TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
2.2 Nợ công, lạm phát và tăng trưởng kinh tế
2.2.1 Nợ công và tăng trưởng kinh tế
Cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước Châu Âu vào năm 2010 khiến cho vấn đề nợ công ở các quốc gia trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào tác động gây bởi nợ ngày càng cao của các quốc gia lên tăng trưởng kinh tế và cũng mang lại nhiều động lực trong các năm qua. Chỉ một số rất ít các nghiên cứu cho rằng nợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi gần một nửa kết luận nợ tăng lên làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và hơn một nửa còn lại nói rằng quy luật này đúng chỉ khi dựa trên một tỷ lệ nhất định của nợ theo GDP, nghĩa là tác động của nợ công lên tăng trưởng kinh tế có tính phi tuyến.
Hầu hết các nghiên cứu liên quan đến tác động dương của nợ lên tăng trưởng kinh tế được thực hiện gần đây. Khởi đầu là nghiên cứu của Moore & Thomas (2010)
cho nhóm các quốc gia đang phát triển. Hai Moore và Thomas nhận định lượng vốn có từ vay nợ có tác động dương lên tăng trưởng nếu nó được dùng để mở rộng năng suất lao động của quốc gia. Thực vậy, thông qua cách tiếp cận siêu phân tích (meta- analysis), Moore và Thomas phát hiện tác động dương của nợ lên tăng trưởng kinh tế. Gần đây hơn, Fincke & Greiner (2015b) cũng nghiên cứu cho nhóm các quốc gia mới nổi trong giai đoạn 1980 – 2012 bằng ước lượng fixed effects và random effects. Các kết quả cho thấy nợ công có tác động dương ý nghĩa lên tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người.
Khác với nghiên cứu cho nhóm các quốc gia, Egbetunde (2012), Al-Zeaud (2014) và Spilioti & Vamvoukas (2015) nghiên cứu cho từng nước riêng lẻ. Egbetunde (2012) nhận định nợ sẽ có tác động dương lên tăng trưởng kinh tế nếu chính phủ minh bạch với lượng tiền vay và sử dụng nó cho sự phát triển kinh tế thay vì qua các kênh làm lợi cho cá nhân họ. Thông qua mô hình VAR và dữ liệu chuỗi của Nigeria từ 1970 đến 2010, Egbetunde phát hiện nợ công có tác động dương ý nghĩa lên tăng trưởng. Tương tự, Al-Zeaud (2014) phát hiện tác động dương của nợ công lên tăng trưởng kinh tế ở Jordan trong giai đoạn 1991-2010 bằng cách áp dụng ước lượng OLS. Gần đây, Spilioti & Vamvoukas (2015) cũng phát hiện tác động dương ý nghĩa của nợ lên tăng trưởng kinh tế ở Hy Lạp trong thời gian 40 năm kể từ 1970.
Khác với các nghiên cứu với kết quả tác động dương của nợ lên tăng trưởng, ở dòng nghiên cứu với kết quả tác động âm thì hầu hết các nghiên cứu thực hiện dưới dạng dữ liệu bảng cho một nhóm các quốc gia trong khi các nghiên cứu cho từng quốc gia riêng lẻ thì khá ít.
Theo đó, các nghiên cứu cho từng quốc gia chủ yếu sử dụng phương pháp ước lượng ARDL (mô hình phân phối độ trễ tự hồi qui) và ECM (mô hình hiệu chỉnh sai số). Với phương pháp ARDL, Balassone et al. (2011) phát hiện nợ công có tác động âm ý nghĩa lên tăng trưởng kinh tế ở Ý trong giai đoạn 1861 – 2009. Tương tự, Akram (2015) cũng sử dụng phương pháp ARDL để đánh giá tác động của nợ công lên tăng trưởng kinh tế và đầu tư ở Philippines trong giai đoạn 1975 – 2010. Kết quả cho thấy rằng nợ công nước ngoài có mối quan hệ âm ý nghĩa với tăng trưởng
kinh tế và đầu tư, khẳng định sự hiệu diện của “hiệu ứng khó vay thêm nợ”. Trong khi đó, với các phương pháp ước lượng ECM, fixed effects, và dynamic OLS, Mitze
& Matz (2015) tìm thấy tác động âm ý nghĩa của nợ công lên GDP bình quân đầu người trong dài hạn cho các bang của Đức trong giai đoạn 1970 – 2010. Đáng chú ý, Bal & Rath (2014) sử dụng cả phương pháp ARDL lẫn mô hình ECM để phát hiện tác động âm này cho Ấn Độ giữa 1980 và 2011. Khuyến nghị của Mitze và Matz là chính phủ nên hướng đến mục tiêu công bằng giữa các thế hệ trong quản lý tài khóa ở dài hạn để ổn định tỷ lệ nợ theo GDP, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Gần đây, thông qua ước lượng chuỗi thời gian theo quý, Lee & Ng (2015) xác nhận nợ công có tác động âm lên GDP ở Malaysia trong giai đoạn 1991 – 2013.
