CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HẠCH TOÁN KẾ TOÁN CÁC KHOẢN THU, CHI HOẠT ĐỘNG SỰ NGHIỆP TRONG ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP
1.4. Lập báo cáo và phân tích báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp tại đơn vị hành chính sự nghiệp
1.4. Lập báo cáo và phân tích báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp tại đơn vị hành chính sự nghiệp
BCTC, BCQT Ngân sách dùng để tổng hợp tình hình về tài sản, tiếp nhận và sử dụng kinh phí NSNN, tình hình thu, chi và kết quả hoạt động của đơn vị HCSN trong kỳ kế toán, cung cấp thông tin kinh tế tài chính chủ yếu cho việc đánh giá tình hình và thực trạng của đơn vị, là căn cứ quan trọng giúp cơ quan Nhà nước, lãnh đạo các đơn vị kiểm tra, giám sát, điều hành hoạt động đơn vị.
Các đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức bộ máy kế toán theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004, các đơn vị kế toán cấp I, II gọi là đơn vị kế toán cấp trên, các đơn vị kế toán cấp II, III gọi là đơn vị kế toán cấp dưới, đơn vị kế toán dưới đơn vị kế toán cấp III (nếu có) gọi là đơn vị kế toán trực thuộc.
Danh mục, mẫu và phương pháp lập báo cáo tài chính quý, năm của đơn vị kế toán trực thuộc do đơn vị kế toán cấp I quy định. Đơn vị kế toán phải lập, nộp BCTC quý, năm và nộp BCQT cho đơn vị kế toán cấp trên, cơ quan tài chính để phối hợp và kiểm tra, đối chiếu, điều chỉnh số liệu kế toán.
Đơn vị hành chính sự nghiệp theo dõi, quản lý tình hình các khoản thu, chi hoạt động sự nghiệp qua các báo cáo sau:
+ Bảng Cân đối tài khoản (Mẫu số B01-H)
+ Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng (Mẫu số B02-H) + Báo cáo chi tiết kinh phí hoạt động (Mẫu số F02-1H)
+ Báo cáo thu – chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh (Mẫu số B03-H)
+ Thuyết minh báo cáo tài chính
Yêu cầu lập và mục đích báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp tại đơn vị hành chính sự nghiệp là:
Việc lập các báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp tại đơn vị hành chính sự nghiệp phải đảm bảo sự trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng tình hình tài sản, thu, chi và sử dụng các nguồn kinh phí của đơn vị.
Việc lập các báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Cần lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ báo cáo
+ Bảng Cân đối tài khoản (Mẫu số B01-H)
Mục đích: Là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát số hiện có đầu kỳ, tăng, giảm trong kỳ và số cuối kỳ về kinh phí và sử dụng kinh phí, kết quả hoạt động sự nghiệp của đơn vị hành chính sự nghiệp trong kỳ báo cáo và từ đầu năm đến cuối kỳ báo cáo. Theo quy định hiện hành thì đơn vị hành chính sự nghiệp phải lập báo cáo tài chính vào cuối quý, cuối năm hoặc lập theo tháng theo yêu cầu quản lý của đơn vị.
Cơ sở lập Bảng cân đối tài khoản là số liệu dòng khóa sổ trên Sổ Cái hoặc Nhật ký – Sổ cái; các sổ kế toán chi tiết tài khoản và Bảng cân đối tài khoản kỳ trước.
Bảng cân đối tài khoản thể hiện tình hình thu, chi tại đơn vị hành chính sự nghiệp thông qua các tài khoản loại 5, loại 6. Qua đó, cung cấp thông tin về số dư các tài khoản thời điểm đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ và số dư các tài khoản thời điểm cuối kỳ.
+ Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng (Mẫu số B02-H)
Mục đích: Là báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh tình hình tiếp nhận và sử dụng các nguồn kinh phí hiện có ở đơn vị (bao gồm các khoản thu tại đơn vị và phần kinh phí được ngân sách Nhà nước cấp) và số thực chi cho từng hoạt động theo từng nguồn kinh phí đề nghị quyết toán, nhằm giúp cho đơn vị và các cơ quan chức năng của Nhà nước nắm được tổng số các loại kinh phí theo từng nguồn hình thành và tình hình sử dụng các loại kinh phí ở đơn vị trong một kỳ kế toán
Cơ sở lập báo cáo Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng là số liệu căn cứ vào sổ kế toán chi tiết của các tài khoản loại 4, loại 6 như sổ theo dõi sử dụng nguồn kinh phí, sổ tổng hợp sử dụng nguồn kinh phí, sổ chi tiết chi hoạt động, sổ chi tiết chi dự án và báo cáo này của kỳ trước.
Nội dung báo cáo gồm 2 phần: Phần I –Tổng hợp tình hình kinh phí; Phần II – Kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán.
+ Báo cáo chi tiết kinh phí hoạt động (Mẫu số F02-1H)
Mục đích: Phản ánh chi tiết kinh phí hoạt động đã sử dụng đề nghị quyết toán theo từng nội dung, theo Mã ngành kinh tế của MLNS nhà nước và theo từng loại kinh phí (thường xuyên, không thường xuyên…) nguồn kinh phí (NSNN, nguồn khác).
Cơ sở lập Báo cáo chi tiết kinh phí hoạt động là Sổ chi tiết Tài khoản 461, Tài khoản 661 và Báo cáo này của kỳ trước.
+ Báo cáo thu – chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh (Mẫu số B03-H)
Mục đích: Là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát tình hình thu, chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị trong một kỳ kế toán, chi tiết theo từng hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh. Báo cáo này được lập hàng quý
Cơ sở lập Báo cáo thu – chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh là Sổ chi tiết Các khoản thu; Sổ chi tiết doanh thu (nếu có); Sổ chi tiết Chi phí sản xuất, kinh doanh (hoặc XDCB) và báo cáo này kỳ trước.
+ Thuyết minh báo cáo tài chính
Mục đích: Là báo cáo được lập để giải thích và bổ sung thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của đơn vị, tình hình chấp hành các kỷ luật tài chính về thu, chi NSNN trong kỳ báo cáo mà các Báo cáo tài chính khác không thể trình bày rõ ràng và chi tiết được.
Cơ sở lập Thuyết minh báo cáo tài chính là Sổ theo dõi lao động của đơn vị; Bản thanh toán tiền lương và các sổ kế toán chi tiết liên quan; Bảng cân đối tài khoản kỳ báo cáo (Mẫu B01- H); Sổ cái hoặc Nhật ký – Sổ cái; các sổ chi tiết và tài liệu khác có liên quan.
Thuyết minh báo cáo tài chính trình bày khái quát biên chế lao động, quỹ lương, tình hình thực hiện nhiệm vụ cơ bản thường xuyên của đơn vị, tình hình kinh phí chưa quyết toán… nêu ra kiến nghị xử lý với cơ quan cấp trên. Thông tin trên Thuyết minh báo cáo tài chính phải thống nhất với số liệu trên các báo cáo khác.