Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ XẤU
1.1. THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ XẤU
1.1.2. Thị trường mua bán nợ xấu
1.1.2.1. Khái niệm, phân loại thị trường mua bán nợ xấu a. Khái niệm thị trường mua bán nợ xấu
Mua bán nợ xấu là một loại hình dịch vụ thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính để mua bán một loại sản phẩm đặc biệt - nợ xấu, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận thanh toán từ bên mua nợ.
Việc mua bán nợ xấu được tiến hành với sự tham gia của các đối tượng sau: Trung gian mua bán, chủ nợ, khách nợ (công ty mua bán nợ và tài sản, doanh nghiệp, ngân hàng…) nhằm xử lý các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, làm cho nguồn vốn xoay vòng nhanh chóng và lành mạnh hóa tình hình tài chính. Nói một cách khác, mua bán nợ xấu là hoạt động kinh tế để trao đổi và chuyển giao phần tài sản đặc biệt là các "khoản nợ phải thu" đã quá hạn từ đối tượng này sang đối tượng khác. Đối với TCTD, “khoản nợ phải thu” này được phân loại là nợ xấu. Thực chất, đó là việc chuyển nhượng lại "quyền thu hồi nợ"
từ một "khoản nợ phải thu" của bên Bán nợ (chủ nợ) đối với Khách nợ sang cho bên Mua nợ để bên Mua nợ trở thành chủ nợ mới của bên Khách nợ. Như vậy, hoạt động mua bán nợ xấu được thực hiện đối với các khoản nợ phải thu (của bên chủ nợ) mà không phải là nợ phải trả (của bên khách nợ).
Như vậy: Thị trường mua bán nợ xấu là nơi mua bán các khoản nợ xấu, hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ xấu là các khoản nợ xấu dưới dạng tài sản nợ hoặc các khoản nợ xấu được chứng khoán hóa. Trong đó chứng khoán hóa là quá trình biến những tài sản có tính thanh khoản thấp thành những chứng khoán có thanh khoản [54].
b. Phân loại thị trường mua bán nợ xấu
- Thị trường mua bán nợ xấu, xét theo quá trình luân chuyển vốn có thể được phân loại như sau:
+ Thị trường mua bán nợ xấu sơ cấp.
+ Thị trường mua bán nợ xấu thứ cấp.
Trong đó:
Thị trường mua bán nợ xấu sơ cấp là nơi khoản nợ xấu đầu tiên được giao dịch.
Thị trường mua bán nợ xấu thứ cấp là nơi mua bán lại các khoản nợ xấu đã được trao đổi.
Có thể thấy thị trường nợ xấu sơ cấp và thị trường nợ xấu thứ cấp có quan hệ mật thiết, biện chứng với nhau. Nếu không có thị trường nợ xấu sơ cấp thì sẽ không có hàng hóa để lưu thông trên thị trường nợ xấu thứ cấp, còn nếu không có thị trường nợ xấu thứ cấp thì không chuyển đổi các khoản nợ xấu thành tiền hoặc các quyền sở hữu khác (góp vốn cổ phần,…). Như vậy, chính thị trường nợ xấu thứ cấp góp phần quan trọng tạo điều kiện để thị trường nợ xấu sơ cấp phát triển.
- Thị trường mua bán nợ xấu, xét theo phương hướng phát triển có thể được phân loại như sau:
+ Thị trường mua bán nợ xấu theo chiều rộng.
+ Thị trường mua bán nợ xấu theo chiều sâu.
