CHƯƠNG 1 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
1.1. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
1.1.2. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
1.1.2.1. Khái niệm và nguồn hình thành quỹ BHTN
Để triển khai các chương trình BHTN hay BHVL, chính sách và pháp luật các nước đều quy định rõ nguồn tài chính để thực hiện. Hạt nhân tài chính BHTN hay BHVL chính là quỹ BHTN được hình thành từ các bên tham gia đóng góp (nếu như BHTN được triển khai độc lập với BHXH). Còn nếu trợ cấp thất nghiệp được coi là một trong các chế độ BHXH thì quỹ trợ cấp thất nghiệp có thể là một quỹ thành phần hoặc cũng có thể được hình thành, quản lý thống nhất, tập trung và gọi chung là quỹ BHXH. Nội dung được đề cập ở đây là quỹ BHTN và nguồn hình thành quỹ BHTN trong BHTN, không phải trong chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Quỹ BHTN ra đời, tồn tại và phát triển gắn với sản xuất hàng hoá cũng như sự thuế mướn nhân công của giới chủ với mục đích chính là thay thế, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải rủi ro mất việc làm và giúp họ được đào tạo, giới thiệu, tìm kiếm việc làm để sớm quay lại thị trường lao động. Chính vì vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu và quản lý đều cho rằng: Quỹ BHTN phải là một quỹ tiền tệ tập trung do các bên tham gia đóng góp. Song, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ và bảo hộ.
Theo ILO Convention (1952), ILO Convention (1988), khuyến nghị rằng các loại trợ cấp và chi phí quản lý chương trình BHTN/ BHVL phải có nguồn tài chính tập thể từ đóng bảo hiểm, hoặc từ thuế để tránh tạo ra gánh nặng đối với người lao động thu nhập thấp và đề xuất các quốc gia phải chịu trách nhiệm quản lý chương trình này hiệu quả, bao gồm cả tính toán cần thiết và đánh giá tài chính định kỳ.
Kinh phí hoạt động của các chương trình này được đảm bảo từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và ngân sách Nhà nước. Trong một số trường hợp ngân sách chương trình được ba bên chia sẻ đóng góp theo thoả thuận (chi tiết tại Bảng 1.1).
Bảng 1.1: Tỷ lệ đóng góp BHTN/BHVL ở một số nước trên thế giới Quốc gia Đơn
vị
Người lao động
Người sử dụng lao động
Nhà
nước Ghi chú
Bahrain % 1% 1% 1%
Đan
Mạch % Mức phí cố định, 30% chi phí
70%
chi phí
Phí thông thường khoảng 70 - 80 USD
Đức % 1,5% 1,5%
Hàn
Quốc % 0,55%
0,55% + 0,25% (<150)
đến 0,65%
(>1000)
Người sử dụng lao động chỉ đóng cho Quỹ đảm bảo Việc làm và Đào tạo phát triển kỹ năng nghề
Mỹ % 3,2% Dao động từ 1,4% đến
6,7% tuỳ từng bang
Nhật Bản % 0,6% 0,6% +
0,35%
25%
chi phí
Chỉ có người sử dụng lao động đóng góp cho
"Hai dịch vụ"
Thái Lan % 0,5% 0,5% 0,25%
Việt Nam % 1% 1% 1%
Nguồn: Carter, J., Bédard, M., & Bista, C. P. (2013) Nhìn chung, các quốc gia đã triển khai các chương trình BHTN/BHVL trong một thời gian dài thường có chi phí và mức đóng bảo hiểm cao hơn, đặc biệt tại các quốc gia Châu Âu, trong khi các nước mới triển khai các chương trình này thời gian gần đây có xu hướng áp dụng mức trợ cấp và chi phí thấp hơn. Bên cạnh phần đóng góp vào quỹ BHTN/ BHVL, một số quốc gia yêu cầu người sử dụng lao động đóng góp thêm vào các chương trình hỗ trợ việc làm như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Các nước này ưu tiên các chương trình xúc tiến việc làm nhằm hỗ trợ người thất nghiệp có việc làm và duy trì việc làm dài hạn. Quỹ này phần lớn được hình thành từ sự đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia mà mỗi nước có quy định về đối tượng đóng góp, mức đóng góp và cách thức đóng góp vào quỹ khác nhau và được bổ sung bởi lãi đầu tư từ phần quỹ nhàn rỗi.
Các quốc gia trên sử dụng quỹ BHTN chi theo những nội dung chương trình BHTN/BHVL khác nhau, không chỉ giới hạn trong trợ cấp thất nghiệp và các chi phí quản lý tương ứng, mà còn gồm cả chi phí chương trình dịch vụ việc làm quốc gia,
hoặc chi phí của một loạt các chương trình phát triển kỹ năng nghề và các biện pháp hỗ trợ tái tìm việc làm, đôi khi còn gồm cả các chương trình khẩn cấp hoặc tạm thời.
Ở một khía cạnh khác, so sánh với quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ BHTN là quỹ ngắn hạn với mục tiêu quan trọng nhất là nhằm duy trì việc làm, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo tay nghề cho người lao động thất nghiệp để họ sớm tìm được việc làm; đồng thời hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp, được gắn liền với tác động của thị trường lao động như: thất nghiệp, chính sách việc làm và kỹ năng nghề,...; Do đó, quỹ BHTN phải được kết dư theo một tỷ lệ nhất định để thực hiện các chính sách thị trường lao động chủ động và các chính sách thụ động. Còn quỹ BHXH có trụ cột chính là bảo hiểm hưu trí, là quỹ dài hạn với mục tiêu chính là bảo đảm, thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi nghỉ hưu,... gắn liền với tác động sinh học của con người như: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất,... Vì vậy, quỹ BHXH cần phải được đầu tư và kết dư lớn nhằm đảm bảo chi trả cho các chế độ hưu trí, tử tuất trong dài hạn.
