Giải mã biểu tượng cây nêu

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 101 - 105)

Chương 3 ᄃ: MỘT SỐ BÌNH DIỆN THI PHÁP GẦU PLỀNH

3.4.1. Giải mã biểu tượng cây nêu

Các hướng nghĩa biểu tượng cây nêu trong LHGT được biểu diễn theo biểu đồ sau:

- may mắn, phúc lộc chống lại tà ma: 32,6%;

- lịch sử, văn hoá: 24,2%;

- đoàn kết cộng đồng: 21,3%

- khác 21,9%.

- Cây nêu, biểu trưng cho may mắn, phúc lộc, chống lại tà ma. Bà con một số dân tộc miền núi nói chung, đồng bào Hmông nói riêng có tục lệ: khi nhà có việc quan trọng (sinh nở, cúng bái...) thường lấy cành cây còn lá để ở cửa – dấu hiệu cấm người lạ vào nhà để khỏi bị ảnh hưởng của tà ma, vía độc và cầu cho công việc được hanh thông, may mắn. Người Hmông chọn cây nêu thuộc họ tre để thực hành tín ngưỡng của mình như lá cây để xua đuổi tà ma, thân cây chẻ ra làm quẻ bói, làm vật để tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên trong đám ma...Việc dựng cây nêu được thực hiện theo một quy định nghiêm ngặt và nhiều kiêng kị, tục hèm ở tất cả các khâu từ chặt cây đến trồng, hạ cây như phải chọn ngày tốt, người tốt, cây tre tốt; phải hát để cúng trước khi chặt cây, trồng cây; khi hát cúng phải xếp hàng, che ô đi 3 vòng xung quanh cây; phải để cây đổ về hướng mặt trời mọc, không để chạm đất cho đến khi trồng cây (A3.5, A3.6, tr. 303); khi di chuyển, gốc cây hướng về trước; cây đực để 7 đốt lá, cây cái để 9 đốt nguyên lá còn tươi; phải cúng và múa khèn trước khi khai hội; thái độ của người thực hành các nghi thức này phải trang nghiêm, thành kính;...Theo ông Ly Sín Phừ (Pha Long, 2015), làm đảm bảo các khâu như vậy, cây nêu mới trở thành linh thiêng, có sức mạnh siêu nhiên, mới phù hộ được cho con người. Trong LHGT, mọi việc cầu mong phải diễn ra xung quanh gốc nêu. Các LHGT ở Lào Cai, việc cầu may mắn diễn ra thường xuyên nhất, trong tất cả các ngày hội: hết tốp này đến tốp khác đi vòng quanh cây nêu hát. Họ không chỉ cầu mong cho cá nhân mình, gia đình mình mà còn cầu mong cho cả cộng đồng gặp nhiều may mắn, mạnh khỏe, phát triển với một thái độ nghiêm túc và niềm tin tuyệt đối. Những điều trên rất khác biệt so với nhiều dân tộc khác; đặc biệt là tính tự giác của mỗi cá nhân trong cộng đồng; hầu như không ai phải nhắc nhở ai, không bàn luận; nói ít, cười nhiều và rất chú ý đến các hoạt động diễn ra xung quanh cây nêu; tự giác thay nhau tham gia các hoạt động nghi thức có tính chất tín ngưỡng và có vẻ rất say sưa, nhiệt tình, thành tâm.

Gầu plềnh có nhiều bài hát về cây nêu và sự cầu mong may mắn cho con người, cho cộng đồng, đặc biệt là cầu mong chủ hội, qua đó cầu mong cộng đồng lớn mạnh. Mặc dù là hát giao duyên nhưng người ta luôn khéo léo lồng vào đó những câu mang ý tưởng cầu mong có phúc lộc, sức khỏe, sự sinh sôi, nảy nở: Cây nêu mọc ở quê mình/ Đôi ta mới hiểu nhau.../ Khi đôi ta trở về không chơi hội nữa/ Thời gian qua đi cây nêu chết đen/ Người già, người trẻ dựng cây nêu sinh được chín con trai/

