Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH TẠI TỈNH LẠNG SƠN
2.1. Thực trạng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
2.1.5. Trách nhiệm của Nhà nước
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về BVQLNTD, tuy nhiên, trách nhiệm quản lý nhà nước về BVQLNTD được phân công và phân cấp quản lý cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia như các bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân
7 Theo Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
dân các cấp, trong đó các cơ quan thuộc ngành công thương (Bộ Công thương, các Sở Công thương và các cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD cấp huyện) đóng vai trò có tính nòng cốt. Cơ quan công quyền nắm giữ quyền lực công cộng có trách nhiệm duy trì, bảo vệ trật tự chung của xã hội mà đại diện của cơ quan công quyền chính là Nhà nước. Song song với nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước thì Nhà nước cũng có nghĩa vụ đối với công dân, phải bảo đảm các quyền công dân theo quy định của pháp luật. NTD trước hết là công dân, vì thế, Nhà nước có nghĩa vụ BVQLNTD nhằm đảm bảo sự bình đẳng, sự cân bằng về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật và qua đó cũng tạo nên sự ổn định về xã hội. BVQLNTD được xem là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước bao gồm các công việc: (i) Nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật, các hành vi bị cấm trong quan hệ với NTD và kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVQLNTD; (ii) Cơ quan nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo của NTD, áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; (iii) Cơ quan nhà nước giải quyết tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và NTD, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Tuy nhiên trong phương diện hẹp hơn, hoạt động BVQLNTD thuộc trách nhiệm chủ yếu của các cơ quan hành pháp. Theo đó, Bộ Công thương có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, các quy định về BVQLNTD theo quy định của pháp luật8. Bộ Y tế tham gia vào công tác BVQLNTD với tư cách là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có lĩnh vực dược, mỹ phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm9. Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia vào công tác BVQLNTD với tư cách là cơ quan được pháp luật giao nhiệm vụ "chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa"10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản tham gia gián tiếp vào hoạt động BVQLNTD thông qua thực hiện chức năng quản lý nhà
8 Theo Điều 2 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
9 Theo Điều 2 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
10 Khoản 2 Điều 68 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.
nước về an toàn nông sản, lâm sản, thuỷ sản và muối trong quá trình sản xuất đến khi đưa ra thị trường. Ngoài các Bộ nói trên, các Bộ khác như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham gia ở các mức độ khác nhau vào hoạt động BVQLNTD trong phạm vi chức năng của mình.
Có thể nói tất cả các lĩnh vực đời sống của NTD đều liên quan trực tiếp đến hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước như chất lượng hàng hóa, sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả, quảng cáo, khuyến mại... Nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện đúng chức năng của mình, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhằm BVQLNTD. Thế nên, trong trường hợp NTD mua và sử dụng sản phẩm hàng hóa không đạt chất lượng, nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của mình thì trách nhiệm không chỉ thuộc về người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, mà một phần trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Một vấn đề đặt ra, người sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm nghĩa vụ của mình đối với NTD theo quy định của pháp luật BVQLNTD thì phải chịu chế tài hành chính, dân sự thậm chí là hình sự. Vậy đối với cơ quan quản lý Nhà nước khi vi phạm nghĩa vụ quản lý nhà nước về BVQLNTD tại sao không phải chịu trách nhiệm hành chính hay dân sự do vi phạm nghĩa vụ BVQLNTD. Do vậy cần đặt ra trách nhiệm của Nhà nước trong trường hợp này.
Ngoài các cơ quan hành pháp nói trên, Tòa án nhân dân các cấp (bao gồm Tòa án nhân dân tối cao; Các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh11) cũng có nghĩa vụ BVQLNTD thông qua hoạt động giải quyết các vụ án dân sự, xét xử các vụ án hình sự về các tội xâm phạm quyền lợi NTD như tội buôn bán hàng giả, tội lừa dối khách hàng, tội quảng cáo gian dối, tội vi phạm các quy định về VSATTP...
11 Theo Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.