Khái quát về bảo hiểm thất nghiệp

Một phần của tài liệu Quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam (Trang 26 - 30)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

1.1. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

1.1.1. Khái quát về bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp là một phạm trù kinh tế - xã hội gắn với sự ra đời của sản xuất hàng hoá và phân công lao động xã hội, giúp cho người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình khi bị mất việc làm, tái hoà nhập thị trường lao động.

- Theo ILO Convention (1952) và ILO Convention (1988): Bảo hiểm thất nghiệp là một hình thức bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo chi trả một khoản trợ cấp tối thiểu trong một thời gian giới hạn cho những cá nhân bị thất nghiệp mà không do lỗi của họ, gây ra việc mất thu nhập mà họ và gia đình họ dựa vào đó.

Bảo hiểm thất nghiệp thường chỉ đảm bảo cho những người lao động có thu nhập định kỳ, bởi vì theo lý thuyết những đối tượng này dễ gặp phải rủi ro thất nghiệp không tự nguyện. Vì vậy, người lao động tự tạo việc làm (hay còn gọi là lao động tự do) và các lao động thời vụ thường không được bao gồm trong các chương trình BHTN.

- Columbia Encyclopidia (2008) đưa ra khái niệm: Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm chống lại sự mất thu nhập trong khoảng thời gian một người lao động khoẻ mạnh bị thất nghiệp một cách không tự nguyện. Mục đích của hình thức bảo hiểm này là cung cấp một khoản trợ cấp tối thiểu cho người lao động bị thất nghiệp đến khi họ tìm lại được việc làm.

- Britiannica Encyclopidia (2008) cho rằng: Bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình bảo hiểm xã hội được xây dựng nhằm đền bù cho người lao động trong một giai đoạn ngắn do bị thất nghiệp không tự nguyện. Mục đích cơ bản của bảo hiểm thất nghiệp là cung cấp sự trợ giúp tài chính cho các lao động mất việc trong một khoảng thời gian đủ để cho phép họ tìm việc làm khác hoặc được thuê lại làm công việc cũ...

- Lê Thị Hoài Thu (2008) nghiên cứu dưới góc độ pháp lý, Bảo hiểm thất nghiệp (một dạng thuộc hệ thống chế độ BHXH) là tổng hợp những quy định của Nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực đảm bảo điều kiện vật chất cho người lao động đang có việc làm mà bị mất việc vì lý do khách quan,

cũng như trong lĩnh vực giúp người thất nghiệp trở lại với thị trường lao động.

- Bảo hiểm thất nghiệp là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong trường hợp bị mất việc làm và đang có nhu cầu tìm việc, đồng thời bao gồm một số biện pháp giúp họ trở lại với thị trường lao động (Nguyễn Tiệp, 2011).

Như vậy, khái niệm về BHTN ở các nước tuy câu chữ có khác nhau, song đều thống nhất ở những khía cạnh chủ yếu sau:

+ BHTN là loại hình bảo hiểm độc lập với BHXH, nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với BHXH.

+ Mục đích của BHTN nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động khi họ bị mất việc làm, giúp họ và gia đình tiếp tục ổn định cuộc sống và sớm trở lại làm việc.

+ Nguyên nhân mất việc làm không phải lỗi của người lao động.

+ Phần thu nhập của người lao động bị mất đi do bị mất việc làm sẽ được BHTN bù đắp, nhưng chỉ bù đắp trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, các khái niệm trên chủ yếu chỉ đề cập đến việc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động bị thất nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định mà chưa đề cập đến việc bảo hiểm cho người lao động tránh khỏi tình trạng thất nghiệp bằng những biện pháp đảm bảo việc làm trong ngắn hạn hoặc dài hạn cho người lao động.

Đây cũng là một trong những biện pháp ở một số nước trên thế giới áp dụng trong chương trình bảo hiểm việc làm nhằm hạn chế tối đa việc sa thải người lao động.

Xuất phát từ những phân tích trên, theo tác giả: “Bảo hiểm thất nghiệp là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập trong một khoảng thời gian nhất định cho người lao động bị thất nghiệp, nhằm ổn định cuộc sống cho họ và gia đình, giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động và hạn chế tình trạng sa thải lao động bằng các biện pháp hỗ trợ của quỹ BHTN, từ đó góp phần đảm bảo ASXH.”

1.1.1.2. Bản chất của bảo hiểm thất nghiệp

Dù khái niệm có khác nhau, song bản chất của BHTN thể hiện ở chỗ: BHTN là sự đảm bảo những khoản trợ cấp tối thiểu trong một khoảng thời gian nhất định để người lao động bị thất nghiệp ổn định cuộc sống.

BHTN là nhu cầu khách quan, đa dạng, phức tạp của xã hội, nhất là trong xã hội hoạt động theo cơ chế thị trường. Khi mối quan hệ thuê mướn lao động ngày càng phát

triển, kinh tế phát triển thì thị trường lao động cũng phát triển và có sự biến động không ngừng. Đặc biệt là những biến cố, rủi ro làm cho người lao động mất việc làm mà không phải do lỗi của họ, như: bị sa thải, chấm dứt quan hệ lao động,... thường xảy ra khi người sử dụng lao động chuyển đổi hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh và những biến động lớn như khủng hoảng nền kinh tế,...Do vậy, mối quan hệ trong BHTN phát sinh trên cơ sở quan hệ lao động diễn ra giữa 3 bên: bên tham gia BHTN (người lao động và người sử dụng lao động), tổ chức quản lý BHTN (tổ chức nhận nhiệm vụ quản lý quỹ BHTN) và Nhà nước.

