CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1 Đánh giá những kết quả nghiên cứu đã công bố liên quan đến đề tài
1.1.3. Những đề xuất trong các công trình nghiên cứu nhằm giải quyết tranh chấp về quy chế pháp lý của đảo
- Đề xuất về quan điểm, lập trường của Việt Nam:
Hiện nay, đã có các công trình nghiên cứu đề xuất quan điểm cho Việt Nam về từng nội dung của quy chế pháp lý đảo nhưng các quan điểm đó còn khác nhau và chưa toàn diện về tất cả các nội dung của quy chế pháp lý đảo. Có thể khái quát thực trạng nghiên cứu về vấn đề này như sau:
+ Về đường cơ sở của Việt Nam:
Johan Henrik Nossum (2000) trong đề tài “Straight baseline of Viet Nam” [74]
và Valencia, Mark J. & Jon M. Van Dyke (1994) trong bài viết "Vietnam's national interest and the law of the sea" [124, tr.217-250] kiến nghị Việt Nam nên rút lại yêu sách đường cơ sở theo Tuyên bố năm 1982 để góp phần nâng cao uy tín quốc gia và giải quyết tranh chấp về phân định biển. Trong khi đó, tác giả Lê Quý Quỳnh (2004) trong bài viết “Đường cơ sở thẳng của Việt Nam và phương hướng sửa đổi,
bổ sung theo Công ước 1982” [22] đề xuất rằng: các điểm cơ sở của Việt Nam xa bờ nhưng có thể biện minh trên cơ sở “lợi ích kinh tế riêng biệt của vùng” như quy định tại Điều 7(5) UNCLOS 1982. Tuy nhiên, UNCLOS 1982 đã quy định Điều 7(5) chỉ được viện dẫn nếu như bờ biển đã đáp ứng một trong các hoàn cảnh nêu ở Điều 7(1) UNCLOS 1982. Hơn nữa, cuối cùng tác giả Lê Quý Quỳnh (và một số tác giả khác trong một số công trình nghiên cứu khác nữa) kiến nghị rằng: đường cơ sở ven bờ lục địa của Việt Nam theo Tuyên bố năm 1982 nên được sửa đổi, bởi vì một số điểm cơ sở là đảo chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS 1982 [22, tr.62; 73; 74]. Quan điểm này còn có điểm chưa thực sự hợp lý nếu như nghiên cứu kỹ hơn về đường cơ sở của Việt Nam hiện nay trên cơ sở đối chiếu với quy định của UNCLOS 1982 và thực tiễn các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Vì vậy, quan điểm của các tác giả nêu trên cần được đánh giá lại trên cơ sở phân tích pháp luật, thực tiễn đường cơ sở của Việt Nam và thực tiễn quốc tế. Một điểm đáng lưu ý nữa là, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào đề xuất quan điểm lập trường và cách thức cụ thể để xác định đường cơ sở cho quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
+ Về vùng biển của các cấu trúc ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:
Các công trình nghiên cứu tiêu biểu về vấn đề này là: Marius Gjetnes (2000) trong “The legal regime of islands in the South China Sea” [81, tr.71-80]; Nguyen, Lan Anh Thi (2008) trong “The South China Sea Dispute: a reappraisal in the light of international law” [87, tr.56-61]; Yann-huei Song (2009), trong “Việc áp dụng Điều 121 Khoản 3 Công ước Luật biển với năm đảo tranh chấp ở Biển Đông” [33, tr.81-90]; Nguyễn Thị Lan Anh (2010), trong “Quy chế pháp lý của đảo và tranh chấp Biển Đông: Quan điểm nào cho Việt Nam” [2]; Lê Hồng Tiến (2014) trong