Con trai lớn lên, ra cửa trời giữ được ruộng nương của cha mẹ [132, tr. 124]. Điều này chỉ có thể lý giải khi xem xét toàn bộ lịch sử gian lao trong quá khứ và những quan niệm tâm linh của đồng bào về sự sống, cái chết. Với lịch sử, đó là sự mất mát;

mất người do thua trận, mất đất do bị kẻ thù lừa dối, chỉ còn một nhóm người nhỏ phải ra đi tìm đất sống, đã dựng cây nêu để tập hợp nhau lại, nương nhờ những đỉnh núi cao, không có người nào muốn ở, để sinh tụ, nên khát khao cháy bỏng của họ là giữ được mảnh đất mà sinh sống. Với tâm linh, người Hmông tin rằng, sự chết là tái sinh cho sự sống, cho nên, ta hiểu tại sao thần thoại Khúa kê kể chuyện dẫn người chết đi tìm đường đầu thai; sau nạn hồng thủy, cỏ cây đều tiệt giống, rồi chim đại bàng mang được giống tre trúc từ cõi trời về gieo lên đá mà lại tái sinh thành cây để làm ra quẻ bói, các vật dụng và cả cây nêu nữa...Cây nêu chết đen (hay vàng óng) để rồi con người sinh ra là quan niệm đồng nhất giữa cây cối và con người phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới như người Mường cho rằng người mẹ khởi nguyên – bà Dạ Dần được sinh ra từ cây si; người Mêlanêdi có câu chuyện kể về người đẹp chui ra từ cây mía (là loài cây thân đốt, có khả năng tái sinh như cây tre). Đó là đặc điểm chung của cư dân nông nghiệp trồng trọt Đông Á tôn thờ sự tái sinh.

Trong cuộc hát giao duyên, trai gái Hmông tin rằng, lời thề bên gốc nêu là lời thề thiêng liêng, thuỷ chung và tìm hiểu nhau ở LHGT dễ nên vợ nên chồng. Người Hmông tin rằng cây nêu có khả năng phù hộ con người cầu được ước thấy. LHGT Pha Long, chủ hội để sẵn một bó vải lanh đỏ đã dệt thành sợi dây (rộng 2cm dài 60cm) trong một hộp giấy; mọi người lấy sợi vải đó vòng qua gốc cây nêu kéo đi kéo lại và nói điều mong ước của mình (A3.7, tr. 304); sau đó đeo lên cổ (trẻ em) hoặc buộc vào cổ tay (người lớn) sẽ được may mắn. Trai gái có thể làm như vậy để cầu mong hay tặng nhau vật đó; cây nêu như vị thần linh chứng giám, phù hộ cho đôi tình nhân có được phúc lộc, may mắn, hạnh phúc. Các nghệ nhân dân gian có nhiều câu hát thể hiện niềm tin cây nêu đem lại tình yêu, hạnh phúc lứa đôi: Mình hỡi! Mình không có lòng thì thôi/ Mình có lòng đôi ta ngả cây nêu vào giữa/ Mùa đông tới đôi ta cùng nhau bước chân ra về/ Ta nhìn không có dấu chân đi ngược lại (Ý nói: nếu bằng lòng, mùa đông tới sẽ cưới [133, tr. 52]).

Các tác giả dân gian Hmông đã tích hợp, đồng thời thể hiện rõ bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh từ trong sâu thẳm đời sống tinh thần dân tộc qua biểu

tượng cây nêu và đã sáng tạo biết bao lời ca về cây nêu: “không biết hát thì thôi, đã hát thì hát như cây mai, cây bương thi nhau mọc”. Ta hiểu tại sao sau LHGT, bà con lấy ngọn nêu còn nguyên lá về treo ở nhà, thân cây được chia cho nhiều người về làm giát giường hoặc để yểm trong nhà (ông Giàng Sín Phừ, chủ hội 2015, cho biết là không năm nào chia đủ cho bà con có nhu cầu xin cây nêu về nhà); bởi đó chính là dấu hiệu chống tà ma xâm nhập, quấy nhiễu gia đình đồng thời cầu mong may mắn, sinh nhiều con cái. Ở phương diện này, biểu tượng cây nêu có ý nghĩa tương tự như quan niệm về cây nêu của các dân tộc Việt, Mường là xua đuổi tà ma, ác quỷ bảo vệ sự bình yên cho con người trong ngày tết. Tuy nhiên, điểm khác biệt là quan niệm cây nêu Việt, Mường ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo nên thường treo mũ, áo cà sa, rắc vôi bột khoanh tròn xung quanh để ma quỷ không xâm nhập...

