Các gợi ý chính sách

Một phần của tài liệu Tác động của nợ công và lạm phát lên tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển (LA tiến sĩ) (Trang 124 - 132)

PHẦN KẾT LUẬN VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH

2. Các gợi ý chính sách

Dựa trên các kết quả nghiên cứu được rút ra từ việc thực hiện hai mô hình thực nghiệm đánh giá mối quan hệ giữa nợ công và lạm phát cũng như đánh giá tác động của nợ công, lạm phát, và tương tác của chúng lên tăng trưởng kinh tế cho 60 quốc gia đang phát triển trên thế giới (22 ở Châu Á, 11 ở Mỹ Latin, và 27 ở Châu Phi) với ba mẫu nghiên cứu chính (mẫu tổng thể, mẫu các nước đang phát triển Châu Á và mẫu các nước đang phát triển Châu Phi) trong giai đoạn 1990 – 2014 thông qua phương pháp ước lượng GMM sai phân dữ liệu bảng Arellano-Bond, luận án rút ra những gợi ý chính sách sau.

(a) Những chính sách liên quan đến mối quan hệ giữa nợ công và lạm phát Mặc dù sự gia tăng của nợ công khiến cho lạm phát tăng cao nhưng gần như các nước đang phát triển không thể từ bỏ việc vay nợ vì nợ cũng là một trong những

công cụ điều hành chính sách giúp chính phủ ở những quốc gia này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, và xóa đói giảm nghèo.Tuy nhiên, các nghiên cứu trong những năm gần đây chỉ ra nợ không phải lúc nào cũng là phương thuốc hữu hiệu, lúc nào cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực vậy, các nghiên cứu như Balassone et al. (2011), Bal & Rath (2014), Akram (2015), Eberhardt & Presbitero (2015), Lee & Ng (2015), Mitze & Matz (2015),… chỉ ra nợ công cao có thể kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và các hoạt động kinh tế khác. Đặc biệt, với một lượng nợ công khổng lồ, không thể kiểm soát thì khả năng vỡ nợ rất lớn, đưa đến khủng hoảng kinh tế trong tương lai và đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái kéo dài, bất ổn xã hội.

Ngoài ra, kết quả thực nghiệm cũng cho thấy lạm phát có thể bào mòn giá trị thực của nợ công. Một số nhà kinh tế học nổi tiếng như Ken Rogoff, Olivier Blanchard và Paul Krugman đề xuất sử dụng lạm phát cao như một trong số các giải pháp làm giảm nợ công của chính phủ trong trường hợp các khoản nợ của các chính phủ được định giá theo đồng nội tệ. Nhưng liệu các nước đang phát triển, với hầu hết đều có mức độ ổn định vĩ mô tương đối thấp (so với các nước phát triển) và khả năng phát triển chưa bền vững, có dám sử dụng lạm phát cao như một công cụ để bào mòn giá trị của nợ? Một số nghiên cứu trước đây như Gillman et al. (2004), Gillman &

Harris (2008), Bittencourt (2012), Kaouther & Besma (2014), Bittencourt et al.

(2015), Samimi & Kenari (2015),… xác định lạm phát cao có tác động âm lên tăng trưởng kinh tế và có thể gây bất ổn xã hội do vật giá leo thang.

Vì vậy, có thể nhận thấy một mặt lạm phát cao có thể làm giảm lượng nợ công của các chính phủ nhưng mặt khác cũng có thể có hại cho tăng trưởng kinh tế ở những nước này. Ngoài ra, nợ công quá cao sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, đưa đến khả năng vỡ nợ và khủng hoảng kinh tế trong tương lai. Điều này cho thấy chính phủ của các nước đang phát triển trên thế giới cần có một thái độ thận trọng về việc điều hành kinh tế liên quan đến nợ công và lạm phát.

Những gợi ý chung về chính sách cho chính phủ các nước đang phát triển

 Chính phủ ở các nước đang phát triển nên thận trọng trong vấn đề vay nợ. Việc vay nợ cần phải có mục tiêu và chiến lược rõ ràng, phải tính đến khả năng thu hồi vốn để chi trả nợ. Đặc biệt, các chính phủ không nên vay nợ để tài trợ cho chi thường xuyên, phải hướng đến các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Đặc biệt, lượng nợ công phải được giữ ở mức độ an toàn, không quá cao vì một mặt có thể làm tăng lạm phát và mặt khác có thể gây mất khả năng trả nợ và khiến đất nước rơi vào suy thoái kinh tế.

