Tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu Quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam (Trang 103 - 113)

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM

2.3. Đánh giá tình hình quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam

2.3.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành công, kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách BHTN nói chung và quản lý quỹ BHTN nói riêng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau:

Nguồn thu vào quỹ BHTN chưa được đảm bảo, vẫn còn nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa thực hiện đóng BHTN đầy đủ cho người lao động, mức đóng BHTN chưa đúng với thực tế và vẫn còn tình trạng nợ đọng tiền thu BHTN thông qua quá trình kiểm tra, phối hợp thanh tra các đơn vị sử dụng lao động và thông qua việc phối hợp với các sở, ngành trong việc trao đổi dữ liệu giữa Tổng Cục thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư,...

Diễn biến này ngày càng phức tạp, tinh vi gây làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia và khó khăn cho cơ quan BHXH thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ BHTN dẫn đến nguồn thu vào quỹ BHTN có nguy cơ bị thất thoát nguồn thu.

Người lao động có tâm lý tìm cách hưởng hết số tiền đã đóng, chỉ quan tâm đến hưởng TCTN mà chưa thực sự quan tâm đến hỗ trợ học nghề, tư vấn tìm kiếm việc làm và nâng cao kỹ năng nghề duy trì việc làm. Nhiều đơn vị và người lao động thỏa thuận hợp đồng lao động một năm một, sau đó nghỉ việc để hưởng xong BHTN rồi đi làm tiếp.

Một số lao động có biểu hiện lạm dụng chính sách như chủ động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đồng thời nộp hồ sơ để hưởng TCTN. Hoặc gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại xin thôi việc để vừa hưởng TCTN sau đó làm thủ tục hưởng lương hưu.

Một số khác đang hưởng TCTN nhưng vẫn đi làm đóng BHXH, BHTN ở địa phương lân cận để tránh bị phát hiện.

Một số đơn vị sử dụng lao động có biểu hiện lách luật để trốn đóng BHTN bằng cách giao kết hợp đồng lao động với người lao động thời hạn dưới 03 tháng hoặc đóng chưa đầy đủ số người trong đơn vị. Việc xác định chính xác số lượng đơn vị và người lao động thuộc đối tượng tham gia còn là vấn đề khó khăn, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Quyền lợi của người thất nghiệp khi tham gia chưa được đảm bảo, điều kiện hưởng chế độ còn nhiều bất cập, khắt khe, rườm rà. Thời gian đăng ký thất nghiệp và thời gian làm thủ tục hưởng trợ cấp ngắn dẫn đến người lao động không đủ thời gian hoàn thành hồ sơ.

Chế độ hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề gàn như doanh nghiệp không thể đáp ứng được điều kiện để tiếp cận chính sách,…

Chính sách BHTN hiện nay chỉ hướng đến thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người thất nghiệp, các chế độ hỗ trợ học nghè hay hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động còn hạn chế. Do đó, kinh phí thực hiện cho các chế độ này thực sự không đáng kể so với chế độ trợ cấp thất nghiệp dẫn đến quỹ BHTN kết dư đến năm 2015 là trên 49 nghìn tỷ đồng. Sâu xa hơn thì chính sách pháp luật về BHTN chưa đáp ứng được chính sách thị trường lao động chủ động.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do những yếu tố sau tác động, làm ảnh hưởng đến thực hiện quản lý quỹ BHTN ở Việt Nam như sau:

a. Về chính sách pháp luật:

Việc đối tượng tham gia BHTN được mở rộng hơn theo Luật Việc Làm và hằng năm, Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, mức lương cơ sở làm cho người sử dụng lao động luôn tìm cách trốn đóng BHTN cho người lao động hoặc đóng không đúng mức lương thực trả hay chậm đóng tiền thu BHTN cho cơ quan BHXH.

Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ việc thông báo định kỳ hàng tháng về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị. Do đó, các thông tin về số lượng lao động thực tế làm việc cũng như số lao động có giao kết các loại hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHTN không được đầy đủ, chính xác (không tham gia đủ số người, tham gia không đúng mức đóng).

Chính vì điều này mà cán bộ BHXH được khảo sát đánh giá vẫn còn tỷ lệ đến 39,4% người sử dụng lao động hiện nay chấp hành chính sách pháp luật về BHTN chưa tốt, cá biệt còn 3% là chấp hành không tốt (Bảng 2.13).

Bảng 2.13: Đánh giá của cán bộ BHXH về việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHTN của người sử dụng lao động

Tần suất lựa

chọn (người) Tỷ lệ % % hợp lệ

Giá trị Chưa tốt 159 39.4 39.4

Không tốt 12 3.0 3.0

Tốt 208 51.5 51.5

Rất tốt 25 6.2 6.2

Tổng cộng 404 100.0 100.0

Nguồn: Tài liệu điều tra của tác giả.

