TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
2.2 Nợ công, lạm phát và tăng trưởng kinh tế
2.2.2 Lạm phát và tăng trưởng kinh tế
Mục tiêu chính của các ngân hàng trung ương trên thế giới là đạt được và duy trì ổn định của mức giá, điều này thực sự tạo ra môi trường dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Vì thế, điều quan trọng đối với các nhà làm chính sách là hiểu được mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế để thực thi các chính sách hợp lý. Nếu
lạm phát có hại cho tăng trưởng thì các nhà làm chính sách nên nhắm đến việc hạ thấp lạm phát. Việc này đưa đến một câu hỏi: lạm phát nên ở mức nào và tác động của nó ra sao? Các nghiên cứu trước đó cho thấy tác động của lạm phát lên tăng trưởng kinh tế thường thể hiện ở 3 dạng: (i) lạm phát có tác động dương lên tăng trưởng; (ii) lạm phát có tác động âm lên tăng trưởng; (iii) tác động phi tuyến trong mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng. Thông thường đặc tính phi tuyến này cho thấy một mối quan hệ dương hoặc không ý nghĩa tồn tại khi lạm phát thấp và một mối quan hệ âm khi lạm phát cao. Điều này hàm ý sự hiện diện của một giá trị ngưỡng của lạm phát qua đó dấu của hệ số lạm phát thay đổi.
Tương tự như các nghiên cứu phát hiện tác động dương của nợ công lên tăng trưởng, số lượng các nghiên cứu phát hiện ra tác động dương của lạm phát lên tăng trưởng khá ít. Điểm chung là các nghiên cứu này được thực hiện riêng lẻ cho từng quốc gia, sử dụng mô hình đồng liên kết – hiệu chỉnh sai số ECM, và mối quan hệ hai chiều được phát hiện giữa hai biến. Theo đó, Mallik & Chowdhury (2001) phát hiện mối quan hệ dương trong dài hạn giữa tăng trưởng GDP và lạm phát cho tất cả 4 quốc gia Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka. Tương tự, kết quả của Xiao (2009) cho thấy trong dài hạn lạm phát có quan hệ dương với tăng trưởng kinh tế theo hai chiều ở Trung quốc từ 1978 đến 2007. Gần nhất, Raza et al. (2013) cũng chỉ ra mối quan hệ dương dài hạn ý nghĩa giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Pakistan trong thời gian 1972 đến 2011. Từ các phát hiện này, cả ba nghiên cứu đều cho rằng các chính phủ nên duy trì lạm phát ở mức thấp vì lạm phát trung bình có ích cho tăng trưởng nhưng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn lại làm gia tăng lạm phát.
So với các nghiên cứu phát hiện tác động dương, các nghiên cứu phát hiện tác động âm nhiều hơn và gần như được thực hiện cho một nhóm các quốc gia. Duy nhất nghiên cứu của Kasidi & Mwakanemela (2012) thực hiện cho Tanzania trong giai đoạn 1990 – 2011 với mô hình đồng liên kết. Kết quả chỉ ra tác động âm của lạm phát lên tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý có 2 nghiên cứu (Gillman & Harris, 2008 và Kaouther & Besma, 2014) chỉ sử dụng các phương pháp ước lượng dữ liệu bảng cơ bản (fixed effects và random effects) trong khi 4 bài còn lại (Gillman et al.,
2004; Bittencourt, 2012; Bittencourt et al., 2015; Samimi & Kenari , 2015) sử dụng phương pháp ước lượng có khả năng xử lí nội sinh. Điểm chung của các nghiên cứu này là khuyến nghị hạ thấp tỷ lệ lạm phát là một bước hiệu quả để tiến tới tăng trưởng kinh tế cao ở các nươc này. Theo đó, Gillman & Harris (2008) tìm thấy tác động âm, mạnh của lạm phát lên tăng trưởng cho 13 quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi trong giai đoạn 1990 – 2003 trong khi Kaouther & Besma (2014) chỉ ra tác động này cho 4 quốc gia phía nam Địa Trung Hải suốt giai đoạn 1980 – 2008.
