Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ XẤU
1.3. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ XẤU Ở MỘT SỐ NƯỚC VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM
1.3.2. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam về phát triển thị trường mua bán nợ xấu
Qua nghiên cứu về mô hình xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở một số nước, có thể rút ra các bài học sau đối với Việt Nam:
- Thứ nhất, cần thành lập doanh nghiệp mua bán nợ (gọi chung là AMC) có chức năng mua, xử lý các khoản nợ xấu.
Doanh nghiệp AMC có thể có mô hình khác nhau nhưng thường có đặc điểm chung như: Đều có tên là Công ty Quản lý tài sản hoặc Công ty mua bán nợ;
cơ quan lãnh đạo của công ty (Ban - Ủy ban quản lý) đều có đại diện nhiều cơ quan Chính phủ như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước; chỉ mua nợ của các tổ chức tín dụng, không mua nợ của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; phương thức xử lý nợ xấu mua về đều nhằm tối đa hóa số tiền thu được; dùng nhiều phương thức xử lý nợ như thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản bảo
đảm, trong đó có việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại doanh nghiệp khách nợ.
Nguồn vốn để mua nợ hình thành từ nhiều nguồn, ngân sách chỉ là một trong các nguồn đó, thậm chí chỉ có một phần rất nhỏ. AMC thường có chức năng tái cấu trúc doanh nghiệp. KAMCO của Hàn Quốc thực hiện tái cấu trúc không chỉ với doanh nghiệp khách nợ mà còn tái cấu trúc doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Mô hình các công ty thực hiện mục đích đặc biệt (SPV) thường được những nước có thị trường chứng khoán phát triển cao như Ý lựa chọn do không cần sự hình thành một doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Ngược lại, mô hình phát triển các công ty AMC tập trung lại được nhiều quốc gia châu Á lựa chọn. Trong các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì mô hình quản lý tài sản quốc doanh vẫn là ưu tiên lựa chọn. Khi khung pháp lý để xử lý nợ xấu vẫn còn chưa mạnh thì quy trình xử lý nợ xấu có thể được rút ngắn và rất phù hợp đối với các khoản nợ xấu mang tính hệ thống. Đồng thời, khi thị trường mua bán nợ xấu không phát triển thì các AMC quốc doanh sẽ là nơi lý tưởng để xử lý nợ xấu ngân hàng. Hơn nữa, khi Chính phủ mua lại nợ xấu của ngân hàng thông qua các AMC quốc doanh thì Chính phủ có thể dễ dàng áp đặt các điều kiện cần thiết cho việc tái cấu trúc các ngân hàng chất đầy nợ nần. Ngoài ra, kết quả hoạt động kinh doanh của các AMC quốc doanh ở Malaysia, Hàn Quốc,… cũng chỉ ra rằng các tỷ lệ xử lý nợ xấu và tỷ lệ thu hồi tiền mặt tương đối cao trong các AMC quốc doanh. Tuy nhiên, cần lưu ý các AMC có vốn sở hữu Nhà nước có thể xẩy ra hành vi rủi ro gắn với các vụ tham nhũng.
- Thứ hai, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để có thể điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt, qua đó phát triển thị trường mua bán nợ xấu.
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu trên thế giới đã cho thấy, để các AMC dễ dàng thu hồi các khoản nợ đã mua, các quốc gia nên xây dựng và phát triển khung pháp lý sẵn sàng cho một thị trường mua bán và xử lý các tài sản xấu, tránh trường hợp khi muốn áp dụng một chính sách xử lý nợ xấu lại gặp phải những cản trở về mặt pháp lý trong việc thực thi cũng như thu hút các nhà đầu tư như trường hợp của Trung Quốc. Tại thời điểm thực hiện chứng khoán hóa, do Trung Quốc thiếu một
khuôn khổ pháp lý hoàn thiện nên các dự án chứng khoán hóa phải được thực hiện trong khuôn khổ của Luật Ủy thác (Trust Law) được ban hành năm 2001 cho nên giải pháp này được xem là không mấy thành công.
- Thứ ba, các AMC phải được hình thành có định hướng và quyền lực rõ ràng.
Nhiệm vụ, sứ mệnh của AMC cần được nêu rõ ràng. Quyền lực của AMC cần được giao cụ thể với nguồn ngân sách nhất định. Mặt khác, cần xác định rõ thời gian hoạt động của AMC khi AMC được thành lập vì rõ ràng nếu không có một khoảng thời gian định trước, AMC có thể sẽ không có động cơ hoạt động hiệu quả (thu hồi nợ xấu càng nhanh thì doanh nghiệp này càng nhanh chóng ngừng hoạt động). Mặt khác, nếu như không có định hướng hoạt động rõ ràng, hiệu quả của các AMC sẽ rất thấp, thậm chí còn thâm hụt vốn của Nhà nước.
- Thứ tư, xác định rõ các nguyên tắc - là chìa khóa thành công trong quá trình xử lý nợ xấu, từ đó góp phần phát triển thị trường mua bán nợ xấu:
+ Tách bạch các khách hàng có nợ xấu ra khỏi ngân hàng. Bởi vì hoạt động ngân hàng là hoạt động có quan hệ nên cần thiết phải thực hiện nguyên tắc này để ngăn chặn nợ xấu phát sinh.