Về tỷ lệ tham gia BHTN hiện nay, theo khảo sát của tác giả, vẫn còn nhiều người nhận định tỷ lệ tham gia BHTN hiện nay cao, cụ thể: Đối với cán bộ BHXH là 19,3%;

Đối với người sử dụng lao động là 13,1% và người lao động là 13,6% (Bảng 2.14).

Bảng 2.14: Đánh giá về tỷ lệ tham gia BHTN hiện nay

Đối tượng điều tra

Số đối tượng điều tra

Số người đánh giá tỷ lệ tham gia BHTN hiện nay

Cao Trung bình Thấp

1. Cán bộ cơ quan BHXH 404 78 260 66

2. Người sử dụng lao động 359 47 287 25

3. Người lao động 828 113 584 131

Nguồn: Tài liệu điều tra của tác giả.

Bên cạnh đó, quy định về điều kiện để người lao động tham gia bảo hiểm, hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều bất cập, như: người lao động đã tham gia đóng BHTN theo các khoản thời gian khá rộng (12- dưới 36 tháng, 36-dưới 72 tháng,...) đều được hưởng trợ cấp thất nghiệp cùng một thời gian (3 tháng, 6 tháng, ...) là chưa công bằng, đồng thời, tạo kẽ hở dễ làm cho người lao động lợi dụng chính sách.

Mặc dù chính sách BHTN theo Luật Việc làm đã có chế độ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng sa thải nhưng việc tiếp cận và hưởng chế độ này thực sự khó khăn cho các doanh nghiệp bởi những điều kiện hết sức chặt chẽ như: xác định nguyên nhân buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, xác định kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương án đào tạo, và các cam kết kèm theo. Các giấy tờ chứng minh không đủ kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo,… Điều này làm cho quỹ BHTN không chi trả chế độ này được do các doanh nghiệp không thể tiếp cận chế độ.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quỹ BHTN đến nay có số kết dư lớn.

Chưa quy định về quyền lợi hưởng BHTN đối với người lao động có quá trình tham gia BHTN đến tuổi nghỉ hưởng chế độ hưu trí hoặc chết, thiệt thòi cho người lao động khi tham gia BHTN mà không được hưởng chính sách.

Về phía cán bộ BHXH, ngoài những đánh giá nêu trên, nhiều người còn có

những ý kiến cụ thể như sau:

“Luật chưa nghiêm không có chế tài thực sự đối với tổ chức cá nhân lạm dụng chiếm đoạt quỹ Thất nghiệp, có kẽ hở để các doanh nghiệp tổ chức mô hình gia đình lạm dụng quỹ thất nghiệp.”

(khảo sát một cán bộ nam, 41 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Hưng Yên).

“Ngân sách hỗ trợ nhiều, mức hưởng cao, tỷ lệ đóng thấp, gây tình trạng lạm dụng quỹ BHTN.”

(khảo sát một cán bộ nữ, 27 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Vĩnh Long).

“Hiện nay đối tượng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng chính sách lương và các chế độ gần giống như công chức nhưng phải đóng BHTN còn công chức thì không. theo tôi một là viên chức không đóng thất nghiệp hoặc bổ sung thêm công chức phải đóng thất nghiệp.”

(khảo sát một cán bộ nam, 38 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Vĩnh Long).

“Đối tượng hưởng chưa phù hợp, Như giáo viên, viên chức về hưu - có thời gian đóng BH thất nghiệp dài nghỉ thì không được hưởng chế độ BH Thất nghiệp. Trong khi đó lao động làm một vài năm hết hợp đồng hoặc nghỉ việc.”

(khảo sát một cán bộ nữ, 30 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Lạng Sơn).

“Người thất nghiệp không quan tâm đến các chế độ khác ngoài trợ cấp thất nghiệp.”

(khảo sát một cán bộ nữ, 29 tuổi, thuộc BHXH thành phố Hà Nội).

“Trường hợp tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng đến 36 tháng đều hưởng 3 tháng bảo hiểm thất nghiệp.”

(khảo sát một cán bộ nữ, 35 tuổi, thuộc BHXH thành phố Đà Nẵng).

b. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHTN:

Nhận thức của người lao động về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHTN còn hạn chế. Vẫn còn nhiều người lao động khai báo chưa trung thực về tình trạng việc làm của mình. Phần lớn người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà không chú ý đến quyền được giới thiệu việc làm và học nghề miễn phí. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa đúng mức, dẫn đến người lao động còn mơ hồ về bảo hiểm thất nghiệp.

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tại một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kinh phí tuyên truyền còn hạn hẹp,...

