Chương 2 THỰC TRẠNG NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ THỰC
2.3. Thực trạng dịch vụ công tác xã hội đối với người có công với cách mạng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà
2.3.1. Thực trạng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe
Rất nhiều NCCVCM Trung tâm đang chăm sóc mang trên mình những vết thương của chiến tranh, nhiều người vẫn còn mảnh bom, đạn nằm sâu trong cơ thể nên khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa đông vết thương lại bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đa số họ phải trải qua những gian khổ vì thế mà sức khỏe bị suy giảm nhiều, không còn đủ để đảm bảo phục vụ cho cuộc sống thường ngày của mình. Do đó, Trung tâm chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh cơ quan luôn sạch sẽ, thoáng mát, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; phòng ở của NCC được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông; chế độ ăn uống hằng ngày được lên kế hoạch và thực đơn chi tiết, món ăn phù hợp với bệnh lý, sức khỏe, nhất là với những người già yếu, thường hay ốm đau.
Để NCC ổn định sức khỏe, hằng ngày nhân viên y tế thực hiện việc hướng dẫn tập thể dục dưỡng sinh vào buổi sáng; kiểm tra huyết áp, kẹp nhiệt, châm cứu, vật lý trị liệu, massage, phục hồi chức năng. Những trường hợp ốm đau thông thường được điều trị tại chỗ, những ca bệnh vượt khả năng, Trung tâm chuyển điều trị tại Bênh viện C Đà Nẵng (là nơi khám chữa bệnh ban đầu của NCC tại Trung tâm) hoặc các bệnh viện chuyên khoa đúng theo quy định, bố trí nhân viên hộ lý phục vụ, chăm sóc rất tận tình, chu đáo 24/24 giờ.
Trung tâm có 1 phòng tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt với đầy đủ trang thiết bị để chăm sóc sức khỏe cho NCC.
Đối với NCC thường hay ốm đau, bị bại liệt, nằm bất động sẽ được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Phòng ở được trang bị đèn diệt côn trùng, diệt khuẩn, khử mùi; thường xuyên truyền đạm, truyền dịch, nước trái cây, sinh tố nâng cao thể trạng; hộ lý chăm sóc, phục vụ 24/24 giờ hằng ngày.
Căn cứ vào tình hình sức khỏe NCC, Trung tâm phân loại theo 2 nhóm để thuận tiện trong chăm sóc, phục vụ:
- Nhóm phải trợ giúp hoàn toàn là những NCCVCM thường hay ốm đau, bị bại liệt, nằm bất động không đi lại được (khoảng 20-25 người). Nhân viên hộ lý trực tiếp chăm sóc, phục vụ tất cả các vấn đề có liên quan đến NCC: ăn uống, vệ sinh cá nhân, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh phòng ở...
- Nhóm trợ giúp một phần là những NCCVCM có sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, không làm được việc nặng như: vệ sinh phòng ở, giặt chăn, màng, chiếu... Nhân viên hộ lý chịu trách nhiệm quản lý, trợ giúp kịp thời; nhân viên hành chính quản lý việc chấp hành nội quy của đơn vị, nhắc nhở sử dụng điện nước, kiểm tra vệ sinh nội vụ, sinh hoạt...
Ngoài việc phân công nhân viên hộ lý, nhân viên hành chính trực theo dõi NCC, hằng ngày vào buổi sáng, nhân viên y tế đến từng phòng ở để kiểm tra bệnh, đo huyết áp, kẹp nhiệt nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp phát sinh bệnh đột xuất báo cáo lãnh đạo Trung tâm chỉ đạo và xử lý.
NCCVCM Trung tâm đang chăm sóc đã cao tuổi, sức khỏe yếu, nhiều bệnh nên công tác y tế dự phòng rất được quan tâm, chú trọng. Định kỳ, Trung tâm tổng dọn vệ sinh toàn cơ quan vào ngày thứ Sáu hằng tuần; mỗi tháng phun thuốc thuốc sát khuẩn, diệt muỗi, diệt ruồi 1 lần; truyền thông nâng cao sức khỏe cho NCC mỗi quý 1 lần theo chuyên đề, chủ yếu là cách phòng ngừa bệnh lao, bệnh tai biến, phòng chống té ngã...
Trung tâm liên kết với Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 17 (thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5), Bệnh viện C Đà Nẵng (thuộc Bộ Y tế) để khám, điều trị bệnh cho NCCVCM có sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm, đặc biệt là NCCVCM bị tâm thần kinh do hậu quả của chiến tranh.
Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với Đại học Đà Nẵng triển khai dự án lắp đặt hệ thống theo dõi sức khỏe tự động cho NCC bị đãng trí do tuổi già, bị tâm thần kinh và phòng chống té ngã.
2.3.2. Thực trạng hỗ trợ tâm lý
Mỗi NCCVCM được tiếp nhận, chăm sóc tại Trung tâm có mỗi hoàn cảnh khác nhau nên họ có tâm lý riêng, nhưng nhìn chung thể hiện rõ nét là:
- Về mặt tâm lý: với những NCCVCM mới vào tâm lý chưa ổn định, ít giao tiếp với những người xung quanh, họ thường mặc cảm, tự ti, buồn chán, sống khép mình, khó tiếp cận, rất e ngại khi nhờ nhân viên và những người ở chung phòng giúp đỡ; họ sợ bị phụ thuộc, sợ sẽ trở thành gánh nặng cho mọi người nên lãnh đạo Trung tâm và cán bộ công tác xã hội thường xuyên thăm hỏi, động viên, mở hồ sơ quản lý trường hợp (case) để theo dõi, trị liệu. Phải mất một thời gian khá dài họ mới hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt của tập thể.
Với những NCCVCM đã có thời gian dài gắn bó với Trung tâm, nhiều người có sự so sánh cuộc sống hiện tại và cuộc sống trước kia của họ và với cuộc sống của những NCC đang sống tại cộng đồng có thể có cả người thân quen. Từ đó họ an tâm hơn, sống mở lòng hơn, biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội mà cụ thể là với lãnh đạo, nhân viên của Trung tâm. Họ sống chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ những người có sức khỏe yếu hơn mình; chấp hành tốt nội quy của cơ quan, chia sẻ tâm tư tình cảm với mọi người, biết cách chăm sóc bản thân, giữ gìn sức khỏe, sống có trách nhiệm, mẫu mực.
Có một số NCC còn mang nặng tư tưởng mình là NCC nên có tính công thần, ỷ lại, bắt buộc xã hội, Trung tâm phải phục vụ. Một số người bị đãng trí do tuổi già, bị rối nhiễu tâm trí, tâm thần kinh tâm lý không ổn định, khi vui, khi buồn, la mắng, dễ hờn giận, hoài nghi, hay suy diễn, quậy phá, có những hành động ngang ngược; họ hay cãi vã với mọi người trong phòng, thậm chí có người còn chửi mắng cả đối với nhân viên và những người phục vụ. Với những người này, việc chăm sóc và quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Khi được tiếp nhận vào Trung tâm, NCC được đánh giá sàng lọc sức khỏe ban đầu và nhu cầu khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, chỉnh hình, làm chân tay giả, cấp xe lăn, mổ mắt, máy trợ thính…để họ sớm ổn định tâm lý, sức khỏe và điều trị bệnh được thuận lợi, hiệu quả, nhất là với NCC có sức khỏe yếu, tiền sử bị bệnh tật, bị thương tích.
Để hỗ trợ tâm lý cho NCC, cuối năm 2016, Trung tâm đã thành lập bộ phận công tác xã hội thuộc Phòng Tổng hợp - Hành chính để mở hồ sơ quản lý trường hợp (case), theo dõi đánh giá biến động tâm lý, tham vấn, kết nối nguồn lực... để hỗ trợ, phục vụ NCC; lãnh đạo Trung tâm thường xuyên theo dõi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của NCC để kịp thời giải quyết, hỗ trợ những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, chấn chỉnh những việc làm không đúng, suy nghĩ sai lệch, mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày giữa NCC với nhau và kịp thời chỉ đạo, uốn nắn nhân viên trong việc chăm sóc, phục vụ NCC, xem NCC như người thân trong gia đình. Từ đó mối quan hệ giữa NCC và nhân viên Trung tâm ngày càng gắn bó, NCC thường hay chia sẻ, tâm sự với nhân viên.
Về mặt xã hội: Do việc đi lại khó khăn nên phần lớn thời gian và cuộc sống của NCC đều ở Trung tâm nên quan hệ xã hội của họ bị thu hẹp đáng kể;
sự thay đổi nhanh chóng của xã hội bên ngoài dễ làm cho họ cảm thấy những hiểu biết, giá trị của mình bị lỗi thời nên dễ bi quan. Vì vậy Trung tâm đã trang bị đầy đủ phương tiện nghe, nhìn trong các phòng ở, có thư viện với hơn 1.000 đầu sách và hằng ngày NCC được cung cấp báo để theo dõi tin tức, giải trí.