+ Các ngân hàng có nợ xấu cần xử lý phải có các cam kết chặt chẽ trong việc tuân thủ các quy định tín dụng thận trọng sau khi được tái cấp vốn từ Chính phủ hoặc AMC.
+ Việc thành lập các AMC cần phải được định hình rõ ràng là các công ty quản lý tài sản chứ không phải là kho lưu giữ nợ xấu của hệ thống tài chính. Vì thế, cần phải có định hướng hoạt động cho các AMC trong tương lai theo hướng sẽ phát triển thành một ngân hàng đầu tư, một định chế tài chính như trường hợp của Hàn Quốc,… thay vì kết thúc hoạt động sau khi đã giải quyết ổn thỏa nợ xấu. Hơn nữa, cũng phải trao thêm quyền để thúc đẩy tính độc lập và chủ động của các AMC, đặc biệt là các AMC thuộc sở hữu Nhà nước trong quá trình hoạt động.
- Thứ năm, các giải pháp thực hiện giải quyết nợ xấu của các AMC cần được lựa chọn phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính.
Trong cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay tại Mỹ hồi cuối những năm 1980, phương tiện chứng khoán hóa dường như là một cứu cánh tạo nên thành công của các công ty mua bán nợ nhưng biện pháp này không hẳn thành công ở tất cả các
quốc gia Ðông Á và Ðông Âu do thị trường tài chính giữa Hoa Kỳ và các quốc gia này có sự chênh lệch về mức độ phát triển. Riêng Hàn Quốc, mặc dù quốc gia này chưa hình thành cho mình một thị trường mua bán tài sản rủi ro nhưng KAMCO sau đó đã xây dựng được một thị trường cho các khoản nợ xấu, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán và theo đó, thu hút được các nhà đầu tư trong nước. Nhờ đó, KAMCO đã thu hồi lại nhanh chóng một phần tiền Chính phủ đã bỏ ra cho hoạt động tái cơ cấu, đồng thời cũng góp phần làm tăng chiều sâu của thị trường tài chính của quốc gia này. Thêm vào đó, mặc dù muộn, nhưng Hàn Quốc cũng đã kịp thời ban hành các Đạo luật như Luật ABS (Luật Chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản), Luật Phá sản hợp nhất và nhiều đạo luật bổ sung khác.
- Thứ sáu, xây dựng một hệ thống thông tin minh bạch về các định chế tài chính trong nước cũng như tiêu chuẩn hóa hệ thống thông tin về các khoản nợ xấu sẽ giúp nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu trên thị trường mua bán nợ xấu.
Hàn Quốc đã thành công trong việc xây dựng nên một thị trường cho việc mua đi bán lại các khoản nợ xấu là nhờ sự hoạt động tích cực của KAMCO với vai trò là người điều tiết và luân chuyển thông tin trên thị trường. Trước đó, sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước là rất thấp do các nhà đầu tư trong nước thiếu các thông tin về lịch sử hoạt động (Track record) cũng như các thông tin về tình hình tài chính của các tổ chức tài chính trong nước nhưng sau một thời gian, KAMCO đã lôi kéo được các nhà đầu tư nước ngoài và từ đó thu hút được các nhà đầu tư trong nước.
Việc tiêu chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin về các khoản nợ xấu từ trước sẽ giúp cho quá trình tập hợp đánh giá và quyết định mua cũng như lựa chọn các biện pháp xử lý nợ xấu của các AMC được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn. Trước khi khủng hoảng tài chính 1997 diễn ra, việc Hàn Quốc chưa xây dựng được hệ thống này cũng được đánh giá là một trở ngại cho việc tăng tốc độ xử lý nợ xấu của KAMCO.
- Thứ bẩy, tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra các chính sách tài chính nhằm tạo ra môi trường cho thị trường mua bán nợ xấu phát triển.
Chính sách tài chính bao gồm các chính sách ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ vốn, tín dụng ưu đãi được một số quốc gia áp dụng đối với các AMC quốc gia trong quá trình xử lý nợ xấu. Cụ thể:
+ Ưu đãi thuế, phí
Hàn Quốc: đưa ra chính sách ưu đãi thuế quan trọng với những chủ thể trên thị trường nợ xấu. Chính phủ yêu cầu các ngân hàng phải lập dự phòng đối với khoản nợ xấu bằng việc áp dụng các nguyên tắc phân loại tài sản chặt chẽ hơn. Để khuyến khích khả năng bán các khoản nợ xấu, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách ưu đãi thuế đối với thu nhập từ việc mua bán nợ:
(1) Giảm thuế thu nhập trên vốn: Thặng dư vốn thu được từ việc chuyển đổi các tài sản sở hữu bởi các tổ chức tài chính như KAMCO hay KDIC đều được giảm 50% thuế.
