Chương 3 THỰC TRẠNG QUẢN LÝ ĐẠI LÝ HẢI QUAN
3.2 Thực trạng quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam thời gian qua
Thực trạng quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam thời gian qua được thể hiện qua các nội dung cụ thể sau:
3.2.1 Thực trạng định hướng sự phát triển của đại lý hải quan
Định hướng phát triển đại lý hải quan chuyên nghiệp, hiệu quả là nội dung xuyên suốt, được khẳng định trong toàn bộ các chủ trương, chính sách quản lý của Chính phủ Việt Nam nói chung và cơ quan Hải quan nói riêng. Với nội dung quản lý này, các cơ quan quản lý nhà nước đã sử dụng chủ yếu công cụ kế hoạch trong việc định hướng sự phát triển của đại lý hải quan ở Việt Nam, cụ thể từ Chiến lược phát triển ngành đến các Kế hoạch phát triển, cải cách và hiện đại hóa hải quan trong từng thời kỳ.
Chủ trương này được thể hiện đầu tiên tại Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020, theo đó, một nội dung quan trọng của công tác nghiệp vụ hải quan là “thúc đẩy phát triển hệ thống đại lý hải quan chuyên nghiệp” [58, Mục 2, Phần II]. Tiếp sau đó, tại Kế hoạch Phát triển, cải cách và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015 đã xác định nội dung Kế hoạch là “phát triển hoạt động của đại lý hải quan; các quy định ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan; Các chế tài xử lý khi có vi phạm…” [5, Mục 2, Phần II]. Kế hoạch cũng đánh giá còn một số mục tiêu chưa hoàn thành của Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2008-2010, trong đó có mục tiêu thực hiện khai hải quan thông qua đại lý và chưa xây dựng được hệ thống đại lý hải quan.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động đại lý hải quan từng bước đã được khẳng định và ngày càng được thể hiện rõ và cụ thể hơn. Đã có các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động của đại lý hải quan, cụ thể đó là: Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Doanh nghiệp năm 2005; Luật Cạnh tranh năm 2004; Luật Phá sản năm 2004; Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và một số văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động đại lý hải quan, như: Điều 21 Luật Hải quan năm 2005; Nghị định số 14/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 của Chính phủ và Thông tư số 80/2011/TT- BTC ngày 09/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý hải quan (nay đã được sửa đổi bằng các quy định tại Khoản 14 Điều 4, Điều 20 Luật Hải quan năm 2014 và Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp Chứng chỉ
nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan).
Tại Kế hoạch Phát triển Quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015 đã xác định phát triển đại lý hải quan là một trong những định hướng phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp của cơ quan hải quan.
Cụ thể là: “Xây dựng cơ chế đối tác Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan; Xây dựng và phê duyệt chương trình tổng thể về phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực của WCO và điều kiện Việt Nam; Phát triển hệ thống đại lý làm thủ tục hải quan” [75]. Hải quan Việt Nam cũng đã khẳng định thúc đẩy và xây dựng quan hệ đối tác với đại lý hải quan là mục tiêu của cơ quan Hải quan và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm và cam kết thực thi pháp luật hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần nâng cao vai trò, vị thế và năng lực của các đại lý hải quan thông qua chương trình quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan và đại lý hải quan.
Với vị trí, vai trò đã được khẳng định của đại lý hải quan đối với nền kinh tế, việc hoạch định chính sách phát triển cho đại lý hải quan là một tất yếu khách quan, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hóa hải quan. Đây là nội dung quản lý quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi định hướng sự ra đời, tồn tại và phát triển đại lý hải quan, giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này yên tâm thực hiện loại hình dịch vụ mang tính chuyên nghiệp, nhà nghề cao.
3.2.2 Thực trạng tạo lập môi trường cho sự phát triển của đại lý hải quan
Về cơ bản, đại lý hải quan ở Việt Nam đã có môi trường thuận lợi để phát triển và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan. Các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo lập không chỉ môi trường kinh tế, môi trường pháp lý mà còn cả môi trường chính trị, xã hội, kỹ thuật cho sự phát triển của đại lý hải quan.
