Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI
1.2. Nhu cầu, khái niệm, cách tiếp cận, kỹ năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng
1.2.1. Nhu cầu dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng
Cũng như mọi người khác trong xã hội, NCCVCM rất cần có một cuộc sống ổn định, an toàn, đầy đủ về vật chất, thoải mái về tinh thần, được làm việc, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội... Theo thống kê, cả nước hiện có
gần 9 triệu NCC, chiếm gần 10% dân số, trong đó có 1.146.250 LS, 49.609 Mẹ VNAH, 781.021 TB và người hưởng chính sách như thương binh, 185.00 TB loại B, 1.253 Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước.
Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến NCCVCM nhiều hơn để hỗ trợ họ cũng như thân nhân gia đình nhằm có điều kiện sống tốt hơn, không để NCCVCM lâm vào cảnh khó khăn, nghèo đói, thiếu ổn định.
Để đảm bảo sự sống và phát triển, mỗi người có cách đáp ứng cũng như cần sự đáp ứng nhu cầu với những cách thức khác nhau. Tuy nhiên so với số còn lại, NCCVCM khó có thể tự mình đáp ứng những nhu cầu ấy, ngay cả những nhu cầu tối thiểu nhất vì họ đã có một thời gian dài chịu nhiều hy sinh, mất mát, trải qua nhiều gian khổ, chịu nhiều thiệt thòi; nhiều người đến nay còn mang thương tật, bệnh tật cũng như con của họ; nhiều người không xây dựng được hạnh phúc gia đình vì sau khi hòa bình lập lại họ đã lớn tuổi... Vì vậy họ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chia sẻ của cộng đồng xã hội để được thăm khám sức khỏe thường xuyên, điều trị bệnh, an dưỡng, cải thiện kinh tế gia đình, lắp chân tay giả, mắt giả để làm việc, sinh hoạt hằng ngày được thuận lợi hơn...
1.2.2. Khái niệm dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng
Theo mạng CTXH Việt Nam: Dịch vụ là hoạt động có chủ đích nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của con người. Đặc điểm của dịch vụ là không tồn tại ở dạng sản phẩm cụ thể (hữu hình) như hàng hóa nhưng nó phục vụ trực tiếp nhu cầu nhất định của xã hội.
Theo Liên hợp quốc “Dịch vụ xã hội cơ bản là các hoạt động dịch vụ cung cấp những nhu cầu cho các đối tượng nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống” (UN - Africa Spending Less on Basic Social Services).
Từ những quan điểm nêu trên, có thể hiểu dịch vụ xã hội cơ bản là hệ thống cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Nếu như dịch vụ là một khái niệm đơn lẻ thì dịch vụ xã hội là một khái niệm kép. Thuật ngữ
“xã hội” trong khái niệm này có thể được hiểu theo hai nghĩa:
- Thứ nhất, đó là tính mục tiêu, nghĩa là dịch vụ hướng tới phát triển xã hội (theo nghĩa này thì bất kỳ dịch vụ nào đóng góp vào mục tiêu phát triển xã hội đều được coi là dịch vụ xã hội).
- Thứ hai, là tính chuẩn mực hay tính xã hội, nghĩa là dịch vụ để bảo đảm các giá trị, chuẩn mực xã hội. Theo nghĩa này thì dịch vụ xã hội cung cấp những hỗ trợ cho các thành viên trong xã hội được (i) chủ động phòng ngừa khả năng xảy ra rủi ro dẫn đến không bảo đảm giá trị và chuẩn mực xã hội;
(ii) chủ động tiếp cận hạn chế ảnh hưởng của rủi ro dẫn đến không bảo đảm giá trị và chuẩn mực xã hội; (iii) khắc phục rủi ro và hòa nhập cộng đồng, xã hội trên cơ sở các giá trị, chuẩn mực xã hội.