(2) Tính vào chi phí: Khi TCTD có số nợ xấu nhiều hơn mức dự phòng mất vốn, TCTD được phép bù phần nhiều hơn đó với dự phòng định giá lại tài sản. Phần bù đó được tính vào chi phí khi tính thu nhập chịu thuế của TCTD.
(3) Miễn giảm thuế giao dịch chứng khoán: Khi KAMCO, KDIC hay tổ chức tài chính nào mua cổ phiếu của các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán để tổ chức lại tổ chức này và chuyển đổi lượng cổ phiếu đó cho bên thứ ba sẽ được miễn giảm thuế.
Trung Quốc: Bốn AMC được hưởng một số ưu đãi như miễn thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn các loại phí trong quá trình xử lý nợ xấu.
+ Ưu đãi tín dụng
Để bù đắp cho những lượng vốn ban đầu nhỏ, các AMC cũng như các cơ chế xử lý nợ xấu thường có những kênh tài chính khác để cung cấp đủ nguồn lực tài chính cần thiết. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được phép cung cấp thanh khoản cho AMC trong trường hợp cần thiết, Malaysia cho phép AMC tiếp cận với kênh tài chính đặc thù của Bộ Tài chính hoặc một số nước khác còn cho phép AMC phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Trong hầu hết các trường hợp đều được phép phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, chỉ có một số trường hợp AMC phát hành trái phiếu nhưng không có sự bảo lãnh chính thức của Chính phủ (Trung Quốc).
Bên cạnh các nguồn lực tài chính được hỗ trợ từ phía Nhà nước, có nhiều trường hợp các AMC xử lý nợ xấu còn được hưởng những ưu đãi riêng. Trong
trường hợp của Danaharta (Malaysia), nếu ngân hàng không chấp nhận bán nợ xấu cho Danaharta thì ngân hàng buộc phải giảm giá trị nợ xấu xuống còn bằng 80% giá chào mua của Danaharta. Thậm chí Danaharta còn có quyền nhận chuyển giao nợ xấu mà không cần sự chấp thuận từ phía phải chuyển giao.
- Thứ tám, cần tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển đúng mức, kịp thời; xây dựng môi trường kinh tế, chính trị ổn định với những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Ðối với trường hợp của Hàn Quốc, thành công của KAMCO so với các AMC tương tự được thành lập ở các nước khác là KAMCO được đánh giá là đã xây dựng thành công một thị trường cho các khoản nợ xấu, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán và theo đó, thu hút được các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, thành công này có được phải kể đến yếu tố môi trường chính trị xã hội mà KAMCO hoạt động. Là một đơn vị công độc quyền mua các tài sản nợ xấu, ít nhất trong hai năm đầu hoạt động, KAMCO lẽ ra đã có thể trở thành một nơi chuyên chứa các khoản nợ xấu và là công cụ chính trị để hỗ trợ cho các nhóm lợi ích được lựa chọn. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của KAMCO phần lớn là nhờ môi trường kinh tế chính trị đặc biệt tại Hàn Quốc - đó là môi trường mà lợi ích công được đặt lên hàng đầu, việc sử dụng công quỹ một cách có hiệu quả đã thấm nhuần trong ý thức và hành vi của từng người dân Hàn Quốc. Thêm vào đó, Hàn Quốc còn chịu sự giám sát chặt chẽ của các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Ðối với trường hợp của Trung Quốc: Ðây là một trường hợp vẫn còn gây nhiều tranh cãi về mức độ thành công. Ðến năm 2004, các AMC tại Trung Quốc mới chỉ xử lý được 675 tỷ NDT nợ xấu (tương đương 39% các khoản nợ xấu mà họ đã mua lại), tỷ lệ thu hồi tiền mặt (cash recovery rate) của các AMC chỉ khoảng 20,3%. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân (chất lượng tài sản thấp, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, rủi ro đạo đức trong các AMC) nhưng vị thế ngày càng cao của các ngân hàng Trung Quốc sau khi được xử lý nợ xấu (dù các khoản nợ này vẫn còn nằm đâu đó trong nền kinh tế Trung Quốc) trên các bảng xếp hạng quốc tế là một thành công đáng kinh ngạc. Có ý kiến cho rằng sự thịnh vượng của
nền kinh tế nước này cộng với môi trường kinh tế ổn định với những cơ hội đầu tư hấp dẫn đã hỗ trợ phần nào cho quá trình xử lý nợ xấu diễn ra trước đó của các ngân hàng.
Kết luận chương 1
Chương 1 của luận án đã chắt lọc, kế thừa và hệ thống hóa để làm rõ nét hơn những vấn đề lý luận cơ bản về nợ xấu, xây dựng khung lý luận cơ bản về thị trường mua bán nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ xấu từ khái niệm, điều kiện, nguyên tắc hoạt động, tiêu chí đo lường và các nhân tố ảnh hưởng (tích cực và tiêu cực) đến phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Đồng thời thông qua việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thị trường mua bán nợ xấu của các nước như Trung Quốc, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, luận án rút ra một số bài học có giá trị tham khảo tốt cho Việt Nam. Đây là cơ sở lý luận vững chắc cho việc nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Chương 2