Những hạn chế trong hoạt động của mạng lưới chợ nông thôn

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở miền đông tỉnh hà giang trước năm 1945 (Trang 94 - 99)

Chương 3. VAI TRÒ CỦA MẠNG LƯỚI CHỢ NÔNG THÔN ĐỐI VỚI

3.3. Những hạn chế trong hoạt động của mạng lưới chợ nông thôn

Họ hẹn gặp nhau ở những phiên chợ để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng, việc này có thể diễn ra trong thời gian dài thậm chí diễn ra trong nhiều đời ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, phá vỡ khối đoàn kết giữa các tộc người. Đây chính là điểm yếu để các thế lực phản động lợi dụng kích động, gây chia rẽ giữa các tộc người nhằm thực hiện âm mưu chống phá nhà nước, gây xáo trộn trong cuộc sống đồng bào vùng cao.

Trước năm 1945, miền Đông Hà Giang là một trong những khu vực có diện tích trồng thuốc phiện lớn nhất miền Bắc, hầu hết gia đình người H’Mông nào cũng trồng thuốc phiện. Trong các phiên chợ thuốc phiện được bày bán một cách công khai, thậm chí còn trở thành vật để trao đổi. Theo lời kể của các cụ cao niên trước đây khu vực các xã Phó Bảng, Sà Phìn của huyện Đồng Văn, Niên Sơn, Khâu Vai của huyện Mèo Vạc ngày nay là trung tâm tàng trữ, buôn bán thuốc phiện lớn của khu vực. Vào các phiên chợ đều có rất nhiều người đàn ông đến chợ chẳng mua bán gì mà chỉ để tập trung hút thuốc phiện, hầu như trong gia đình nào cũng có người nghiện thuốc phiện. Thuốc phiện đã làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, tũng quẫn thêm vào đó sự hoành hành, cướp bóc của các toán thổ phỉ từ bên kia biên giới tràn sang đã làm cho đời sống đồng bào nơi đây hết sức điêu đứng.

Một trong những hiện tượng phổ biến của những phiên chợ vùng cao trước đây là việc người dân đến chợ tập trung thành từng nhóm nhỏ trên nền chợ để chơi bài bạc, xóc đĩa. Các cuộc sát phạt lẫn nhau có thể kéo dài suốt đêm, làm cho nhiều gia đình khuynh gia bại sản.

Trong thời kì chiếm đóng khu vực miền Đông Hà Giang, lợi dụng các phiên chợ thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, chúng mở các xới bạc, các tụ điểm hút thuốc phiện nhằm đầu độc thanh niên, tuyên truyền, nói xấu cán bộ cách mạng, xuyên tạc chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, kích động, lôi kéo đồng bào chống lại cách mạng. Thậm chí chúng còn treo thưởng bằng muối cho những ai báo tin, bắt được cán bộ cách mạng nộp cho chúng.

Trong quan niệm của đồng bào thiểu số, chợ là nơi linh thiêng, nơi giúp con người vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, vì vậy đồng bào có những thói quen kiêng kị liên quan đến việc đi chợ, mua bán, trao đổi.

Đồng bào cho rằng nếu phụ nữ đang trong thời kì kinh nguyệt mà đi chợ thì sẽ gặp điều chẳng lành hay khi đi chợ ra khỏi cửa mà gặp người tóc bù xù nhất là phụ nữ thì hôm đó mua bán sẽ không thuận lợi. Nếu gặp phải những điều kiêng kị, họ sẵn sàng chửi bới và bỏ về nhà.

Một trong những tục lệ mà được đồng bào một số tộc người H’Mông, Giáy, Bố Y thực hiện ở chợ là tục ‘‘Háy Pù’’ (hay còn gọi là tục kéo vợ, bắt vợ) ngoài ý nghĩa tốt đẹp của tục ‘‘Háy Pù’’ là những đôi nam nữ yêu nhau muốn xây dựng hạnh phúc gia đình họ chọn chợ để làm nơi ‘‘kéo vợ’’ về nhà và nên vợ nên chồng theo tục lệ. Nhưng cũng có trường hợp ‘‘Trước năm 1945, những người có thế lực ở một số địa phương vùng cao lợi dụng tục ‘‘Háy Pù’’

để đoạt những cô gái trẻ đẹp về làm vợ’’ [42, tr.18] đã gây nên biết bao oan trái, bất bình trong làng bản làm cho nhiều đôi lứa phải suốt đời ôm hận. Đã có những cô gái H’Mông đang độ tuổi trăng tròn buộc phải tìm đến cái chết ở giữa quê hương bằng lá ngón (lá độc).

Phong tục tốt đẹp của đồng bào thực hiện tại các chợ khu vực miền Đông Hà Giang còn được lưu truyền cho đến ngày nay là tục ‘‘kết tồng’’, tục nhận

họ. Tuy nhiên cũng từ đó một số đối tượng xấu đã tìm cách tiếp cận, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, cùng cuộc sống khó khăn của đồng bào để thực hiện các hành vi như rủ đi chơi, vượt biên trái phép sang Trung Quốc để lừa đảo, bóc lột sức lao động.