Trong đó:
Thị trường mua bán nợ xấu theo chiều rộng là thị trường được xem xét ở phạm vi và quy mô hoạt động, thể hiện ở số lượng chủ thể tham gia thị trường, khối lượng nợ xấu được TCTD giao dịch,…
Thị trường mua bán nợ xấu theo chiều sâu là thị trường được xem xét ở chất lượng mua bán nợ xấu, hiệu quả hoạt động của công ty mua bán nợ,…
Thị trường mua bán nợ xấu muốn phát triển có thể diễn ra theo hai hướng chính là phát triển thị trường mua bán nợ xấu theo chiều rộng, phát triển thị trường mua bán nợ xấu theo chiều sâu hoặc kết hợp cả hai. Phương hướng phát triển thị trường mua bán nợ xấu theo chiều rộng thông thường là để đánh giá sơ bộ về số lượng các chủ thể tham gia thị trường, khối lượng, giá trị nợ xấu được TCTD giao dịch trên thị trường. Còn sau đó, để đánh giá việc mua bán nợ xấu có hiệu quả, được xử lý triệt để và có giúp cho quá trình luân chuyển vốn nhanh hay không cần phải phát triển thị trường mua bán nợ xấu theo chiều sâu, tìm cách giải quyết nợ xấu được công ty mua bán nợ mua về, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ. Nếu không quan tâm đến phát triển thị trường theo chiều sâu thì việc bán nợ xấu của TCTD cho các công ty mua bán nợ chỉ mang tính chất tạm thời, không bền vững. Chính vì vậy phát triển thị trường mua bán nợ xấu theo chiều rộng cần phải kết hợp chặt chẽ với phát triển thị trường mua bán nợ xấu theo chiều sâu để nợ xấu được giải quyết thật sự, góp phần lành mạnh hóa tài chính cho doanh nghiệp và các TCTD, từ đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
1.1.2.2. Đặc trưng của hoạt động mua bán nợ xấu trên thị trường mua bán nợ xấu
Hàng hóa nợ xấu là loại hàng hóa đặc biệt nên hoạt động mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng có những đặc trưng khác với các loại hàng hóa thông thường như sau:
- Mua bán nợ xấu luôn gắn với những khả năng thu lợi
Khi mua nợ xấu người đầu tư đã bỏ ra một khoản vốn của mình vào đầu tư, vì vậy, họ chỉ đầu tư khi nhìn thấy có thể thu được những khoản lợi nhuận nhất định.
Mỗi loại nợ xấu đưa lại một khả năng thu lợi khác nhau.
- Hoạt động mua bán nợ xấu luôn gắn với rủi ro
Đầu tư luôn gắn với rủi ro, đầu tư vào mua bán nợ xấu cũng có những rủi ro nhất định. Có những rủi ro chung cho tất cả các loại nợ xấu và cũng có những rủi ro riêng gắn liền với từng loại nợ xấu nhất định. Các loại nợ xấu khác nhau có mức độ
rủi ro khác nhau. Rủi ro mà nhà đầu tư gánh chịu bao gồm: Rủi ro mang tính chính sách, pháp luật, rủi ro đạo đức, rủi ro thông tin, rủi ro tài chính...
- Nợ xấu là hàng hóa có khả năng thanh khoản không cao
Sau khi mua lại nợ xấu thì khoản nợ xấu có thể được mua đi bán lại nhiều lần trên thị trường nợ xấu. Mỗi loại nợ xấu có đặc trưng khác nhau về khả năng đưa lại thu nhập hay nói khác đi là mức lợi nhuận, mức độ rủi ro và mức độ thanh khoản. Nợ xấu được chứng khoán hóa (trái phiếu doanh nghiệp) thường có khả năng thanh khoản cao hơn nợ xấu chưa được chứng khoán hóa. Tuy nhiên, nhìn chung khả năng thanh khoản của nợ xấu là thấp hơn so với các sản phẩm tài chính khác trên thị trường. Hoạt động mua bán nợ xấu cũng đòi hòi thời gian dài hơn so với các nghiệp vụ mua bán vốn thông thường.
- Thông tin không rõ ràng
Khi mua bán nợ xấu thường có tình trạng phổ biến là thông tin không rõ ràng giữa người mua và người bán. Vì vậy, cần thời gian đàm phán để thực hiện mua bán dài hơn mua bán nợ thông thường và cần có cơ quan độc lập trong cung cấp thông tin (thường là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm).
- Định giá hàng hóa được mua bán phức tạp, khó chính xác
Hàng hóa mua bán nợ xấu gồm nhiều khoản nợ (kể cả nợ xấu có tài sản bảo đảm) rất khó định giá chính xác nên thông thường giai đoạn xác định giá mua cần nhiều thời gian và chi phí cho các bên liên quan.
