Định hướng nghiên cứu của luận án

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý của đảo theo quy định của công ước luật biển năm 1982 và những vấn đề đặt ra đối với việt nam (Trang 27 - 31)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.2. Định hướng nghiên cứu của luận án

1.2.1.1 Xây dựng hệ thống lý luận về quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế

Trong nội dung này, luận án cần giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau:

- Phân tích định nghĩa pháp lý quốc tế về đảo, trong đó, từ các góc độ khác nhau như khí tượng thủy văn học, quá trình đàm phán và thuật ngữ được sử dụng trong UNCLOS 1982, Luận án làm rõ yêu cầu “thường xuyên” ở trên mặt nước khi thủy triều lên.

- Xây dựng định nghĩa quy chế pháp lý của đảo, trong đó phân tích được đặc điểm và nội dung của quy chế pháp lý đảo.

- Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế bao gồm cả giai đoạn trước khi diễn ra Hội nghị luật biển lần III, trong đó làm rõ khả năng của đảo có lãnh hải riêng đã được thừa nhận từ lâu; mục đích của Điều 121(3) UNCLOS 1982 là hạn chế sự xâm lấn vào biển quốc tế và Vùng, đồng thời đảm bảo lợi ích của cộng đồng dân cư ven biển; tiêu chí kích cỡ của đảo đá cũng đã được hàm ý khi xây dựng điều khoản này.

- Áp dụng các quy tắc chung về giải thích điều ước để xác định nghĩa chính xác của các quy định về quy chế pháp lý của đảo trong UNCLOS 1982. Việc giải thích được thực hiện theo từng nội dung của quy chế pháp lý đảo và sử dụng tổng hợp các phương tiện giải thích khác nhau nhưng luôn bám sát với mục đích của các quy định.

1.2.1.2 Phân tích, đánh giá toàn diện về thực tiễn giải thích, áp dụng quy định của UNCLOS 1982 về quy chế pháp lý của đảo và thực trạng tranh chấp ở Biển Đông

Trong nội dung này, luận án sẽ giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau:

- Phân tích thực tiễn thực hiện từng nội dung của quy chế pháp lý đảo, trong đó Luận án tập trung làm rõ quan điểm nhất quán của cơ quan tài phán quốc tế là giải thích chặt chẽ các quy định trong UNCLOS 1982, từ đó khẳng định xu hướng chung về vấn đề này. Luận án đặc biệt lưu ý đến những lập luận về quy chế pháp lý của đảo trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài giải quyết vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc, tìm ra sự nhất quán và điểm còn chưa rõ ràng của lập luận này so với lý luận và thực tiễn chung về quy chế pháp lý của đảo. Để đưa ra được những nhận định khách quan và khoa học, Luận án sử dụng các minh chứng cụ thể và tổng hợp để phân tích, đánh giá thực tiễn. Những đánh giá rút ra từ thực tiễn sẽ thống nhất và củng cố cho kết quả giải thích về lý luận ở chương 2 và là cơ sở để kiến nghị những đề xuất ở chương 4.

- Phân tích các tư liệu đáng tin cậy về đặc điểm tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông để chứng minh khả năng “duy trì sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng”; làm rõ yêu sách của các bên để khẳng định thực trạng tranh chấp quy chế pháp lý của đảo ở Biển Đông, tính phức tạp, khó giải quyết và tín hiệu khả quan để giải quyết tranh chấp này; nhận diện chính xác, toàn diện các vấn đề cơ bản liên quan đến quy chế pháp lý của đảo mà Việt Nam cần giải quyết.

1.2.1.3 Đề xuất quan điểm lập trường và biện pháp xử lý vấn đề quy chế pháp lý của đảo ở Biển Đông và bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam

Trong nội dung này, luận án cần giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau:

- Phân tích và đánh giá toàn diện các khả năng và những ưu điểm, hạn chế của các quan điểm, các biện pháp mà Việt Nam có thể thực hiện để xử lý vấn đề quy chế pháp lý của đảo, từ đó xác định quan điểm tối ưu và cách thức, điều kiện triển khai các biện pháp khả thi đối với Việt Nam.

- Các quan điểm và biện pháp đề xuất đối với Việt Nam phải phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.

1.2.2 Nội dung chính của luận án

Để giải quyết những nhiệm vụ của luận án đã nêu ra ở trên, nội dung chính của luận án sẽ bao gồm 3 chương từ Chương 2 đến Chương 4, cụ thể như sau:

- Chương 2 với tiêu đề “Một số vấn đề lý luận về quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế”. Nội dung chương này chia thành 2 phần chính. Phần 2.1 tập trung

làm rõ khái niệm quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế, trong đó: xây dựng định nghĩa và xác định nội dung quy chế pháp lý của đảo, nhận diện các đặc điểm của quy chế pháp lý đảo. Những vấn đề lý luận này sẽ là cơ sở để kết cấu và triển khai các nội dung nghiên cứu tiếp theo, đồng thời, gợi ý về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quy chế pháp lý của đảo. Phần 2.2 phân tích các quy tắc chung về giải thích điều ước, xác định vai trò của mỗi phương tiện, cách thức giải thích điều ước và áp dụng chúng để giải thích các quy định trong UNCLOS 1982 về quy chế pháp lý của đảo.