“Quy chế pháp lý của đảo theo luật pháp quốc tế- Áp dụng tại quần đảo Trường Sa” [29, tr.54-63]; Phạm Thị Giang (2015) trong “Quy chế pháp lý của các đảo theo Khoản 3 Điều 121 Công ước luật biển 1982- Liên hệ với những tranh chấp trên Biển Đông” [15, tr.82-96]…Mặc dù đưa ra quan điểm khác nhau về số lượng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có đầy đủ các vùng biển nhưng nhìn chung, các công trình nghiên cứu nêu trên đều cho rằng một số cấu trúc ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là đảo được hưởng đầy đủ các vùng biển và đó là kết quả giải thích có lợi nhất cho các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Quan điểm này cần phải được nghiên cứu thêm, bởi vì Tòa trọng tài trong vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc (2016) đã kết luận rằng “không có cấu trúc nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất nào ở quần đảo Trường Sa có thể được
hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” [145, đoạn 632 & 646]. Hơn nữa, để chứng minh khả năng “thích hợp cho con người đến ở và đời sống kinh tế riêng”, phần lớn các nghiên cứu nêu trên chỉ căn cứ vào điều kiện tự nhiên hiện nay của các cấu trúc cấu trúc ở quần đảo Trường Sa mà không phân tích cụ thể về khả năng của các cấu trúc ở quần đảo Hoàng Sa [29; 33; 87]. Trong khi đó, một số công trình nghiên cứu tuy đề cập đến các cấu trúc ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nói chung nhưng do quy mô (là các bài nghiên cứu) nên việc chứng minh cụ thể các điều kiện tự nhiên và khách quan của các cấu trúc ở quần đảo Hoàng Sa chỉ là sự dẫn chiếu tương tự từ những phân tích về các cấu trúc ở quần đảo Trường Sa.
Công trình nghiên cứu của Nguyễn Toàn Thắng (2015) trong đề tài “Vấn đề phân định biển trong luật quốc tế và thực tiễn phân định biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực” [28, tr.98]; Nguyễn Bá Diến (2009) trong “Quy chế pháp lý quốc tế chung về biển, đảo và những vấn đề cần áp dụng đối với Hoàng Sa, Trường Sa” [11, tr.160]… cho rằng, tất cả các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa chỉ là đảo đá nên chúng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Tuy nhiên, các bãi cạn lúc chìm lúc nổi ở hai quần đảo này cũng có vai trò nhất định trong hoạch định đường cơ sở của các đảo liền kề. Tác giả Nguyễn Bá Diến (2009) trong bài viết “Quy chế pháp lý quốc tế chung về biển, đảo và những vấn đề cần áp dụng đối với Hoàng Sa, Trường Sa” [11, tr.160] và Phạm Thị Giang (2015) trong đề tài “Quy chế pháp lý của các đảo theo Khoản 3 Điều 121 Công ước luật biển 1982- Liên hệ với những tranh chấp trên Biển Đông” [15, tr.82]
còn cho rằng, các bãi cạn lúc chìm lúc nổi nằm cách các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa một khoảng cách lớn hơn 12 hải lý thì quốc gia chỉ có thể thực hiện chủ quyền đối với các bãi cạn lúc chìm lúc nổi đó mà không có chủ quyền, quyền chủ quyền với các vùng biển bao quanh. Trong khi đó, từ năm 2001, ICJ đã kết luận trong vụ Qatar kiện Bahrain (2001) rằng, “các quy tắc ít ỏi hiện thời không thỏa mãn một giả thiết chung rằng bãi cạn lúc nổi lúc chìm là lãnh thổ theo nghĩa như là các đảo” [141, đoạn.206]. Như vậy, vấn đề xác định phạm vi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trên cơ sở quy chế pháp lý của các cấu trúc ở hai quần đảo này rất cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.
+ Về vai trò của đảo trong phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng:
Nghiên cứu của Nguyen, Lan Anh Thi (2008) trong đề tài “The South China Sea Dispute: a reappraisal in the light of international law” [87, tr.62] đã dự đoán triển vọng phân định vùng biển của các đảo ở quần đảo Trường Sa với nhau và với
vùng biển của đất liền mà chưa đưa ra kiến nghị đối với bất cứ quốc gia cụ thể nào.