Trái lại, với các nghiên cứu cho nhóm các quốc gia thì các kỹ thuật ước lượng có khả năng xử lí tính nội sinh trong mô hình, đặc biệt phương pháp GMM Arellano- Bond, được sử dụng nhiều. Với phương pháp ước lượng GMM dữ liệu bảng (sai phân/hệ thống) thì các nhà nghiên cứu tiêu biểu là Schclarek (2004), Šimić &
Muštra (2012), Calderón & Fuentes (2013), và Zouhaier & Fatma (2014). Schclarek (2004) phát hiện nợ công có tác động âm lên tăng trưởng kinh tế cho nhóm 59 nước đang phát triển trong khi không tìm thấy tác động nào của nợ công lên tăng trưởng cho nhóm 24 quốc gia công nghiệp trong giai đoạn 1970 – 2002. Tương tự, Calderón & Fuentes (2013) xác định tác động âm ý nghĩa của nợ công lên tăng trưởng cho 136 quốc gia trong giai đoạn 1970 – 2010. Tuy nhiên, Calderón và Fuentes nhấn mạnh các thể chế tốt, chính sách trong nước có chất lượng tốt, và các chính sách hướng ra bên ngoài có thể làm giảm nhẹ tác động âm này. Trong lúc đó, nghiên cứu của Zouhaier & Fatma (2014) cho 19 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1990 – 2011 cũng ủng hộ tác động âm của nợ nước ngoài lên tăng trưởng kinh tế và một quan hệ âm giữa nợ và đầu tư. Tuy nhiên, ngoài phương pháp ước lượng GMM, Šimić & Muštra (2012) còn sử dụng thêm các phương pháp fixed effects và random effects cho 18 quốc gia trong giai đoạn 1990 – 2010. Kết quả ước lượng cũng cho thấy nợ công cao có tác động âm lên tăng trưởng. Các phát hiện của Šimić và Muštra đưa ra một lời cảnh báo mạnh về việc cần giữ nợ công ở mức kiểm
soát. Giống như phương pháp GMM, các kỹ thuật ước lượng IV-OLS và PMG cũng có khả năng xử lí tốt vấn đề nội sinh. Theo đó, thông qua ước lượng IV-OLS, Panizza & Presbitero (2012) chỉ ra tác động âm của nợ công lên tăng trưởng kinh tế cho bộ dữ liệu gồm 17 quốc gia OECD trong giai đoạn 1981 – 2008. Tương tự, Časni et al. (2014) phát hiện nợ công có tác động âm lên tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn cho một nhóm 14 quốc gia Trung, Đông và Đông Nam Châu Âu từ 2000 đến 2011 với phương pháp ước lượng PMG. Časni và các cộng sự đề xuất việc thiết kế khung chính sách hướng đến xuất khẩu, thúc đẩy phát triển công nghiệp và tạo môi trường tốt hơn cho đầu tư dài hạn nên thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, các kỹ thuật ước lượng như OLS, fixed effects và random effects cũng được sử dụng. DiPeitro & Anoruo (2012) tìm thấy cả quy mô chính phủ lẫn sự gia tăng nợ công có tác động âm lên tăng trưởng kinh tế cho 175 quốc gia trên thế giới từ 1997 đến 2008 với kỹ thuật fixed effects và random effects trong khi Fincke &
Greiner (2015a) phát hiện tác động âm có ý nghĩa của nợ công lên tăng trưởng cho bộ dữ liệu bảng của 7 quốc gia phát triển trong giai đoạn 1970 – 2012 với kỹ thuật pooled OLS và random effects. Nhất quán với các nghiên cứu trên, Szabó (2013) nhận thấy một phần trăm gia tăng trong tỷ lệ nợ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi 0.027% trong khi với các thành viên gia nhập sau 2004, mức độ tác động này cao hơn (0.041%) khi sử dụng phương pháp OLS cho 27 quốc gia EU trong giai đoạn 2008 – 2011.