- Cây nêu biểu trưng cho lịch sử, văn hóa Hmông. Tìm hiểu văn học dân gian Hmông, chúng tôi nhận thấy cây nêu đã đi vào tiềm thức, trong đời sống tâm linh người Hmông từ thời nguyên thủy, bắt nguồn từ tục thờ cây, thờ vật tổ. Thần thoại Hmông (bài Khúa kê) tả về việc sinh ra giống tre, nứa: Cái gì mang được giống trúc, mai, tre tới?/ Chim đại bàng mang được giống trúc, mai tre, nứa về/

Đậu ngay cạnh mô đá/ Giống trúc, mai mọc khắp trần gian [133, tr. 320] và giải thích tỉ mỉ việc sử dụng tre, mai, nứa làm các vật dụng thờ cúng người chết như thế nào. Trong Gầu plềnh có nhiều bài hát sử dụng những câu trong thần thoại Khúa kê, có thuyết coi đó là những “mảnh vỡ” trôi nổi trong dân gian, nhưng chúng tôi cho rằng đó là tiềm thức vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính văn hóa của một dân tộc.

Chẳng hạn, Gầu plềnh nói về nguồn gốc cây nêu và tục hát giao duyên trong lễ hội:

Kể rằng thuở ấy, cây mọc về trên đá/ Biết chắp nối thành cây tre, cây bương mọc ở giữa rừng/ Ấy là chỗ gái trai cùng nhau về chơi, về nghỉ [134, tr. 43-44].

Nhà nghiên cứu Miêu học Lương Vũ Minh (Vân Nam, TQ) đã phân tích nguồn gốc và vai trò cây nêu trong lịch sử cũng như trong đời sống văn hóa Hmông như sau: Trong bãi hoa sơn (Gầu tào), nếu không có cột nêu đứng sừng sững, dải lụa màu phất phới sẽ không thành. Các chuyên gia Miêu học Trung Quốc cho rằng nó có nguồn gốc từ phong tục “tế trụ” cổ đại, “đây là một kiểu sùng bái đối với thiên nhiên thời cổ đại...Cái phong tục tế trụ này, trong hội của dân tộc Miêu vẫn còn nhìn thấy “tàn tích”, đó chính là “tế trụ” ([Dương Quang Phú, dẫn theo 189, tr.127.bg]). Hiện nay Thái hoa sơn ở Vân Nam vẫn còn gìn giữ được phong tục khi mở hội, người già hoa sơn sẽ tưới rượu tế cây nêu. Trong những trường hợp đặc biệt, cột hoa (nêu) là tiết vi của hoa sơn. Một khi cột hoa đã được dựng lên, đồng bào dân tộc Miêu ở xung quanh không cần gọi cũng đến, những đứa trẻ con được người lớn địu đến cũng chịu sự hun đúc, rèn luyện của truyền thống dân tộc, các chàng trai trẻ khoác khèn đến thi triển tài năng và phong cách của mình xung quang cột hoa, các cô gái trẻ xòe ô đi đến, vây xung quanh cột hoa thể hiện tình yêu chất

phác, chân thành, các cụ già đến mang theo câu chuyện, bài hát cổ...Bạn xem, cột hoa không chỉ còn là “tiết vi”nữa mà là “tộc vi” của dân tộc Miêu địa phương [189, tr.127.bg].

Vừa là “tiết vi”, vừa là “tộc vi” bởi cây nêu có tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống đời thường hàng ngày cũng như trong việc khẳng định truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc. Chương 2 đã nêu, khai hội nhất thiết phải hát bài nói về người Hán - người Hmông mà điều khác nhau căn bản giữa người Hán - người Hmông là việc thờ cúng. Bài hát này nhiều dị bản, thuộc tiểu loại Gầu plềnh bởi phần đầu nói lên sự khác nhau giữa người Hán - người Hmông về phong tục thờ cúng, phần sau nói về việc hát Gầu plềnh. Ý tứ ấy được lặp lại trong nhiều bài ca mà hầu như người dân Hmông nào cũng thuộc: Người Hán ăn tết, người Hán thắp hương, đốt giấy cúng cột bia đá/ Người Mèo ăn tết, người Mèo thắp hương, đốt giấy cúng cột nêu tre. Chỉ là cây nêu tre thôi nhưng trở thành cột mốc biên giới văn hoá của cả một dân tộc. Trở lại mục 2.1.3 nói về truyền thuyết người Hmông mất đất là do đánh dấu đất đai bằng cây và cỏ gianh; còn người Hán đánh dấu đất đai bằng bia đá và đã lén chôn bia đá vào đất người Hmông rồi đốt cháy cây cỏ nên người Hmông bị thua kiện, chịu mất đất. Miêu tộc từ xa xưa bị Hán tộc đánh đuổi, mất đất nhưng cho đến nay, chưa bao giờ để mất bản sắc văn hoá của mình.