Những giải thích ở phần này có tính lý luận, căn cứ vào văn bản UNCLOS 1982, các đề xuất trong quá trình đàm phán và đặc biệt chú trọng đến mục đích của các quy định.

- Chương 3 với tiêu đề “Thực tiễn giải thích, áp dụng quy định của Công ước luật biển năm 1982 về quy chế pháp lý của đảo và tranh chấp ở Biển Đông”. Chương này cũng chia thành 2 phần chính. Phần 3.1 nghiên cứu tiễn thực hiện các quy định của UNCLOS 1982 về quy chế pháp lý của đảo, trong đó khảo sát, tổng kết và đánh giá thực tiễn các quốc gia và thực tiễn tài phán quốc tế để tìm ra xu hướng chung trong giải thích, áp dụng Công ước, đồng thời khẳng định giá trị pháp lý ràng buộc và nghĩa vụ của các quốc gia phải tuân thủ và giải thích các quy định của Công ước với

“thiện chí” (Điều 31 Công ước Viên năm 1969). Những nội dung của phần này thống nhất với nội dung quy chế pháp lý của đảo đã được xác định ở Chương 2 để đảm bảo những nội dung lý luận sẽ góp phần đánh giá thực trạng một cách chính xác.

Phần 3.2 phân tích quan điểm và yêu sách của các bên để khẳng định rằng có tranh chấp về quy chế pháp lý của các đảo ở Biển Đông; bước đầu nhận diện ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp này cũng như những cơ hội và khả năng giải quyết tranh chấp đó; phần 3.2 cũng xác định các vấn đề cơ bản liên quan đến quy chế pháp lý của đảo mà Việt Nam phải giải quyết.

- Chương 4 với tiêu đề “Kiến nghị lập trường quan điểm của Việt Nam và biện pháp xử lý vấn đề quy chế pháp lý của đảo ở Biển Đông”.

Chương này gồm 3 phần chính. Phần 4.1 kiến nghị lập trường quan điểm của Việt Nam về quy chế pháp lý của đảo nhằm bảo đảm chủ quyền và lợi ích của quốc gia, trên cơ sở vận dụng các quy định của UNCLOS 1982 và thực tiễn quốc tế đã được nghiên cứu ở chương 2 và chương 3. Phần 4.2 đề xuất về các biện pháp và phần 4.3 đề xuất các điều kiện để triển khai các biện pháp nhằm thực hiện quan điểm lập trường đã xác định. Mỗi biện pháp đều được đánh giá dưới góc độ ưu điểm và hạn chế để từ đó xác định biện pháp và mục tiêu trọng tâm mà Việt Nam nên hướng tới.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

1. Đề tài “Quy chế pháp lý của đảo theo quy định của Công ước luật biển năm 1982 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” là đề tài nghiên cứu có tính mới, chưa có công trình nghiên cứu nào giải quyết một cách hệ thống ở cấp độ luận án tiến sỹ luật học. Tuy nhiên, từng nội dung của đề tài đã được nhiều công trình đề cập đến ở những mức độ khác nhau. Một số kết quả nghiên cứu trong các công trình này có giá trị kế thừa, tuy nhiên, đa số kết quả nghiên cứu lại chưa giải quyết triệt để những nhiệm vụ đặt ra đối với đề tài, đặc biệt là dưới góc độ khoa học pháp lý và những vấn đề mà Việt Nam cần phải giải quyết.

2. Những hạn chế của những kết quả nghiên cứu trước đây có thể khái quát như sau: một là, các kết quả nghiên cứu chưa thực sự có tính hệ thống và toàn diện vì chưa xây dựng định nghĩa quy chế pháp lý của đảo, xác định nội dung và đặc điểm của quy chế pháp lý đảo trong luật biển quốc tế; hai là, các kết quả nghiên cứu về giải thích quy chế pháp lý của đảo theo quy định của UNCLOS 1982 còn chưa thống nhất và một số vấn đề cụ thể chưa được giải quyết thấu đáo, ví dụ như vấn đề về phạm vi áp dụng của Điều 121(3) UNCLOS 1982, hiệu lực của đảo trong phân định lãnh hải khác với hiệu lực của đảo trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khả năng thực sự của đảo trong việc mở rộng phạm vi không gian biển của quốc gia ven biển...; ba là, chưa tổng hợp và phân tích một cách hệ thống thực tiễn, nhất là các phán quyết gần đây của cơ quan tài phán quốc tế liên quan đến vấn đề này để làm sáng tỏ xu hướng chung trong thực tiễn giải thích, áp dụng các quy định trong UNCLOS 1982 về quy chế pháp lý của đảo; bốn là, chưa chỉ ra được những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam về vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đặc biệt là sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 để giải quyết vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc (2016); năm là, các đề xuất liên quan đến quy chế pháp lý của đảo chưa thực sự toàn diện, thấu đáo về những vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết liên quan đến quy chế pháp lý của đảo.

3. Từ những đánh giá về kết quả nghiên cứu trong các công trình khoa học đã công bố, nghiên cứu sinh đã xác định rõ những vấn đề mà luận án cần giải quyết về lý luận, pháp lý và thực tiễn để từ đó đề xuất những kiến nghị đối với Việt Nam.

Những nhiệm vụ này sẽ được giải quyết ở Chương 2, Chương 3 và Chương 4 của Luận án.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý của đảo theo quy định của công ước luật biển năm 1982 và những vấn đề đặt ra đối với việt nam (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)