Chương 3. VAI TRÒ CỦA MẠNG LƯỚI CHỢ NÔNG THÔN ĐỐI VỚI
3.1. Vai trò của mạng lưới chợ nông thôn đối với kinh tế, xã hội
3.1.1. Chợ nông thôn – nhân tố thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa Với vai trò là trung tâm kinh tế của một xã, một vùng, một khu vực, chợ nông thôn là nơi tập trung người và hàng hóa, vào các phiên chợ người dân có thể mang những sản phẩm mà mình sản xuất ra hoặc khai thác được từ tự nhiên không dùng hết đến bán ở chợ kiếm thêm chút thu nhập, đồng thời có thể tìm thấy và mua về những thứ mà họ cần cho sản xuất và cuộc sống. Mặc dù việc buôn bán ở các chợ nông thôn miền Đông Hà Giang trước đây chủ yếu là hình thức buôn bán nhỏ, chủ yếu là “lấy công làm lãi” song chợ đã góp phần điều tiết những bất hợp lý trong nền kinh tế, thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa, cải thiện đời sống nhân dân.
Trước năm 1945 miền Đông Hà Giang là khu vực dân cư thưa thớt, sản xuất của đồng bào chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân tán mang tính chất tự cung, tự cấp, chợ giữ một vị trí quan trọng là nơi tập hợp và phân phối hàng hóa đến mọi tầng lớp nhân dân, làm cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp có điều kiện chuyển thành hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Chợ còn tạo ra môi trường cho người dân miền núi được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm quen với với nền kinh tế thị trường, từ đó sản xuất ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Chợ nông thôn miền Đông Hà Giang được họp theo phiên vào những ngày nhất định, ngày họp giữa các chợ trong một huyện không trùng nhau mà có sự luân chuyển. Tại các phiên chợ thành phần mua bán rất đa dạng ngoài người dân địa phương, còn có cả những thương nhân người Kinh từ miền xuôi đem hàng hóa lên bán, những người dân và thương nhân Trung Quốc từ phía bên kia biên giới sang, các mặt hàng trao đổi, mua bán tại chợ rất phong
phú và đa dạng, từ các hàng nông sản như lúa, ngô, gạo, đỗ tương; các loại quả lê, mận, đào đến các mặt hàng thủ công truyền thống như vải thổ cẩm, chỉ thêu, quần áo; các sản phẩm đan lát, rèn, hương, giấy…; các loại gia súc, gia cầm:
trâu, bò, ngựa, gà, vịt… cũng được mua bán, trao đổi thường xuyên tại các chợ. Điều này đã góp phần thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa giữa các vùng trong khu vực, đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân.
Như vậy, chợ đã trở thành nơi tập hợp và phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng, là nơi người dân được đáp ứng nhu cầu trao đổi, bán và mua hàng hóa, là môi trường để người dân tiếp xúc, làm quen với kinh tế thị trường, thúc đẩy họ thay đổi tư duy và tập quán sản xuất cũ, từng bước nâng cao đời sống người dân trong khu vực.
3.1.2. Chợ nông thôn – nhân tố củng cố mối liên hệ giữa các tộc người Trong quá trình tồn tại các tộc người luôn có nhu cầu tiếp xúc, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đoàn kết đấu tranh chinh phục tự nhiên, chống thiên tai, địch họa... Sự liên kết đó đã tạo nên sức mạnh, sự thống nhất và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trước cách mạng tháng Tám, mỗi làng xã, thậm chí mỗi gia đình tồn tại như một đơn vị kinh tế độc lập. Tính chất tự cung, tự cấp của nền kinh tế tiểu nông đã biến mỗi làng xã thành một thế giới riêng biệt. Sự xuất hiện của những chợ, những địa điểm trao đổi cố định, thường kì là một trong những nhân tố tác động đến nền kinh tế khép kín. Sự phát triển của mạng lưới chợ là biểu hiện tập trung của sự phát triển kinh tế hàng hoá. Chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán vật phẩm, hàng hoá mà còn là môi trường tiếp xúc xã hội thường xuyên, nơi thông đạt tin tức, nơi truyền bá văn hóa, nơi kết giao bạn bè, dòng họ. Qua sự giao lưu, trao đổi hàng hoá thường xuyên ở chợ mối liên hệ giữa những người dân được hình thành và ngày càng mở rộng từ đó khắc phục tình trạng cô lập, khép kín của các làng xã, qua đó ý thức tộc người, tâm lý tộc người và nền văn hoá riêng của cộng đồng làng xã cũng hình thành và hoà vào dòng chảy chung của văn hoá dân tộc.
Miền Đông Hà Giang là nơi hội tụ của 17 tộc người anh em trong đó có tộc người Tày được coi là người bản địa còn các tộc người khác do nhiều nguyên nhân khác nhau như kinh tế, thiên tai, chiến tranh... đã di cư đến sinh sống vào những thời điểm lịch sử khác nhau. Mỗi tộc người sinh sống trên mảnh đất miền Đông Hà Giang luôn ý thức cao về tộc người mình, khẳng định những nét văn hóa truyền thống nhưng không biệt lập, kì thị mà sống xen kẽ, hòa hợp, luôn tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, tiếp thu những yếu tố văn hóa tích cực của nhau để cùng tồn tại và phát triển. Ý thức muốn được giao lưu, học hỏi lẫn nhau là biểu hiện tư tưởng tình cảm tốt đẹp vốn có của các tộc người khu vực miền Đông Hà Giang và các buổi chợ phiên thực sự là không gian tốt nhất để thực hiện những nhu cầu và mong muốn đó.