 Việc ban hành và thực hiện các chính sách có liên quan đến nợ công cần phải lưu ý đến các yếu tố tác động có ý nghĩa lên nợ công như đầu tư tư nhân và độ mở thương mại có tác động dương trong khi GDP bình quân đầu người thực và nguồn thu chính phủ có tác động âm lên nợ công. Theo đó, để có thể làm giảm nợ công thì:

 Giữ cho lạm phát ở một mức vừa phải sao cho tránh hiện tượng giảm phát có hại cho việc sản xuất và tiêu dùng, đồng thời cũng tránh gây bất ổn xã hội do sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu khi lạm phát tăng lên nhanh, vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ.

 Tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân mở rộng sản xuất, tránh việc đầu tư của khu vực tư vào những lĩnh vực mà đất nước không ưu tiên vì nếu không việc đầu tư của khu vực tư có thể giúp tăng trưởng kinh tế một phần nhưng cũng khiến cho nợ công tăng cao.

 Việc ban hành các chính sách giao thương với các nước khác phải chú ý đến việc nợ công có thể tăng cao nên phải có tính toán thận trọng và nên tiếp thu ý kiến của các chuyên gia kinh tế.

 Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa phải để tăng nguồn thu để chính phủ có thể trả nợ vì tăng trưởng quá nóng có thể dẫn đến lạm phát tăng cao.

 Nâng cao nguồn thu ngân sách của chính phủ nhưng tránh tận thu ngân sách bằng mọi giá, chẳng hạn như tăng thuế vì sẽ làm giảm việc đầu tư

của tư nhân. Việc tăng nguồn thu cũng có thể bằng cách mở rộng các đối tượng chịu thuế hợp lý.

 Tương tự, việc ban hành và thực hiện các chính sách có liên quan đến lạm phát cũng cần phải tính đến các yếu tố tác động có ý nghĩa lên lạm phát như GDP bình quân đầu người thực và đầu tư tư nhân có tác động dương lên lạm phát trong khi lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng và độ mở thương mại có tác động âm. Theo đó, để giữ cho mức lạm phát thấp ở mức vừa phải thì:

 Giữ mức nợ công vừa phải, việc vay nợ chỉ dành cho các dự án đầu tư có khả năng thu hồi nợ và phục vụ tốt nhất lợi ích cho người dân và các doanh nghiệp. Đảm bảo việc giám sát và quản lý các dự án đầu tư công hiệu quả, minh bạch và có sự tham gia giám sát của người dân. Đặc biệt, trước khi bắt đầu một dự án đầu tư nào, phải lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia kinh tế, của người dân có liên quan đến dự án.

 Hạn chế thấp nhất khả năng tăng trưởng nóng: việc tăng trưởng kinh tế quá cao trong thời gian ngắn sẽ làm gia tăng lạm phát. Vì vậy, phát triển kinh tế phải phù hợp với hiện trạng và tiềm năng của đất nước.

 Đầu tư của khu vực tư nhân phải được khuyến khích đến những ngành nghề, lĩnh vực có lợi có nền kinh tế, không nên khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực chỉ sinh lợi tức thời, không mang tính bền vững.

 Phát triển lực lượng lao động: lực lượng lao động phải được giáo dục và đào tạo mang tính kỷ luật, phù hợp với môi trường công nghiệp và bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao giữa các quốc gia. Chính phủ nên khuyến khích các doanh nghiệp có chương trình nâng cao tay nghề, đào tạo các kỹ năng phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động.

 Phát triển cơ sở hạ tầng: cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự giao thương hàng hóa trong nước, thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp vì vậy nhà nước nên phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các dự án đầu tư công, các dự án hợp tác công tư.

Đặc biệt, để giúp các vùng miền còn nghèo, lạc hậu phát triển kịp với trình độ phát triển chung của quốc gia, chính phủ nên mở rộng cơ sở hạ tầng đến các vùng này.

