Chương 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TỪ THỰC TIỄN TỈNH LẠNG SƠN
3.1. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
3.1.1.Định hướng hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phúc đáp kịp thời các yêu cầu thực tiễn cuộc sống
Qua việc phân tích về thực tiễn thi hành pháp luật về BVQLNTD tại tỉnh Lạng Sơn, chúng ta có thể thấy rằng, việc nâng cao các hoạt động thực thi pháp luật BVQLNTD ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tại các địa phương đang là đòi hỏi cấp thiết. Cơ chế pháp lý và quá trình thực thi pháp luật BVQLNTD hiện nay còn nhiều bất cập, không theo kịp những biến đổi ngày càng nhanh của đời sống kinh tế - xã hội và yêu cầu BVQLNTD ở nước ta.
Để góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, việc hoàn thiện để nâng cao hiệu quả của hoạt động thi hành pháp luật BVQLNTD là điều cần thiết. Đây cũng là chủ trương được Đảng ta khẳng định trong nhiều văn kiện mà gần đây nhất là trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Cũng như những văn kiện trước của Đảng, văn kiện này tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có một chủ trương đề ra đó là phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, cụ thể là: “Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu; đồng thời có
chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng chính sách, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá. Hoàn thiện pháp luật về phí, lệ phí; rà soát, chuyển đổi chính sách phí, lệ phí đối với một số dịch vụ công sang áp dụng chế độ giá dịch vụ. Mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá. Xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và đối với môi trường. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế”26.
Thứ hai, quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ quyền con người nói chung và quyền lợi người tiêu dùng nói riêng
BVQLNTD là một vấn đề quan trọng, đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Quan điểm chung trong tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đều xác định đây là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD là đặc biệt quan trọng. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phải chú trọng nâng cao năng lực và chất lượng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan để BVQLNTD. Chú trọng việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVQLNTD, tổ chức thực hiện đồng bộ hiệu quả các chính sách và pháp luật về BVQLNTD. Tăng cường kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến BVQLNTD. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVQLNTD. Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nhìn nhận: “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân” là một trong những định hướng cơ bản trong mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cùng với đó, Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 25/02/2005 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ,
26 Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tại địa chỉ: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/books- 4331201610454246/index-23312016104606464.html, ngày truy cập 15/6/2017
chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Kết luận số 43- KL/TW của Bộ Chính trị về 03 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ-TW;
Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, ATVSTP; Kết luận số 11-KL/TW, ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới cũng đã xác định các quan điểm chỉ đạo quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả công ATVSTP trong toàn xã hội.
Như vậy, xuyên suốt trong quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật về BVQLNTD là yêu cầu về bảo vệ tốt quyền con người trong đó có quyền của NTD. Có thể nói, các tư tưởng và quan điểm chỉ đạo đã được luật hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thực phẩm, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… đáp ứng được những yêu cầu mới về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong thời kỳ mới. Vì thế, quan điểm định hướng của Đảng và Nhà nước về BVQLNTD luôn được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật này. Trong đó, đặc biệt chú ý đến quan điểm về BVQLNTD chính là bảo đảm quyền NTD và sức khỏe nhân dân; hệ thống pháp luật về BVQLNTD phải hướng tới mục đích vì con người, đặt sức khỏe, tính mạng của con người lên trên hết. Việc BVQLNTD phải lấy quyền con người làm gốc rễ, trong đó có quyền được sống an toàn là trục tham chiếu quan trọng. Do đó, trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật phải ưu tiên huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi pháp luật.
Thứ ba, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao kết hợp đồng tiêu dùng
Pháp luật về BVQLNTD phải đặt an toàn sức khỏe, tính mạng của NTD vào vị trí trung tâm, quan trọng hàng đầu, chi phối, quyết định đến nội dung điều chỉnh pháp luật và hệ thống chế tài áp dụng. Mọi sự điều chỉnh pháp luật đều
phải hướng đến một mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe NTD, ngay cả trong trường hợp điều đó khiến một phần lợi ích của chủ thể kinh doanh suy giảm hoặc hạn chế bớt doanh nghiệp yếu kém, thiếu trách nhiệm. Việc điều chỉnh pháp luật không thể chỉ xuất phát từ điều kiện kinh tế hạn chế, sản xuất manh mún, tùy tiện mà duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt chuẩn.
