Tình hình kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở miền đông tỉnh hà giang trước năm 1945 (Trang 31 - 39)

Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ MIỀN ĐÔNG TỈNH HÀ GIANG

1.4. Tình hình kinh tế - xã hội

Trước năm 1945, miền Đông Hà Giang là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên.

Kinh tế tự nhiên: Miền Đông Hà Giang là khu vực núi cao, địa hình hiểm trở phần lớn diện tích là núi đá vôi, xen kẽ những thung lũng nhỏ hẹp. Thảm thực vật trong vùng tương đối đa dạng là điều kiện thuận lợi cho đồng bào khai thác các sản vật tự nhiên phục vụ cho đời sống. Đồng bào thường hái lượm các loại rau rừng, củ măng, quả trám, nấm hương, mộc nhĩ...phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, những loại thảo dược như sa nhân, hồi, quế ...để chữa bệnh, khai thác gỗ, nứa, mây... làm nguyên vật liệu để dựng nhà, đan lát các vật dụng sinh hoạt. Trong những tháng giáp hạt, những năm đói kém đồng bào vào rừng đào củ mài, lên núi hái lượm hạt tam giác mạch thậm chí lấy cả củ nâu để ăn. Đồng bào Tày, Nùng sống ở những thung lũng núi ven các con sông Gâm, sông Nho Quế thường sử dụng chài, lưới, vó, đó để đánh bắt tôm cá. Đồng bào H’Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo...sống ở những sườn núi cao thường vào rừng săn bắn, đặt cạm bẫy chim, thú về ăn hoặc đem bán tại các phiên chợ. Kinh tế tự nhiên có vai trò quan trọng trong đời sống của các tộc người khu vực miền Đông Hà Giang.

Sản xuất nông nghiệp: Đây là nguồn sống chính của đồng bào các tộc người khu vực miền Đông Hà Giang. Sản xuất nông nghiệp nơi đây có hai hình thức chủ yếu là canh tác trên nương rẫy và canh tác ruộng nước.

Loại hình canh tác nương rẫy: Địa hình khu vực miền Đông chủ yếu là đồi núi cao đặc biệt cao nguyên đá Đồng Văn có độ dốc lớn nên việc trồng trọt phù hợp hơn cả là trồng những loại cây ngũ cốc khô cạn. Với điều kiện môi trường địa lý tự nhiên như vậy, làm nương rẫy là hình thức canh tác chính của một số tộc người như H’Mông, Dao, Pu Péo, Lô Lô...Việc khai phá một bãi nương được mở đầu bằng việc chọn bãi, tiếp đó phát cây, đốt cây sau đó mới gieo trồng. Khâu phát nương thường

được tiến hành vào đầu mùa khô (tháng 11), ngay sau khi thu hoạch vụ mùa chính.

Phát nương lúc này để đến mùa xuân, cây cối sẽ khô giòn, đồng thời tranh thủ lấy được củi đun trong mùa rét. Sang xuân đồng bào tiến hành đốt nương, những nương mới khai phá đốt được nhiều tro, tạo thành nguồn phân bón cho cây trồng. Phương thức canh tác này theo lối du canh, quảng canh, phát, đốt, chọc, trỉa, không cần cày bừa, gieo hạt hằng cách cuốc hố hoặc chọc lỗ tra hạt, khi đất bạc màu đồng bào lại di chuyển đến khu vực khác.

Loại hình canh tác ruộng nước: Loại hình này được tiến hành chủ yếu ở những thung lũng núi cạnh các con sông, con suối nơi sinh sống chủ yếu của tộc người Tày, Nùng. Thời vụ sản xuất khoảng từ tháng giêng đến tháng hai, đồng bào dùng cày, bừa để làm ải đất đến tháng 3 thì gieo mạ, sang tháng tư, tháng 5 nhổ mạ để cấy, khoảng 4 tháng sau thì thu hoạch “làm ruộng nơi sớm, nơi muộn không giống nhau (Huyện Để Định, huyện Vĩnh Điện và châu Chiêm Hóa, hàng năm tháng hai, tháng ba gieo mạ, tháng tư, tháng năm cấy, tháng 8, tháng 9 gặt...)”