Theo dõi Hình 2.10, mặc dù nhận định là đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền

phổ biến chính sách pháp luật BHTN với 76,5% ý kiến đánh giá nhưng vẫn còn 39,3%

người sử dụng lao động chưa chấp hành tốt chính sách pháp luật BHTN. Trái chiều với ý kiến này, cán bộ cơ quan BHXH nhận định chưa tham gia BHTN đầy đủ cho người lao động là do công tác tuyên truyền chưa tốt chỉ với 11,4% tương ứng với 118 lựa chọn và chủ yếu là người sử dụng lao động nhận thức chưa rõ ràng về chính sách pháp luật chiếm tỷ lệ 21% với 217 lựa chọn (Hình 2.10).

Hình 2.10: Đánh giá của cán bộ BHXH về lý do người sử dụng lao động tham gia BHTN chưa đầy đủ cho người lao động

Nguồn: Dựa trên điều tra của tác giả Một số lý do chủ yếu trong quá trình khảo sát được cán bộ BHXH đưa ra đó là:

“Vẫn còn mang tính hình thức, chung chung, nội dung tuyên truyền chưa đẩy mạnh quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia.”

(khảo sát một cán bộ nam, 41 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Phú Yên).

“Do người lao động tại các khu công nghiệp hoặc làm ca khó tiếp cận chính sách.”

(khảo sát một cán bộ nữ, 42 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Cao Bằng).

“Công tác tuyên truyền BHTN gắn liền với tuyên truyền BHXH, cơ quan BHXH là cơ quan chủ trì, trong khi giải quyết chế độ là của TT dịch vụ việc làm. Như vậy, cần có sự phối hợp với cơ quan lao động trong việc tuyên truyền chính sách BHTN.”

(khảo sát một cán bộ nam, 28 tuổi, thuộc BHXH thành phố Đà Nẵng).

“Công tác tuyên truyền về BHTN chưa sâu rộng và thường xuyên đến người lao động và đơn vị sử dụng lao động.”

(khảo sát một cán bộ nam, 36 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế).

“Chưa tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN đến với người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX, tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp và các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa.”

(khảo sát một cán bộ nam, 41 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Quảng Trị).

“Tuyên truyền còn chung chung chưa rõ ràng đến người lao động và sử dụng lao động. Chỉ mới quan tâm đến doanh nghiệp có số lao động lớn.”

(khảo sát một cán bộ nam, 35 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Quảng Nam).

“Đa số đối tượng thất nghiệp đều là người lao động làm việc trong doanh nghiệp và đa số họ củng chưa nắm bắt rỏ các chính sách, chế độ BHXH nói chung và BHTN nói riêng, nên công tác tuyên truyền cần tiếp cận thực tế đến đối tượng này. Ví dụ: Chúng ta nên niêm yết các thủ tục, chính sách của các chế độ này ngay tại các doanh nghiệp để người lao động có thể trực tiếp đọc và hiểu rỏ…”

(khảo sát một cán bộ nam, 33 tuổi, thuộc BHXH tỉnh Quảng Trị).

Từ thực trạng trên, công tác tuyên tuyền phổ biến chính sách pháp luật về BHTN cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa, duy trì thường xuyên và đa dạng hình thức, phong phú về nội dung để chính sách pháp luật BHTN thực sự đi sâu vào nhận thức của các bên tham gia, góp phần vào việc gia tăng đối tượng tham gia BHTN cũng như đóng BHTN đầy đủ, kịp thời vào quỹ BHTN, hạn chế được tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền BHTN. Từ đó, góp phần đảm bảo nguồn thu vào quỹ BHTN để chi trả trợ cấp cho người thất nghiệp.

c. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát:

Tình trạng người lao động vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa tham gia đóng BHTN vẫn xảy ra do chưa kiểm soát được đầy đủ thông tin việc làm của người lao động khi giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, một số người thất nghiệp gian lận không khai báo việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và nguồn nhân lực để thực hiện kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Chế tài xử phạt các hành vi kê khai gian lận, không đúng sự thật, hành vi giả mạo giấy tờ của người lao động để trục lợi quỹ

BHTN còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe.

Công tác thu hồi tiền TCTN cũng gặp rất nhiều khó khăn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thu hồi nhưng giao lại cho cơ quan BHXH tỉnh thực hiện liên hệ với người lao động để thu hồi, chuyển tiền vào quỹ. Một số tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên,… có nhiều trường hợp chưa thu hồi được do không liên lạc được với người lao động, hoặc chưa có khả năng nộp lại. Phần lớn là các trường hợp hưởng sai là do có việc làm mà không khai báo, khi giải quyết hưởng lần 2 thì phát hiện ra hoặc người lao động đi học tập hoặc làm việc ở nước ngoài.

