Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH TẠI TỈNH LẠNG SƠN
2.1. Thực trạng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
2.1.8. Chế tài xử lý đối với vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các biện pháp chế tài áp dụng đối với người có hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD bao gồm:
- Chế tài hành chính, được áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc BVQLNTD là hậu quả pháp lý bất lợi được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức trong việc xâm phạm quyền lợi của NTD, theo đó, cá nhân tổ chức vi phạm phải chịu áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm hành chính, lĩnh vực vi phạm mà người vi phạm có thể phải áp dụng chế tài hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ NTD. Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ NTD được chia thành hai nhóm: Nhóm biện pháp xử phạt chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền; Nhóm biện pháp xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu
quả bảo gồm: thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm, buộc hoàn trả cho NTD khoản lợi ích bất chính đã thu được, buộc cải chính công khai... Tùy theo hành vi vi phạm và mức độ vi phạm, pháp luật quy định khả năng áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau. Các biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả thể hiện rõ tính nghiêm khắc của pháp luật thông qua khả năng tước quyền kinh doanh, hạn chế quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Chủ thể vi phạm hành chính có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính.
Chế tài hành chính được xem là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn chặn ngay lập tức hành vi vi phạm và những thiệt hại có thể xảy ra. Ngoài ra, đây được xem là “bức tường lửa” đối với các hành vi vi phạm pháp luật bởi nó tác động trực tiếp đến quyền lợi kinh tế, đến
“túi tiền” của chủ thể vi phạm. Chính vì vậy, mức xử phạt vi phạm hành chính trong pháp luật của hầu hết các quốc gia phát triển đều rất cao, và chủ thể vi phạm có thể phá sản nếu bị áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Pháp luật BVQLNTD ở Việt Nam hiện nay tuy đã khắc phục sự khiếm khuyết của pháp luật BVQLNTD trước đây bằng một Nghị định “chuyên trách” về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVQLNTD (Nghị định số 19/2012/NĐ-CP ngày 16/3/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD). Tuy nhiên, mức xử phạt vi phạm hành chính quy định trong Nghị định rất không hợp lý, còn quá thấp so với tiềm lực kinh tế của tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng như tình hình phát triển kinh tế hiện nay. Theo đó, mức xử phạt đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVQLNTD tối đa là 70 triệu đồng (Điều 4). Trong đó, hành vi không tiến hành ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường hoặc không tiến hành đúng nội dung thu hồi hàng hóa có khuyết tật đã thông báo chỉ bị phạt từ 10 triệu đến 30 triệu đồng (Điều 19). Hơn thế nữa, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân
phẩm, tài sản của NTD để ép buộc giao dịch hoặc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch thì mức xử phạt cũng chỉ từ 10 triệu đến 30 triệu đồng (Điều 23). Và thật đáng ngạc nhiên, vì nếu nhà kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD thì mức phạt bị áp dụng chỉ từ 50 triệu đến 70 triệu đồng (Điều 25). Ngoài ra, có thể thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính quy định trong Nghị định 19/2012/NĐ-CP so với mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVQLNTD được quy định trong các văn bản pháp luật gần mười năm trước đây không hề thay đổi.
Và rõ ràng, với chế tài hành chính như hiện nay không đủ sức răn đe, giáo dục cũng như ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật BVQLNTD để bảo vệ NTD.
- Chế tài hình sự, được áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc BVQLNTD là hậu quả pháp lý bất lợi được áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm trong Bộ luật Hình sự xâm phạm quyền lợi của NTD, theo đó người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu hình phạt, biện pháp tước bỏ hoặc chịu sự hạn chế một số quyền, lợi ích hợp pháp. Trong cơ chế bảo hộ pháp luật đối với người tiêu dùng thì pháp luật hình sự là cơ chế bảo hộ nghiêm khắc nhất, mang tính răn đe cao nhất.
Pháp luật hình sự BVQLNTD bằng cách xác định những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng là tội phạm và các hình thức trách nhiệm pháp lý hình sự có thể được áp dụng đối với người phạm tội (bao gồm hình phạt và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác). Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 (Có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018) không có một chương riêng quy định hành vi phạm tội xâm phạm đến người tiêu dùng, tuy nhiên các tội phạm liên quan đến hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bao gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; Tội lừa dối khách hàng; Tội làm tem giả, vé giả;
Tội quảng cáo gian dối...
Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định một cách tương đối toàn diện và cụ thể phần lớn các hành vi xâm hại đến NTD. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, những hành vi xâm phạm quyền lợi NTD ngày càng có chiều hướng mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức, tinh vi, xảo quyệt về mặt thủ đoạn thì quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm và hình phạt cũng như chính sách hình sự đối với những hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD đã dần bộc lộ những hạn chế; thậm chí là bất cập, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Các hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội trên được xếp theo thang bậc nghiêm khắc khác nhau tùy theo mức độ vi phạm và chia thành hai nhóm:
+ Nhóm hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình.
+ Nhóm hình phạt bổ sung bao gồm: Phạt tiền; cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
- Chế tài dân sự: Chế tài dân sự đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ NTD là hậu quả pháp lý bất lợi được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD, theo đó các chủ thể này buộc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định và/hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ NTD nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này được quy định trong hầu hết các văn bản pháp luật khác có các quy định về bảo vệ NTD. Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để áp dụng các chế tài dân sự đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ NTD. Chế tài dân sự đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ NTD là biện pháp chế tài mang tính mềm dẻo và được áp dụng rộng rãi trong đời sống dân sự hàng ngày. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm quyền lợi của NTD, yêu cầu của NTD bị xâm phạm, căn cứ các quy định của pháp luật dân sự... mà chế tài dân sự được áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD có thể có những hậu quả pháp lý sau: Buộc
chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc phải thực hiện các cam kết theo sự thỏa thuận đối với NTD; Buộc phải bồi thường thiệt hại cho NTD; Các hậu quả pháp lý khác như: xin lỗi công khai, cải chính trên các phương tiện thông tin, đại chúng...
Theo quy định của pháp luật dân sự, người nào gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường tương xứng với mức thiệt hại do mình gây ra. Việc quy định chế tài dân sự để BVQLNTD trong Bộ luật dân sự là điều hợp lý, phù hợp với lẽ công bằng tự nhiên. Theo đó chế tài về BVQLNTD trong pháp luật dân sự là cách thức mà cá nhân có quyền yêu cầu được bồi thường thiệt hại mà mình phải gánh chịu do hành vi gian dối, lừa đảo.. gây ra. Hình thức yêu cầu bồi thường được thực hiện thông qua phương thức hòa giải, thương lượng trực tiếp với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để buộc tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà mình phải gánh chịu.
Về nguyên tắc áp dụng chế tài dân sự, NTD khi có yêu cầu phải nộp đơn đến Tòa án và phải cung cấp những chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường của mình. Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ, Tòa án chỉ có thể buộc bên bị kiện bồi thường thiệt hại khi thỏa mãn các điều kiện sau: Phải có thiệt hại xảy ra (bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần); Phải có hành vi trái pháp luật; Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây ra thiệt hại, về trình tự thủ tục khởi kiện tại Tòa án tuân theo trình tự và thủ tục chung của pháp luật về tố tụng dân sự.