1.1.2.3. Chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ xấu
Chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ xấu chia làm 3 nhóm:
a. Nhóm các chủ thể tham gia mua nợ xấu: Các công ty mua bán nợ chuyên nghiệp (như công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ tồn đọng của doanh nghiệp), các công ty quản lý và khai thác tài sản AMC, các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau, hoặc có thể là nhà đầu tư tư nhân, cá nhân có đầy đủ năng lực pháp lý.
Trong đó Công ty mua bán nợ vừa là tổ chức tài chính trung gian vừa là doanh nghiệp kinh doanh, ngoài việc mua bán, đấu giá, cơ cấu lại các khoản nợ và tài sản không cần dùng, công ty này sẽ tổ chức môi giới cho các hoạt động này và góp phần giải quyết những tồn tại về mặt tài chính trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu sở hữu doanh nghiệp như việc tiếp nhận tài sản và các khoản nợ được loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp. Công ty mua bán nợ và tài sản chờ thanh lý của các DNNN
thực hiện chuyển đổi hình thức sở hữu sẽ là giải pháp quan trọng cho các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Việc các chủ thể có đủ điều kiện tham gia thị trường này cần được quy định rõ bởi pháp luật và sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu, theo đó, thu hút hoặc ngăn cản sự tham gia của 2 đối tượng trọng yếu là:
- Các nhà đầu tư nước ngoài.
- Sự tham gia của khối tư nhân.
Đây là những đối tượng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền kinh tế và có đầy đủ năng lực cũng như hướng tới tính hiệu quả bền vững trong hoạt động đầu tư.
b. Nhóm các doanh nghiệp tham gia bán nợ xấu gồm: Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp có khoản nợ xấu tại TCTD cần bán.
c. Nhóm các đơn vị tham gia tư vấn, trung gian tạo lập thị trường, doanh nghiệp thực hiện định mức tín nhiệm…
Nhằm đánh giá chính xác hơn các khoản nợ xấu thì thị trường mua bán nợ xấu cũng đòi hỏi sự tham gia của các đơn vị thực hiện hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Đây là các doanh nghiệp cung cấp thông tin cho phép người mua và bán nợ có thể định giá các khoản nợ xấu. Ngoài ra còn có sự tham gia của các công ty hay chuyên gia tư vấn môi giới, định giá tài sản…
1.1.2.4. Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ xấu
- Phân loại theo khả năng chứng khoán hóa thì hàng hóa trên thị trường mua bán nợ xấu có thể chia thành 2 loại:
+ Loại thứ nhất: Các khoản nợ xấu được chứng khoán hóa như trái phiếu, cổ phiếu, các loại giấy tờ xác nhận nợ khác.
+ Loại thứ hai: Các khoản nợ xấu chưa được chứng khoán hóa.
- Phân loại theo tài sản bảo đảm thì nợ xấu có thể chia thành các loại:
+ Nợ xấu có tài sản bảo đảm: Là các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm kèm theo. Mức độ rủi ro của loại nợ này thấp hơn so với loại nợ không có tài sản bảo đảm.
+ Nợ xấu không có tài sản bảo đảm: Là loại nợ xấu của doanh nghiệp được vay nhưng không có tài sản bảo đảm trực tiếp kèm theo.
Một số loại hàng hóa trên thị trường mua bán nợ xấu
Nợ xấu của tổ chức tín dụng tồn tại dưới các khoản nợ xấu từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh,… (thường là hàng hóa trên thị trường sơ cấp).
Nợ xấu được chứng khoán hóa (thường là hàng hóa trên thị trường thứ cấp):
Việc mua bán nợ xấu đôi khi cũng được thực hiện qua hình thức chuyển nợ thành cổ phần hoặc chứng khoán hóa các khoản nợ dưới dạng cổ phần. Công ty mua lại nợ xấu tham gia góp vốn vào công ty cổ phần được thực hiện dưới hình thức mua cổ phiếu. Người nắm giữ cổ phiếu là người chủ sở hữu của công ty cổ phần và được gọi là cổ đông. Cổ phiếu là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của cổ đông đối với công ty cổ phần. Quyền sở hữu của cổ đông trong công ty tương ứng với số lượng cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ. Ngoài ra, ở các thị trường tài chính phát triển còn có thể tồn tại các dạng chứng khoán phái sinh có nguồn gốc từ nợ xấu của doanh nghiệp.