Nguồn tài chính để bù đắp một phần thu nhập tối thiểu cho người thất nghiệp trong khoảng thời gian nhất định, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người thất nghiệp được đào tạo, học nghề và giới thiệu việc làm để có thể sớm quay trở lại thị trường lao động được cung cấp từ quỹ BHTN. Ngoài ra, quỹ còn có thể sử dụng vào mục đích hạn chế tình trạng sa thải lao động bằng các biện pháp hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động,... Quỹ được hình thành từ người lao động, người sử dụng lao động đóng góp và có thể được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ. Với tư cách là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, Nhà nước phải can thiệp và bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi bị thất nghiệp. Do vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm sử dụng ngân sách trong trường hợp sự đóng góp của các bên tham gia không đủ để bù đắp các khoản trợ cấp cho người thất nghiệp.

- Bảo hiểm thất nghiệp cũng giống như nhiều loại hình bảo hiểm khác, đó là hoạt động dựa trên nguyên tắc “cộng đồng - lấy số đông bù số ít”, nghĩa là dùng số tiền nhỏ được đóng góp từ số đông người tham gia BHTN để chia sẻ, bù đắp cho số ít người thất nghiệp với số tiền lớn hơn so với số đóng góp của từng người khi thất nghiệp.

1.1.1.3. Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đó là:

a. Bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, giúp họ và gia đình ổn định cuộc sống

Thất nghiệp là rủi ro bị mất việc làm mà không một người lao động nào mong muốn. Khi bị thất nghiệp, thu nhập của người lao động bị mất toàn bộ. Vì thế, nếu họ có tham gia BHTN, họ sẽ được bù đắp một phần thu nhập bị mất đi từ quỹ BHTN chi trả do các bên tham gia đóng góp. Cho dù khoản thu nhập được bù đắp thấp hơn thu nhập của người lao động trước khi bị thất nghiệp, song vẫn góp phần ổn định cuộc

sống của họ và gia đình, đặc biệt là ổn định cuộc sống ngay sau những ngày bị thất nghiệp, cũng như thông qua các chế độ, giúp người thất nghiệp có những cơ hội về việc làm để trở lại thị trường lao động. Chính vì điều này, những hệ lụy mà tình trạng thất nghiệp gây ra sẽ được kiểm soát, xã hội vì thế sẽ đảm bảo ổn định bền vững, nhiều tệ nạn sẽ được đẩy lùi,...

b. Phân phối lại thu nhập giữa những người tham gia BHTN

Trong thực tế, chỉ có một bộ phận người lao động bị mất việc làm trở thành thất nghiệp do các nguyên nhân khách quan và không ai mong muốn. Do đó, só người hưởng trợ cấp thất nghiệp tất yếu ít hơn số người tham gia đóng góp bắt buộc vào quỹ BHTN. Từ đó hình thành nguyên tắc BHTN là “lấy số đông bù số ít”. Nguyên tắc này thể hiện việc phân phối lại thu nhập giữa những người lao động có thu nhập khác nhau, giữa những người có thu nhập cao và thu nhập thấp, giữa những người đóng góp đều đặn và không đều đặn vào quỹ BHTN. Như vây, vai trò BHTN không những phân phối lại thu nhập mà còn góp phần thực hiện công bằng xã hội.

c. Động viên người lao động hăng hái làm việc

Người lao động sẽ thực sự yên tâm do có chỗ dựa vững chắc khi được đảm bảo việc làm bằng các biện pháp hỗ trợ nhằm hạn chế việc bị sa thải và được chi trả các chế độ thất nghiệp nếu như tham gia BHTN và đủ điều kiện hưởng. Chính vì vậy, người lao động sẽ gắn bó với công việc, tích cực làm việc để tăng thêm nguồn thu nhập và cũng từ đó có điều kiện tăng mức đóng BHTN để lúc nào đó có thể sẽ được hưởng chế độ. Đó là quan hệ hai chiều mang tính chất tích cực của BHTN đối với người lao động.

d. Quỹ BHTN nhàn rỗi sẽ góp phần đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội

Các nguồn thu chủ yếu từ đối tượng tham gia đã tồn tích, hình thành quỹ BHTN, trong thời gian nhàn rỗi có thể đầu tư một phần vào các hoạt động kinh tế để sinh lời, tăng thêm nguồn thu cho quỹ BHTN. Khoản đầu tư này vừa góp phần phát triển sản xuất - kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn cho quỹ BHTN khỏi bị mất giá để chi trả trợ cấp BHTN cho người lao động.

e. Cùng với các loại hình bảo hiểm khác, BHTN còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội Ngoài BHTN, trong điều kiện kinh tế thị trường còn có BHXH, BHYT, bảo hiểm thương mại,... Tất cả các loại hình bảo hiểm ngày nay đều đóng vai trò là trụ cột chính của hệ thống các chính sách, các chương trình đảm bảo an sinh xã hội quốc gia.

Bởi các loại hình bảo hiểm đều dựa trên mối quan hệ đóng, hưởng, trên cơ sở hình

thành quỹ do các bên tham gia đóng góp. Vì thế, các rủi ro mà đối tượng gặp phải đều được quỹ bảo hiểm bù đắp, chi trả hoặc bồi thường. Từ đó, góp phần làm giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngày nay, chính sách BHTN ngày càng được thế giới khẳng định, quan tâm và đánh giá rất cao.

Một phần của tài liệu Quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)