Định hướng phát triển đại lý hải quan và những yêu cầu đặt ra đối với quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Quản lý đại lý làm thủ tục hải quan ở Việt Nam (Trang 129 - 134)

Chương 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ

4.1 Định hướng phát triển đại lý hải quan và những yêu cầu đặt ra đối với quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam

4.1.1 Mục tiêu phát triển của Hải quan Việt Nam và định hướng phát triển đại lý hải quan Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa hải quan

Trong thời gian vừa qua, công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan được Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngành Hải quan đặc biệt coi trọng và được đẩy mạnh. Với những nỗ lực của cán bộ, công chức trong toàn Ngành, sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, công tác cải cách, hiện đại hóa đã thu được kết quả rất tốt đẹp, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại và đảm bảo sự quản lý nhà nước về hải quan.

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng, ngày 25/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Chiến lược này là kim chỉ nam cho công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan trong thời gian tới. Theo đó, Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là “Xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lý rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.” [58].

Thực tế cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, đặt ra yêu cầu ngành Hải quan phải thực hiện cải cách, hiện đại hóa. Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015, Hải quan Việt Nam đã và đang tập trung thực hiện 5 nhóm công việc trọng tâm gồm:

(1) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử; (2) Triển khai Đề án Quản lí rủi ro; (3)

Xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại các địa bàn trọng điểm; (4) Triển khai chương trình Doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt và (5) Xây dựng và vận hành hệ thống Chỉ số đánh giá hoạt động của ngành [5].

Mục tiêu của Hải quan Việt Nam đến năm 2020, về cơ bản các thủ tục và chế độ quản lý hải quan phải đơn giản, hiệu quả, hài hòa và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các địa bàn trọng điểm; thực hiện việc trao đổi thông tin trước khi hàng đến, thanh toán, quản lý các giấy phép bằng phương thức điện tử; thực hiện cơ chế doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt về thủ tục và an ninh theo các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); áp dụng phương pháp quản lý rủi ro một cách hệ thống trong các khâu nghiệp vụ hải quan. Từng bước xử lý dữ liệu thông quan tập trung tại cấp Cục Hải quan; thực hiện cơ chế một cửa hải quan quốc gia và tham gia cơ chế một cửa ASEAN.

Trước mắt, trong thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hải quan điện tử; tăng hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro;

mở rộng kết nối trao đổi thông tin với Kho bạc về việc thu ngân sách; nhanh chóng triển khai công tác kiểm tra sau thông quan đối với thủ tục hải quan điện tử, đảm bảo nguyên tắc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tiếp tục triển khai Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; tăng cường năng lực quản lí rủi ro; đảm bảo kinh phí và tiến độ trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị hiện đại phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành.

Một số chỉ tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện của Hải quan Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa hải quan như sau [58]:

- Thực hiện thủ tục hải quan điện tử: đến năm 2020 có 100% các Cục Hải quan, 100% các Chi cục Hải quan, 100% các loại hình hải quan cơ bản, 90% kim ngạch xuất nhập khẩu, 80% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

- Thời gian thông quan hàng hóa đến năm 2020 phấn đấu bằng với mức của các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.

- Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đến năm 2020 phấn đấu đạt dưới 7%.

- Tỷ lệ các giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện trong cơ chế một cửa hải quan quốc gia đến năm 2020 là 90%.

- Tập trung hóa xử lý dữ liệu điện tử của hệ thống thông quan hải quan vào năm 2015.

Căn cứ vào mục tiêu phát triển của Hải quan Việt Nam trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, theo quan điểm của NCS, định hướng phát triển đại lý hải quan ở Việt Nam thời gian tới là:

Một là, đẩy mạnh phát triển đại lý hải quan cả về số lượng và quy mô.

Hai là, phát triển đội ngũ nhân viên đại lý hải quan chuyên nghiệp và nhà nghề.

Ba là, nâng cao uy tín, thương hiệu của đại lý hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp.

Bốn là, phát triển đại lý hải quan phải gắn với mục tiêu phát triển của ngành hải quan và trách nhiệm đối với xã hội.

4.1.2 Quan điểm quản lý và những yêu cầu đặt ra đối với quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam

Thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã và đang tích cực chủ động trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa ngành. Trong thời gian tới, để thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015, cần quán triệt một số quan điểm quản lý đại lý hải quan như sau:

Một là, phát triển đại lý hải quan là xu hướng tất yếu của tiến trình hiện đại hóa hải quan, do vậy tăng cường quản lý đại lý hải quan để nâng cao hiệu quả quản lý là một tất yếu khách quan.

Hai là, quản lý đại lý hải quan nhằm mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho sự phát triển của đại lý hải quan.

Ba là, quản lý đại lý hải quan nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước nhưng phải đặt trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Bốn là, quản lý đại lý hải quan hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và đại lý hải quan phải thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của cơ quan hải quan.