Trong luận văn này, dịch vụ xã hội có thể được hiểu như sau: Dịch vụ xã hội là hoạt động cung cấp, đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân, nhóm người nhất định nhằm bảo đảm các giá trị và chuẩn mực xã hội. Với nhóm yếu thế, DVXH là các hoạt động có chủ đích của con người nhằm phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cơ bản và thúc đẩy khả năng hòa nhập cộng đồng, xã hội cho nhóm đối tượng yếu thế.
Liên đoàn CTXH chuyên nghiệp quốc tế (họp ở Canada vào năm 2004) cho rằng “CTXH là hoạt động chuyên nghiệp nhằm tạo ra sự thay đổi của xã hội bằng sự tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội (vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ xã hội) vào quá trình tăng cường năng lực và giải
phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. CTXH đã giúp con người phát triển đầy đủ và hài hòa hơn và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân”.
Theo PGS.TS. Bùi Thị Xuân Mai: “CTXH là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội” [19, tr.19].
Từ những khái niệm, quan điểm về CTXH và DVXH, có thể hiểu dịch vụ CTXH ở Việt Nam như sau: DVCTXH là hoạt động chuyên nghiệp CTXH cung cấp các hoạt động hỗ trợ về tinh thần hay vật chất cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoặc những người có nhu cầu hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội, trợ giúp pháp lý nhằm giảm thiểu những rào cản, những bất công và bất bình đẳng trong xã hội.
Qua đó, có thể hiểu một cách ngắn gọn dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng: Là một hoạt động chuyên nghiệp của CTXH nhằm trợ giúp NCCVCM giải quyết các vấn đề khó khăn mà họ đang gặp phải, từ đó giúp họ hồi phục chức năng xã hội, phòng ngừa hay nâng cao năng lực để tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy các điều kiện xã hội để NCCVCM tiếp cận được với các chính sách, nguồn lực và dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản và quyền của họ để góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
1.2.3. Cách tiếp cận dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng
1.2.3.1. Tiếp cận dựa trên quyền
Tiếp cận dựa trên quyền con người là một khung lý thuyết có chứa đựng các nguyên tắc, tiêu chuẩn và mục tiêu của hệ thống quyền con người trong quá trình lập kế hoạch và tiến trình thực hiện hoạt động CTXH.
Trên phương diện vĩ mô, cách tiếp cận dựa trên quyền có bàn đến tầm quan trọng của Nhà nước trong mối quan hệ tương quan với công dân của họ về mặt quyền và nghĩa vụ. Cách tiếp cận dựa trên quyền lôi kéo sự chú ý của Nhà nước về mặt chăm lo đời sống của những người dễ bị tổn thương.
Cũng giống như cách tiếp cận khác, tiếp cận quyền con người nhằm hướng đến việc cải thiện hoàn cảnh của con người, tập trung vào nhu cầu, vấn đề và tiềm năng của họ. Theo cách này, cách tiếp cận dựa trên quyền có đề cập đến những vấn đề luôn được coi là trọng yếu đối với sự phát triển, như là thực phẩm, nước, nhà ở, y tế. Vì vậy, quyền con người vượt lên trên ý niệm về nhu cầu cơ bản mà nó chứa đựng một cái nhìn nhân đạo hơn về con người, về khía cạnh công dân, chính trị, xã hội, kinh tế và vai trò văn hóa. Đồng thời, nhắc đến quyền con người là nói đến nghĩa vụ và trách nhiệm, trong khi đó cách tiếp cận theo nhu cầu sẽ không đề cập đến.
Tiếp cận quyền con người là cách tiếp cận mang tính nhân văn. Coi trọng con người với những quyền mà họ được hưởng, đó là quan điểm hướng tới giá trị nhân văn cao đẹp về con người. Với cách tiếp cận này, đối tượng dù đang gặp phải vấn đề khó khăn cũng được tôn trọng như là một con người với đầy đủ các giá trị. Tiếp cận dựa trên quyền con người là trung tâm, tập trung vào nhu cầu và tiềm năng của họ để đi tới giải quyết vấn đề. Tiếp cận dựa trên quyền con người giúp nhân viên xã hội hướng đến các giải pháp mang tính bền vững.