- Cây nêu biểu trưng cho đoàn kết cộng đồng. Đặc điểm nổi bật của LHGT là mọi người tham dự đều vui vẻ, cởi mở, hồn hậu, không to tiếng, nặng lời hay đánh, cãi, chửi nhau và họ hát rằng sẽ cùng nhau làm điều tốt. Trong cái đông đúc, hỗn độn của ngày hội vẫn cảm nhận và quan sát được một trật tự của sự tôn trọng nhau rất khác biệt so với lễ hội ở các nơi khác của dân tộc khác. Điều đó được phản chiếu trong Gầu plềnh. LHGT cùng cây nêu linh thiêng đã tạo cảm hứng cho các nghệ sỹ dân gian sáng tạo ra những câu ca đẹp: - Nghe biết các cụ trồng cây nêu bên núi/ Đoàn trai gái được vui hát mở lòng [133, tr. 96]. - Người Mèo trồng cây nêu trên đèo/ Làm nơi cho đoàn trai gái trẻ trung về đậu [132, tr. 120]. - Trên cột nêu treo ba sải nhiễu đỏ/ Bạn bè mọi người đều ca hát vui vẻ [132, tr. 96]. - Nàng hỡi, sao nàng không hát/ Mai kia các cụ hạ cây nêu trên đồi [132, tr. 123]. Thuận hòa, vui vẻ là cái gốc của tình đoàn kết dân tộc. Theo chúng tôi, tinh thần đoàn kết ấy nằm trong truyền thống dân tộc, biểu hiện tập trung nhất ở việc dựng nêu mở hội, nó thể hiện rõ sự tương tác của các cá nhân trong tập thể dù là một nhóm chặt cây, khiêng cây, một nhóm múa hát hay cả cộng đồng đông đúc trong LHGT.

Việc trồng số lượng cây nêu khác nhau ở mỗi năm, mỗi vùng lễ hội và tồn tại một số quan niệm khác nhau (xem thêm 2.1.1). Có ý kiến giải thích: sở dĩ trồng ba cây là do làm gộp 3 năm một lần [123, tr. 88]. Giả thuyết khác là trồng số cây nêu khác nhau do phong tục từng vùng khác nhau. Người dân xã Pha Long cho biết trồng hai cây

thì cây to là cây cái, cây nhỏ là cây đực tượng trưng cho âm dương hoà hợp; nhưng cũng có ý kiến khác: cây to tượng trưng cho bố mẹ, ông bà, cây nhỏ tượng trưng cho con cái, dâu rể của chủ hội; hai cây nêu buộc chéo vào nhau tượng trưng cho sự cố kết, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng. Tuy rằng các ý kiến khác nhau nhưng đều thống nhất ở chỗ: cây nêu trong LHGT trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết công đồng bởi con người tập trung quanh gốc nêu với tình yêu thương, lòng bác ái, khát vọng vươn lên...

đó là bản sắc văn hoá rất riêng của dân tộc Hmông.

Giải mã biểu tượng cây nêu trong Gầu plềnh và LHGT một mặt giúp ta hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống kinh tế xã hội; mặt khác, khám phá chiều sâu tư tưởng, tình cảm, tâm hồn con người kết tinh trong đó; hơn nữa, nhận thức được quá trình chuyển hóa từ cây tre trong tự nhiên đi vào đời sống hàng ngày và khi phản ánh vào văn học dân gian đã tạo nên những giá trị nghệ thuật độc đáo. Biểu tương cây nêu là biểu tượng ngôn ngữ mang tính đa dạng, đa nghĩa, nhiều tầng bậc, đa hình thức biểu hiện tạo nên những câu Gầu plềnh độc đáo, lung linh sắc màu nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ dân ca gầu plềnh và lễ hội gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 101 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)