Những vấn đề lý luận về đại lý hải quan

Một phần của tài liệu Quản lý đại lý làm thủ tục hải quan ở Việt Nam (Trang 28 - 41)

Chương 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ

2.1 Những vấn đề lý luận về đại lý hải quan

Nền kinh tế ngày càng phát triển, các hoạt động thương mại diễn ra càng phong phú và đa dạng. Trong thương mại quốc tế, nhu cầu mua bán, giao nhận vận tải hàng hoá của các tổ chức, cá nhân hết sức đa dạng và cũng có nhiều doanh nghiệp giao nhận vận tải, bảo hiểm… cung cấp các sản phẩm dịch vụ của mình ra thị trường. Người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm loại này, đặc biệt là các tổ chức kinh tế lớn, mặc dù luôn nhận được thông tin về các doanh nghiệp cung cấp, nhưng họ không thể đánh giá hết khả năng của nhiều doanh nghiệp có cùng một loại sản phẩm để lựa chọn doanh nghiệp cung cấp tốt hơn hoặc cùng một sản phẩm của những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, sản phẩm nào có mức phí rẻ hơn, phù hợp hơn, chính vì vậy đã xuất hiện các nhà môi giới, các nhà đại lý làm thay những việc đó cho họ.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của phân công lao động xã hội, mỗi người, mỗi doanh nghiệp nên tập trung kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà mình có thế mạnh, có chi phí thấp, để tối đa hóa lợi nhuận. Sự xuất hiện nhiều ngành nghề mới đã cho phép xã hội phát triển tốt hơn, nhưng các ngành nghề này lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Những người trung gian xuất hiện trong sản xuất, lưu thông hàng hóa vừa giải quyết những vướng mắc phát sinh, vừa tạo điều kiện cho sản xuất tiêu dùng phát triển. Mặt khác, do chuyên môn hóa nên các nhà trung gian sẽ xây dựng cho mình một hệ thống các mối quan hệ chuyên sâu, thu thập cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà các nhà sản xuất kinh doanh không thể có được. Đại lý chính là một trong những hình thức trung gian thương mại như vậy.

Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 quy định về đại lý như sau: “Các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các

giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại” [50, Điều 3]; “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý để nhận thù lao” [50, Điều 166]. Như vậy, đại lý thương mại không chỉ liên quan đến hoạt động mua bán đơn thuần mà còn bao gồm cả hoạt động cung ứng các dịch vụ kèm theo theo (như dịch vụ trong các lĩnh vực vận tải, bảo hiểm, giao nhận hàng hóa, làm thủ tục hải quan, giám định hàng hóa…).

Đại lý thương mại là bên thứ ba, hỗ trợ hoạt động thương mại của các bên còn lại được nhanh chóng, thuận lợi và phát triển.

Trong lĩnh vực hải quan, trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba đã được ghi nhận tại Công ước quốc tế về Đơn giản hoá và hài hoà thủ tục hải quan (hay còn gọi là Công ước Kyoto sửa đổi) mà Việt Nam đã ký kết gia nhập từ năm 2008.

Theo đó, “Luật pháp quốc gia phải quy định những điều kiện trong đó một người có thể hoạt động vì và thay mặt cho một người khác trong quan hệ với cơ quan Hải quan và phải định rõ trách nhiệm của bên thứ ba đó về các khoản thuế hải quan và thuế khác cũng như về bất cứ hành vi vi phạm nào”. [19, Chuẩn mực 8.2]. Theo định nghĩa của Công ước Kyoto, bên thứ ba là bất cứ người nào giao dịch trực tiếp với cơ quan hải quan, vì lợi ích và thay mặt cho một người khác, liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển hay lưu kho hàng hóa. Bên thứ ba có thể là đại lý hải quan, người giao nhận hàng, người vận chuyển đa phương thức… và họ có thể thay mặt chủ sở hữu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là chủ hàng) thực hiện một hoặc một số giao dịch với cơ quan hải quan. Khi tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, chủ hàng phải thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải theo quy định của luật pháp quốc gia. Chủ hàng có thể tự mình thực hiện thủ tục hải quan hoặc ủy quyền cho một bên thứ ba thực hiện các công việc liên quan tới thủ tục hải quan với cơ quan hải quan. Bên thứ ba thường được chủ hàng sử dụng nhiều nhất là đại lý hải quan.

Do tập quán thương mại khác nhau, nên tên gọi đại lý hải quan ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Đại lý hải quan theo thuật ngữ tiếng Anh là “Customs Broker” (người môi giới hải quan). Ở Inđônêxia, được gọi là “công ty môi giới hải quan”, Philippin là “môi giới hải quan”, Trung Quốc là “xí nghiệp khai thuê hải quan”, Nhật Bản là “môi giới hải quan”, Hàn Quốc là “công ty môi giới hải quan”, Pháp là “đơn vị được chấp nhận làm người ăn hoa hồng về hải quan”, Hoa Kỳ là “người môi giới hải quan”,… và ở Việt Nam được gọi là “đại lý làm thủ tục hải quan”.