Mặt khác, nhận định về công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tham gia BHTN cho người lao động thì cán bộ BHXH thẳng thắn trả lời nguyên nhân vì sao vẫn còn nhiều người sử dụng lao động tham gia BHTN chưa đầy đủ cho người lao động là do chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ với 153 sự lựa chọn, chiếm tỷ lệ 14,8% (Hình 2.10). Một trong những lý do khiến công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát chưa thực sự hiệu quả đó là:

- Lực lượng thanh, kiểm tra quá mỏng so với số đơn vị tham gia nên không đi hết được các đơn vị vi phạm. Chế tài xử lý còn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe người vi phạm pháp luật về BHTN…

- Chưa kiểm soát chặt chẽ việc người lao động vẫn hưởng chế độ BHTN trong khi đã đi làm.

- Sự phối hợp thanh tra, kiểm tra với cơ quan lao động, thương binh và xã hội chưa thực sự chặt chẽ và kiểm soát đầy đủ do lực lượng thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan còn mỏng, mặt khác cả hai cơ quan cùng tổ chức thực hiện chế độ cho người thất nghiệp nên cần phải có trao đổi thông tin trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra…

Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật BHTN của đơn vị sử dụng lao động sau khi được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra chưa tốt với 31,2% cán bộ BHXH đánh giá (Bảng 2.9). Nguyên nhân do các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, trong sản xuất, kinh doanh (khảo sát của tác giả với 157 cán bộ BHXH trực tiếp quản lý đơn vị nhận định), ngoài ra, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe làm cho các đơn vị có dấu hiệu coi thường và tiếp tục vi phạm quy định. Cũng theo kết quả khảo sát của tác giả, cán bộ BHXH thành phố Đà Nẵng đồng quan điểm, ý kiến: “tăng mức phạt cho hành vi trốn đóng BHTN, cụ thể hơn nữa về việc xử phạt về hành vi trốn đóng BHTN” và “chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp không thực hiện BHXH nói chung và BHTN nói riêng chưa đủ mạnh”.

d. Tổ chức triển khai chính sách pháp luật về quản lý quỹ BHTN:

Hiện nay, trong chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan BHXH thực hiện: tổ chức thu BHTN của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức chi các chế độ BHTN theo quy định của pháp luật. Do vậy, quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHTN phải thống nhất theo một quy trình, xuyên suốt trong bộ máy hoạt động quản lý nhằm đảm bảo thực thi đúng quy định của pháp luật, thuận lợi, hiệu quả đến tham gia, thụ hưởng chế độ BHTN. Nếu không sẽ gây lúng túng cho cán bộ BHXH thực hiện quản lý thu, chi trả chế độ BHTN và khó khăn, phức tạp cho đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHTN trong quá trình lập hồ sơ tham gia, chuyển tiền hay hưởng chế độ của người thất nghiệp, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của quỹ BHTN.

Theo khảo sát của tác giả về thực hiện BHTN của cơ quan BHXH, người lao động đã đưa ra những vấn đề như sau:

“Phải đi xa, người tiếp nhận thông tin giấy tờ có thái độ khó chịu, không nhiệt tình hướng dẫn cho người đi làm thủ tục. Chờ đợi rất lâu, rất mất thời gian.”

(khảo sát một lao động nữ, 25 tuổi, tại thành phố Hồ Chí Minh).

“Đến tháng phải có mặt lên kí để nhận tiền.”

(khảo sát một lao động nữ, 27 tuổi, tại thành phố Hồ Chí Minh).

“Người lao động còn mất thời gian đi đến tận nơi cơ quan BHXH để khai báo, nên có hệ thống để người lao động có thể khai báo online. Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và công sức của nhân viên BHXH. Tất cả nên quản lý bằng hệ thống, kể cả phần đã hưởng/ chưa hưởng và bảo lưu nếu có.”

(khảo sát một lao động nam, 35 tuổi, tại thành phố Hồ Chí Minh).

“Năm 2013, sau khi tôi nghỉ việc tại Hà Nội và về Bắc Ninh đăng ký BHTN thì cần phải ra Hà Nội xin giấy xác nhận chưa hưởng BHTN, gây khó khăn trong việc đi lại.”

(khảo sát một lao động nữ, 29 tuổi, tại tỉnh Hải Dương).

“Chưa công bố quy trình cụ thể đến cá nhân.”

(khảo sát một lao động nam, 37 tuổi, tại thành phố Đà Nẵng).

“Thủ tục rườm rà, mất thời gian. Cảm giác xin cho.”

(khảo sát một lao động nam, 39 tuổi, tại thành phố Hà Nội).

Một phần của tài liệu Quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam (Trang 103 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)