Mới đây, Eberhardt & Presbitero (2015) sử dụng các ước lượng tuyến tính và phi tuyến với các kỹ thuật hồi qui mới nhất để nghiên cứu tác động này ở 118 quốc gia từ 1961 đến 2012. Eberhardt và Presbitero cũng phát hiện tác động âm của nợ công lên tăng trưởng kinh tế trong dài hạn ở tất cả các quốc gia.
Quả thực, đa số các nghiên cứu về nợ công và tăng trưởng phát hiện tác động phi tuyến của nợ công lên tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các nghiên cứu thực nghiệm xác định được giá trị ngưỡng của nợ công mà dưới giá trị này nợ công có tác động dương và trên nó thì nợ công có tác động âm ý nghĩa lên tăng trưởng kinh tế. Đặc
biệt giá trị ngưỡng này tùy thuộc nhiều vào mẫu nghiên cứu, thời gian nghiên cứu và phương pháp ước lượng.
Liên quan đến loại nghiên cứu này thì có 3 mẫu nghiên cứu tiêu biểu là các nhóm nước đang phát triển, các nhóm nước phát triển và hỗn hợp của hai nhóm này. Sự khác biệt giữa nhóm các nước đang phát triển và phát triển nằm ở giá trị ngưỡng của nợ công theo GDP. Thông thường giá trị ngưỡng nợ công của nhóm các nước phát triển và công nghiệp cao hơn so với nhóm các nước đang phát triển.
Liên quan đến các quốc gia đang phát triển, giá trị ngưỡng nợ công thường dao động trong khoảng 40 – 60% GDP. Pattillo et al. (2011) phát hiện ngưỡng nợ công theo GDP ở khoảng 35 – 40% cho nhóm 93 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1969 – 1989 với các phương pháp ước lượng như OLS đơn giản, biến công cụ, tác động cố định và GMM hệ thống. Pattillo và các cộng sự cho rằng nợ cao làm giảm tăng trưởng kinh tế chủ yếu bởi việc giảm hiệu suất đầu tư. Tương tự, Craigwell et al. (2012) cũng tìm thấy giá trị ngưỡng của nợ công theo GDP nhưng cao hơn (55 – 56%) cho 12 quốc gia vùng Caribbe từ 1980 đến 2010 với mô hình hồi qui ngưỡng (fixed effects). Craigwell và các cộng sự nhận thấy ở mức nợ thấp hơn 30% GDP, việc gia tăng nợ gắn với sự phát triển kinh tế nhanh hơn. Tuy nhiên, khi nợ tăng trên 30%, tác động lên tăng trưởng kinh tế giảm dần nhanh chóng và ở mức ngưỡng 55- 56%, tác động này dịch chuyển từ dương sang âm. Gần đây, Wright & Grenade (2014) lại tìm thấy giá trị ngưỡng của nợ công cho 13 quốc gia Caribbe là 61% bằng phương pháp ước lượng DOLS dữ liệu bảng. Khác với các nghiên cứu vừa đề cập, Chang & Chiang (2011) phát hiện ra hai giá trị ngưỡng của nợ công theo GDP (32.88% và 55.89%) cho 21 quốc gia đang phát triển ở Mỹ Latin và Caribbe trong khoảng thời gian 1992 – 2006 bằng mô hình hồi qui ngưỡng bảng PSTR. Hai giá trị ngưỡng này hình thành nên 3 vùng tác động trong đó ở vùng giữa nợ công có tác động dương trong khi ở vùng bên trái và vùng bên phải thì nợ lại có tác động âm lên tăng trưởng.
Ngoài ra, cũng có một số ít nghiên cứu cho riêng một quốc gia. Maghyereh et al.