[37, tr.1565]. Do đặc điểm địa hình, ở khu vực miền Đông Hà Giang chủ yếu là những chân ruộng bậc thang, để đưa được nước vào ruộng đồng bào Tày, Nùng sống ven các con sông, suối thường “làm cọn để lấy nước vào ruộng” [37, tr.1565]. Tuy nhiên phần lớn diện tích trong quá trình canh tác vẫn phụ thuộc vào nguồn nước mưa.

Khí hậu khu vực miền Đông nhất là vùng núi cao là khí hậu á nhiệt đới, nên chỉ có thể trồng cây lương thực một vụ vào mùa hè, còn vào mùa đông những cây lương thực như ngô, lúa không chịu được thời tiêt giá lạnh, do vậy ngoài cây lương thực chính đồng bào trồng xen canh các cây lương thực phụ và hoa màu như đậu răng cưa, đậu tương, đậu cô ve, dong riềng, bí đỏ, rau cải...Vào thời gian giữa mùa đông và mùa xuân đồng bào H’Mông trồng thêm cây thuốc phiện. Việc gieo trồng xen canh, ngoài ý nghĩa tranh thủ thời gian, bổ sung thêm nguồn lương thực, còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chống mưa lũ làm xói mòn đất màu. Bên cạnh các loại cây lương thực đồng

bào trồng thêm một số cây dược liệu như dương quy, đỗ trọng, tam thất, ấu tẩu.., cây ăn quả như cây lê, cây đào, cây lấy sợi dệt vải như cây bông, cây lanh. Sử cũ chép “3 xã Hữu Vinh, Yên Minh và Bạch Đích...sản vật có bông gạo, sáp vàng” [12, tr.388] hay “Sơn Phận tổng Đông Quang có giống lê quả thơm và ngon” [38, tr.872].

Trong sản xuất nông nghiệp, các tộc người khu vực miền Đông Hà Giang đã đúc kết được những kinh nghiệm sản xuất và được truyền từ đời này sang đời khác. Khi làm ruộng đồng bào thường xem ngày 8 tháng 4 có mưa hay không, để sắp đặt công việc, có câu ngạn ngữ: “ngày tám tháng tư không mưa, ruộng trũng đừng bừa, đi phát ruộng cao” [37, tr.1565]. Hoặc xem hoa nở mà quyết định việc gieo mạ, cấy lúa qua câu thành ngữ: “Bóoc cóong lúng đeng tó lèng lồng chá, bóoc mạ phống đây coi đăm nà” (Hoa dẻ nở đỏ tha hồ xuống mạ, hoa “mạ” nở tốt sẽ cấy ruộng) [11, tr.122]. Cũng từ quan sát hoa các cây trong vườn mà đoán định mùa màng trong năm “nếu các loại hoa mùa xuân như đào, lê, mận nở đồng đều giữa các cây thì mùa màng sẽ bội thu, ngược lại các cây hoa nở lác đác (hoa nở từ trên ngọn trở xuống, có cây lại nở hoa từ giữa cành trở ra, cây nở hoa sớm, cây nở hoa muộn) thì năm ấy mùa màng sẽ thất bát do khí hậu thất thường” [29, tr.32].

Chăn nuôi: Đồng bào khu vực miền Đông chăn nuôi nhiều loại gia súc, khác nhau như: Trâu, bò, ngựa, dê, lợn...Trâu được nuôi với số lượng lớn ở vùng thấp các huyện huyện Bắc Mê, Yên Minh nơi có nhiều đồng cỏ và nguồn nước. Ở vùng Đồng Văn, Mèo Vạc đồng bào chủ yếu nuôi bò để lấy sức kéo, giết thịt trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, tang ma...Trước đây đường xá đi lại giữa các vùng rất khó khăn chủ yếu là đường mòn người dân nơi đây nuôi nhiều ngựa để làm phương tiện đi lại, thồ hàng hóa ra các chợ phiên. Ngoài ra, đồng bào còn nuôi nhiều lợn, dê, gà, vịt,...để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày hoặc đem ra chợ phiên bán lấy tiền mua dầu thắp, muối và những vật dụng sinh hoạt cần thiết.