Các quy định pháp luật phải bảo đảm quản lý được kể cả các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ đến hoạt động sản xuất trên quy mô lớn. Xây dựng pháp luật phải dựa trên nguyên tắc khắc phục sự bất cân xứng về vị thế và năng lực tự bảo vệ giữa NTD và người sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn phải bảo vệ quyền của người sản xuất một cách hài hòa. Đây là định hướng mang tính nguyên tắc cốt lõi, xuyên suốt toàn bộ hệ thống pháp luật về BVQLNTD. Các quy định pháp luật phải đặt các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong nghĩa vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ an toàn trong mọi trường hợp. NTD có quyền đòi hỏi và phải được sử dụng hàng hóa, dịch vụ trung thực, an toàn. Pháp luật về BVQLNTD phải có các quy định cụ thể hơn trong xác định thiệt hại tiềm ẩn, lâu dài mà NTD phải gánh chịu, mà không chỉ dựa trên tỷ lệ suy giảm sức khỏe tức thời. Hoàn thiện pháp luật về quản lý, kiểm soát ATVSTP, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát tốt các giao dịch trên thị trường là các mục tiêu hướng tới BVQLNTD. Vì vậy, khi xây dựng, hoàn thiện pháp luật, phải tính đến mức độ tương thích, đồng bộ của pháp luật BVQLNTD với các lĩnh vực pháp luật có liên quan; giảm đầu mối văn bản, tiến tới nhất thể hóa chủ thể quản lý và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, tránh tình trạng cục bộ, chồng chéo, mâu thuẫn.
Thứ tư, phải bảo đảm khả năng tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua các thiết chế tài phán
Bên cạnh các quy định mang tính ghi nhận quyền và bảo đảm quyền của NTD trong thực tiễn đời sống xã hội, thì cũng cần có các quy định pháp luật nhằm tăng khả năng tự bảo vệ của NTD. Trong đó, thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp của NTD với thương nhân một cách dễ dàng hơn, theo hướng có lợi cho NTD hơn. Trong đó, pháp luật cần ghi nhận thủ tục khởi kiện, các chứng cứ chứng minh, trình tự thủ tục giải quyết theo hướng đơn giản, rút gọn và hỗ trợ tối đa khả năng tham gia các vụ việc của NTD. Ngoài
ra, các quy định về tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm pháp luật; quy định về khởi kiện tập thể, cơ chế hỗ trợ án phí; phí xét nghiệm, kiểm nghiệm trong giải quyết tranh chấp cần đổi mới theo hướng giảm đến tối đa gánh nặng cho NTD nhằm khuyến khích, hỗ trợ NTD khởi kiện và tham gia vụ kiện đến cùng. Quy định pháp luật về mức bồi thường trong trường hợp NTD bị xâm hại quyền lợi cần hoàn thiện theo hướng dựa trên nguy cơ thiệt hại được đánh giá, thay vì dựa trên mức tổn hại sức khỏe trong hiện tại. Chủ thể bồi thường thiệt hại cần phải mở rộng đến các đối tượng quản lý nhà nước, trong đó các quy định về bồi thường tương thích với quy định về bồi thường nhà nước. Các thiết chế tài phán cũng cần phải được đổi mới, trong đó cần có đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử, giải quyết tranh chấp trong các vụ án BVQLNTD. Có cơ chế đặc thù cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm pháp luật về BVQLNTD. Phân cấp và tăng cường năng lực cho hệ thống Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các vụ án và tranh chấp về BVQLNTD.