Để đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn, hoạt động quản lý đại lý hải quan phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra sau:

Thứ nhất, quản lý đại lý hải quan phải hướng tới mục tiêu tạo động lực cho các đại lý hải quan hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Quản lý đại lý hải quan phải hướng tới mục tiêu tạo động lực cho các thương nhân đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đại lý hải quan, thu hút được nhiều nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu nói riêng. Quản lý đại lý hải quan cũng nhằm tới mục tiêu quan trọng nhất là hỗ trợ các cơ quan Nhà nước thực hiện thành công chức năng quản lý nhà nước về hải quan. Quản lý hải quan phải đảm bảo được tính minh bạch, bình đẳng và nghiêm minh của cơ chế quản lý đối với các thương nhân nhằm khuyến khích các đại lý hải quan có tính tự tuân thủ pháp luật cao và xử lý nghiêm minh đối với các đại lý hải quan vi phạm pháp luật hải quan, qua đó tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn trong dịch vụ đại lý hải quan.

Thứ hai, tạo ra cơ sở pháp lý về quản lý đại lý hải quan đầy đủ và đồng bộ theo cơ chế thị trường. Quản lý đại lý hải quan mà cốt lõi là cơ sở pháp lý của nó phải đảm bảo tính đầy đủ và đồng bộ để điều tiết được tất cả các quan hệ kinh tế phát sinh giữa các chủ thể trong hoạt động đại lý hải quan [42, tr.29]. Tính đầy đủ và đồng bộ này thể hiện qua hệ thống các văn bản pháp luật có hệ thống từ Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Quyết định phải đầy đủ, đồng bộ không chỉ trong lĩnh vực đại lý hải quan mà còn phải đồng bộ với các hệ thống văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác. Cơ chế quản lý đại lý hải quan phải thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ được các quan hệ kinh tế như quan hệ hàng hóa, dịch vụ - tiền tệ, quan hệ cung – cầu, quan hệ về lợi ích nảy sinh trong dịch vụ đại lý hải quan. Đồng thời phải tôn trọng các nguyên tắc của kinh tế thị trường trong lĩnh vực dịch vụ. Có như vậy mới đảm bảo được tính hiện thực của cơ chế quản lý.

Thứ ba, đảm bảo sự phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong

quản lý đại lý hải quan. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước là một trong những nhiệm vụ của bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Để phối hợp hiệu quả, cần phải đảm bảo các nguyên tắc quản lý nhà nước tốt, đó là: minh bạch, tham gia, trao quyền, trách nhiệm giải trình và lợi ích nhận được. Các nguyên nhân chính dẫn đến phối hợp không tốt giữa các cơ quan chịu trách nhiệm về dịch vụ đã được nêu ở trên bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch, thiếu tham gia của người dân cũng như không được trao quyền và thiếu trách nhiệm giải trình [42, tr.30].

Sự minh bạch, tham gia, trao quyền và trách nhiệm giải trình sẽ trở thành nguyên tắc làm căn cứ để đưa ra các đề xuất tăng cường phối hợp hiệu quả. Các giải pháp nhằm khắc phục các vấn đề về phối hợp giữa các cơ quan quản lý dịch đại lý hải quan là những lựa chọn chính sách cụ thể và phải tuân thủ nguyên tắc điều hành tốt.

Thứ tư, quản lý đại lý hải quan phải hướng tới giải quyết các vấn đề do đại lý hải quan đặt ra trong quá trình hoạt động. Chính sách và giải pháp phát triển đại lý hải quan phải bảo đảm thực hiện được sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Sự bình đẳng này đảm bảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước hay thuộc các thành phần kinh tế khác nhau được đối xử bình đẳng trước pháp luật và trong các quan hệ hành chính với các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời cần có sự bình đẳng về cung và cầu trong hoạt động đại lý hải quan, tránh những hậu quả của hiện tượng độc quyền, đó chính là cơ sở để tạo lập được một thị trường dịch vụ đại lý hải quan phát triển lành mạnh, phong phú và đa dạng [42, tr.30]. Bên cạnh đó, tính tuân thủ và hiệu lực của cơ chế quản lý phải đảm bảo ở mức cao. Chính điều này sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước phân loại được các đại lý hải quan theo tính tuân thủ để có những quyết định hành chính phù hợp. Mặt khác, còn đảm bảo cho các quan hệ kinh tế giữa các đại lý hải quan và chủ hàng được thực hiện theo đúng hoạt động đại lý, cũng đồng nghĩa với quyền lợi và trách nhiệm của các bên được pháp luật bảo hộ. Đây chính là một cơ sở quan trọng để đại lý hải quan tồn tại và phát triển.

Trên cơ sở quan điểm quản lý và định hướng phát triển đại lý hải quan như trên, căn cứ vào thực trạng hoạt động và quản lý đại lý hải quan ở Việt Nam

hiện nay, NCS xin đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể để phát triển đại lý hải quan giai đoạn 2015-2020 là:

- Tăng số lượng đại lý hải quan bình quân 40%/năm, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 3.500 đại lý hải quan được cấp phép hoạt động.

- Tăng số tờ khai hải quan do đại lý hải quan khai, ký tên, đóng dấu đạt 15% trên tổng số tờ khai phát sinh.

- Tối thiểu 50% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan sử dụng dịch vụ đại lý hải quan.

- Tối thiểu 80% số doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ do đại lý hải quan cung cấp.

Mục tiêu này có thể còn khiêm tốn, nhưng đặt trong thực trạng quản lý và phát triển đại lý hải quan ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi phải có những giải pháp quản lý hữu hiệu mới có thể thực hiện thành công.

Một phần của tài liệu Quản lý đại lý làm thủ tục hải quan ở Việt Nam (Trang 129 - 134)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)