Tôi bảo anh hát anh không hát [134, tr. 56] - Thôi em ở ta đi/ Ta đi không thèm trở lại/ Mặc nơi này cho cỏ lau lan [134, tr. 156]; thậm chí cô gái giận hờn trách móc người thương không hiểu lòng mình cũng mượn không gian để diễn đạt trạng thái tình cảm giận yêu đó: Tôi thì dù anh tiễn ra tận bờ khe/ Chỉ thấy nước chảy mà không thấy nước dừng/ Nước chảy, không hề biết cùng anh hát [134, tr. 57].
Tình yêu trắc trở, đổ vỡ khiến nhân vật trữ tình cảm nhận sự mênh mông, vô cùng, vô tận của không gian. Không gian quen thuộc hàng ngày giờ đây thê thảm, đau thương; đó là tiếng lòng của người trong cuộc: - Có ngày mình lấy chồng/ Mình sẽ gặp con đường nước mắt [134, tr. 58]. - Năm nay, ánh nắng chiếu theo em đi làm dâu làm vợ/ Còn anh, bóng tối đuổi theo khắp nẻo lạc loài; - Yêu nhau chẳng lấy được nhau/ Em chỉ biết lên đỉnh núi em khóc/ Cho nước mắt thấm ba tầng đất đen [132, tr. 141]; - Em đi làm dâu nhà người/ Giờ đây rừng xanh bị phá trụi/ Chim khiếu chim mi không nơi ca hát [132, tr. 148]; - Nghe tin cha mẹ gả em đi làm dâu/
Đau lòng, nước mắt ta lã chã/ Ta quay về/ Ăn quả dũm vàng nôn ra quả đào xanh/
Buồn lòng ta mặc hè sân ba mùa rêu mốc [132, tr. 242]. Rõ ràng những “con đường
nước mắt", “khắp nẻo lạc loài", “hè sân ba mùa rêu mốc” được nhìn nhận từ trong tâm thức, tâm cảm nhân vật trữ tình, đó là những cảm giác đau xót cho sự đổ vỡ, sự tan nát của tình yêu. Như vậy, nhân vật trữ tình đã bộc lộ cảm nhận về không gian bao quanh chứ không biểu hiện tình cảm một cách trực tiếp làm cho không gian ấy như có hồn và chứa chất đầy tâm trạng. Không gian ở đây đã mang thêm cả ý nghĩa ẩn dụ, thâm chí mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là "bóng tối" cô đơn tràn khắp nẻo, là
“con đường" đầy nước mắt khổ đau khi người yêu đi lấy chồng bỏ lại tình duyên cơ lỡ... Sở dĩ có hiện tượng này vì trường nhìn, điểm nhìn ở đây xuất phát tư nỗi lòng, từ xúc cảm của người đương cuộc. Trải qua lớp lớp thời gian, được bao thế hệ nhào nặn, bồi đắp, không gian đã trở thành một phương diện cảm quan nghệ thuật riêng rất đặc thù giúp các tác giả dân gian Hmông diễn tả nhiều cung bậc, trạng thái tình cảm đa dạng khác nhau của tình yêu, của các mối quan hệ nam nữ. Đây chính là chiều sâu ý nghĩa của không gian nghệ thuật trong Gầu plềnh. Gầu plềnh có những câu bộc lộ cảm thức về không gian hết sức tinh tế, làm nên chất thơ bay bổng: Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, lối đi sáng tỏ/ Ta lê bước về nhà/ Mà hồn như còn ngủ nơi tà áo em [132, tr. 213]. Người đọc, người nghe dễ dàng nhận thấy sự cản trở của không gian thực tế, không gian vật lý trở thành vô nghĩa trước không gian của tình cảm, không gian của tình yêu đôi lứa. Nổi bật lên trên tất cả là sự mong mỏi thiết tha được gần gũi nhau của đôi lứa, sự quyến luyến nhau tạo ra cảm giác gần gũi, nó vượt qua không gian vật lý thông thường, cho nên, khoảng cách của không gian vật lý như được thu hẹp lại trước những tình cảm mãnh liệt, thiết tha ấy. Có khi không gian trong Gầu plềnh được bày đặt lại theo sự cảm nhận của nhân vật trữ tình: Bố mẹ sinh ra em nổi tiếng đẹp xinh/ Ta thường lấy núi đồi làm thang bắc lên thăm/ Bố mẹ sinh ra em nổi tiếng đẹp ròn/ Ta thường lấy núi đồi làm thang bắc lên hỏi [134, tr.147]. Nhà thơ Chế lan Viên đã bình xuất sắc theo cảm nhận nghệ thuật của ông: "Nhà thơ Hmông vô danh đã biết xếp đặt, bố trí lại không gian cho vừa với tâm trạng mình’’[134, tr.16]..