 Chính sách giao thương và mở cửa: tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia thông qua nâng cao năng suất lao động của vốn và lao động;

khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra các nước và chỉ nên nhập khẩu các hàng hóa mà quốc gia chưa sản xuất được; đặc biệt chính phủ nên phổ biến các chương trình hội nhập của quốc gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực.

Những gợi ý riêng về chính sách theo từng khu vực

 Khu vực Châu Á:

 Chính phủ nên thúc đẩy gia tăng các hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương kinh tế với các nước khác trên thế giới (giảm lạm phát lẫn nợ công); tăng cường hội nhập bằng cách tham gia các tổ chức đa phương, các tổ chức khu vực mang tính hội nhập kinh tế như Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP); khuyến khích việc xuất khẩu các hàng hóa ra các nước và chỉ nên nhập khẩu các mặt hàng mình chưa sản xuất được.

 Chính phủ cần thiết ban hành các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy sự gia tăng đầu tư của khu vực tư và tạo nguồn thu chính phủ hợp lý vì những điều này giúp giảm đi lượng nợ công trong tương lai. Việc giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm đi lượng nợ công, có thể bằng cách hạn chế các khoản chi không cần thiết, các khoản chi không tạo năng suất, tránh việc gia tăng nguồn thu bằng cách tăng thuế hoặc tận thu các khoản phí, lệ phí không phù hợp vì có thể tạo nên các gánh nặng không cần thiết cho người dân.

 Lực lượng lao động phải được phát triển phù hợp với tình hình kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo các kỹ năng và nâng cao tay nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, chính phủ cần có các chương trình

giáo dục và đào tạo phổ thông, mang tính định hướng cho học sinh, và nâng cao năng suất lao động của quốc gia.

 Khu vực Châu Phi:

 Chính phủ nên ban hành các chính sách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện tốt cho các hoạt động kinh tế vì những điều này giúp giảm đi nợ công ở những quốc gia này. Châu Phi là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng do việc khai thác và sử dụng không hợp lý, không bền vững nên cuối cùng điều này lại gây hại cho nền kinh tế.

 Đầu tư tư nhân: chính phủ ở lục địa này nên khuyến khích việc đầu tư của khu vực tư nhân vào nhũng lĩnh vực, ngành nghề gắn với lợi ích thiết thực của đât nước, cần tránh đầu tư vào những lĩnh vực mà nhu cầu không nhiều, đặc biệt nên hướng vào những lĩnh vực mà quốc gia có lợi thế và hướng đến việc xuất khẩu ra các nước khác.

 Độ mở thương mại làm tăng nợ công chủ yếu là do việc nhập khẩu các hàng hóa từ các nước. Để có thể tránh được điều này, chính phủ ở các quốc gia Châu Phi nên khuyến khích việc xuất khẩu dựa trên các thế mạnh của quốc gia và khai thác tài nguyên thiên nhiên phải hợp lý, mang tính bền vững; tránh nhập khẩu các hàng hóa không cần thiết. Đặc biệt, nên tham gia vào các tổ chức thương mại trong khu vực, hình thành các liên minh kinh tế để hỗ trợ lẫn nhau trong việc giao thương và xuất khẩu.

(b) Những chính sách liên quan đến tăng trưởng kinh tế do các tác động của nợ công, lạm phát, và tương tác của chúng

Các kết quả thực nghiệm chỉ rõ có sự khác biệt trong các tác động của nợ công, lạm phát và tương tác của chúng lên tăng trưởng kinh tế ở các nhóm nước đang phát triển khác nhau (tổng thể, Châu Á, và Châu Phi). Điều này hàm ý các chính sách liên quan đến tăng trưởng kinh tế do các tác động của nợ công, lạm phát, và tương tác của chúng ở mỗi quốc gia đang phát triển phải tùy vào đặc điểm của nhóm quốc gia mình và đặc điểm riêng của từng quốc gia.