Qua lời kể của các bậc cao niên về những phiên chợ khu vực miền Đông Hà Giang xưa, chúng tôi nhận thấy nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các tộc người nơi đây được nảy sinh và hình thành trong không gian chợ như phong tục “kết tồng”, tục nhận họ… Thông qua những phong tục này mối liên hệ giữa các tộc người ngày càng được gắn kết, bền chặt.
“Tồng” trong tiếng Tày, Nùng có nghĩa là hợp nhau, giống nhau. Trong quy định của tục kết tồng đối với cả trai và gái phải từ 18 tuổi trở lên. Trai kết tồng trai, gái kết tồng gái. Tục kết tồng cho phép tìm bạn trên những cơ sở sau:
Bạn tồng cùng tuổi, cùng năm sinh, cùng cảnh ngộ, bạn cùng tên, bạn cùng nghề nghiệp, cùng sở thích...“Kết tồng” là một phong tục tốt đẹp giàu tính nhân ái, giúp đỡ nhau, coi trọng nhau trên cơ sở một kiểu quan hệ họ hàng mới.
Việc kết bạn cũng có ở người Kinh và nhiều tộc người khác nhưng không đậm nét như người Tày, người Nùng, người H’Mông… Khu vực miền Đông Hà Giang đo địa hình chia cắt, các tộc người thường sống biệt lập thành từng bản làng nhỏ, khi các chàng trai, cô gái đến độ tuổi trăng tròn đều mong muốn vượt qua không gian giới hạn của làng bản tìm bạn ở những nơi khác để mở rộng giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Có người do trắc trở hay muộn màng trong
đường tình duyên cũng mong qua đường kết bạn ở những vùng mới, hi vọng tìm được người bạn đời ưng ý. Khi gặp được một người bạn cùng giới (có thể cùng hay khác tộc người) trong các phiên chợ, qua nhiều lần tiếp xúc, giao tiếp thấy hợp tính nhau, qua nhiều ngày tháng đi lại nhà nhau, biết rõ cha mẹ, anh chị em trong gia đình, chàng trai hay cô gái ngỏ ý đặt vấn đề “kết tồng” với nhau. Việc kết tồng được tổ chức bằng một nghi lễ trang trọng ở mỗi bên gia đình, có sự công nhận của ông bà, cha mẹ, anh chị em, những người thân trong họ của hai bên gia đình và sự chứng kiến của một số bạn bè thân thiết.
Sau buổi lễ trang nghiêm, có bữa cơm rượu thịnh soạn ăn mừng đôi bạn tồng và những người chứng kiến, chúc cho đôi bạn tồng mãi gắn bó bền chặt.
Ngoài tục kết tồng, đồng bào khu vực miền Đông Hà Giang còn có tục nhận họ hàng. Nhận họ là nhận người cùng họ với mình ở một địa phương xa xôi nào đó mới quen biết kết làm anh em. Đồng bào nơi đây lý giải rằng những người cùng họ ngày nay dù ở những làng bản xa xôi khác nhau có thể từ xa xưa đều cùng một ông tổ, có thể vì hoàn cảnh kinh tế, chiến tranh loạn lạc, thiên tai, vì lấy vợ gả chồng xa, họ di cư đi nơi khác làm ăn, lâu ngày, lâu đời không gặp nhau, không tìm thấy nhau mà thành xa lạ, quên gốc gác, tổ tiên. Đến chợ được gặp người cùng họ với mình, người ta tự nhiên có thiện cảm và có ý muốn nhận làm anh em thân thiết, để có thêm người thân họ hàng. Tục nhận họ hàng có ở nhiều tộc người nhưng điển hình nhất phải kể đến các tộc người H’Mông, tộc người Dao, Tày, Nùng.
Người H’mông rất coi trọng quan hệ dòng họ. Họ quan niệm rằng: người cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, phải luôn luôn giúp đỡ nhau, cưu mang nhau, đặc biệt người H’Mông nghiêm cấm việc kết hôn cùng dòng họ. Vì vậy trong các buổi chợ phiên thông qua việc tiếp xúc, hỏi han nhau như: Anh họ gì ?, Tục lệ cúng ma nhà anh như thế nào...? Qua các cuộc nói chuyện họ hiểu rõ những thông tin về nhau, nếu giữa họ có cùng tên họ và tục lệ cúng ma giống nhau thì sẽ nhận nhau cùng dòng họ, là anh em. Khi đã được nhận là dòng họ sẽ có bổn phận giúp đỡ nhau,
bảo vệ nhau, che chở cho nhau như anh em ruột thịt điều đó góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ dòng tộc trong cộng đồng người H’Mông.
Như vậy, chợ nông thôn miền núi không chỉ là nơi người dân được thỏa mãn những nhu cầu về kinh tế mà chợ còn là nhân tố để kết nối tình cảm tộc người, xóa đi sự cách biệt về không gian lãnh thổ, khắc phục tình trạng khép kín của các bản làng miền núi, thúc đẩy sự hình thành ý thức, tâm lí và nền văn hóa riêng của mỗi tộc người hòa nhập vào nền văn hóa chung của dân tộc.