Trong qua trình chăn nuôi đồng bào đã đúc rút được những kinh nghiệm trong chọn giống một số loại vật nuôi. Người H’Mông khi chọn bò tiêu chuẩn bò đực giống là toàn thân phát triển cân đối, không có khuyết tật, tuổi trong khoảng 36 đến 40 tháng, khối lượng cơ thể trên 500 kg, đầu và cổ to (nhưng không quá thô), sừng dài vừa phải, gốc sừng to, bóng, da bóng, lông mượt, vai to, u cao, yếm dầy đều, hệ cơ phát triển, ngực nở, sâu, rộng, lưng dài, hông rộng, thẳng, phẳng, bụng gọn thon, không sệ, chân to, khoẻ, phát triển cân đối, đi không chạm kheo, móng tròn, khít, tạo với mặt phẳng đất 45º, dương vật bình thường, hai tinh hoàn to đều. Đối với bò cái giống toàn thân phát triển cân đối, không có khuyết tật, đã đẻ từ 1 đến 4 lứa, tầm vóc to, khối lượng cơ thể trên 180 kg, đầu dài, cổ nhỏ thanh, sừng dài vừa phải, gốc sừng thon, bóng, da bóng, lông mượt, bầu vú phát triển đều, núm vú dài cân đối, âm hộ mẩy, bóng, chân to, khoẻ, cân đối, đi không chạm kheo. Chọn ngựa: Một con ngựa đẹp phải là con ngựa to, béo, cân đối, có sắc lông đẹp, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, đối với ngựa cái phải có vóc dáng thon, móng đứng, mông nảy, ngực nở.

Lợn được chọn nuôi làm giống hai chân phải dài và to, mõm ngắn, tai to. Đối với lợn thịt thì quan sát con nào chân bé, ăn nhanh thì lợn nuôi sẽ chóng lớn, cho nhiều thịt nạc [65].

Ở những vùng có sẵn nguồn nước để cải thiện bữa ăn đồng bào đào ao hoặc dẫn nước vào những thửa ruộng trũng sau khi đã thu hoạch lúa để nuôi cá. Ngoài ra đồng bào còn đặt bẫy hoặc săn bắn những con thú trong rừng để làm thức ăn hàng ngày.

Thủ công nghiệp: Là một bộ phận rất quan trọng trong kinh tế tự túc, tự cấp của đồng bào. Nhìn chung thủ công nghiệp ở miền Đông Hà Giang khá phát triển. Các nghề thủ công luôn gắn với đời sống của người dân như nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn, nghề mộc, làm ngói âm dương, ngói máng, làm giấy, nấu rượu...Từ xa xưa ở miền Đông Hà Giang đã nổi tiếng với các sản phẩm lưỡi cày, rượu ngô men lá, vải thổ cẩm của người H’Mông...Các sản phẩm thủ

công truyền thống đã đáp ứng nhu cầu tại chỗ của người dân trong vùng khi mà điều kiện giao thương với bên ngoài còn rất hạn chế.

Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống, khu vực miền Đông Hà Giang từ sớm đã diễn ra các hoạt động khai mỏ, có một số công trường khai thác mỏ do nhà nước đứng ra quản lý. Theo sử cũ thì châu Vị Xuyên có “mỏ bạc ở Hoa Lâm, Màn Long và Du Già...châu Bảo Lạc có mỏ bạc ở Đường Ấm và Lạc Thổ, mỏ Diêm Tiêu ở Yên Phú” [12, tr.395]. Các mỏ khai thác cũng sớm được biên vào ngạch thuế của nhà nước “Mỏ Mậu Duệ: ở xã Mậu Duệ huyện Để Định. Cả năm nộp vàng cát 2 lạng. Một mỏ đã đóng cửa: ở 2 xã Niêm Sơn và Quang Quang, cả năm nộp vàng cát 10 lạng” [38, tr.873].