Giống như dân ca của các dân tộc khác (Kinh, Giáy, Tày...), trong Gầu plềnh, không gian là chất liệu để cấu tứ tác phẩm: “Đầu hang sinh cây chuối toả/ Cuối hang sinh cây chuối xoè/ Có một tàu mọc thẳng đứng xanh tươi/ Em ra ngoài như bông hoa xinh đẹp”[132, tr. 166]. Lời ca vừa thể hiện sự quan sát thiên nhiên núi rừng sống động xung quanh vừa bày tỏ lòng ngưỡng mộ của chàng trai đối với cô gái. Cả thiên nhiên và cô gái đều hiện lên một cách đẹp đẽ như có sự tương đồng, hô ứng. Vì vậy, lời ca đã thực hiện chức năng giao duyên. Người hát Gầu plềnh cũng sử dụng những mô típ không gian có sẵn để giãi bày, nó mang ý nghĩa của lối nói riêng biệt nhưng đồng thời còn là cái cớ để nhân vật bày tỏ tâm trạng: “Bài hát không hết có bài sắp hết/ Hết như từ gốc ngải lên ngọn ngải/ Nàng chẳng có lòng thì thôi/ Có lòng, nàng cùng ta hát tiếp”. Người Hmông nói hết như từ gốc ngải lên
ngọn ngải, hết như bầy trẻ trai hay hết như từ nương kiệu sang nương ớt...là mô típ rất phổ biến biểu thị sự tiếp tục, phát triển chứ không biểu thị sự kết thúc, cho nên, câu Gâu plềnh hết như từ gốc ngải lên ngọn ngải trên là cớ để chàng trai bày tỏ tâm trạng háo hức muốn biết cô gái có thực lòng thích mình hay không.
Không gian trong Gầu plềnh còn góp phần thể hiện tâm trạng đôi lứa yêu nhau, đó là những nhớ thương, cách trở của nhân vật trữ tình; điều này khác với không gian trong cổ tích hoặc một số thể loại tự sự là những cản trở, thách thức mà nhân vật phải vượt qua. Đó là mượn núi rừng, sông suối, con đường xa xôi...coi như những phương tiện để nhân vật trữ tình bày tỏ cảm nhận về sự xa cách người thương. Cái biểu đạt ở đây là ước ao được gần gũi nhau của những người đang yêu mà không đạt được; thể hiện trên các phương diện:
- Mượn không gian để giận hờn, trách móc, giãi bày tấm lòng yêu: - Nàng hỡi, đôi ta như mặt trời, mặt trăng không thể gặp nhau/ Tình nghĩa đôi ta khó nói nên lời/...Em đi cách núi cách sông/ Sao chàng lại bảo em đi con đường vui sướng?
[133, tr. 64].
- Không gian là phương tiện ước nguyện, thề nguyền. Người Hmông hay sử dụng những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên – vũ trụ có tầm vóc to lớn, bền vững để so sánh với tình cảm con người, đôi khi tạo thành những cặp sóng đôi:
-“Núi cao ánh mặt trời chiếu rõ/ Đồng thấp ánh mặt trời chiếu rạng/ Ngày nào mình được ta, ta được mình/ Ta sắm sanh cho mình thật đẹp/ Váy áo xúng xính như người dự hội” [134, 93].
Ngoài những điểm riêng, độc đáo, có tính chất đặc thù nêu trên, có thể nói, việc mượn không gian để bộc lộ tâm trạng cũng là cách diễn đạt phổ biến trong dân ca các dân tộc; đây là điểm chung của thi pháp dân ca trữ tình. Ví dụ, câu ca Việt:
Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Tóm lại, Gầu plềnh có không gian vật lý và không gian tâm lý, xong hầu hết, nhân vật trữ tình thông qua không gian vật lý để giãi bày tâm trạng và biến nó trở thành không gian tâm lý. Đó là không gian vùng cao, vùng núi đá hiểm trở nhưng gần gũi, bình dị xen lẫn với một vài không gian dòng sông, con đò, ruộng nước..., dấu ấn còn lưu trong ký ức về một thời xa xưa dân tộc Hmông đã từng cư trú ở đồng bằng. Trong Gầu plềnh xưa, yếu tố không gian phiếm chỉ nổi trội hơn dân ca của các dân tộc vùng thấp ở chỗ hầu như không xuất hiện địa danh cụ thể. Cuộc sống di cư với muôn vàn sự kiện, cảnh ngộ được chắt lọc, gọt giũa phản ánh vào nền dân ca ấy qua hàng trăm thế hệ, tạo nên tính thẩm mĩ cộng đồng cao, góp phần gìn giữ một tâm hồn Hmông mộc mạc, giản dị mà lãng mạn và thơ mộng. Tuy nhiên Gầu plềnh ở Lào Cai ngày nay đã xuất hiện không gian với địa danh cụ thể; đó là kết quả của quá trình định canh, định cư mà dần hình thành tình cảm đối với quê hương, đất nước.