Sự đầy đủ của môi trường pháp lý thể hiện qua hệ thống các cơ sở pháp lý quy định về hoạt động của đại lý hải quan. Các văn bản pháp luật này quy định
trên nhiều phương diện nhằm quản lý đại lý hải quan một cách chặt chẽ và hiệu quả nhất, đồng thời cũng tạo một môi trường pháp lý cởi mở nhất cho loại hình dịch vụ này. Cụ thể là:
Thứ nhất, các văn bản pháp lý đã quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh đại lý hải quan.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì, đối với ngành nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định. Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.
Tại Điều 20 Luật Quản lý thuế năm 2007 quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện và đại lý hải quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch làm thủ tục về thuế khi làm thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo quy định tại Điểm 35, Mục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, đại lý hải quan là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 7 cũng quy định nhân viên trực tiếp thực hiện kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo các yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 20 Luật Hải quan năm 2014 đã có quy định về điều kiện là đại lý hải quan. Theo đó, doanh nghiệp muốn nộp hồ sơ đăng ký thành lập đại lý hải quan phải có đầy đủ các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa hoặc đại lý hải quan; Có nhân viên đại lý hải quan; Có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện để thực hiện khai hải quan điện tử và
các điều kiện khác theo quy định [53, Điều 20, Khoản 1].
Song song với các điều kiện của đại lý hải quan là những điều kiện mang tính chuyên môn của các nhân viên đại lý hải quan, người trực tiếp làm thủ tục hải quan cho từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Đó là điều kiện về bằng cấp, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực pháp luật của nhân viên đại lý hải quan. Cụ thể nhân viên đại lý hải quan phải là công dân Việt Nam, có trình độ cao đẳng kinh tế, luật, kỹ thuật trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ hải quan và được cơ quan hải quan cấp mã số nhân viên đại lý hải quan [53, Điều 20, Khoản 2].
Những đối tượng không được cấp mã số nhân viên đại lý hải quan bao gồm: (1) Người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; (2) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù; (3) Người có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hải quan, kiểm toán bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thuế hoặc Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày có quyết định xử phạt; (4) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; (5) Cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ nhưng đang trong thời gian quy định không được kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 102/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về việc quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực trách nhiệm quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ. [53, Điều 8]. Quy định này nhằm thắt chặt phạm vi đối tượng tham gia làm nhân viên đại lý hải quan. Nhìn chung, các quy định này cũng phù hợp với các quy định của các văn bản pháp luật khác về điều kiện cơ bản để tham gia hoạt động trong một ngành nghề mang tính đặc thù như đại lý hải quan.
Trước thời điểm ngày 15/3/2015, khi Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính có hiệu lực, thẩm quyền công nhận hoạt động đại lý hải quan thuộc về Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Hiện nay, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền quyết định việc công nhận hoạt động đại lý hải quan. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện là đại lý hải quan lập hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện làm đại lý làm thủ tục hải quan gửi Tổng cục Hải quan, bao gồm: (1) Thông báo đủ điều kiện hoạt động
đại lý làm thủ tục hải quan: 01 bản chính; (2) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 bản chụp; (3) Hồ sơ đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan [10, Khoản 1, Điều 6]. Hồ sơ đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan gồm có: Đơn đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; bản chụp bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng thuộc các chuyên ngành luật, kinh tế, kỹ thuật; bản chụp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; bản chụp Chứng minh thư nhân dân và một (01) ảnh 2x3. Mã số nhân viên đại lý hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp trùng với số chứng minh thư nhân dân của người được cấp và có giá trị trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp [10, Khoản 1, 2, Điều 9].
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận đại lý hải quan, cấp mã số nhân viên đại lý hải quan. Các thông tin này được cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Trường hợp không đủ điều kiện thì có văn bản trả lời doanh nghiệp. Trường hợp đại lý hải quan có Chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác nếu Chi nhánh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan thì cũng được công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan [10, Khoản 2, 3, Điều 6].
Khi thay đổi tên, địa chỉ, đại lý hải quan có công văn đề nghị kèm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư gửi Tổng cục Hải quan để sửa đổi trên Quyết định công nhận đại lý hải quan và cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan [10, Khoản 4, Điều 6].
