Chương 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ
2.3 Kinh nghiệm quản lý đại lý hải quan của các nước và bài học cho Việt Nam
2.3.1 Kinh nghiệm quản lý đại lý hải quan của Hải quan Philipin
Ở Philipin, nhằm tạo thuận lợi cho việc làm thủ tục hải quan và chống thất thu thuế, Nghị viện Philipin đã ban hành Bộ luật Hải quan Philipin, bao gồm Luật Thuế quan và Luật Hải quan. Trong nội dung Luật Hải quan có dành một
phần đề cập đến đại lý hải quan.
Tiết 1301 Luật Hải quan Philipin quy định một trong những người có quyền thực hiện khai báo hải quan là đại lý hải quan được cấp giấy phép đúng thể thức, thực hiện theo sự ủy quyền của người nắm giữ vận tải đơn. Đại lý hải quan phải ký dưới tờ khai hải quan nhằm cam đoan chịu trách nhiệm về mọi nội dung đã khai báo.
Tại Tiết 3401 quy định rõ những tiêu chuẩn xin cấp chứng nhận làm đại lý hải quan. Theo đó, một cá nhân muốn xin cấp chứng nhận là nhân viên đại lý hải quan phải trải qua một sát hạch bằng hình thức thi viết. Người xin dự thi cần có những tiêu chuẩn sau đây [26]:
- Là công dân Philipin, tuổi từ 18 trở lên;
- Có tư cách đạo đức tốt;
- Ít nhất đã học hết hệ đại học bốn năm, trong thời gian đó phải học mười tám (18) môn khoa học cơ bản về hải quan và thuế quan và/hoặc thuế và đạt kết quả tốt. Nếu cứ có ba môn học bị yếu thì sẽ được thay bằng ít nhất ba tháng thực hành nghề đại lý hải quan và/hoặc các lĩnh vực liên quan đến hải quan và thuế quan, với điều kiện việc thực hành đó được chủ các doanh nghiệp xác nhận.
Kỳ thi sát hạch đối với nhân viên đại lý hải quan được tổ chức hai năm một lần hoặc nhanh hơn theo nhu cầu được Cao ủy hải quan xác nhận và sẽ bị giới hạn bởi những môn thi vấn đáp, kể cả kiến thức về luật Hải quan và thuế quan, những quy định liên quan để thi hành luật Hải quan và thuế quan. Điểm trung bình thí sinh phải đạt là 75%, với điều kiện thí sinh không bất cứ môn thi nào dưới 60% [26].
Trong phạm vi 120 ngày sau ngày dự thi, Hội đồng giám khảo sẽ trình điểm thi của các thí sinh lên Cao ủy phụ trách công tác dân sự để Cao ủy dân sự trình điểm thi lên Tổng thống Philipin để công bố. Mỗi thí sinh thi đỗ phải nộp lệ phí 50 pêsô cho Ủy ban công tác dân sự để nhận chứng chỉ đại lý hải quan [26].
Chứng chỉ nhân viên đại lý hải quan ghi rõ họ tên của nhân viên đại lý hải quan, chỉ số và chữ ký của mọi thành viên của Hội đồng giám khảo của Cao ủy phụ trách công tác dân sự và có đóng dấu chính thức của Hội đồng giám khảo.
Kỳ thi chọn nhân viên đại lý hải quan được coi là tương ứng với kỳ thi bậc một do Ủy ban công tác dân sự tổ chức để chỉ định chức danh trong công tác đã được phân loại mà nội dung của công tác đó có liên quan đến kiến thức về các vấn đề hải quan và thuế quan.
Một doanh nghiệp muốn trở thành đại lý hải quan phải có ít nhất hai nhân viên đại lý hải quan. Tính đến hết tháng 2/2015, đã có hơn 1.300 đại lý hải quan được công nhận hoạt động tại Philipin.
Theo quy định, nhân viên đại lý hải quan muốn hoạt động tại khu vực cảng nào sẽ phải xin cấp giấy phép hàng năm của Giám đốc hải quan cảng đó.
Nhân viên đại lý hải quan phải nộp lệ phí xin giấy phép đó là 100 pêsô [26].
Vào tháng 7 hàng năm, Cao ủy phụ trách công tác dân sự lập danh sách ghi rõ tên và địa chỉ của nhân viên đại lý hải quan, gửi theo đường bưu điện đến từng người đã đăng ký và gửi cho Văn phòng Bộ trưởng Bộ Tài chính để chuyển cho Cao ủy hải quan và Giám đốc hải quan và đến các Cục, cơ quan Chính phủ và các cơ quan tỉnh, thành phố cần thiết. Tùy theo yêu cầu sẽ công bố công khai danh sách này.
