Chương 1 TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.3 Các câu hỏi nghiên cứu và giả thiết nghiên cứu
Để giải quyết toàn diện, thấu đáo những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, NCS đưa ra các câu hỏi nghiên cứu sau:
1. Những vấn đề lý luận cơ bản về đại lý hải quan và quản lý đại lý hải quan trong tiến trình hiện đại hóa hải quan?
2. Quản lý đại lý hải quan bao gồm những nội dung cơ bản gì và phải dựa trên những phương pháp, công cụ quản lý nào để đạt hiệu quả tối ưu trong quản lý?
3. Những đặc thù cơ bản của quá trình hình thành và phát triển đại lý hải quan ở Việt Nam đã tác động như thế nào tới hoạt động quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam trong thời gian qua?
4. Thực trạng quản lý đại lý hải quan hiện nay ở Việt Nam? Những hạn chế, bất cập của quá trình quản lý đại lý hải quan? Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó?
5. Quan điểm quản lý và định hướng phát triển đại lý hải quan ở Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?
6. Để thúc đẩy đại lý hải quan phát triển cũng như nâng cao hiệu quả quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam cần có những giải pháp tăng cường quản lý đại lý hải quan như thế nào?
Những câu hỏi nghiên cứu nêu trên được NCS đặt trên các giả thiết nghiên cứu sau:
- Những vấn đề lý luận cơ bản về đại lý hải quan và quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam hiện đã có nhưng chưa được làm sáng tỏ và chưa được hệ thống hóa đầy đủ.
- Đại lý hải quan ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước, được ghi nhận chính thức về địa vị pháp lý kể từ khi Luật Hải quan năm 2001 được ban hành và đi vào đời sống kinh tế - xã hội, nhưng còn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng.
- Khung pháp lý về quản lý đại lý hải quan đã được xây dựng và từng bước được hoàn thiện nhưng vẫn còn có những khoảng trống pháp lý chưa được quy định điều chỉnh. Vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cả trong quá trình phát triển, hoạt động cũng như quản lý đại lý hải quan thời gian qua.
- Đại lý hải quan được ví như “cánh tay nối dài” của cơ quan hải quan nhưng chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho cơ quan hải quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan.
- Hiện nay đã có một số định hướng và giải pháp phát triển đại lý hải quan ở Việt Nam, tuy nhiên chưa đầy đủ, chưa gắn với nhiệm vụ cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan.
Kết luận chương 1
1. NCS đã thống kê, tổng hợp và phân tích tóm lược một số công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài liên quan tới đề tài nghiên cứu. NCS nhất trí với hầu hết các công trình nghiên cứu và nêu ra một số vấn đề còn bỏ ngỏ và tranh luận như sau: Chưa có công trình nghiên cứu khoa học mang tính lý luận và thực tiễn chuyên sâu tiếp cận toàn diện về đại lý hải quan, quản lý đại lý hải quan, nghiên cứu nội dung quản lý đại lý hải quan và các phương pháp quản lý, công cụ quản lý được sử dụng trong bối cảnh hiện đại hóa hải quan ở Việt Nam;
Việc nhìn nhận, đánh giá những bất cập, hạn chế của hoạt động đại lý hải quan ở Việt Nam còn chưa thống nhất, chưa chỉ ra đầy đủ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế đó; Một số nghiên cứu đưa ra quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đại lý hải quan nhưng chưa đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và chưa gắn với tiến trình hiện đại hóa hải quan của Việt Nam.
2. Xuất phát từ quan điểm nghiên cứu khoa học vừa mang tính kế thừa vừa mang tính phát triển, luận án đã đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể là: Làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm đại lý hải quan và quản lý đại lý hải quan; Phân tích những nội dung cơ bản của quản lý đại lý hải quan và những nhân tố ảnh hưởng tới quản lý đại lý hải quan; Đánh giá thực trạng quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam thời gian qua, chỉ ra những phương pháp quản lý, công cụ quản lý đại lý hải quan đã và đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam;
Trên cơ sở đánh giá những hạn chế của hoạt động quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó, Luận án đưa ra quan điểm quản lý và định hướng phát triển đại lý hải quan ở Việt Nam trong thời gian tới, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý đại lý hải quan gắn với tiến trình hiện đại hóa hải quan ở Việt Nam.
3. Để giải quyết toàn diện, thấu đáo những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, NCS đã đưa ra 6 câu hỏi nghiên cứu kèm các giả thiết nghiên cứu. Các câu hỏi và giả thiết nghiên cứu chủ yếu xoay quanh mong muốn làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về đại lý hải quan và quản lý đại lý hải quan, đánh giá thực trạng quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam thời gian qua, trên cơ sở đó đưa ra các quan điểm quản lý và định hướng phát triển đại lý hải quan ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam trong bối cảnh cải cách, hiện đại hóa hải quan.
Đây là những vấn đề chủ yếu để NCS thực hiện và việc trả lời cho các câu hỏi trên sẽ là những nội dung được trình bày trong Chương 2, Chương 3 và Chương 4 dưới đây của Luận án.
Chương 2