Như vậy, theo cách tiếp cận này, NCCVCM có quyền được chăm sóc về sức khỏe vật chất, tinh thần, có quyền được phát triển, được tham gia các hoạt động xã hội, được tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước....
Vận dụng cách tiếp cận này, tác giả sẽ đóng vai trò người biện hộ, người tập huấn để trợ giúp NCCVCM nâng cao nhận thức, giúp họ tự nhận ra và quyết định việc tham gia của họ với vai trò chủ động vào quá trình tìm kiếm sự công bằng cho bản thân và những người có cùng hoàn cảnh, để họ nhận thức rõ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng mà họ phải được hưởng. Đồng thời giúp họ nói lên tiếng nói của mình đối với những cấp chính quyền cao hơn, những tổ chức xã hội, chính trị - xã hội mà họ tham gia như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ...
1.2.3.2. Tiếp cận theo nhu cầu
Tiếp cận theo nhu cầu của NCCVCM là cách tiếp cận dựa trên việc đáp ứng tốt nhất các DVCTXH đối với các nhu cầu của NCCVCM. Việc tiếp cận theo nhu cầu sẽ giúp cho việc hỗ trợ được hợp lý và đạt hiệu quả cao hơn, bền vững hơn, không thừa, không thiếu. Việc tiếp cận theo nhu cầu phải theo hai hướng: nhu cầu cần (nhu cầu chủ quan) là những nhu cầu cơ bản của NCCVCM; nhu cầu cảm (nhu cầu khách quan) là nhu cầu mà NVXH thấy cần thiết phải cung cấp cho NCCVCM.
Tiếp theo là nhu cầu cần được bảo vệ an toàn, ngăn ngừa những nguy cơ gây tổn thương cho NCCVCM cả về thể chất lẫn tinh thần, tình cảm, nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập. Thông qua những hoạt động này, NCCVCM sẽ được hòa nhập với cộng đồng, dần dần sẽ tự khẳng định mình và hướng đến phát triển. Nhu cầu được tôn trọng giao lưu, kết nối đồng đội, thăm lại chiến trường xưa, nơi bị tù, đày, tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường.
Nhu cầu việc làm, cải thiện nhà ở. Nhu cầu cao nhất của NCCVCM đó là tự khẳng định mình, chứng minh rằng mình có năng lực, mình có thể làm được mọi việc. Do bản thân từng tham gia chiến đấu, có lý tưởng sống cao đẹp, có bản lĩnh vững vàng, có sự tương thân tương ái lẫn nhau nên một bộ phận
NCCVCM có nhu cầu, mong muốn thể hiện mình có khả năng, không phải là gánh nặng cho gia đình, người thân
Cách tiếp cận dựa trên nhu cầu có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ NCCVCM.
Thứ nhất, một bộ phận NCCVCM thiếu các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của cá nhân và gia đình. Trong đó, có những người đặc biệt khó khăn không có khả năng tự bảo đảm cuộc sống của mình trong sinh hoạt hằng ngày từ việc ăn, mặc, chữa bệnh... và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của cuộc sống. Những người này rất cần đươc sự trợ giúp của nhà Nhà nước và xã hội.
Thứ hai, việc đáp ứng các nhu cầu cho NCCVCM chính là động cơ thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoạt động xã hội; làm cho NCCVCM thấy được giá trị của bản thân, ý nghĩa của cuộc sống. Nếu không đáp ứng nhu cầu thì mất dần động cơ tham gia đóng góp cho xã hội, thay vào đó là các hành vi bất mãn.
Thứ ba, tiếp cận theo nhu cầu sẽ giúp các hỗ trợ xã hội giảm kinh phí và tăng hiệu quả khi tránh được sự dư thừa hay không cần thiết khi hỗ trợ.