Thủ tục hoàn thành là lúc đại lý hải quan ra đời, đi vào hoạt động và chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật Hải quan và các văn bản liên quan, trở thành một thành viên trong hệ thống đại lý hải quan hoạt động rộng khắp trong cả nước.
Thứ hai, các văn bản pháp lý quy định về hoạt động, quyền và nghĩa vụ pháp lý của đại lý hải quan.
Với tư cách là người khai hải quan, đại lý hải quan có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan được quy định tại Điều 18 Luật Hải quan năm 2014 về quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan. Bên cạnh đó, đại lý hải quan còn có thêm các quyền cụ thể sau đây [10, Điều 13]:
- Quản lý, sử dụng mã số nhân viên đại lý hải quan để tiến hành các công việc khai báo và làm thủ tục tại cơ quan hải quan trong phạm vi được chủ hàng ủy quyền; Chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề nghị Tổng cục Hải quan cấp mã số nhân viên đại lý hải quan cho người đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
- Yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng đại lý.
- Yêu cầu cơ quan hải quan hướng dẫn về thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa XNK, kỹ thuật trong việc kết nối mạng với cơ quan hải quan, được cung cấp thông tin về các quy định mới của pháp luật hải quan và tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về hải quan.
- Chịu trách nhiệm về các nội dung khai trên tờ khai hải quan trên cơ sở bộ chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa XNK do chủ hàng cung cấp và thực hiện đúng phạm vi được ủy quyền theo hợp đồng đại lý.
- Thông báo cho Tổng cục Hải quan để thực hiện việc thu hồi mã số nhân viên đại lý hải quan đối với các trường hợp do đại lý hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan hoặc trường hợp đại lý hải quan bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến chủ hàng hoặc các lô hàng do đại lý hải quan đứng tên khai hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
- Chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan.
- Trường hợp đại lý hải quan thay mặt chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thực hiện quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thì đại lý hải quan phải chịu trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ
của chủ hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế và các pháp luật khác có liên quan.
Ngoài các nghĩa vụ của người khai hải quan, đại lý hải quan có trách nhiệm [10, Điều 13]:
- Định kỳ vào ngày 05 của tháng đầu quý sau, báo cáo tình hình hoạt động đại lý hải quan này gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc các thông tin cần thiết khác phục vụ cho hoạt động quản lý hải quan khi được cơ quan hải quan yêu cầu bằng văn bản.
- Báo cáo, đề nghị Tổng cục Hải quan thực hiện việc thu hồi mã số nhân viên đại lý hải quan đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Cơ quan hải quan đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động đại lý hải quan, do đó cơ quan hải quan có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động và quản lý sự tuân thủ của đại lý hải quan. Do đó, ngoài việc sử dụng phương pháp quản lý kinh tế là chủ yếu, cơ quan hải quan còn sử dụng kết hợp phương pháp hành chính để quản lý đại lý hải quan và hoạt động của đại lý hải quan. Cơ quan hải quan có trách nhiệm hỗ trợ nhân viên đại lý hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan; áp dụng cơ chế ưu tiên về thủ tục hải quan đối với các đại lý hải quan có quy mô tổ chức ổn định, có hệ thống cung cấp dịch vụ toàn cầu, có cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị hạ tầng phục vụ cho hoạt động giao nhận, kho vận, logistics. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan có trách nhiệm xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức phổ biến, giới thiệu chính sách pháp luật có liên quan đến thủ tục hải quan mới ban hành cho nhân viên đại lý hải quan; xây dựng chương trình, tài liệu, đề cương ôn tập của các môn thi, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, tổ chức thi và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan cho người dự thi. [10].
Thứ ba, các văn bản pháp lý còn quy định liên quan đến việc chấm dứt sự tồn tại của các đại lý hải quan và thu hồi mã số nhân viên đại lý hải quan.
Việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp là đại lý hải quan cùng như các hoạt động dịch vụ khác, có thể giải thể hoặc phá sản được áp dụng theo quy