Như vậy, có nhiều cách cách hiểu và tiếp cận khác nhau về “đại lý hải quan”. NCS sẽ tiếp cận thuật ngữ “đại lý hải quan” theo tinh thần của Công ước Kyoto sửa đổi. Theo đó, NCS cho rằng: đại lý hải quan là “người” thay mặt chủ hàng hoá xuất nhập khẩu thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan và thực hiện các công việc khác về thủ tục hải quan theo thoả thuận trong hợp đồng.

Quan điểm này của NCS cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về đại lý hải quan, được ghi nhận tại Điều 1 Nghị định số 14/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động đại lý hải quan: Đại lý hải quan là thương nhân thay mặt người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (gọi chung là chủ hàng) thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan theo quy định của Luật Hải quan và thực hiện các công việc khác về thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hợp đồng [15, Điều 1]. Quan điểm đại lý hải quan là người khai hải quan cũng đã được ghi nhận đầy đủ tại khoản 14 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014 [53, Điều 4, Khoản 14], đồng thời tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan;

cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan cũng đã khẳng định: Đại lý hải quan là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, thay mặt người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (gọi chung là chủ hàng) thực hiện việc khai hải quan; nộp, xuất trình bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định và thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công việc liên quan

đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hợp đồng ký với chủ hàng [10, Điều 5].

2.1.2 Những đặc trưng cơ bản của đại lý hải quan

Với tư cách là trung gian thương mại, đại lý hải quan mang đầy đủ các đặc điểm của các đại lý thương mại thông thường. Bên cạnh đó, đại lý hải quan còn có những đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, đại lý hải quan là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Đại lý hải quan là một doanh nghiệp kinh doanh bởi đại lý hải quan thực hiện dịch vụ đại lý hải quan nhằm mục đích mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nói đại lý hải quan là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện là do có các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề của đại lý hải quan. Các điều kiện đó bao gồm: điều kiện về pháp lý (trình tự đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động của đại lý hải quan, chứng chỉ hành nghề của nhân viên đại lý hải quan…), điều kiện về nhân lực (có nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý hải quan), điều kiện về vật lực (cơ sở hạ tầng), điều kiện về nguồn lực tài chính (vốn tối thiểu hoặc tiền đặt cọc, bảo lãnh), điều kiện về phương tiện, kỹ thuật quản lý, điều kiện về lưu giữ sổ sách, hệ thống chứng từ, kế toán… Cùng với các điều kiện của đại lý hải quan là những điều kiện mang tính nhà nghề của nhân viên đại lý hải quan - người trực tiếp thực hiện hành vi làm thủ tục hải quan cho từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Đó là các điều kiện về thể chất, tư chất; điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi; điều kiện về bằng cấp, trình độ chuyên môn; điều kiện về kinh nghiệm công tác…

Với tư cách là một loại hình kinh doanh có điều kiện, trình tự và thủ tục đăng ký xin cấp phép đại lý hải quan cũng được quy định chặt chẽ hơn, thẩm định kỹ càng hơn. Chẳng hạn, theo Luật khai thuê hải quan của Nhật Bản, một tổ chức kinh doanh muốn thực hiện dịch vụ đại lý hải quan phải có giấy phép của Tổng cục Hải quan. Sau khi doanh nghiệp có đơn đề nghị, Tổng cục Hải quan Nhật Bản sẽ tiến hành kiểm tra một số điều kiện như thế mạnh, uy tín, khả năng thực hiện các hoạt động dịch vụ đại lý hải quan, tính cần thiết và khối lượng công việc liên quan để tiến hành cấp phép. Nhân viên của đại lý hải quan muốn

được hành nghề dịch vụ đại lý hải quan phải trải qua kỳ thi tuyển quốc gia do Hải quan Nhật Bản tổ chức và cấp chứng chỉ [62], [80].

Theo pháp luật Hải quan của Hoa Kỳ, các hiệp hội, tổ chức muốn được cấp phép làm đại lý hải quan phải có ngành nghề kinh doanh liên quan đến lĩnh vực hải quan và có ít nhất một nhân viên thuộc tổ chức đó trực tiếp làm dịch vụ đại lý hải quan. Nhân viên đại lý hải quan phải là công dân Hoa Kỳ, tuổi từ 21 trở lên, phải trải qua một bài kiểm tra viết đạt từ 75% trở lên về các kiến thức luật, các quy định liên quan đến hải quan, kế toán, lưu giữ sổ sách và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động XNK do cơ quan Hải quan Hoa Kỳ tổ chức [84].