Cùng theo chiều hướng nghiên cứu này, Gillman et al. (2004) phát hiện tác động âm của lạm phát lên tăng trưởng dựa trên dữ liệu bảng của các thành viên OECD và APEC trong giai đoạn 1961 – 1997 với kỹ thuật ước lượng biến công cụ. Tương tự, Bittencourt (2012) sử dụng kỹ thuật biến công cụ FE-IV (ngoài các phương pháp khác như pool OLS, fixed effects và random effects) và phát hiện lạm phát có tác động âm lên tăng trưởng ở 4 quốc gia Mỹ Latin trong những năm 1980 và 1990 (giai đoạn siêu lạm phát). Gần đây hơn, Bittencourt et al. (2015) nhận thấy tác động này ở 15 quốc gia hạ Sahara Châu Phi giữa 1980 và 2009 với các kỹ thuật ước lượng FE-IV và RE-IV. Cùng lúc đó, với mô hình hệ các phương trình đồng thời trong đó lạm phát và tăng trưởng được xem là các biến nội sinh, Samimi & Kenari (2015) chỉ ra rằng quả thực lạm phát tác động có ý nghĩa âm lên tăng trưởng kinh tế ở 90 quốc gia trong giai đoạn 1995 – 2003.
Tương tự như tác động phi tuyến của nợ công lên tăng trưởng, các nghiên cứu về tác động phi tuyến của lạm phát lên tăng trưởng cũng được thực hiện nhiều cho nhóm quốc gia trong khi cho từng nước riêng lẻ thì ít hơn. Các nghiên cứu dạng này phát hiện được giá trị ngưỡng của lạm phát mà nếu dưới giá trị này lạm phát có thể thúc đẩy tăng trưởng hoặc không có tác động gì và nếu trên giá trị này chắc chắn lạm phát có tác động âm lên tăng trưởng.
Với các nghiên cứu cho từng quốc gia riêng lẻ, một số như Mubarik & Riazuddin (2005), Ayyoub et al. (2011), Fakhri (2011), Mohanty et al. (2011), và Jayaraman et al. (2013) chỉ ra lạm phát có tác động dương nếu dưới giá trị ngưỡng của lạm phát trong khi một số như Risso & Carrera (2009) và Bawa & Abdullahi (2012) lại cho
biết tác động này không ý nghĩa lên tăng trưởng. Đặc biệt tất cả các nghiên cứu này đều đề xuất các cơ quan quản lý tiền tệ nên sử dụng giá trị ngưỡng lạm phát như là lạm phát mục tiêu trong quá trình điều hành kinh tế. Theo đó, Mubarik & Riazuddin (2005) đề xuất giá trị ngưỡng 9% từ 1973 đến 2000 trong khi Ayyoub et al. (2011) xác định được giá trị ngưỡng là 7% với giai đoạn 1972 – 2010 cho cùng Pakistan.
Tương tự, Fakhri (2011) phát hiện giá trị ngưỡng này là 13% cho nền kinh tế Azerbaijan trong suốt giai đoạn 2000 – 2009 bằng cách sử dụng OLS phi tuyến.
Cùng lúc đó, thông qua 3 phương pháp ước lượng như RMSE tối thiểu, OLS phi tuyến, hồi qui LSTR, Mohanty et al. (2011) nhận thấy giá trị ngưỡng lạm phát của Ấn Độ nằm trong khoảng 4 và 5.5% trong khoảng thời gian từ quý 1/1996 – quý 3/2011. Tương tự, Jayaraman et al. (2013) phát hiện giá trị ngưỡng lạm phát ở Fiji trong giai đoạn 1970 – 2008 là 3.6%, một mức tương đối thấp và gần với các kết quả ở các nước phát triển.
Với việc phát hiện tác động dưới ngưỡng của lạm phát không có ý nghĩa lên tăng trưởng, Risso & Carrera (2009) xác định giá trị ngưỡng này là 9% cho nề kinh tế ở Mexico với mô hình ECM trong khi Bawa & Abdullahi (2012) tìm thấy giá trị ngưỡng 13% cho Nigeria trong giai đoạn 1981 – 2009. Bawa & Abdullahi (2012) nhận định các phát hiện này là cần thiết cho việc thiết lập chính sách tiền tệ vì nó cung cấp sự chỉ dẫn cho các nhà làm chính sách chọn ra một lạm phát mục tiêu tối ưu, phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia.
Đặc biệt, Marbuah (2010) phát hiện có hai ngưỡng của lạm phát cho Ghana trong giai đoạn 1955 – 2009 với giá trị lần lượt là 6% và 10%. Theo Marbuah, các phát hiện này hỗ trợ cơ chế lạm phát mục tiêu của Ngân hàng trung ương Ghana với giá trị nằm trong khoảng 7 – 11% trong trung hạn.
Liên quan đến các nghiên cứu cho nhóm các quốc gia thì có thể thấy có 2 dạng mẫu nghiên cứu, mẫu đồng nhất các quốc gia (nhóm các quốc gia đang phát triển hoặc nhóm các quốc gia phát triển) và mẫu hỗn hợp (gồm các quốc gia đang phát triển lẫn phát triển). Các phát hiện nghiên cứu cho thấy ngưỡng lạm phát ở các quốc gia phát triển khá nhỏ so với các quốc gia đang phát triển.