Quy mô của Quỹ BHTN phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hình thành và sử dụng quỹ BHTN. Khi đối tượng tham gia BHTN ngày càng tăng, mức đóng góp BHTN dựa trên tiền lương, tiền công và tỷ lệ đóng góp càng tăng thì nguồn hình thành quỹ BHTN càng lớn và ngược lại. Quỹ BHTN được sử dụng chủ yếu vào mục đích chi trả trợ cấp thất nghiệp và các hoạt động nhằm đưa người thất nghiệp mau chóng trở lại thị trường lao động, như: chăm sóc y tế, đào tạo nghề, tìm kiếm và giới thiệu việc làm, hoạt động quản lý quỹ,... Khi tỷ lệ thất nghiệp càng cao, mức hưởng, thời gian hưởng dài sẽ làm cho quỹ chi trả càng lớn, điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian này quỹ BHTN sẽ không được bổ sung nguồn đóng góp từ các đối tượng này, ảnh hưởng đa chiều đến quỹ BHTN. Do vậy, khi quỹ BHTN được cân đối, nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định, nguồn hình thành quỹ BHTN đảm bảo để sử dụng chi trả trợ cấp và có kết dư thì quy mô quỹ ngày càng lớn và ngược lại.
Từ những vấn đề trên, theo tác giả: “Quỹ BHTN là quỹ tiền tệ tập trung được hình thành từ sự đóng góp của các bên tham gia với mục đích sử dụng chủ yếu để bù đắp hoặc thay thế một phần thu nhập trong một khoảng thời gian nhất định cho người lao động bị thất nghiệp; đồng thời, hỗ trợ đào tạo, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động và hạn chế tình trạng sa thải lao động.”
1.1.2.2. Đặc điểm của quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính tập trung được thiết lập nhằm đảm bảo bù đắp một phần thu nhập cho người lao động bị thất nghiệp và có các đặc điểm
chủ yếu sau:
Thứ nhất, Nhà nước là chủ thể duy nhất quy định việc hình thành và sử dụng quỹ BHTN với mục đích đảm bảo an sinh xã hội. Với những đạo luật được ban hành, Nhà nước quy định về mức phí đóng góp của các bên tham gia để hình thành quỹ và mang tính bảo vệ, không mang tính bồi hoàn. Cũng như quy định về mức hưởng, điều kiện hưởng đối với từng chế độ để chi trả cho người thất nghiệp. Để tổ chức thực hiện các quy định trên, Nhà nước phải có một tổ chức quản lý quỹ BHTN để thực hiện hoạt động thu và chi trả chể độ BHTN theo các tiêu chuẩn, định mức đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Thứ hai, Quỹ BHTN là một quỹ tiền tệ tập trung mang tính cộng đồng xã hội.
Hoạt động theo nguyên tắc cộng đồng, lấy số đông bù số ít, dùng tiền đóng góp của nhiều người tham gia để bù đắp cho một số ít người với số tiền lớn hơn so với số tiền đóng góp của từng người khi họ bị mất việc làm. Mặt khác, hoạt động của quỹ BHTN là một loại hoạt động dịch vụ công, mang tính cộng đồng, tính xã hội rất cao, lấy hiệu quả xã hội làm mục tiêu hoạt động. Do quỹ BHTN được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nên khoản phí mà người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ BHTN được tính vào chi phí sản xuất để hình thành giá thành sản phẩm, dịch vụ và được xã hội tiêu dùng, sử dụng. Như vậy, thông qua việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà mọi người trong xã hội đã gián tiếp đóng góp vào quỹ BHTN.
Thứ ba, Quỹ BHTN ra đời, tồn tại và phát triển luôn gắn với mục đích chủ yếu đảm bảo cuộc sống cho người lao động và gia đình họ khi bị thất nghiệp. Do đó, tỷ lệ hưởng và thời gian hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng được quy định trên nguyên tắc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và được cân đối với mức đóng góp BHTN trước đó của người lao động. Khi xác định mức hưởng trợ cấp BHTN, một mặt, căn cứ vào khả năng chi trả của quỹ, mặt khác, còn đảm bảo khuyến khích người lao động chủ động tìm kiếm việc làm nhằm thoát khỏi tình trạng thất nghiệp.
Thứ tư, Quỹ BHTN luôn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó, sự phát triển nền kinh tế xã hội luôn là yếu tố quan trọng và có tác động tổng hợp. Khi nền kinh tế phát triển, cơ hội việc làm cao, lực lượng lao động được sử dụng nhiều, sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa được tạo ra lớn, thu nhập người lao động cao, do đó, mức đóng góp vào quỹ BHTN luôn tăng trưởng đều. Như vậy, tỷ lệ nghịch với nó là tình trạng thất nghiệp ngày càng thấp đi, quỹ BHTN sử dụng để chi trả cho người thất nghiệp vì thế cũng giảm theo tương ứng. Nguồn kết dư quỹ BHTN có thể sẽ được Nhà nước sử dụng vào những mục đích xã hội khác nhằm ổn định, phát triển kinh tế và
nâng cao chất lượng cuộc sống,... Ngược lại, nền kinh tế kém phát triển dẫn đến dư thừa lực lượng lao động do thất nghiệp, quỹ BHTN sẽ không tăng nguồn thu mà gia tăng chi trả chế độ BHTN dẫn đến mất cân đối quỹ BHTN. Hơn nữa, Nhà nước phải chịu những hệ lụy của tình trạng thất nghiệp, làm mất ổn định xã hội, tệ nạn gia tăng như: trộm cướp, bệnh tật, chất lượng cuộc sống ngày càng đi xuống,...