CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA ĐẢO TRONG LUẬT BIỂN QUỐC TẾ
2.1 Khái niệm quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế
2.1.2. Định nghĩa quy chế pháp lý của đảo
Trong luật quốc tế cũng như trong khoa học pháp lý quốc tế hiện nay chưa có định nghĩa về “quy chế pháp lý của đảo”. Để xây dựng định nghĩa này, trước hết phải căn cứ vào nghĩa của thuật ngữ “quy chế pháp lý”, các đặc điểm của luật biển quốc tế và đặc biệt là cách thức mà thuật ngữ này được sử dụng trong UNCLOS 1982.
Dưới góc độ thuật ngữ luật học, trong tiếng Việt, “quy chế” được hiểu là “văn bản hoặc toàn thể các văn bản có chứa quy phạm pháp luật” [31, tr.642]. “Chế độ”
là “hệ thống các quy định của pháp luật cần phải tuân theo” [31, tr.122]. Trong tiếng Anh, theo từ điển Black’s Law Dictionary, thuật ngữ “statute- quy chế” được hiểu
là “một đạo luật được cơ quan lập pháp thông qua” [46, tr.672] và thuật ngữ
“regime- chế độ” được hiểu là “hệ thống các quy tắc, quy định hoặc sự quản lý”
[46, tr.593]. Như vậy, thuật ngữ “quy chế” và "chế độ" được hiểu giống nhau trong tiếng Việt và tiếng Anh. Hơn nữa, hai thuật ngữ này có thể sử dụng thay thế cho nhau khi đề cập đến hình thức (quy chế) hoặc nội dung (chế độ) quy định của pháp luật điều chỉnh một quan hệ xã hội cụ thể. Theo cách hiểu này, “quy chế” không chỉ bao gồm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong một quan hệ xã hội cụ thể, mà còn bao gồm các quy định về trách nhiệm pháp lý, năng lực pháp luật và năng lực hành vi, các bảo đảm về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ thể…
Trong hệ thống luật quốc tế, luật biển quốc tế là một ngành luật bao gồm
“tổng hợp các nguyên tắc và quy phạm luật quốc tế, được thiết lập bởi các quốc gia, trên cơ sở thỏa thuận hoặc thông qua thực tiễn có tính tập quán nhằm điều chỉnh quy chế pháp lý các vùng biển và các hoạt động sử dụng, khai thác, bảo vệ môi trường biển cũng như quan hệ hợp tác của các quốc gia trong các lĩnh vực này” [13, tr.186]. Đối tượng điều chỉnh của luật biển quốc tế có liên quan đến một trong những cấu trúc tự nhiên trên biển, đó là các đảo. Do đó, nếu hiểu theo nghĩa rộng,
“quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế” là các quy định của luật biển quốc tế về quyền nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng đảo, bảo vệ môi trường đảo; các biện pháp đảm bảo quyền, nghĩa vụ cũng như giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến đảo…
Tuy nhiên, UNCLOS 1982- nguồn cơ bản của luật biển quốc tế hiện đại- đã sử dụng thuật ngữ “regime of islands” (nghĩa là “chế độ của các đảo” hoặc “quy chế của các đảo”) để làm tiêu đề cho phần VIII. Điều đáng lưu ý là phần VIII của UNCLOS 1982 chỉ bao gồm duy nhất Điều 121 mà trong đó ngoài định nghĩa đảo, điều khoản này chỉ đề cập đến khả năng của đảo được hưởng các vùng biển riêng, bao quanh đảo. Nói cách khác, trong phạm vi phần VIII UNCLOS 1982, “quy chế các đảo” được hiểu là khả năng của đảo được hưởng các vùng biển riêng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện luật định.
Bên cạnh Điều 121, một số điều khoản khác của UNCLOS 1982 cũng trực tiếp hoặc gián tiếp ghi nhận khả năng của đảo được hưởng các không gian biển do chúng có thể được sử dụng làm điểm cơ sở đểxác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Điều 5, Điều 7, Điều 47) hoặc là “hoàn cảnh đặc biệt” trong phân định biển giữa các quốc gia (Điều 15). Trong khi đó, Lời nói đầu của UNCLOS 1982 quy định: “những vấn đề về không gian biển có liên quan chặt chẽ
với nhau và cần được xem xét một cách đồng bộ” [116]. Hơn nữa, Điều 121 UNCLOS 1982 sẽ nảy sinh và được áp dụng thế nào bởi vì về mặt logic, khả năng của đảo được hưởng các vùng biển riêng sẽ đặt ra các vấn đề như: các vùng biển của đảo được xác định từ đâu? Đảo có ảnh hưởng như thế nào trong việc xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải? Nếu các vùng biển của đảo chồng lấn với vùng biển của đất liền hoặc với vùng biển của một đảo thuộc chủ quyền của quốc gia khác thì “việc xác định các danh nghĩa pháp lý tương ứng của mỗi quốc gia trên các vùng biển chồng lấn” [28, tr.12] sẽ như thế nào? Như vậy, các quy định về đường cơ sở và phân định biển chính là những quy phạm bổ sung cho việc áp dụng Điều 121 UNCLOS 1982.