Với mẫu nghiờn cứu đồng nhất, cú duy nhất một nghiờn cứu của Omay & ệznur Kan (2010) cho 6 quốc gia công nghiệp hóa với mô hình PSTR và kết quả cho thấy giá trị ngưỡng là 2.52% trong khi các nghiên cứu còn lại là dành cho các quốc gia đang phát triển. Bick (2010) xác định giá trị ngưỡng lạm phát 12.03% cho dữ liệu bảng cân bằng của 40 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1960 – 2004 từ mô hình ngưỡng dữ liệu bảng của Hansen. Bick phát hiện lạm phát thúc đẩy tăng trưởng ở dưới ngưỡng nhưng khi vượt ngưỡng thì tác động này âm. Trong lúc đó, Ghazouani (2012) tìm thấy giá trị ngưỡng 10% cho 19 quốc gia MENA trong giai đoạn 1961 – 2010. Với mô hình ngưỡng PSTR được phát triển bởi Gonzále, Seleteng et al. (2013) chỉ ra mức ngưỡng 18.9% cho 11 quốc gia Cộng đồng phát triển phía Nam Châu Phi (SADC) từ 1980 đến 2008. Cùng thời gian này, Vinayagathasan (2013) phát hiện ngưỡng lạm phát ở 32 quốc gia Châu Á trong thời gian 1980 – 2009 chỉ là 5.43%, đặc biệt dưới giá trị ngưỡng này, lạm phát không có tác động gì lên tăng trưởng. Với mẫu thời gian nghiên cứu (1975-2004) xấp xỉ như Bick (2010) nhưng số quốc gia nhiều hơn (92 quốc gia) nhưng Baglan &Yoldas (2014) xác định giá trị ngưỡng lạm phát tương tự (12%). Mới đây, Thanh (2015) tìm thấy giá trị ngưỡng của lạm phát là 7.84% cho 5 quốc gia Asean trong giai đoạn 1980 – 2011 thông qua mô hình PSTR. Nhà nghiên cứu này khuyến nghị các ngân hàng trung ương ở các nước Asean có thể cải thiện tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm lạm phát khi nó trên hoặc gần các giá trị ngưỡng.
Với mẫu nghiên cứu hỗn hợp, đa số các nghiên cứu xác định được giá trị ngưỡng cho cả nhóm các quốc gia phát triển lẫn nhóm các quốc gia đang phát triển. Giá trị ngưỡng này thông thường xoay quanh mức 3% cho nhóm phát triển trong khi nhóm đang phát triển khá cao, từ 10 – 18%. Khan & Senhadji (2001) xác định được giá trị ngưỡng ở các nước công nghiệp là 1-3% trong khi ở các nước đang phát triển 7- 11% trong giai đoạn 1960 – 1998. Gần như tương tự, Espinoza et al. (2010) tìm thấy giá trị ngưỡng lạm phát ở các nước đang phát triển là 10% trong khi các nước phát triển giá trị này thấp hơn nhiều khi tiến hành nghiên cứu cho165 quốc gia trong giai đoạn 1960 – 2007. Tương tự, Trupkin & Ibarra (2011) phát hiện giá trị ngưỡng
lần lượt là 4.1% và 19.1% cho các quốc gia công nghiệp và các quốc gia đang phát triển khi áp dụng mô hình PSTR cho 120 quốc gia. Trupkin và Ibarra cũng nhận thấy tốc độ chuyển đổi vùng tác động của lạm phát tương đối mượt ở nhóm nước công nghiệp nhưng với các nền kinh tế đang phát triển lạm phát có tác động tương đối nhanh lên tăng trưởng khi nó gần đến ngưỡng. Ngoài ra, khi chọn lựa một nhóm rút gọn các nước đang phát triển có chất lượng thể chế tốt thì giá trị ngưỡng lạm phát giảm còn 7.9%. Với cùng thời gian công bố, López-Villavicencio & Mignon (2011) phát hiện giá giá trị ngưỡng lạm phát có sự khác biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển với giá trị lần lượt là 2.7% và 17.5% khi sử dụng mô hình PSTR với ước lượng GMM cho 44 quốc gia cả phát triển lẫn mới nổi trong giai đoạn 1961 – 2007. Hai nhà nghiên cứu cũng chỉ ra các giá trị lạm phát ở khoảng 3% thì mối quan hệ giữa lạm phát – tăng trưởng là dương ở các nền kinh tế phát triển trong khi không có ý nghĩa ở các nước đang phát triển nếu dưới mức ngưỡng 17.5%. Trong khi đó, giá trị ngưỡng lạm phát ở các nước công nghiệp là 2% và ở các nước đang phát triển là 17% được khẳng định trong nghiên cứu của Kremer et al. (2013) cho 124 quốc gia trong giai đoạn 1950 – 2004. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy tác động của lạm phát lên tăng trưởng không có ý nghĩa nếu dưới ngưỡng ở các nước đang phát triển.