Các công trình nghiên cứu khác ở nước ngoài tuy có đề cập đến cả các đảo ở quần đảo Hoàng Sa nhưng cũng chỉ dừng lại ở mục đích phác thảo các triển vọng như trên, không đưa ra bất cứ đề xuất cụ thể nào để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Đối với các công trình nghiên cứu ở trong nước, đề tài của Nguyễn Toàn Thắng (2015) có nghiên cứu thực tiễn phân định các vùng biển của đất liền lục địa Việt Nam với vùng biển tương ứng của các quốc gia láng giềng nhưng chưa đề xuất triển vọng phân định và lập trường quan điểm cho Việt Nam khi phân định các vùng biển hiện nay còn tranh chấp [28]. Bài viết “Địa vị pháp lý của đảo trong phân định các vùng biển” của tác giả Nguyễn Bá Diến [12] và “Luật quốc tế về phân định biển và tác động đến tranh chấp Biển Đông” của Nguyễn Thị Lan Anh trong cuốn “Biển Đông: Hướng tới một khu vực hòa bình, an ninh và hợp tác” [1, tr.287] đã đề xuất một số khả năng về hiệu lực của các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đối với việc xác định các vùng biển, tùy thuộc vào vị trí của chúng nằm ở trong hay ngoài thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, do giới hạn về đối tượng và phạm vi nghiên cứu nên các công trình này cũng chưa đưa ra những luận giải cụ thể và đề xuất quan điểm chung về hiệu lực của các đảo trong phân định vùng biển giữa bờ biển đất liền của Việt Nam với bờ biển tương ứng của quốc gia láng giềng. Mặc dù vậy, một số kết quả nghiên cứu về hiệu lực của đảo trong phân định biển nói chung và những gợi ý về giả định kết quả phân định giữa các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với bờ biển đất liền sẽ rất có giá trị kế thừa khi nghiên cứu sinh lập luận đưa ra các đề xuất trong Luận án này.
- Đề xuất biện pháp và điều kiện đảm bảo để thực hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam:
Trong các công trình ngiên cứu kể trên, chỉ có công trình nghiên cứu của Nguyen, Lan Anh Thi đề xuất biện pháp ngoại giao hướng đến chế độ hợp tác phát triển chung bởi vì biện pháp tài phán theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 khó khả thi.
Nghiên cứu này cũng gợi ý về mô hình và đối tượng hợp tác phát triển chung giữa các quốc gia ven Biển Đông. Các công trình nghiên cứu khác với quy mô nhỏ hơn ở nước ngoài cũng có đề xuất tương tự nhưng chưa có công trình nào đề xuất các biện pháp cụ thể cho Việt Nam.
Các công trình nghiên cứu ở trong nước hiện nay cũng chỉ đưa ra những kiến nghị chung về quan điểm, lập trường đối với các bên trong tranh chấp ở Biển Đông mà không đưa ra kiến nghị các biện pháp và điều kiện đảm bảo để thực hiện quan
điểm, lập trường của riêng Việt Nam. Hợp tác phát triển chung cũng không phải là đề xuất mới trong các công trình nghiên cứu ở Việt Nam. Tuy nhiên, trừ bài viết của Nguyễn Đăng Thắng (2016) trong “Xác định vùng biển tranh chấp”: Cơ sở cho việc hợp tác khai thác chung tại Biển Đông” [27], các công trình nghiên cứu đã có thường phân tích ưu điểm của biện pháp khai thác chung, các mô hình khai thác chung, thực tiễn khai thác chung…nhưng chưa có công trình nào làm rõ các nguyên tắc mà Việt Nam cần thực hiện khi xác định phạm vi khu vực hợp tác khai thác chung.
Tóm lại, mặc dù đã có các công trình nghiên cứu về biện pháp giải quyết tranh chấp biển đảo nói chung nhưng các nghiên cứu tiếp theo vẫn cần được tiến hành để đánh giá các ưu điểm và hạn chế của từng biện pháp giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong trường hợp giải quyết tranh chấp về quy chế pháp lý của đảo, từ đó đưa ra đề xuất biện pháp khả thi cho Việt Nam.