Nội dung dịch vụ công tác xã hội đối với người có công cách mạng

Một phần của tài liệu Dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng từ thực tiễn trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng đà nẵng, thành phố đà nẵng (Trang 32 - 37)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI

1.3. Nội dung dịch vụ công tác xã hội đối với người có công cách mạng

1.3.1. Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe

Công tác chăm sóc sức khỏe cho NCCVCM là một tất yếu cần được quan tâm hàng đầu. NCCVCM mang trên mình những vết thương của chiến tranh, khi trái gió trở trời vết thương lại bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Đa số họ phải trải qua những gian khổ vì thế mà sức khỏe của họ không còn đủ để đảm bảo phục vụ cho cuộc sống thường ngày của mình.

Sức khỏe của TB, BB, người bị ảnh hưởng CĐHH, người bị bắt tù, đày nhìn chung bị suy giảm nhiều do thương tật, bệnh tật do hậu quả của chiến tranh để lại nên họ thường xuyên phải chịu những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời cộng với gánh nặng tuổi tác. Những vết thương của chiến tranh đã bào mòn sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của nhiều người. Bộ phận TB, BB khác mặc dù thương tật, bệnh tật nhẹ hơn nhưng sức khỏe của họ cũng bị giảm sút

do tuổi cao, sức yếu, cuộc sống khó khăn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn nên việc khám chữa bệnh không được kịp thời.

Bởi vậy, để chăm sóc tốt hơn đời sống cho TB, BB trước hết cần phải chú ý đến công tác chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám bệnh định kỳ để họ ổn định sức khỏe, ổn định cuộc sống. Việc quan tâm chăm sóc đời sống, cũng như tinh thần, đặc biệt là sức khỏe của TB, BB là việc làm đòi hỏi sự chung tay, góp sức của Nhà nước và cộng đồng.

Hiện nay, toàn bộ NCCVCM đều được cấp bảo hiểm y tế miễn phí tạo điều kiện cho NCCVCM được khám chữa bệnh và cấp thuốc kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho TB, BB. Cùng với việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, để chăm sóc tốt hơn đời sống tinh thần cho NCCVCM, ngành LĐTBXH tổ chức cho TB, BB đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm chăm sóc NCCVCM và tại gia đình nhằm tạo điều kiện cho NCCVCM có thời gian thư giãn, tham quan du lịch, điều dưỡng nâng cao thể trạng và ôn lại kỷ niệm với đồng đội.

Có thể nói rằng công tác chăm sóc sức khỏe cho NCCVCM ngày càng được đẩy mạnh, thực hiện một cách có hiệu quả, đem lại sự tin tưởng cho NCCVCM và sự ủng hộ của người dân.

1.3.2. Hỗ trợ tâm lý

NCCVCM luôn có ý thức tự hào về quá khứ cống hiến của mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có tinh thần gìn giữ những phẩm chất, truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng của dân tộc. Đại bộ phận NCCVCM luôn gương mẫu trong đời sống và công tác, trung thành với Tổ quốc, với chế độ mà họ đã không ngại hy sinh, gian khổ để chiến đấu và bảo vệ. Khi hòa bình lập lại cho đến nay, nhiều người trong số họ dù mang trong mình những thương tật, bệnh tật nhưng vẫn cố gắng vươn lên tìm cho mình một công việc phù hợp để vượt qua khó khăn, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, xây dựng

địa phương và nhiều người đã trở thành tấm gương lao động giỏi, chiến sỹ thi đua, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín.

Bên cạnh những NCCVCM phát huy phẩm chất, bản lĩnh, tinh thần cách mạng, có ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn, vẫn có một bộ phận NCCVCM có tâm trạng mặc cảm thì nghĩ bị thua thiệt, cảm giác mất mát so với những người xung quanh nên họ thích được mọi người quan tâm, chăm sóc hơn những người bình thường.

NCCVCM thuộc đối tượng là người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 hoặc người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 hiện nay còn sống rất ít và tuổi đã cao nên họ có nếp sống khiêm tốn, giản dị, ít đòi hỏi quyền lợi cá nhân về đời sống vật chất nhưng về đời sống tinh thần, nhất là thông tin thời sự, chính trị lại khá cao; thích được cung cấp thông tin, tìm hiểu, bình luận tình hình trong nước và thế giới…

NCCVCM thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đa số ở tuổi trung niên và bước vào tuổi cao, có trình độ học vấn và chính trị nên dễ nhạy cảm với chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến họ; họ có ý thức tự chủ, tự kiềm chế, đúng đắn, hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, có một số trường hợp cá biệt có biểu hiện tư tưởng công thần, đòi hỏi, lợi dụng các chính sách để làm việc sai trái…

NCCVCM thời kỳ 1975 trở lại đây phần lớn tuổi còn trẻ, trình độ học vấn cao. Họ có ý thức giữ gìn phẩm chất, truyền thống, tinh thần cách mạng, chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, còn một số ít người vẫn nặng về tâm lý nên có cách nhìn phiến diện, thấy mình thua thiệt bạn bè, người thân, sinh hoài nghi thiếu tin tưởng.