Tại các phiên chợ miền Đông Hà Giang mỗi người dân khi đến chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa họ lại mang theo những dụng cụ đo lường riêng của mình vì thế cách thức đo lường thiếu thống nhất giữa các chợ có khi ngay ở trong một chợ cũng có sự khác nhau gây khó khăn cho quá trình trao đổi, mua bán tại chợ. Thêm vào đó cơ sở vật chất của các chợ trước năm 1945 chưa được chính quyền cũ quan tâm. Ngoài chợ phố cổ Đồng Văn được Pháp xây dựng kiên cố, các chợ vẫn chỉ là những lều quán tạm bợ do người dân tự dựng lên trên những khu đất trống ven các tuyến dường giao thông. Chính những điều đó là trở ngại cho sự phát triển của mạng lưới chợ khu vực miền Đông Hà Giang trước năm 1945.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, kinh tế khu vực miền Đông Hà Giang có nhiều khởi sắc, các chợ cũng theo đó được xây dựng khang trang, mở rộng về quy mô, hàng hóa cũng phong phú đa dạng hơn. Tuy nhiên hoạt động của mạng lưới chợ vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và vai trò của nó trong trao đổi, mua bán hàng hóa. Từ thực tế nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy để khắc phục những hạn chế nêu trên cần có những giải pháp phù hợp:

Trước hết, chính quyền các huyện trong khu vực cần chú ý quy hoạch, xây dựng các chợ có quy mô hợp lí, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương tại những nơi giao thông thuận lợi để người dân trao đổi, mua bán. Đối với những xã chưa có chợ cần khảo sát, xem xét xây dựng chợ riêng tránh tình trạng sản phẩm người dân sản xuất ra không có nơi tiêu thụ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các chợ và các tuyến đường giao thông khu vực vành đai biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước trao đổi,

mua bán hàng hóa; Nghiên cứu nâng cấp các cửa khẩu tiểu ngạch hướng tới phát triển khu kinh tế cửa khẩu các cặp chợ biên giới. Trong đó cần lưu ý tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí , không phù hợp với điều kiện kinh tế và tập quán mua, bán hàng hóa của người dân.

Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa tai các chợ nhằm cung ứng ngày càng nhiều những mặt hàng thiết yếu cho người dân. Đồng thời tiên hành thu mua các sản phẩm nông - lâm sản, mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào trước đây như mùa khèn, hát giao duyên... tại các phiên chợ cho đến nay gần như đã bị lãng quên, đại đa số lớp trẻ không thuộc, không biết hát các làn điệu dân ca của tộc người mình, thậm chí còn thờ ơ với văn hóa truyền thống, chạy theo văn hóa ngoại nhập. Vì vậy ngành văn hóa cần phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản văn hóa truyền thống của các tộc người.

Đồng thời tiến hành sưu tầm, nghiên cứu truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ, tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, các trò chơi dân gian tại chợ phiên nhằm đảm bảo cho nền văn hóa đặc sắc của mỗi tộc người được lưu truyền và phát huy.

Chợ khu vực miền Đông Hà Giang với những nét văn hóa đa dạng, độc đáo cũng là điểm du lịch nhân văn hấp dẫn của du khách. Để phát huy thế mạnh các ngành chức năng cần chú ý tới việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch, gắn với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của chợ, để chợ phiên vừa là nơi thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng là nơi góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các tộc người.

Tiểu kết chương 3

Mạng lưới chợ nông thôn đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực miền Đông Hà Giang. Chợ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa, thỏa mãn những nhu cầu kinh tế của người dân, là nhân tố thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc hạn chế tính khép kín, tự cung, tự cấp, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết cho đồng bào, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Ngoài thực hiện chức năng kinh tế, chợ cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, đáp ứng những nhu cầu giao tiếp, thông tin, giải trí, điều mà người dân nơi đây rất khó tìm thấy trong điều kiện sống tách biệt của mỗi bản làng.

Đến chợ các tộc người còn được thể hiện bản sắc riêng của mình thông qua trang phục, lối ứng sử, cách thức trao đổi, mua bán cùng với văn hóa ẩm thực tại chợ.

Chợ còn là cầu nối liên kết tình cảm giữa các tộc người, là nơi trai gái hò hẹn, rồi bén duyên nên vợ nên chồng, đồng thời cũng là địa điểm tìm đến nhau của những mối tình dang dở sau những tháng ngày xa cách. Chợ còn là nơi diễn ra các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như thổi sao, múa khèn, hát dao duyên...Tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa chợ đa sắc màu mà đậm đà bản sắc mỗi tộc người.

Trước năm 1945, chợ cũng là nơi các cán bộ cách mạng tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, đấu tranh với những luận điệu phản động của kẻ thù, gây dựng những cơ sở cách mạng của Đảng tiến tới giành chính quyền ở các địa phương trong cách mạng tháng tám năm 1945.

Mặc dù còn những hạn chế do lịch sử mang lại song trong quá trình tồn tại và phát triển mạng lươi chợ nông thôn miền Đông tỉnh Hà Giang đã có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của các tộc người, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa khu vực trong những giai đoạn sau.

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở miền đông tỉnh hà giang trước năm 1945 (Trang 94 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)