(2003) chỉ ra giá trị ngưỡng nợ công của Jordan trong giai đoạn 1970 – 2000 là 53%
với kỹ thuật ước lượng OLS ngưỡng. Maghyereh và các cộng sự nhận định khi nợ nước ngoài ở Jordan vượt quá mức này, tác động của nó lên hiệu quả của nền kinh tế trở nên âm. Tương tự, Kaur & Mukherjee (2012) ước lượng giá trị ngưỡng của nợ chính phủ theo GDP ở Ấn Độ là 61% trong thời gian từ 1980 đến 2013. Hai nhà nghiên cứu nhấn mạnh nếu nợ chính phủ vượt quá giá trị này, mối quan hệ nghịch giữa nợ và tăng trưởng sẽ hình thành.
So với các quốc gia đang phát triển thì nền kinh tế các nước phát triển vận hành ổn định và bền vững hơn với các thể chế và chính sách được thiết kết tốt hơn. Vì vậy, giá trị ngưỡng nợ theo GDP ở nhóm các quốc gia phát triển và công nghiệp dao động trong khoảng cao hơn, ước tính 80 – 110%. Đặc biệt, các nghiên cứu có phần tập trung nhiều vào nhóm các quốc gia Châu Âu. Theo đó, Checherita-Westphal &
Rother (2012), Baum et al. (2013) và Topal (2014) đều có cùng mẫu nghiên cứu là 12 quốc gia Châu Âu nhưng kết quả cho thấy giá trị ngưỡng khác nhau. Với phương pháp ước lượng ngưỡng (fixed effects), kết quả của Checherita-Westphal & Rother (2012) trong khoảng thời gian 40 năm từ 1970 chỉ ra giá trị ngưỡng nợ công theo GDP trong khoảng 90 – 100%. Trong khi đó, Baum et al. (2013) phát hiện giá trị ngưỡng này là 67% trong thời gian nghiên cứu 1990 – 2010 với cùng phương pháp ước lượng như Checherita-Westphal & Rother (2012). Tuy nhiên, với mô hình ngưỡng đa biến trong giai đoạn 1980 – 2012, Topal (2014) phát hiện tồn tại đến 2 giá trị ngưỡng, 71.66% và 80.21%. Topal nhận thấy tác động của nợ lên tăng trưởng GDP dương và có ý nghĩa cao khi mà tỷ lệ nợ dưới 71.66%. Tác động này thay đổi hướng và độ lớn một khi tỷ lệ nợ vượt quá giá trị ngưỡng ban đầu. Giữa 71.66% và 80.21%, tỷ lệ nợ có tác động âm lên thành quả kinh tế. Và trên 80.21%, tác động vẫn duy trì giá trị âm nhưng độ lớn giảm dần. Từ các phát hiện này, cả 3 nghiên cứu đều có chung nhận định chính phủ ở các nước Châu Âu này nên giảm nợ để hỗ trợ các triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn hơn. Cũng với mẫu nghiên cứu là nhóm 14 quốc gia Châu Âu trong khoảng thời gian 1970 – 2012 nhưng giá trị ngưỡng của nợ công theo GDP trong nghiên cứu của Afonso & Alves (2014) là 75% thông qua các phương pháp ước lượng OLS, FE, 2SLS và GLS. Tương tự, mẫu nghiên cứu
của Mencinger et al. (2014) mở rộng cho 25 quốc gia thành viên của EU nhưng được chia tách thành hai nhóm, nhóm các thành viên cũ trong giai đoạn 1980 – 2010 và nhóm các thành viên mới trong giai đoạn 1995 – 2010. Với các phương pháp ước lượng fixed effects và GMM, kết quả cho thấy giá trị ngưỡng cho nhóm các thành viên cũ và nhóm các thành viên mới lần lượt là 80 – 90% và 53 - 54%.