1.3.3. Kết nối nguồn lực

Sự đóng góp của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp là nguồn lực không thể thiếu để đạt mục tiêu của chính sách và là nguồn bổ sung phong phú để góp phần cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn đời sống của NCCVCM và thân nhân gia đình. Sự đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng là nguồn bù đắp những thiếu hụt của các GĐCS và bổ sung những nội dung mà chính sách Nhà nước với tính chất là mặt bằng chung cho NCCVCM không thể đạt tới, kịp thời giải quyết những nhu cầu bức xúc trong cuộc sống của GĐCS. Hơn nữa, phần lớn NCCVCM sống tại cộng đồng, cho nên cộng đồng chính là nơi gần gũi nhất, trực tiếp nhất có thể phát hiện kịp thời và chia sẻ những khó khăn của NCCVCM như:

+ Chăm sóc TB, BB nặng có hoàn cảnh khó khăn; nhận đỡ đầu con liệt sĩ, con TB, phụng dưỡng cha mẹ liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng neo đơn không nơi nương tựa.

+ Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng để giảm tải cho y tế tuyến trên.

+ Tiếp nhận con TB, BB, liệt sĩ, thân nhân GĐCS vào doanh nghiệp để đào tạo nghề, tạo việc làm.

+ Hỗ trợ kinh phí, vật tư xây dựng, sửa chữa nhà ở.

+ Động viên NCCVCM tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Xã hội hóa công tác chăm lo cho NCCVCM, GĐCS có ý nghĩa và sức mạnh rất lớn. Cùng với các chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của cộng đồng đã tạo nên nguồn lực to lớn giúp đời sống vật chất, tinh thần của NCCVCM càng ngày được cải thiện và nâng cao; đồng thời tạo mọi nguồn lực để NCCVCM nỗ lực vươn lên. Ngân sách Nhà nước chi cho ưu đãi xã hội hằng năm phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, phong trào xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với các chương trình cụ thể như: Tặng

nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kệm, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, nhận đỡ đầu con LS, con TB, xây dựng xã, phường làm tốt công tác TBLS và NCCVCM… đã phát triển sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

1.3.4. Hỗ trợ vật chất, tinh thần

So với những thành viên khác trong xã hội, điều kiện sống của NCCVCM nhìn chung gặp khó khăn hơn bởi khả năng tham gia vào thị trường lao động của nhóm người này hạn chế. Điều này bắt nguồn từ những tổn thương về thể chất và tinh thần mà những cá nhân này đã đóng góp trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống đối với NCCVCM có tác động tích cực đến quan điểm, nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước, thể hiện sự tri ân của cộng đồng đối với sự hy sinh, đóng góp của NCCVCM trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Việc các cá nhân có sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự bình yên của đất nước hay không cũng có phần dựa trên cách mà họ nhìn nhận về sự ưu đãi của Nhà nước đối với cuộc sống hiện tại của các gia đình NCCVCM. Thực hiện tốt việc bảo đảm đời sống đối với NCCVCM sẽ góp phần ổn định chính trị, giữ vững thể chế, tạo điều kiện để phát triển đất nước bền vững.

Trong đời sống, con người không những có nhu cầu về vật chất mà còn có nhu cầu về tinh thần. Đó là nhu cầu khách quan mà Nhà nước và xã hội cần phải quan tâm, đáp ứng. Với NCCVCM cũng vậy, họ cần phải được bảo đảm về đời sống. TB, BB rất cần sự chăm sóc, động viên về tinh thần nhằm thoát khỏi sự tự ti vì thương tật, bệnh tật, vì sức khỏe, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Các chế độ về vay vốn, miễn, giảm thuế… cũng cần được thực hiện với tinh thần ưu đãi. Đồng thời, những chính sách ưu đãi cho con TB, BB nặng, con LS, con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH suy giảm khả năng

lao động nặng trong thời gian đi học như: ưu tiên trong tuyển sinh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, tạo điều kiện giải quyết việc làm sau khi ra trường.

1.3.5. Hỗ trợ vui chơi, giải trí

Trong nhiều năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước đã được chú trọng đầu tư. Phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở ngày càng được tiến hành rộng khắp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên ngày càng phát triển sâu rộng trên khắp các vùng, miền của cả nước và được các ngành, các đoàn thể hưởng ứng, được các tầng lớp nhân dân đồng tình thực hiện. Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2011) đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Cùng với đó là phong trào “Người tốt việc tốt” đã góp phần tích cực vào việc định hình và xây dựng nhân cách con người trong đời sống văn hóa mới. Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đã tạo điều kiện để NCCVCM được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao là một trong những chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng và Nhà nước; cũng là một trong những nội dung trọng tâm của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Một phần của tài liệu Dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng từ thực tiễn trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng đà nẵng, thành phố đà nẵng (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w