CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM
2.1. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam
2.1.1. Quá trình hình thành và mục đích sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt
Sau năm 1986, nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Trong thời kỳ đầu, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành nhiều quyết định về chính sách khi sắp xếp lại tổ chức, lao động theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc, phát huy năng lực, hiệu suất của từng người. Khi đó, đối với những người tự nguyện xin nghỉ việc sẽ được trợ cấp một lần theo nguyên tắc “cứ mỗi năm công tác trong cơ quan Nhà nước được hưởng bằng một tháng lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có)”. Các trường hợp dôi dư không tự nguyện xin nghỉ sẽ được nghỉ tạm thời tối đa 12 tháng và được hưởng 75% lương kèm phụ cấp và trợ cấp khác để tìm kiếm việc làm.
Để xoá bỏ triệt để cơ chế tập trung bao cấp, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh nhằm giải quyết cho hàng chục vạn người lao động dư thừa trong khu vực Nhà nước với nhiều chế độ, chính sách được áp dụng như: chế độ trợ cấp thôi việc và chế độ trợ cấp tạm ngừng việc…
Ngày 23/6/1994, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 5 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/1995 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ lao động ở nước ta. Quá trình thực hiện Bộ luật này được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào những năm 2002, 2006, 2007 để giải quyết chế độ, hỗ trợ cho những người đang làm việc trong các thành phần kinh tế mà mất việc làm, bị thôi việc, cụ thể như sau:
- Trợ cấp mất việc làm khi người lao động làm việc đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ… với mức trợ cấp cứ mỗi năm làm việc được trả một tháng lương (tối thiểu là 3 tháng) do doanh nghiệp tự chi trả.
- Trợ cấp thôi việc áp dụng đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ 1 năm trở lên bị người sử dụng lao động chấm dứt HĐLĐ hoặc người lao động chủ động chấm dứt HĐLĐ trong một số trường hợp.
Mức trợ cấp thôi việc cho người lao động căn cứ vào mức đóng góp của người lao
động cho tổ chức, doanh nghiệp và phụ thuộc vào hai yếu tố: thời gian làm việc thực tế và mức lương của người lao động. Mỗi năm làm việc người lao động được hưởng mức trợ cấp là nửa tháng lương và phụ cấp (nếu có). Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc do doanh nghiệp, tổ chức tự chi trả.
- Chế độ trợ cấp đối với lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giải quyết cho các trường hợp:
+ Người lao động dôi dư đang thực hiện HĐLĐ không xác định thời hạn có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi theo quy định thì ngoài việc được nghỉ hưu nhưng không trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi còn được hưởng thêm trợ cấp 3 tháng tiền lương đang hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi và trợ cấp 5 tháng tiền lương đang hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương đang hưởng.
+ Người lao động dôi dư đang thực hiện HĐLĐ có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm nếu chấm dứt HĐLĐ thì được hưởng trợ cấp mất việc làm được tính theo số năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, cứ mỗi năm được trợ cấp 1 tháng tiền lương đang hưởng và trợ cấp 70% tiền lương cho những tháng còn lại chưa thực hiện hết HĐLĐ đã giao kết nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Để thực hiện chi trả chế độ chính sách đối với lao động dôi dư thì Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư được hình thành trên cơ sở ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn khác.
Trước yêu cầu cấp thiết cần phải có chính sách BHTN đối với người lao động ở nước ta trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 29/6/2006, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH, trong đó quy định về chính sách BHTN. Đây là khung pháp lý quan trọng để triển khai BHTN ở Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009. Sau 4 năm thực hiện, ngày 16/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm, trong đó quy định về BHTN đã được sửa đổi thay thế trong Luật BHXH như: mở rộng đối tượng tham gia, điều kiện hưởng BHTN và chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động,... và được thực hiện bắt đầu từ ngày 01/01/2015.
Luật Việc làm cũng quy định rõ: (i) Quỹ BHTN được hình thành từ các khoản đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, Nhà nước hỗ trợ do ngân sách trung ương đảm bảo; từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác. (ii) Quỹ BHTN sử dụng vào các mục đích như: Chi trả trợ cấp thất nghiệp;
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Đóng bảo hiểm y tế
cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội; Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.
2.1.2. Cơ quan quản lý bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay, BHTN và Quỹ BHTN được điều tiết và tác động bởi hai mặt đó là quản lý nhà nước (bao gồm các hoạt động xây dựng, ban hành khung pháp lý về BHTN bởi Quốc hội, Chính phủ) và quản lý sự nghiệp (bao gồm các hoạt động tổ chức thực hiện quản lý quỹ BHTN do cơ quan BHXH đảm nhiệm), cụ thể:
2.1.2.1. Quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp
Theo Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực, trong đó có: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp),... trong phạm vi cả nước.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngoài nhiệm vụ: Trình Chính phủ các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý; Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước, Bộ còn thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến lĩnh vực việc làm và BHTN như sau:
- Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách việc làm, chính sách phát triển thị trường lao động, chỉ tiêu tạo việc làm mới và khuyến khích tạo việc làm mới; về tuyển dụng và quản lý lao động Việt Nam và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; về chính sách việc làm đối với đối tượng đặc thù, lao động dịch chuyển; về lao động bị mất việc làm trong sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước;
- Hướng dẫn cơ chế thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm theo thẩm quyền;
- Quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm;
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm;
- Tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động; thu thập, cung cấp cơ sở dữ liệu về thị trường lao động cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu;
- Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo
hiểm thất nghiệp.