Thương nghiệp: Do đặc điểm địa hình chia cắt vì vậy hoạt động trao đổi, mua bán của người dân miền Đông Hà Giang trước đây gặp nhiều khó khăn và chủ yếu được diễn ra tại các các phiên chợ. Sách Kiến Văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chép: “Châu Bảo Lạc, 3 xã Hữu Vinh, Yên Minh và Bách Đích núi non chằng chịt, rừng rú rất nhiều, sản vật có bông gạo, sáp vàng, số ruộng phẳng có đến 3 ngàn mẫu, nhân dân giàu có, thóc gạo súc sản rất nhiều...dân ba xã này thường cứ ngày phiên chợ đi lại buôn bán, sớm đi tối về” [12, tr.388] . Chợ được họp luân phiên nhau ở những địa điểm thuận lợi ven các tuyến đường giao thông hoặc những khu vực giáp ranh biên giới. Chợ phiên không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tinh thần, nơi tiếp nhận, truyền bá tin tức, gửi gắm tâm tư tình cảm của các tộc người.

Về giáo dục: Thời phong kiến khu vực miền Đông Hà Giang chưa có các cơ sở giáo dục do nhà nước mở, có chăng cũng chỉ là những lớp học chữ Nho giành riêng cho con em những gia đình có thế lực ở địa phương. Sang thời Pháp thuộc, sau khi chiếm được Hà Giang, về mặt văn hóa thực dân Pháp thi

hành chính sách ngu dân, nên chúng chỉ mở trong tỉnh duy nhất 01 trường tiểu học và một số trường bán cấp học theo chương trình sơ học yếu lược với vài ba trăm học sinh chủ yếu là con em các gia đình giàu có, quyền quý còn tuyệt đại đa số nhân dân không hề biết chữ. Tỷ lệ mù chữ chiếm trên 95 % dân số [49, tr.117 - 118]. Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, hệ thống giáo dục khu vực miền Đông Hà Giang ngày càng phát triển, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng ngày càng kiên cố, khang trang, số lượng học sinh không ngừng tăng lên. Tính đến hết năm 2015 toàn khu vực miền Đông Hà Giang có 211 trường học các cấp với 3.889 phòng học; có tổng số 5.456 giáo viên với 83.288 học sinh các cấp, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt 98 %. Tuy nhiên đến nay khu vực miền Đông Hà Giang vẫn là khu vực có các huyện nghèo nhất cả nước, điều kiện kinh tế của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn vì vậy tỷ lệ bỏ học, tái mù chữ vẫn còn diễn ra ở một số xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn.

Về y tế : Trước năm 1945 miền Đông Hà Giang là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội rất lạc hậu. Cư dân chữa bệnh chủ yếu bằng phương pháp cúng bái hoặc sử dụng những bài thuốc dân gian truyền thống với nguồn dược liệu có sẵn ở địa phương. Lại là vùng đất biên viễn cực bắc của Tổ quốc vì thế việc chăm sóc sức khỏe nhân dân còn rất hạn chế.

Thời Pháp thuộc, toàn tỉnh Hà Giang chỉ có 02 cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ cho binh lính Pháp và đội ngũ quan lại thân Pháp. Nhân dân hầu như không được đến các cơ sở y tế của Pháp. Tình trạng hữu sinh vô dưỡng, ốm đau bệnh tật không có thuốc là phổ biến [49, tr.118].

Đến nay, mặc dù y học đã phát triển, 100 % các xã khu vực miền Đông Hà Giang đều có trạm y tế, tuy nhiên những bài thuốc dân gian về chẩn đoán và chữa bệnh vẫn được nhân dân các dân tộc lưu truyền và sử dụng, trong đó tri thức dân gian trong chữa bệnh của người Dao ở miền Đông Hà Giang là một ví

dụ. Tộc người Dao ở Hà Giang có vốn kiến thức chữa bệnh bằng thuốc nam khá đa dạng và phong phú, có thể chia làm hai loại: thuốc bổ, thuốc chữa bệnh.

