Đặc điểm của quy chế pháp lý đảo trong luật biển quốc tế

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý của đảo theo quy định của công ước luật biển năm 1982 và những vấn đề đặt ra đối với việt nam (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA ĐẢO TRONG LUẬT BIỂN QUỐC TẾ

2.1 Khái niệm quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế

2.1.3. Đặc điểm của quy chế pháp lý đảo trong luật biển quốc tế

2.1.3.1 Trao cho đảo khả năng được hưởng không gian biển giống như đất liền

Theo quy định của luật biển quốc tế, đảo có khả năng được hưởng các không gian biển giống như đất liền và khả năng này được thể hiện cụ thể qua vai trò của đảo trong xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, trong tạo ra các vùng biển riêng và trong phân định biển giữa các quốc gia.

Nhìn chung, các cấu trúc trên biển bao gồm hai loại là các cấu trúc tự nhiên (như đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi chìm, mỏm đá…) và các cấu trúc nhân tạo (như đảo nhân tạo, các công trình, thiết bị…). Trừ đảo và bãi cạn lúc chìm lúc nổi,

luật biển quốc tế chưa định nghĩa cụ thể về các cấu trúc trên nhưng lại có sự phân biệt về quy chế pháp lý của chúng, trong đó chỉ có đảo mới có khả năng được hưởng các không gian biển giống như đất liền.

Trước hết, “đất thống trị biển” là nguyên tắc cơ bản của luật biển quốc tế trong đó ghi nhận đất là điều kiện tiên quyết để mở rộng chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia hướng ra biển cả [13, tr.187; 144, đoạn 55]. Vì đảo “là một vùng đất…ở trên mặt nước khi thủy triều lên” nên đảo có thể là đối tượng để xác lập danh nghĩa chủ quyền quốc gia và có khả năng được hưởng các không gian biển giống như đất liền.

Mặc dù “là vùng đất” có nhiều điểm tương đồng với đảo nhưng bị “ngập nước khi thủy triều lên” [116, 117] nên các bãi cạn lúc nổi lúc chìm không thể là đối tượng để xác lập chủ quyền lãnh thổ và khả năng của chúng được hưởng các không gian biển sẽ bị hạn chế hơn so với đảo. Các bãi chìm không có “ngấn nước triều thấp nhất dọc bờ biển” (Điều 5 UNCLOS 1982) nên chúng chỉ là một phần của thềm lục địa và đáy đại dương, không có khả năng được hưởng các không gian biển.

Về thành phần vật chất cấu thành, hầu hết các mỏm đá, đá ngầm ven bờ là san hô. Mặc dù san hô là cấu trúc sinh vật hữu cơ nhưng dưới góc độ luật biển, san hô được xem như là cấu trúc vô cơ và nó có thể tụ lại thành đá ngầm hoặc đảo (nằm trên san hô). Theo Văn phòng UN về các vấn đề đại dương và Luật biển, “các mỏm đá (reefs) là một bãi đá hoặc san hô mà hoặc là gần như nổi trên bề mặt biển hoặc là bị lộ ra khi thủy triều thấp. Phần của một mỏm đá mà ở trên mặt nước khi thủy triều thấp nhưng bị ngập chìm khi thủy triều lên cao được gọi là mỏm đá nổi. Như vậy, mỏm đá nổi thuộc về loại bãi cạn lúc chìm lúc nổi. Đá ngầm ven bờ (fringing reef) là mỏm đá được gắn một cách trực tiếp hoặc nằm sát ngay với bờ hoặc bãi đất lục địa” [121, tr.47]. Với những đặc điểm trên thì các mỏm đá và đá ngầm ven bờ không phải là “vùng đất…ở trên mặt nước khi thủy triều lên” nên trên cơ sở nguyên tắc “đất thống trị biển”, khả năng của chúng được hưởng các không gian biển cũng sẽ hạn chế hơn so với đảo. Ngoài ra, các đảo nhân tạo và công trình, thiết bị được xây dựng trên các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, các bãi chìm hoặc các mỏm đá…thì không phải là “vùng đất hình thành tự nhiên” [50, tr.33] nên chúng chỉ được hưởng vùng an toàn không quá 500m tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các công trình, thiết bị đó.

Như vậy, quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế góp phần cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”. Do “đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên”

và thường xuyên ở trên mặt nước khi thủy triều lên nên so với các cấu trúc khác trên biển, đảo được “trao quyền ưu tiên” hơn về khả năng được hưởng các không gian biển. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên tắc “đất thống trị biển”, luật biển quốc tế còn đồng thời ghi nhận nguyên tắc “tự do biển cả”. Điều này đặt ra yêu cầu phải có sự giới hạn trong việc “trao quyền ưu tiên” cho đảo được hưởng các không gian biển nhằm đảm bảo trật tự, công bằng giữa tất cả các quốc gia trong quá trình khai thác, sử dụng biển. Nói cách khác, luật biển quốc tế cần phải phân loại đảo căn cứ vào quy chế pháp lý, theo đó, không phải tất cả các đảo đều ngang bằng với nhau và với đất liền về khả năng được hưởng các không gian biển.