Mọi khiếu nại liên quan đến việc treo và hủy bỏ chứng chỉ nhân viên đại lý hải quan sẽ được gửi đến Hội đồng giám khảo đại lý hải quan để Hội đồng điều tra vụ việc và đệ trình các khuyến nghị lên Cao ủy công tác dân sự quyết định. Nhân viên đại lý hải quan đó sẽ nhận được bản sao quyết định của Cao ủy công tác dân sự [26].
2.3.2 Kinh nghiệm quản lý đại lý hải quan của Hải quan Nhật Bản Hệ thống đại lý hải quan tại Nhật Bản đã ra đời từ rất sớm, hình thức tổ chức đầu tiên là Liên minh các nhà làm thủ tục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, được thành lập vào tháng 7/1947. Liên minh này được tổ chức lại thành Hiệp hội các đại lý hải quan Nhật Bản vào tháng 7/1968. Đến tháng 8/1968, Nhật Bản đã ban hành Luật Khai thuê hải quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động dịch vụ này trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Luật được ban hành nhằm phục vụ hoạt động chính đáng của đại lý hải quan, qua đó đảm bảo việc thực hiện nhanh chóng các thủ tục liên quan đến thông quan hàng hóa.
Theo quy định của Luật Khai thuê hải quan Nhật Bản, một tổ chức muốn thành lập dịch vụ đại lý hải quan phải được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nhật Bản đồng ý thông qua đơn vị hải quan quản lý khu vực tổ chức đó đăng ký hoạt động để xem xét khả năng công nhận đại lý hải quan. Hải quan Nhật Bản sẽ xem xét các điểm sau: Thủ tục nộp và đăng ký phải tuân thủ đúng quy định; Tổ chức/cá nhân nộp đăng ký phải có đủ tư cách pháp lý; Các nhân viên đại lý hải quan được đăng ký phải nêu rõ những đơn vị hải quan mà họ sẽ đăng ký thủ tục đại lý hải quan [80].
Khi có một đơn xin phép được làm công việc khai thuê hải quan, Tổng cục Hải quan Nhật Bản sẽ kiểm tra các vấn đề sau: xem xét thế mạnh của tổ chức xin phép; xem xét khả năng thực hiện theo luật định các hoạt động dịch vụ khai thuê hải quan cùng với năng lực có thể cũng như uy tín của tổ chức đó; xem xét tính cần thiết và cân nhắc khối lượng công việc liên quan đến khai thuê hải quan cũng như số lượng địa điểm thực hiện hoạt động này trong phạm vi cho phép;
kiểm tra xem các chuyên gia hải quan đã đăng ký (nhân viên đại lý hải quan) có được chỉ định làm việc tại các văn phòng khai thuê hải quan hay không. Chỉ khi các điều kiện trên đã được đáp ứng thì Tổng cục Hải quan mới cấp giấy phép hoạt động cho tổ chức hoạt động khai thuê hải quan [80]. Sau khi được cấp chứng nhận, Hải quan Nhật Bản sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thủ tục hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý hải quan: Để đảm bảo hoạt động khai thuê hải quan theo đúng luật định, Luật Khai thuê hải quan Nhật Bản quy định, khi các tổ chức khai thuê hải quan vi phạm Luật này, các luật khác và các quy định khác có liên quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thể áp dụng một biện pháp trừng phạt theo khía cạnh quản lý, ngoài ra còn có các biện pháp trừng phạt được quy định trong các điều khoản trừng phạt của mỗi Luật và Nghị định. Biện pháp quản lý đối với đại lý hải quan được đưa ra dưới 3 dạng: Cảnh cáo; Đình chỉ các công việc khai thuê hải quan trong một thời gian nhất định không quá 1 năm; và Thu hồi giấy phép. Khi một tổ chức đại lý hải quan có vi phạm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phải gửi một thông báo
trước để họ có cơ hội xem xét lại trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời đại lý hải quan này cũng phải hỏi tư vấn từ những thanh tra có kinh nghiệm được Tổng cục trưởng Hải quan chỉ định.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng có thể áp dụng các biện pháp quản lý trong trường hợp các nhân viên đại lý hải quan đã đăng ký vi phạm Luật Khai thuê hải quan và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Các chế tài bao gồm: Cảnh cáo; Đình chỉ các hoạt động khai thuê hải quan trong một thời gian nhất định không quá 1 năm; Cấm tham gia công việc khai thuê hải quan trong thời gian 2 năm. Khi xử lý vi phạm đối với các nhân viên đại lý hải quan có đăng ký làm việc tại các đại lý hải quan, Tổng cục Hải quan cũng cần thông báo cho họ trước và dành cho họ một thời gian hợp lý để tự xem xét lại.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ phải thảo luận với những nhân viên kiểm tra của mình trước khi đưa ra quyết định xử lý.