Những gợi ý chung về chính sách cho chính phủ các nước đang phát triển

 Việc ban hành chính sách ở những nước đang phát triển cần lưu ý đến tác động âm của nợ công và lạm phát. Điều này hàm ý chính phủ ở các nước đang phát triển cần giới hạn mức nợ công phù hợp và giữ lạm phát ở mức vừa phải. Đặc biệt phải lưu ý nợ là một gánh nặng phải trả trong tương lai, có khả năng gây ra khủng hoảng và suy thoái kinh tế do vấn đề vỡ nợ gây ra, vì vậy việc vay nợ phải dành cho các dự án đầu tư phát triển, có khả năng thu hồi vốn và đảm bảo mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

 Chính phủ nên thúc đẩy các hoạt động đầu tư của khu vực tư, tạo nguồn thu ngân sách hợp lý và tạo các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường sự giao thương của các doanh nghiệp, tham gia các tổ chức thương mại trong khu vực và thế giới vì những điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Theo đó, những gợi ý cụ thể ở những quốc gia đang phát triển như sau:

 Đầu tư tư nhân: để thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân, chính phủ cần ban hành các quy định, chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về vay vốn ngân hàng và đặc biệt nên khuyến khích việc khởi nghiệp từ những người trẻ với việc hỗ trợ về pháp lý, cấp vốn và vay vốn, và hỗ trợ tiếp cận thị trường.

 Nguồn thu chính phủ: việc gia tăng nguồn thu của chính phủ nên thận trọng và có tính toán kỹ, tránh việc gia tăng nguồn thu từ việc tăng thuế, nên mở rộng các đối tượng chịu thuế hợp lý và có tính đến các yếu tố kinh tế xã hội. Việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các đơn vị kinh tế trong nước cũng là cách vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giúp chính phủ có thêm nguồn thu thuế từ việc mở rộng các hoạt động này.

 Độ mở thương mại: gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia, ban hành các chính sách hướng đến xuất khẩu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra các nước, đặc biệt chỉ khuyến khích việc nhập khẩu các hàng hóa mà trong nước không sản xuất được. Đặc biệt, các chính phủ nên chủ đọng tăng cường tham gia các liên minh, liên kết kinh tế trong khu vực để tạo điều kiện và thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa ra các nước.

Những gợi ý riêng về chính sách theo từng khu vực

 Khu vực Châu Á:

 Mặc dù nợ công và lạm phát ở những nước này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng tương tác của chúng lại có tác động âm. Vì vậy, việc gia tăng nợ công hoặc các cú shock lạm phát có thể có hại cho tăng trưởng kinh tế nên chính phủ ở các nước này nên giữ nợ công ở mức vừa phải, hợp lý với hoàn cảnh của quốc gia, đồng thời giữ lạm phát cũng ở mức thấp vừa phải để vừa tránh tác động bất lợi lên hoạt động kinh tế đồng thời còn kích thích sản xuất.

 Chính phủ cũng nên thúc đẩy đầu tư của khu vực tư, phát triển nguồn lực lao động, gia tăng nguồn thu thuế hợp lý, phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với mục tiêu kinh tế, và đặc biệt thúc đẩy các hoạt động giao thương, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hài hòa và bền vững hơn thông qua các chính sách và thể chế hợp lý. Theo đó,

 Đầu tư tư nhân, nguồn thu chính phủ và độ mở thương mại: tương tự như mẫu tổng thể.

 Lực lượng lao động: chính phủ nên nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong hệ thống các trường học, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp có các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng, tay nghề cho lực lượng lao động về thuế.

 Cơ sở hạ tầng: phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và phù hợp với lợi ích của các đơn vị hoạt động sản xuât kinh doanh, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Đặc biệt nên phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các hình thức hợp tác cong tư (PPP) để tận dụng các lợi thế của khu vực tư, đồng thời đảm bảo việc giám sát và kiểm tra các dự án đầu tư công.

 Khu vực Châu Phi:

 Mặc dù lạm phát có tác động dương nhưng nợ công và tương tác của nợ công và lạm phát có tác động âm nên chính phủ các nước này cần hạn chế việc vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng. Châu Phi là một lục địa có nhiều tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên lại là lục địa mắc nợ cao và không có khả năng thanh toán.

Một phần của tài liệu Tác động của nợ công và lạm phát lên tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển (LA tiến sĩ) (Trang 124 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)