Đối với thiết chế tài phán là trọng tài thương mại, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về trọng tài theo hướng dành các quy định riêng mang tính đặc thù cho việc giải quyết tranh chấp giữa NTD và thương nhân. Đơn giản hóa các quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của thi hành phán quyết trọng tài trong các vụ kiện BVQLNTD. Ngoài ra, để NTD có các kiến thức pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình; về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; về trình tự thủ tục, nơi khởi kiện để bảo vệ quyền lợi thì quy định pháp luật, cơ chế pháp luật trong phổ biến, giáo dục cho NTD trong lĩnh vực này cũng cần phải được xây dựng và hoàn thiện.
3.1.2. Một số giải pháp cụ thể
Thứ nhất, cần bổ sung các quy định pháp luật cụ thể về việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong lĩnh vực BVQLNTD hiện nay để khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ NTD. Đặc biệt cần có sự phân công trách nhiệm của lực lượng thanh tra chuyên ngành của các ngành với lực lượng quản lý thị trường, với Cục Quản lý cạnh tranh, phân công trách nhiệm
BVQLNTD của các cơ quan trong chính quyền địa phương. Tránh quy định một cách chung chung, ôm đồm quá nhiều nhiệm vụ sẽ dẫn đến tình trạng cơ quan nào cũng có trách nhiệm nhưng không hiểu trách nhiệm của mình đến đâu. Ngoài ra cũng cần có cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi các quy định pháp luật về BVQLNTD để tránh tình trạng chồng chéo về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc BVQLNTD tại Việt Nam.
Thứ hai, đối với cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD cấp huyện, cần phải có các văn bản hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn và cách thức tổ chức thực hiện những nhiệm vụ quyền hạn đó, góp phần thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thống nhất. Tránh tình trạng, Luật thì quy định rõ quyền khiếu nại của NTD đến UBND cấp huyện, nhưng NTD lại không biết khiếu nại đến phòng, ban nào của UBND cấp huyện để bảo vệ quyền và lợi ích cho mình, hay các phòng, ban đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, không giải quyết yêu cầu chính đáng của NTD, hoặc mỗi địa phương lại có cách thức giải quyết khác nhau. Việc thực thi các quy định pháp luật về BVQLNTD cũng cần được áp dụng thống nhất đối với cơ quan bảo vệ NTD cấp tỉnh.
Thứ ba, cần hướng dẫn, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, chế độ kế toán hộ kinh doanh,... theo hướng thống nhất, chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả.
Thứ tư, từ thực tiễn công tác BVQLNTD cho thấy các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe. Ví dụ: Với mức phạt từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa là quá rẻ mạt đối với những hệ lụy mà các hành vi này đem lại cho nền kinh tế. Nhiều trường hợp, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để thực hiện hành vi vi phạm quyền lợi NTD. Để xử lý vấn đề này,
cần tăng mức xử phạt cũng như các chế tài áp dụng theo hướng nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVQLNTD. Cụ thể cần kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hành giả, về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Ví dụ như:
- Sửa đổi Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới theo hướng giảm giá trị và mặt hàng được trao đổi theo tiêu chuẩn được miễn thuế, trừ các mặt hàng là nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và các tổ chức, cá nhân thu mua gom hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới để kinh doanh thì phải đến cơ quan hải quan gần nhất để làm thủ tục kê khai và nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
- Cần có quy định phù hợp trong phân cấp xử lý vi phạm: Hiện nay, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp hơn và kéo theo đó, giá trị của các vụ buôn lậu cũng tăng lên. Trong khi đó, theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013) thì thẩm quyền xử phạt của các lực lượng chống buôn lậu, trong đó có Chi cục Quản lý thị trường, tuy có được tăng lên, nhưng trị giá tang vật tịch thu lại giảm xuống. Cụ thể là các vụ việc có trị giá tang vật vi phạm từ 50.000.000đ trở lên đều phải chuyển Chủ tịch UBND tỉnh xử lý. Quy định như vậy, trong nhiều trường hợp gây thêm trở ngại, dẫn đến xử lý vi phạm không kịp thời, thậm chí để tồn đọng tang vật lớn, không đủ khả năng bảo quản.
- Cần sửa đổi Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng tăng các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải có những quy định cho phép các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp xử lý đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động BVQLNTD theo kinh nghiệm của một số nước như: đưa vào danh sách các tổ chức, cá