Thuốc bổ chủ yếu dùng để hồi sức, giúp ăn ngon, ngủ khỏe và trên cơ sở đó tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Đối với phụ nữ sau khi sinh đồng bào cho ăn ngải cứu rừng (Lài ngỏi kiềm), lấy lá non và rễ của cây mà tiếng Dao gọi là tồm đia nòm về hầm với thịt gà cho sản phụ ăn dần, loại cây này thường được người Dao trồng quanh nhà, có lá gần giống như cây chàm, nếu bẻ thân non hay cuống lá thì thấy chảy nhựa trắng có mùi thơm. Đối với những sản phụ yếu sức ngoài những thang thuốc dùng cho ăn còn kết hợp với tắm gội bằng nước thuốc. Nước thuốc dùng để tắm gội gồm nhiều vị trong đó đồng bào thường kết hợp 3 loại cây mọc trên rừng mà tiếng Dao gọi là cây chàng đia, cây chai gai thiết mây, cây tung vườn. Việc cho sản phụ ăn, uống và tắm gội các loại thuốc bổ này không chỉ có tác dung hồi sức, kích thích ăn ngon, bổ máu mà còn để thông quan sữa mẹ phòng chống được nhiều bệnh tật cho trẻ sơ sinh. Để tăng sức khỏe cho người lao động nặng nhọc, đồng bào còn ngâm rượu với rễ cây sâm rừng hoặc rễ loại cây có lá giống như rau đay nhưng mặt dưới trắng và có hoa như bông kê, hay ngâm rượu với cao huyết lình (huyết đẻ của loài khỉ đọng lại trên khe, vách đá), tiết con tê tê (lải díam)...Thuốc chữa bệnh là những vị thuốc đa dạng được đồng bào truyền cho nhau rộng rãi. Hầu như các loại cây, cỏ có vị đắng, chát, ngọt...và các bộ phận hiếm của động vật như mật gấu, dạ dày nhím, mật trăn, đuôi cá, giun đất, ...đều được người Dao sử dụng. Chẳng hạn, vỏ cây vông (điàng tòng) kết hợp với lá cây dứa dại đỏ (gầu xí nòm) để chữa bệnh trĩ ; cây giun đất (nàng dung mía) dùng để chữa bệnh sởi ; bị đau bụng khan thì dùng 3 loại cây tiếng Dao gọi là phinh hóa (mọc ở trên đồi), càm trinh huây (thường chỉ mọc trong rừng sâu) và cây chấu phỉa phông cho vào nồi sắc nước uống. Đến nay tri thức chữa bệnh của người Dao ở Hà Giang vẫn được đồng bào lưu truyền và sử dụng phổ biến. [18, tr.314 - 317].

Tiểu kết chương 1:

Miền Đông Hà Giang từ xa xưa đã được biết đến là khu vực có địa thế chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phong. Với vị trí địa lí thuận lợi , người dân có thể thông thương với các tỉnh lân cận và các địa phương bên kia biên giới (Trung Quốc). Với những yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử xã hội đã tạo cho khu vực miền Đông có một nền kinh tế, đời sống văn hóa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, đời sống của nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp chưa cao, chủ yếu dựa vào thiên nhiên.

Sống ở khu vực có khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở nhưng với sự cần cù, chịu thương, chịu khó, các tộc người khu vực miền Đông Hà Giang đã vượt lên những trở ngại của thiên nhiên khắc nghiệt, tích cực lao động sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm từng bước cải thiện đời sống, đồng thời cung cấp ngày càng nhiều các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp ra chợ phiên, thúc đẩy các hoạt động mua bán, trao đổi trong khu vực.

Là địa bàn cư trú của nhiều tộc người thiểu số, mỗi tộc người lại có truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa riêng. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa các tộc người đã tạo nên bản sắc độc đáo cho khu vực miền Đông Hà Giang mà chợ phiên chính là môi trường thuận lợi cho sự giao thoa đó.

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở miền đông tỉnh hà giang trước năm 1945 (Trang 31 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)