Theo quy định của pháp luật Hải quan Việt Nam, doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ đại lý hải quan phải lập hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện làm đại lý hải quan gửi Tổng cục Hải quan. Những người làm việc tại đại lý hải quan có trình độ cao đẳng kinh tế, luật, kỹ thuật trở lên, sau khi tham gia kỳ thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan do Tổng cục Hải quan tổ chức, được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan và được đại lý hải quan đề nghị sẽ được Tổng cục Hải quan cấp mã số nhân viên đại lý hải quan. Mã số nhân viên được ghi trên Thẻ nhân viên đại lý hải quan và được sử dụng trong thời gian hành nghề khai hải quan của nhân viên đại lý hải quan. [10], [53].

Thứ hai, đại lý hải quan là “người” cung ứng dịch vụ thương mại trong lĩnh vực XNK hàng hóa.

Đại lý hải quan là một loại hình dịch vụ đặc thù gắn liền với hoạt động XNK hàng hóa, vì vậy, hoạt động đại lý hải quan cũng chỉ phát sinh trực tiếp hoặc liên quan đến hoạt động XNK, trong đó chủ thể của hoạt động này là chủ hàng hóa XNK và đại lý hải quan. Hoạt động đại lý hải quan cũng giống như các hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại khác, theo đó quá trình phát sinh, thay đổi và chấm dứt hoạt động được tuân thủ và áp dụng theo luật Thương mại quốc gia. Bên cạnh đó, đại lý hải quan có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người làm dịch vụ được quy định trong Luật Thương mại, cụ thể có quyền ký hợp đồng với chủ hàng, được hưởng thù lao do chủ hàng thanh toán cũng như phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chủ hàng trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Hoạt động đại lý hải quan phát sinh sau khi chủ hàng và đại lý hải quan thỏa thuận, ký kết hợp đồng đại lý. Thông qua hợp đồng này, các bên thỏa thuận, giao kết các quyền, nghĩa vụ và công việc phải làm của mỗi bên trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Để thực hiện các công việc được ủy quyền đã thỏa thuận trong hợp đồng, đại lý hải quan có quyền yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ và thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Đại lý hải quan có nghĩa vụ thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục hải quan như đã thỏa thuận trong hợp đồng đại lý; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp thực hiện không đúng những công việc được ủy quyền, không khai đúng những thông tin và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu do chủ hàng cung cấp.

Điều này đã thể hiện rõ đặc trưng của đại lý hải quan là một đại lý cung ứng dịch vụ thương mại mang tính chuyên nghiệp, nhà nghề, hoạt động trên nguyên tắc đại diện, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi được ủy quyền.

Thứ ba, đại lý hải quan hoạt động với tư cách là người khai hải quan.

Đại lý hải quan thay mặt chủ hàng thực hiện việc khai hải quan và một số công việc liên quan đến thủ tục hải quan, khi đó đại lý hải quan được coi như hoạt động với tư cách là người khai hải quan. Người khai hải quan là người cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ quan hải quan về đối tượng đang làm thủ tục hải quan. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người khai hải quan bao gồm: chủ hàng hóa; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan [53, Điều 4, Khoản 14]. Đại lý hải quan, với tư cách là người khai hải quan, thay mặt chủ hàng thực hiện một số công việc liên quan đến thủ tục hải quan như: khai hải quan; nộp hoặc xuất trình bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công việc liên quan đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hoạt động ký với chủ hàng, gồm: xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật; vận chuyển, làm thủ tục hải quan đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp dịch vụ tư

vấn về thủ tục hải quan và quản lý thuế cho chủ hàng; nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; thực hiện thủ tục miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, xét hoàn thuế, giảm thuế, xét giảm thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan;…

Bên cạnh đó, đại lý hải quan cũng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật Hải quan Việt Nam, đại lý hải quan có quyền yêu cầu cơ quan hải quan hướng dẫn về thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kỹ thuật trong việc kết nối mạng với cơ quan hải quan, cung cấp các quy định mới của pháp luật về hải quan và tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về hải quan; yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan; sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan; yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra… Đại lý hải quan cũng có các nghĩa vụ như:

khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến chủ hàng hoặc các lô hàng do đại lý hải quan đứng tên trên tờ khai hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan.

Thứ tư, đại lý hải quan thay mặt cơ quan Hải quan thực hiện một số hành vi quản lý nhà nước về hải quan đối với chủ hàng.

Thực tiễn hoạt động đại lý hải quan ở các nước trên thế giới cho thấy, hầu hết hàng hóa XNK đều làm thủ tục hải quan thông qua đại lý hải quan. Đại lý hải

Một phần của tài liệu Quản lý đại lý làm thủ tục hải quan ở Việt Nam (Trang 28 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)