2.1.3.2 Hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia

Cơ sở của quy chế pháp lý đảo trong luật biển quốc tế là các quy định của pháp luật được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia. Mặc dù đảo thuộc về chủ quyền của quốc gia nhưng việc xác định các không gian biển mà đảo có thể được hưởng lại luôn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia khác. Chính vì vậy, trong quan hệ giữa các quốc gia bình đẳng về chủ quyền, thỏa thuận là cách thức duy nhất để hình thành nên hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về quy chế của đảo. Khác với việc ban hành luật quốc gia, trong quá trình xây dựng các quy phạm của luật biển quốc tế, các quốc gia vừa đàm phán, đấu tranh vừa nhân nhượng lẫn nhau để xây dựng nên các quy phạm thành văn hoặc thừa nhận thực tiễn có tính chất tập quán về quy chế của đảo. Cơ sở của sự thỏa thuận đó chính là các nguyên tắc của luật biển quốc tế, ví dụ như nguyên tắc đất thống trị biển, nguyên tắc tự do biển cả, nguyên tắc công bằng…

Tuy nhiên, phương thức thỏa thuận để xây dựng các quy phạm về quy chế pháp lý của đảo không loại trừ khả năng trên thực tế, cơ quan tài phán quốc tế ấn định quy chế pháp lý của đảo cho một cấu trúc mà việc xác định nó có là đảo hay không còn chưa chắc chắn và quan điểm của các quốc gia hữu quan lại khác nhau.

Nói cách khác, khi có sự không rõ ràng trong việc xác định trên thực tế một cấu trúc là đảo hay bãi cạn lúc nổi lúc chìm thì sự thỏa thuận đồng ý hoặc thừa nhận (ngầm định) của các quốc gia hữu quan sẽ là căn cứ để cơ quan tài phán quốc tế quyết định quy chế pháp lý của cấu trúc đó [34, tr.5]. Ví dụ, trong vụ kiện giữa Anh và Pháp năm 1977 [128], trọng tài dường như thừa nhận rằng Eddystone Rocks (thuộc chủ quyền của Anh) là một đảo và nó có hiệu lực trong phân định thềm lục địa giữa Anh và Pháp [50, tr.19-20; 51, tr.11-12;]. Lập luận của trọng tài là: (i) các biểu đồ trước đây của Pháp đã chỉ ra Eddystone Rocks là một đảo [128, đoạn.126] (ii) Pháp đã đồng ý (một cách ngầm định) đối với việc Anh sử dụng Eddystone Rocks như là

một điểm cơ sở để xác định các vùng biển [128, đoạn.129]; (iii) Pháp đã ký thỏa thuận với Anh năm 1964-1965 trong đó trong đó hai quốc gia đã đồng ý Eddystone Rocks có hiệu lực trong xác định ranh giới đánh cá giữa hai quốc gia [128, đoạn 130]; (iv) không có quốc gia nào phản đối khi Biểu đồ hàng hải của Anh được công bố, mặc dù Biểu đồ đó có chỉ ra các vùng đánh cá cũng như lãnh hải bao quanh Eddystone Rocks [128, đoạn.131]; (v) trong quá trình phân định thềm lục địa giữa Pháp và Anh, các đàm phán cấp chuyên gia từ năm 1970-1974 đã được tiến hành trên cơ sở hai bên thừa nhận Eddystone Rocks là một đảo [128, đoạn.132 &135- 140]. Như vậy, trên cơ sở thỏa thuận hoặc thừa nhận của các bên và áp dụng học thuyết estoppel (nghĩa là, một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia) [18, tr.359], trọng tài đã trao quy chế pháp lý của đảo cho một cấu trúc mà các tiêu chí để xác định nó là “đảo”

còn chưa rõ ràng.

Các quy định của luật biển quốc tế về quy chế pháp lý của đảo được hình thành bằng phương thức thỏa thuận giữa các quốc gia. Vì vậy, trong trường hợp xây dựng các quy phạm đa phương toàn cầu mà không cho phép bảo lưu thì phương thức thỏa thuận sẽ dẫn đến hệ quả là các quy phạm của luật biển quốc tế về quy chế của đảo có tính chất thỏa hiệp, không rõ ràng. Ví dụ, kích cỡ và vị trí địa lý có thể là các yếu tố ảnh hưởng đến quy chế pháp lý của đảo đã được các quốc gia thừa nhận nhưng do không thống nhất được các tiêu chí cụ thể để xác định [120, tr.95-112]

nên cuối cùng các yếu tố này không được ghi nhận một cách rõ ràng trong các Công ước luật biển. Trên thực tế, các nguyên tắc là cơ sở hình thành nên quy chế pháp lý của đảo (ví dụ như nguyên tắc đất thống trị biển và nguyên tắc công bằng trong phân định biển…) chỉ có thể được đảm bảo nếu như khi xác định không gian biển của đảo, các quốc gia có tính đến kích cỡ, vị trí địa lý của đảo trong mối quan hệ với các yếu tố khác như chiều dài bờ biển, hình thái của bờ biển liên quan...

Như vậy, do phải thống nhất cho một vấn đề lớn, liên quan đến lợi ích của tất cả các quốc gia, đồng thời, do các đảo cũng đa dạng về kích cỡ, vị trí địa lý, dân cư và đời sống kinh tế…nên các quy định về quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế thể hiện sự thỏa hiệp và không rõ ràng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các quốc gia giải thích và áp dụng không thống nhất các quy định luật biển quốc tế về quy chế của đảo nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của mình.

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý của đảo theo quy định của công ước luật biển năm 1982 và những vấn đề đặt ra đối với việt nam (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)