Một số NCCVCM có nhu cầu sau khi qua đời sẽ được thân nhân gia đình nhận đem về an táng. Với nhu cầu tưởng chừng như đơn giản và phù hợp với lẽ tự nhiên này nhưng lại không thể thực hiện được với một số người vì có người không còn người thân, có người hoàn cảnh người thân quá khó khăn,
có người ở xa không về được. Trung tâm có Nhà Tang lễ để tổ chức lễ tang cho NCC khi họ qua đời và được tổ chức theo Quy chế tổ chức tang lễ do UBND thành phố ban hành. NCC được an táng tại Nghĩa trang của Trung tâm và được thờ cúng chu đáo. Điều đó làm cho NCC rất an tâm.
Ngoài ra, hiện có 13 NCC là đảng viên cùng sinh hoạt Đảng với Chi bộ Trung tâm nên họ được cung cấp thông tin có liên quan đầy đủ, kịp thời hơn nên cũng cảm thấy thoải mái, gần gũi. Lãnh đạo, nhân viên luôn xem NCC là trung tâm của sự phục vụ với quan điểm “Phục vụ NCC chưa xong, cán bộ chưa nghỉ”, “Nghe NCC nói, nói NCC nghe, phục vụ NCC tin”; Trung tâm luôn xem NCC là nguồn lực quý giá để ổn định, phát triển nên định kỳ hằng tháng lãnh đạo tổ chức họp đối thoại với NCC để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NCC cũng như phản ánh thái độ phục vụ, tác phong, lề lối làm việc của công chức, viên chức, người lao động Trung tâm. Qua đó phát huy những mặt mạnh và những hạn chế tồn tại của việc chấp hành nội quy của NCC và cả tinh thần phục vụ của cán bộ, nhân viên. Tạo niềm tin cho NCC và tạo sự công bằng, dân chủ trong đơn vị. Thắt chặt hơn mối quan hệ giữa NCCVCM và cán bộ, nhân viên.
2.3.3. Thực trạng kết nối nguồn lực
Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC, Trung tâm đã kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố hỗ trợ vật chất cho NCC như: Tổng Công ty Cienco 5, Công ty 545, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công ty Cao su Đà Nẵng, Bưu chính viễn thông Đà Nẵng, Công ty cổ phần Điện lực miền Trung, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, vùng 3 Hải quân…;
các bệnh viện để chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh như Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 17, Bệnh viện ung thư Đà Nẵng; các trường như Đại học Kinh tế, Đại học Duy Tân, Đại học Sư phạm, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật để thường xuyên tổ
chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ với NCC; kết nối với địa phương, đơn vị, đồng đội của NCC để xác minh tìm thân nhân gia đình.
Nhìn chung, Trung tâm đã làm rất tốt việc kết nối các nguồn lực để huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng nhằm chăm lo cho NCC. Qua các hoạt động nói trên, NCC thấy ấm áp hơn, vui khỏe hơn, nhất là về đời sống tinh thần.
2.3.4. Thực trạng hỗ trợ vật chất, tinh thần
Cũng như mọi người, NCCVCM rất cần có cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ và hạnh phúc bên gia đình. Mặt khác họ đã có nhiều cống hiến hy sinh cho đất nước, chịu nhiều thiệt thòi, mất mát vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do đó họ rất cần được mọi người tôn trọng, quan tâm chăm sóc, chia sẻ và động viên để họ vơi đi nỗi đau mất mát người thân, vượt qua nỗi đau bệnh tật do hậu quả chiến tranh để lại. NCCVCM có mong muốn được Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm đến đời sống, nhất là về tinh thần.
Trung tâm cấp phát tiền lương hằng tháng và các khoảng phụ cấp cho NCC kịp thời để họ chi têu, bồi dưỡng thêm. So với mặt bằng chung hiện nay, NCCVCM ở Trung tâm có đời sống vật chất đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe chu đáo.