1.2.3.3. Tiếp cận vì lợi ích tốt nhất cho NCCVCM
Tiếp cận theo tôn chỉ đem lại lợi ích tốt nhất cho NCCVCM là cách tiếp cận với việc cung cấp các dịch vụ bảo đảm lợi ích tốt nhất cho NCCVCM. Tiếp cận theo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất có ý nghĩa ở việc dù ở bất cứ tình huống nào, thời điểm nào, ở đâu thì lợi ích của NCCVCM luôn được đặt lên hàng đầu, NCCVCM luôn được hưởng những dịch vụ tốt nhất.
1.2.4. Kỹ năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng
Để việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho NCCVCM đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của NCCVCM, đòi hỏi NVCTXH cần có và nắm vững một số kỹ năng sau:
- Kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe trong CTXH là một quá trình lắng nghe tích cực, đòi hỏi NVCTXH phải biết quan sát những hành vi của NCCVCM một cách tinh tế, phải tập trung chú ý cao độ và phải tôn trọng, chấp nhận NCCVCM và vấn đề của họ, đồng thời giúp họ nhận biết là mình đang được quan tâm và chia sẻ. Kỹ năng lắng nghe thể hiện ở khả năng tập trung cao độ tới điều NCCVCM trình bày và thể hiện qua hành vi, cử chỉ, nghe không chỉ bằng tai mà bằng con mắt và bằng cả cái tâm của người NVCTXH.
- Kỹ năng quan sát. Trong hoạt động nghề nghiệp của mình thì không chỉ lời nói đem lại cho NVCTXH những thông tin về NCCVCM mà ngay cả những cử chỉ không lời của NCCVCM cũng có thể mang lại cho NVCTXH những thông tin quan trọng về nội dung chuyển tải của họ. Vì vậy, để kỹ năng quan sát được thực hiện tốt, đòi hỏi NVCTXH cần có khả năng nhận thức tinh tế về các vấn đề của NCCVCM, phải biết cách quan sát tổng thể về hành vi, diện mạo bên ngoài đến những đặc điểm tâm lý, đặc biệt là những sắc thái tình cảm xảy ra giữa NCCVCM với người khác và với NVCTXH.
- Kỹ năng giao tiếp. Là năng lực vận dụng hiệu quả các tri thức, hiểu biết về quá trình giao tiếp, các yếu tố tham gia và ảnh hưởng đến giao tiếp...
Để thực hiện được kỹ năng này, NVCTXH phải có khả năng thiết lập các mối quan hệ, biết lắng nghe tích cực, biết phản hồi cảm xúc và lắng nghe những nội dung mà NCCVCM chia sẻ, biết cách thu thập thông tin...
- Kỹ năng tham vấn. Là quá trình NVCTXH sử dụng những kiến thức, kỹ năng chuyên môn để giúp NCCVCM giải quyết hoặc tăng cường khả năng tự giải quyết vấn đề, tăng cường chức năng xã hội của mình. Mục tiêu là giúp
NCCVCM hiểu được cảm xúc, suy nhgĩ của chính họ, hoàn cảnh vấn đề, sử dụng những tiềm năng nguồn lực vào giải quyết vấn đề, giúp NCCVCM nâng cao khả năng đối phó với vấn đề trong cuộc sống.
- Kỹ năng kết nối nguồn lực. Đây được coi là kỹ năng cơ bản trong CTXH. Để cung cấp DVCTXH cho NCCVCM và khai thác tối đa hiệu quả của dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của NCCVCM đòi hỏi NVCTXH cần phải biêý cách vận động và liên kết các nguồn lực khác nhau lại để phát huy sức mạnh trợ giúp cho NCCVCM. Kết nối nguồn lực để trợ giúp cho NCCVCM có thể được hiểu theo 3 khía cạnh: kết nối giữa nguồn lực nào đó với NCCVCM; kết nối giữa các nguồn lực khác nhau để cùng giải quyết vấn đề và trợ giúp cho NCCVCM; vận động và kết nối ngay chính nguồn lực trong cộng đồng để trợ giúp cho NCCVCM.