Trong thực tiễn đàm phán các Công ước luật biển, vấn đề vùng biển mà các đảo có thể được hưởng cũng luôn song hành với vấn đề đường cơ sở và phân định biển. Tại Hội nghị Luật biển lần thứ III, khi đàm phán phần VIII UNCLOS 1982, các quốc gia đã thống nhất tách riêng và không đề cập đến bất cứ vai trò cụ thể nào của đảo trong phân định biển. Tuy nhiên, đó chỉ là kỹ thuật nhằm tháo gỡ “nút thắt”
khi mà việc thông qua phần VIII là hết sức khó khăn do quan điểm của các quốc gia rất khác nhau [120]. Sự quan ngại về ảnh hưởng của đảo trong phân định biển với quốc gia láng giềng đã là lý do chính khiến các quốc gia như Ru-ma-ni-a, Hy Lạp, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ… đưa ra đề nghị bổ sung Khoản 3 vào Điều 121 UNCLOS 1982. Thậm chí, khi thông qua UNCLOS 1982, Ru-ma-ni-a còn đề nghị bổ sung điều khoản về vai trò của đảo trong phân định biển vào phần VIII- “quy chế của các đảo” [118; 120]. Hơn nữa, bất kể tên gọi của phần VIII, Điều 121 UNCLOS 1982 không cấu thành toàn bộ các nội dung về quy chế của đảo. Trên thực tế, các tranh luận về sự mập mờ của Điều 121 UNCLOS 1982 gần như cũng chỉ nảy sinh khi có tranh chấp về các vùng biển chồng lấn và cần phải phân định giữa các quốc gia hữu quan. Chính vì vậy, quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế bao gồm ba vấn đề có quan hệ với nhau, đó là: (i) vai trò của đảo trong xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải; (ii) vai trò của đảo trong tạo ra các vùng biển riêng, bao quanh đảo và; (iii) vai trò của đảo trong phân định biển giữa các quốc gia. Vai trò của đảo được biểu hiện cụ thể qua mức độ ảnh hưởng của đảo trong phạm vi các nội dung nêu trên.
Như vậy, từ các phân tích ở trên có thể định nghĩa quy chế pháp lý của đảo theo quy định của luật biển quốc tế là khả năng của đảo được hưởng các không gian biển trên cơ sở quy định của luật biển quốc tế. Theo cách hiểu này, quy chế pháp lý của đảo trong luật biển quốc tế không đề cập đến vấn đề khai thác, sử dụng đảo hay
vấn đề chủ quyền đối với đảo, mà ngược lại, bất kể đảo thuộc về quốc gia nào nhưng nếu thỏa mãn các điều kiện luật định thì nó có thể được hưởng các không gian biển trên cơ sở nguyên tắc “đất thống trị biển”. Không gian biển mà đảo có thể được hưởng không chỉ bao gồm các vùng biển riêng, bao quanh đảo mà còn bao gồm cả những không gian biển được mở rộng thêm do sử dụng đảo làm điểm cơ sở của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và không gian biển mà đảo có thể được hưởng do chúng là hoàn cảnh đặc biệt trong phân định biển.
Bên cạnh thuật ngữ “regime of islands”, UNCLOS 1982 còn sử dụng thuật ngữ “status of islands- địa vị của các đảo” tại Điều 60(8). Nói cách khác, Điều 60(8) UNCLOS 1982 đề cập đến “địa vị của các đảo” dưới góc độ pháp lý. Theo nghĩa thông thường, thuật ngữ “địa vị pháp lý” được hiểu là "vị trí của chủ thể pháp luật trong mối quan hệ với những chủ thể pháp luật khác trên cơ sở các quy định của pháp luật. Địa vị pháp lý của chủ thể pháp luật thể hiện thành một tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể, qua đó xác lập cũng như giới hạn khả năng của chủ thể trong các hoạt động của mình” [31, tr.244; 46, tr.658]. Phù hợp với cách hiểu này, Điều 60(8) UNCLOS 1982 đề cập đến khả năng của đảo được hưởng các không gian biển trong mối quan hệ với các các trúc khác trên biển, theo đó: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng địa vị của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Như vậy, trong UNCLOS 1982, thuật ngữ “quy chế các đảo” được sử dụng nhằm đề cập đến khả năng của đảo được hưởng các không gian biển, trong khi đó thuật ngữ “địa vị của đảo” đề cập đến khả năng nêu trên của đảo trong mối quan hệ với các cấu trúc khác trên biển. Đây cũng chính là cách hiểu và cách tiếp cận của tác giả trong luận án này.