- Tổ chức, kiểm tra và chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan hướng dẫn về chính sách, chế độ dạy nghề và học nghề;
- Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề; quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề; điều lệ mẫu trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề; quy chế mẫu trung tâm dạy nghề; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề;
- Quy định danh mục nghề đào tạo; chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề; quy chế tuyển sinh, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ nghề; mẫu bằng, chứng chỉ nghề;
- Quy định nguyên tắc, quy trình và tổ chức việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; quản lý việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
- Quy định tiêu chuẩn, quy trình kiểm định chất lượng dạy nghề;
- Quyết định thành lập trường cao đẳng nghề; công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng nghề tư thục theo thẩm quyền.
2.1.2.2. Quản lý sự nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp Theo quy định tại Điều 59 Luật Việc làm đã nêu rõ: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được hạch toán độc lập. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết. Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; việc quản lý, sử dụng Quỹ; tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Ngày 05 tháng 01 năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đồng thời, Nghị định cũng quy định một số nhiệm vụ liên quan đến BHTN của Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:
- Tổ chức thu BHTN của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức chi trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm,
đóng BHYT cho người được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT bao gồm: quỹ hưu trí, quỹ tử tuất;
quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau, thai sản; quỹ BHXH tự nguyện;
quỹ BHTN; quỹ BHYT theo nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật; tổ chức hạch toán các quỹ BHXH, BHYT thành phần theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức ký hợp đồng với các tổ chức làm đại lý thu BHXH, BHYT và đại lý chi các chế độ BHXH, BHTN theo đúng quy định của pháp luật.
- Kiểm tra việc ký hợp đồng, việc đóng, trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, cá nhân, cơ sở khám, chữa bệnh; từ chối việc đóng và yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật.
Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, cụ thể như sau:
- Chỉ đạo xây dựng và thông qua chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm về thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, đề án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giám sát, kiểm tra Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Giám đốc) thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt;
- Giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Hình 2.1: Sơ đồ tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam
Nguồn: Chính phủ (2016), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2017a, 2017b) Theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ cấp trung ương đến cấp huyện, các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thu BHTN như Ban Thu, Phòng Quản lý
HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ BHXH VIỆT
NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI CẤP TỈNH
BẢO HIỂM XÃ HỘI CẤP HUYỆN
BAN THU
VỤ TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN CÁC ĐƠN VỊ
TRỰC THUỘC
PHÒNG QUẢN LÝ THU
PHÒNG KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH CÁC PHÒNG
NGHIỆP VỤ
TỔ TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN
CÁC TỔ NGHIỆP VỤ
TỔ
QUẢN LÝ THU
thu, Tổ quản lý thu và các nhiệm vụ liên quan đến chi BHTN như Vụ Tài chính - Kế toán, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Tổ Tài chính - Kế toán, cụ thể như sau:
a. Phòng Quản lý thu thuộc BHXH cấp tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan xây dựng và phân bổ chỉ tiêu kế hoạch thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng năm cho Bảo hiểm xã hội huyện và Phòng Quản lý thu trên cơ sở kế hoạch được Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao.
- Tổ chức thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt; quản lý các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các tổ chức và cá nhân; quản lý hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo phạm vi được giao.
- Quản lý, kiểm tra, đối chiếu danh sách các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thẩm định và tổng hợp số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
- Tổ chức thẩm định hồ sơ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
b. Phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc BHXH cấp tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch và phân bổ dự toán chi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí chi hoạt động quản lý bộ máy đã được phê duyệt cho Bảo hiểm xã hội huyện; phối hợp với Phòng Quản lý thu xây dựng và phân bố chỉ tiêu kế hoạch thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng năm; xây dựng các văn bản liên quan đến chi tiêu trong nội bộ đơn vị.
- Tổ chức cấp kinh phí chi trả cho đối tượng hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện cấp ứng kinh phí khám, chữa bệnh và quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh với các cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.
- Thẩm định quyết toán thu, chi của các Bảo hiểm xã hội huyện; thực hiện chế độ, định mức chi tiêu tài chính; quản lý, sử dụng và hạch toán, kế toán các nguồn kinh phí, tài sản theo quy định.
c. Tổ Quản lý thu thuộc BHXH cấp huyện
- Tổ chức thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.