Tuy vậy, cũng có 2 nghiên cứu phát hiện 2 giá trị ngưỡng. David et al. (2005) xác định được 2 giá trị ngưỡng lần lượt là ở 2.57% và 12.61% cho nhóm các quốc gia công nghiệp khi áp dụng phương pháp ước lượng fixed effects cho 138 quốc gia trong giai đoạn 1950 – 2000. Nhưng với toàn bộ mẫu nghiên cứu thì chỉ có 1 giá trị ngưỡng là 19.16%, và David và nhóm nghiên cứu cũng phát hiện sự gia tăng trong lạm phát không có tác động ý nghĩa lên tăng trưởng nếu dưới giá trị ngưỡng này.
Trái lại, với mẫu nghiên cứu gồm 90 quốc gia đang phát triển và 28 nền kinh tế phát triển trong giai đoạn 1961 – 2004, Li (2006) đề nghị 2 ngưỡng lạm phát với giá trị lần lượt là 14 và 39% cho các nước đang phát triển. Nhà nghiên cứu này cũng nêu rõ cơ chế phi thuyết thể hiện như sau: ở mức lạm phát thấp hơn ngưỡng thứ nhất, tác động của lạm phát lên tăng trưởng không có ý nghĩa và dương; ở mức lạm phát
trung bình nằm giữa hai ngưỡng, tác động của lạm phát âm, mạnh và có ý nghĩa thông kê, ở mức lạm phát trên ngưỡng thứ hai, tác động biên của lạm phát lên tăng trưởng giảm dần nhanh chóng nhưng vẫn âm và có ý nghĩa. Với các các nước phát triển, chỉ có một ngưỡng được dò ra và có ý nghĩa với giá trị 24%.
Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ xác định được giá trị ngưỡng cho một nhóm quốc gia như Vaona & Schiavo (2007) tìm thấy ngưỡng lạm phát là 12% ở các nước phát triển mặc dù mẫu nghiên cứu của hai ông cho 167 quốc gia phát triển và đang phát triển trong giai đoạn 1960 – 1999 bằng cả ước lượng phi tham số lẫn bán tham số với biến công cụ trong khi Jha & Dang (2012) xác định được giá trị ngưỡng 10%
cho các quốc gia đang phát triển với mẫu nghiên cứu của 182 quốc gia đang phát triển và 31 nước phát triển trong giai đoạn 1961 – 2009 bằng mô hình ước lượng ngưỡng dữ liệu bảng của Hansen. Đặc biệt, Pollin & Zhu (2006) ước lượng tác động ngưỡng của lạm phát lên tăng trưởng cho các nhóm quốc gia theo thu nhập. Với mẫu nghiên cứu gồm 80 quốc gia trong giai đoạn 1961 – 2000 và các phương pháp ước lượng pooled OLS, between effects, fixed effects và random effects, Pollin &
Zhu (2006) tìm thấy ngưỡng lạm phát 15 – 18% cho toàn bộ mẫu. Tuy nhiên các phát hiện có sự khác biệt khi phân chia bộ dữ liệu theo các mức thu nhập. Với các nước OECD, giá trị ngưỡng không rõ ràng. Với các nước thu nhâp trung bình, giá trị ngưỡng nằm trong khoảng 14 – 16%. Với các nước thu nhập thấp, hệ số lạm phát có giá trị dương và cao hơn so với các nước thu nhập trung bình.
Đáng chú ý, trái ngược hoàn toàn với các nghiên cứu trên, Burdekin et al. (2004) chỉ ra giá trị ngưỡng lạm phát cho các nước công nghiệp cao hơn các nước đang phát triển. Bằng cách sử dụng bộ dữ liệu cho 21 nước công nghiệp và 51 nước đang phát triển từ 1967 đến 1992 và ước lượng GLS với fixed effects, Burdekin et al.
(2004) phát hiện ngưỡng qua đó lạm phát bắt đầu tác động âm nghiêm trọng lên tăng trưởng khoảng 8% cho các nước công nghiệp nhưng chỉ ở mức 3% cho các nước đang phát triển.