1.1.2.5. Vai trò của thị trường mua bán nợ xấu
Thị trường mua bán nợ xấu thực hiện các vai trò chủ yếu sau đây:
a. Vai trò góp phần lành mạnh hóa tài chính cho doanh nghiệp, tạo thêm một nguồn lực vốn hỗ trợ tái cấu trúc, từ đó tạo công ăn việc làm và sự ổn định kinh tế, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Thị trường mua bán nợ xấu góp phần quan trọng vào đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Về lý thuyết cũng như thực tiễn cho thấy, hoạt động mua bán nợ xấu đang được xem là một lối thoát của các doanh nghiệp (gồm cả DNNN) đang gặp phải nhiều khó khăn về tài chính trong sản xuất kinh doanh hiện nay. Nếu không có công ty nào tham gia vào việc mua các khoản nợ xấu đó thì các công ty sẽ lâm vào sản xuất kinh doanh cầm chừng, hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí chờ phá sản.
Mối liên hệ vay - cho vay đã hình thành sợi dây công nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng nên khi nợ xấu xảy ra, ngay lập tức nó tác động tiêu cực cho cả doanh nghiệp vay, ngân hàng cho vay và khi tích tụ tới quy mô lớn và mang tính hệ thống, nó tàn phá cả hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế. Có nhiều giải pháp cho xử lý nợ xấu, ở cả tầm quy mô quốc gia hay ở cấp độ đơn lẻ từng đơn vị, như xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, cơ cấu lại nợ, chứng khoán hóa nợ. Trong đó, tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) để xử lý nợ xấu là một biện pháp thường được áp dụng và mang lại nhiều điểm tích cực.
Vì vậy, thị trường mua bán nợ xấu sẽ giúp khai thông dòng vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Giải quyết nợ xấu cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính mới phục vụ cho việc tái cơ cấu
hoạt động, thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự tham gia của các nhà đầu tư mới cũng cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận các mô hình quản trị mới, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm, tạo cơ hội cho việc tham gia vào các thị trường mới thay vì các thị trường cũ.
b. Vai trò huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế
Sự hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu tạo ra một cơ chế chuyển các nguồn vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu. Thị trường cung cấp phương tiện huy động số vốn nhàn rỗi trong dân cư cho các doanh nghiệp sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất mới. Chức năng này được thực hiện khi công ty bán nợ xấu và doanh nghiệp khác mua nợ xấu. Nhờ vào sự hoạt động của thị trường mà doanh nghiệp có thể tiếp tục huy động được một số lượng lớn vốn cho hoạt động SXKD thay vì việc tạm dừng sản xuất do thiếu vốn. Khi mua lại nợ xấu, số tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư đã được đưa vào hoạt động SXKD và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội.
Trong quá trình này, thị trường mua bán nợ xấu đã có những tác động quan trọng trong việc đẩy mạnh việc phát triển nền kinh tế quốc dân bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp.
c. Vai trò cung cấp khả năng thanh khoản
Thị trường nợ xấu là nơi các khoản nợ xấu được mua bán, trao đổi, bởi vậy nhờ vào thị trường mua bán nợ xấu các nhà đầu tư có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản nợ xấu thành tiền hoặc các loại chứng khoán khác có mức thanh khoản tốt hơn. Khi các tổ chức tín dụng bán lại được khoản nợ được coi là xấu thì họ có điều kiện tiếp tục thực hiện chức năng trung gian tài chính cho nền kinh tế, tránh được việc đóng băng tín dụng. Các doanh nghiệp thuộc diện có nợ xấu cũng có cơ hội được cung cấp dòng vốn mới nhằm tiếp tục thực hiện hoạt động SXKD của mình. Chức năng cung cấp khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng là chức năng quan trọng đảm bảo cho thị trường mua bán nợ xấu hoạt động một cách năng động và có hiệu quả.
Ngoài chức năng như thị trường nợ thông thường thì thị trường nợ xấu có thể coi như là phương tiện giúp cho việc xử lý sản phẩm xấu tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh trở nên trong sạch, thông thoáng hơn.