Không như các nghiên cứu cho nhóm các quốc gia Châu Âu, Cecchetti et al. (2011) sử dụng mẫu nghiên cứu gồm 18 quốc gia OECD từ 1980 đến 2010 với phương pháp ước lượng LSDV. Kết quả cho thấy giá trị ngưỡng nợ công ở khoảng 85%
GDP. Cecchetti và nhóm nghiên cứu cho rằng các quốc gia với nợ cao phải hành động nhanh chóng và quyết đoán để giải quyết các bài toán tài khóa của họ, chẳng hạn xây dựng một vùng đệm tài khóa để xử lí các biến cố bất thường, và nhấn mạnh đến việc giữ nợ ở dưới các giá trị ngưỡng được ước lượng. Tuy nhiên, với mô hình hồi qui ngưỡng bảng PSTR cho 20 nền kinh tế phát triển trong trong giai đoạn 1880 – 2009, Minea & Parent (2012) xác định giá trị ngưỡng nợ công ở mức cao hơn, cụ thể là 115%. Vì vậy, hai nhà nghiên cứu cho rằng cần có thêm bằng chứng trước khi đề xuất các khuyến nghị chính sách liên quan đến tác động của chính sách tài khóa ở những cơ chế nợ công cao.
Có thể nói nghiên cứu của Rogoff & Reinhart (2010) đặt nền tảng đầu tiên cho các nghiên cứu mang tính chính thống của ngưỡng nợ công. Với công trình nghiên cứu bài bản đăng trên tạp chí số 1 về kinh tế học (American Economic Review), Rogoff
& Reinhart (2010) đã phát một thông điệp mang tính cảnh báo cho việc vay nợ quá mức ở một số quốc gia. Thông qua các phương pháp thống kê và phân tích, Rogoff
& Reinhart (2010) xác định giá trị ngưỡng nợ công cho 44 quốc gia (cả phát triễn lẫn đang phát triển) trong giai đoạn 1790 – 2009 là 90%, đồng thời hai nhà kinh tế cũng phát hiện ngưỡng nợ công ở các nước mới nổi thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Tương tự, thông qua OLS ngưỡng của Hansen và pooled OLS, Caner et al. (2010) phát hiện giá trị ngưỡng nợ công cho 101 nền kinh tế đang phát triển và phát triển trong thời gian 1980 – 2008 là 77% và cho các thị trường mới nổi là 64%.
Trái với các nghiên cứu trước đó, nghiên cứu của Égert (2015) cho thấy mối quan hệ phi tuyến từ nợ đến tăng trưởng không mạnh mặc dù lấy cùng bộ dữ liệu nghiên cứu của Rogoff & Reinhart (2010) với mô hình ngưỡng hai biến được phát triển bởi Hansen. Mặc dù có sự nghi ngờ, các kết quả cũng chỉ ra giá trị ngưỡng ở khoảng 20% của GDP, sau nó nợ chính phủ có ảnh hưởng âm lên tăng trưởng. Ngoài ra, các ngưỡng có thể tồn tại nhưng giá trị của chúng hoàn toàn bất định. Với nợ chính phủ trong giai đoạn 1960 – 2009, giá trị ngưỡng ở mức cao hơn 50%. Cuối cùng, ước lượng cho riêng từng quốc gia cho thấy tính không đồng nhất giữa các quốc gia khá lớn. Với một vài quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, giá trị ngưỡng có thể được phát hiện ở khoảng 30% GDP. Với các quốc gia khác, các giá trị ngưỡng không xác định được hoặc không có ngưỡng. Ông cho rằng tính bất định này có thể là kết quả của các tác động ngưỡng thay đổi theo thời gian trong từng quốc gia và có tính phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế ở từng nước.
Cuối cùng, khác với các nghiên cứu mang tính định lượng cho tác động phi tuyến của nợ công lên tăng trưởng, Real et al. (2014) phát triển về mặt lý thuyết một mô hình cân bằng tổng thể với các thành phần độc lập để lý giải mối quan hệ dạng U ngược giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế. Phân tích của nhóm nghiên cứu tập trung không chỉ vào hiệu ứng chèn lấn (crowd out) mà còn vào hiệu ứng thúc đẩy (crowd in) mà nợ công tác động lên đầu tư tư nhân trong một nền kinh tế ràng buộc về tài chính và xác định được cơ chế tạo nên mối quan hệ có dạng U ngược trong quá trình phát triển. Khi tỷ lệ nợ công theo GDP dưới một mức ngưỡng nhất định, hiệu ứng thúc đẩy lấn át hiệu ứng chèn lấn và nợ công tích lũy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi tỷ lệ này vượt quá mức ngưỡng, nợ công tích lũy bắt đầu cản trở tăng trưởng kinh tế với hiệu ứng chèn lấn lấn át hiệu ứng thúc đẩy.