Tại Nhật Bản, biểu phí đại lý hải quan cũng được quy định cụ thể cho từng loại hình dịch vụ [62].
Hiệp hội đại lý hải quan Nhật Bản (JCBA – Japan Customs Brokers Association) là tổ chức được công nhận, hoạt động hợp pháp, đặt dưới sự quản lý của Bộ Tài chính. Hoạt động của Hiệp hội tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Triển khai hệ thống khai hải quan tự động;
- Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ thủ tục hải quan;
- Tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn buôn lậu, gian lận;
- Tổ chức các lớp đào tạo, các buổi thuyết trình tập trung vào chủ đề các vấn đề hải quan và tham gia vào các cuộc gặp gỡ quốc tế;
- Phối hợp chuẩn hóa các chứng từ hải quan và;
- Cung cấp các dịch vụ tư vấn về thủ tục hải quan.
Từ tháng 4/1994, JCBA thành lập Trung tâm thông tin nhập khẩu cá nhân nhằm khuyến khích các nhà nhập khẩu Nhật Bản sử dụng các dịch vụ tư vấn về thủ tục hải quan cũng như giúp những người muốn nhập khẩu hàng hóa sử dụng cho mục đích cá nhân được thuận lợi với sự hỗ trợ của đại lý hải quan. Từ tháng
4/1995, JCBA bắt đầu hệ thống thông tin thông quan hải quan để cung cấp thông tin về cấp phép nhập khẩu hoặc xin phép nhập khẩu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Tại Nhật Bản cũng thành lập Chi hội đại lý hải quan địa phương nhằm đẩy mạnh dịch vụ đại lý hải quan, củng cố hội viên và thúc đẩy mối quan hệ tốt giữa các hội viên của Hiệp hội. Các Chi hội đại lý hải quan ở địa phương được tổ chức bởi các đại lý hải quan ở mỗi khu vực nhằm tiến hành nhanh chóng các hoạt động thông quan tại địa phương. JCBA có 9 Chi hội đại lý hải quan khu vực và hoạt động trên cơ sở phí do 9 Chi hội đóng góp.
JCBA thường xuyên mở các khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu và tổ chức hội thảo nhằm nâng cao năng lực của các nhân viên đại lý hải quan. Bên cạnh đó, JCBA còn xuất bản các tài liệu về đại lý hải quan cho các đại lý hải quan và nhân viên đại lý hải quan tham khảo. Năm 2010, JCBA đã được WCO khen thưởng vì đã có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực chung của Ủy ban Thương mại quốc tế [62].
Cho đến nay, tại Nhật Bản đã có hơn 1.300 giấy chứng nhận đại lý hải quan được cấp, với khoảng hơn 2.000 văn phòng đại lý và hơn 7.000 nhân viên đại lý hải quan [62]. Các đại lý hải quan thường cung cấp các dịch vụ liên quan khác nhau như: dịch vụ giao nhận, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ kinh doanh kho bãi, dịch vụ vận chuyển tàu biển, dịch vụ nâng chuyển hàng,... Mỗi đại lý phải có ít nhất một nhân viên đại lý hải quan. Nhân viên đại lý hải quan muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải thi đạt kỳ thi sát hạch cấp quốc gia do Bộ Tài chính tổ chức, định kỳ vào tháng 10 hàng năm.
Nhật Bản cũng đưa ra những quy định chặt chẽ về xử lý những trường hợp vi phạm luật pháp hải quan, quy định về thuế... của đại lý hải quan, những hình thức được áp dụng là thắt chặt giám sát, áp dụng các hình phạt mang tính răn đe cao tùy theo mức độ vi phạm, bắt đầu từ việc cảnh báo, ngừng một phần hoặc toàn bộ các dịch vụ hải quan được cấp phép trong khoảng thời gian dưới một năm cho đến khi thu hồi chứng nhận (giấy phép hoạt động). Cơ quan Hải
quan Nhật Bản quản lý đại lý hải quan trên cơ sở tận dụng tối đa công nghệ thông tin và sử dụng phương pháp quản lý rủi ro có hiệu quả.