Trong các năm gần đây, Trung tâm thường xuyên tổ chức cho NCC thăm lại chiến trường xưa, các căn cứ địa cách mạng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lấy hình tượng mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ tại tỉnh Quảng Nam, thăm khu di tích Khu ủy khu 5…
NCCVCM sống tại Trung tâm được nghỉ phép 30 ngày/người/năm và được thanh toán chế độ nghỉ phép để về thăm thân nhân gia đình và thắp hương ông bà, tổ tiên.
Trung tâm có xây dựng một nhà thờ để thờ cúng NCCVCM qua đời nhưng không có người thân đưa về an táng. NCCVCM thường hay viếng thăm và chăm lo hương khói cho những người cùng hoàn cảnh. Vào những ngày Lễ, Tết, Trung tâm tổ chức cúng kính, tu tảo phần mộ NCCVCM qua đời rất chu đáo, góp phần tạo sự ấm cúng đối với người quá cố và tạo được niềm tin, sự an tâm gắn bó phần còn lại của cuộc đời với Trung tâm.
NCCVCM luôn xem Trung tâm là mái ấm phía cuối đời của họ.
2.3.5. Thực trạng hỗ trợ vui chơi, giải trí
Trung tâm duy trì thường xuyên việc tập thể dục dưỡng sinh buổi sáng, cho NCC còn khỏe, tập vật lý trị liệu, đưa NCC nằm bất động, sức khỏe yếu ra tắm nắng hằng ngày. Định kỳ vào chiều thứ Ba, thứ Sáu hằng tuần tổ chức sinh hoạt tinh thần, vui chơi, giải trí qua các hoạt động như: xem phim tư liệu, phóng sự, thời sự, tin tức, văn nghệ…
Trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán, Trung tâm tổ chức cho NCC mừng Đảng, đón xuân và sum họp gia đình chu đáo; cấp phát tận tay đầy đủ, kịp thời tiền lương và các khoảng trợ cấp quà tết, góp phần rất lớn trong việc động viên, an ủi các cụ nhân dịp xuân về. Tổ chức đi thăm hỏi, chúc tết đối với các cụ tại gia, đau ốm nằm viện.
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa văn nghệ như: chương trình “Thay lời tri ân”, chương trình văn nghệ và tặng quà của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm văn hóa thành phố, Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan thành phố, chương trình chiếu phim cách mạng của Trung tâm phát hành phim…
Trung tâm tổ chức các buổi tọa đàm, hái hoa dân chủ, gặp mặt cho NCC là nữ vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Người cao tuổi Việt Nam 06/6, Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10; tổ chức
sinh hoạt, tuyên truyền Luật Người khuyết tật và các chính sách trợ giúp người khuyết tật vào Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12.
Với NCC tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95 và trên 100 tuổi, Trung tâm phối với Hội Người cao tuổi phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn để tổ chức mừng thọ và chúc thọ.
2.3.6. Thực trạng hỗ trợ về ăn, ở
Cơ sở hạ tầng của Trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang gồm 2 khu nhà 2 tầng với tổng cộng 40 phòng ở (mỗi phòng 45m2/3 người ở) và các công trình phụ trợ khác, diện tích sử dụng 2.500 m2, tiện nghi đầy đủ, hiện đại để phục vụ chăm sóc NCC. Phòng ở của NCC được trang bị máy điều hòa, ti vi kết nối truyền hình cáp, quạt treo tường, đèn ngủ, phòng tắm khép kín có máy nước nóng lạnh. tủ đựng đồ cá nhân; phòng chăm sóc đặc biệt được trang bị máy sưởi, đèn diệt côn trùng, diệt khuẩn, khử mùi…
So với quy định tại Điều 11, Điều 12 chương II Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội thì cơ sở hạ tầng của Trung tâm vượt tiêu chuẩn rất nhiều. Đây là điều rất tốt nâng cao tiện ích sinh hoạt, hiệu quả chăm sóc, phục vụ NCC.
- Về trang phục: Thực hiện cấp phát quần áo đồng phục, vật dụng sinh hoạt đúng theo quy định của Nhà nước (quy định cụ thể chủng loại, số lượng, thời gian sử dụng của quần áo các loại, chăn chiếu, mùng, gối, khăn mặt, mũ nón, giày dép và nhu yếu phẩm đảm bảo phục vụ sinh hoạt). Kịp thời cấp phát áo ấm, chăn mền, đèn sưởi những khi trời lạnh, hay tăng cường quạt gió, hệ thống phun nước làm mát khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhằm đảm bảo sức khỏe cho NCC trong những lúc thời tiết thay đổi thất thường, đột ngột.