2.3.3 Kinh nghiệm quản lý đại lý hải quan của Hải quan Hoa Kỳ
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, đại lý hải quan là các cá nhân, công ty, hiệp hội được cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (US Customs and Border Protection – CBP) cấp phép và quản lý nhằm giúp các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu của liên bang trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đại lý hải quan đại diện cho khách hàng của mình cung cấp thông tin cần thiết và nộp các khoản tiền theo quy định cho CBP. Đổi lại, đại lý hải quan sẽ nhận được các khoản phí dịch vụ từ các nhà xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng giữa hai bên.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đề ra các quy định chặt chẽ đối với đại lý hải quan như phải có kinh nghiệm về thủ tục nhập khẩu hàng hóa, có kiến thức về các lĩnh vực liên quan như phân loại hàng hoá, xác định trị giá tính thuế và các mức thuế suất hiện hành áp dụng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Hiện có khoảng gần 11.500 đại lý hải quan được cấp phép hoạt động tại Hoa Kỳ [22, tr.17]. Các công ty, hiệp hội và tổ chức phải có giấy phép thực hiện các giao dịch với cơ quan Hải quan. Mỗi lĩnh vực, đại lý hải quan phải có ít nhất một nhân viên, đối tác hoặc liên doanh được cấp phép hợp pháp để được nhận giấy phép hoạt động. Nếu như đại lý hải quan không có một nhân viên hoặc một thành viên của một đối tác trong thời gian hơn 120 ngày thì sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Để có thể trở thành đại lý hải quan, theo quy định của CBP, phải là công dân Hoa Kỳ từ 21 tuổi trở lên và không được làm trong bất kỳ một cơ quan nào của Chính phủ Liên bang. Nếu có đủ các điều kiện này, ứng cử viên phải tham dự kỳ thi cấp giấy phép đại lý hải quan, nộp một khoản lệ phí 200 USD trước kỳ kiểm tra là 30 ngày và được CBP chấp nhận. Việc kiểm tra để cấp giấy phép cho đại lý hải quan là một kỳ kiểm tra mở (cho phép sử dụng tài liệu liên quan) với 80 câu hỏi lựa chọn dựa trên các tài liệu nghiệp vụ của CBP như Danh mục biểu thuế hài hoà của Hoa Kỳ (HTSUS – Harmonized Tariff Schedule of the United States ), Luật các quy định của Liên bang, các văn bản nghiệp vụ của CBP và tài
liệu về các yêu cầu giao diện tự động giữa Thương mại và Hải quan. Kỳ kiểm tra này thường được CBP tổ chức tại các vùng vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 4 và ngày thứ hai đầu tiên của tháng 10 trong năm [84].
Khi cấp phép cho một đại lý hải quan, CBP thực hiện chính sách đánh giá chặt chẽ trong một hệ thống từ trung ương tới địa phương. Hiện có ba mức độ đánh giá. Trước tiên là sự kiểm tra cơ bản do nhiều cơ quan liên quan thực hiện.
Thứ hai là các Cục trưởng các vùng của CBP sẽ đánh giá kết quả kiểm tra nêu trên cùng với bất kỳ thông tin có liên quan khác, và sẽ gửi báo cáo về cơ quan trung ương của CBP tại Washington D.C. CBP nghiên cứu từng hồ sơ xin cấp phép, và trợ lý Cao uỷ, Văn phòng Quản lý các hoạt động tại chỗ, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có chấp nhận đại lý hải quan đó hay không. Thời gian cấp phép có thể thay đổi tuỳ thuộc nhiều yếu tố nhưng thường là từ 8 đến 12 tháng. Một trong số những yếu tố đó là địa điểm hoạt động, khối lượng công việc hay mức độ rủi ro đe doạ an ninh quốc gia.
CBP quy định giấy phép hoạt động của đại lý hải quan không thể chuyển nhượng được. Ví dụ, một đại lý hải quan riêng lẻ được cấp phép không thể tham gia hoặc yêu cầu được tham gia một “giao dịch hải quan” như là một đại lý hải quan liên hiệp khi không có giấy phép của đại lý hải quan liên hiệp. Những người không được cấp phép không sử dụng một mã số hồ sơ đại lý hải quan, cho phép và/hoặc cấp phép theo mục đích đề nghị hoặc/và tham gia một “giao dịch hải quan”. Ví dụ, một nhà giao nhận không được cấp phép không được sử dụng giấy phép đại lý hải quan để tham gia một “giao dịch hải quan” với tư cách là một đại lý hải quan. Theo quy định tại Luật Hải quan Hoa Kỳ, những đối tượng vi phạm quy định này sẽ phải chịu khoản tiền phạt tối đa là 10.000 USD cho từng giao dịch như vậy. Tương tự, đại lý hải quan tự ý cho những người không được phép sử dụng giấy phép của mình thì thì sẽ bị phạt tiền và bị từ chối thực hiện tiếp nhiệm vụ. Thành viên của cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào những hoạt động không hợp pháp nêu trên có 30 ngày để dừng và chấm dứt những hành động đó.