CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NHU CẦU DỊCH VỤ NGÂN HÀNG CỦA KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1.2. NHU CẦU DỊCH VỤ NGÂN HÀNG CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA 18 1. Khái niệm nhu cầu dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa
1.2.3. Đặc điểm nhu cầu dịch vụ ngân hàng của khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng thương mại
1.2.3.1. Đặc điểm về nhu cầu vay vốn
Xuất phát từ các đặc điểm riêng biệt, nhu cầu vay vốn của DNNVV cũng tồn tại những điểm khác biệt với các doanh nghiệp có quy mô lớn, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, DNNVV gặp khó khăn trong việc huy động vốn ngân hàng do quy mô hoạt động hiệu quả khai thác thấp. Với quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, doanh nghiệp sẽ ít phát sinh các nhu cầu thanh toán lớn. Điều này dẫn tới việc các món vay của DNNVV có giá trị thường rất nhỏ gây áp lực về chi phí vận hành cho ngân hàng. Thêm vào đó, với phạm vi hoạt động mang tính chất địa phương và không đa dạng loại hình, nhu cầu tín dụng của DNNVV thường gắn chặt với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và ít có tính đa dạng. Hiệu quả khai thác DNNVV không cao là nguyên nhân khiến nhiều DNNVV gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
- Thứ hai, DNNVV thường khó minh bạch các hoạt động tài chính với cá
nhân. Với các giới hạn về nhân sự, các vấn đề tài chính của DNNVV thường được quản lý và cân đối bởi chủ doanh nghiệp thay vì có một bộ phận chuyên trách quản lý tài chính. Mô hình này tạo điều kiện cho sự phát triển của một cơ chế tài chính linh hoạt khi doanh nghiệp và cá nhân chủ doanh nghiệp có thể thường xuyên sử dụng nguồn ngân quỹ của nhau cho các hoạt động của mỗi bên. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro vỡ nợ khi các bên không đảm bảo được khả năng cân đối dòng tiền với các thời hạn thanh toán.
- Thứ ba, DNNVV thường phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Vị thế đàm phán thấp của doanh nghiệp nhỏ khiến cho các doanh nghiệp khó có thể chiếm dụng vốn từ đối tác đầu ra hay đầu vào hoặc sẽ phải mất một khoản chi phí để bổ sung chiết khấu hay chi phí phụ trội cho đối tác. Nguồn vốn của DNNVV sẽ chủ yếu được tài trợ từ hai nguồn chính là vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng.
- Thứ tư, không có nhiều nguồn thông tin chính thức hoặc đáng tín cậy được cung cấp bởi bên thứ ba về tình hình hoạt động và năng lực của DNNVV. Mô hình kinh doanh đơn giản và quy mô doanh thu, lợi nhuận hạn chế là nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa có chế độ kiểm toán hàng năm và soát xét định kỳ. Thay vào đó, doanh nghiệp khi đi vay sẽ tập trung cung cấp các thông tin mang tính chủ quan của mình để cung cấp cho ngân hàng và sẵn sàng cho phép ngân hàng thẩm định trực tiếp mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, DNNVV thường mất nhiều thời gian và công sức trong việc tìm kiếm một ngân hàng tài trợ vốn vay và có ít động lực để sử dụng thêm các dịch vụ vay vốn tại các ngân hàng khác nếu không thực sự cần thiết.
- Thứ năm, DNNVV thường có mức tích lũy tài sản thấp do quy mô doanh thu nhỏ hơn các doanh nghiệp lớn. Do đó, tài sản của DNNVV thường chỉ có giá trị sử dụng, khó đáp ứng các điều kiện của ngân hàng để được nhận làm tài sản bảo đảm.
DNNVV thường phải sử dụng tài sản hoặc uy tín từ bên thứ ba. Các tài sản được đưa vào thế chấp đa phần là tài sản của thành viên ban lãnh đạo công ty hoặc người thân, người nhà của họ. Uy tín của bên thứ ba được sử dụng có thể bao gồm chứng thư bảo lãnh từ ngân hàng, các quỹ đầu tư góp vốn hoặc các doanh nghiệp lớn có
phần vốn góp tại công ty.
- Cuối cùng, chi phí lãi vay đối với DNNVV phải phụ thuộc vào từng lĩnh vực và loại hình kinh doanh. Lợi thế từ quy mô nhỏ giúp DNNVV dễ dàng kiểm soát được các yếu tố sản xuất và thay đổi theo xu hướng thị trường. Nếu kinh doanh trong một môi trường không quá cạnh tranh, DNNVV thường đạt được mức biên lợi nhuận cao hơn và có thể đáp ứng mức chi phí vay vốn cao hơn. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực cạnh tranh cao, DNNVV sẽ chịu áp lực từ các đối thủ và buộc lòng phải thu hẹp biên lợi nhuận của mình và gián tiếp làm giảm khả năng chi trả lãi vay ngân hàng.
1.2.3.2. Nhu cầu dịch vụ thanh toán
Tương tự như nhu cầu vay vốn, nhu cầu thanh toán của DNNVV cũng tồn tại những đặc điểm riêng, cụ thê như sau:
- Thứ nhất, nhu cầu thanh toán của DNNVV cũng phát sinh với tần suất thấp và giá trị giao dịch nhỏ. Nguyên nhân là do DNNVV có tổng mức chi nhỏ hơn so với các doanh nghiệp lớn. Tùy vào số lượng đối tượng cần thanh toán nhưng thông thường, giá trị thanh toán của mỗi giao dịch DNNVV thực hiện cũng nhỏ hơn tương ứng so với các doanh nghiệp lớn.
- Thứ hai, đặc điểm về phạm vi kinh doanh thường chỉ trong một địa phương nhất định khiến DNNVV ít có nhu cầu giao dịch với các đối tác nước ngoài nên cũng ít phát sinh nhu cầu về thanh toán quốc tế và mua bán ngoại tệ.
- Thứ ba, mặc dù có nhu cầu thấp hơn về giá trị và tần suất giao dịch nhưng DNNVV vẫn có nhu cầu thanh toán trên hầu hết các kênh thanh toán hiện nay từ thanh toán tại quầy, thanh toán qua kênh trực tuyến tới việc thanh toán qua thẻ và các nhu cầu thu chi hộ tự động như trả lương nhân viên, trả thuế,… Khối lượng và giá trị giao dịch trên từng sản phẩm là không lớn khiến doanh nghiệp khó lòng được hưởng các mức phí dịch vụ ưu đãi như các doanh nghiệp khác có quy mô giao dịch lớn hơn, dẫn tới chi phí giao dịch qua kênh ngân hàng của DNNVV thường cao hơn nếu tính trên đầu mỗi giao dịch. Do đó, các DNNVV sẽ mong muốn có các gói tích hợp nhiều sản phẩm đơn lẻ và được sử dụng phổ biến để có mức chi phí hợp lý hơn
nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của doanh nghiệp.
Mặt khác, giống như các doanh nghiệp lớn, DNNVV cũng mong muốn các giao dịch thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng được thực hiện một cách an toàn, tiện lợi và nhanh chóng. Ngân hàng ngày nay là thủ quỹ của các doanh nghiệp khi hầu hết các hoạt động thu chi đều được xử lý và lưu trữ thông tin giao dịch tại đây. Duy trì hệ thống ngân hàng an toàn, sử dụng tiện lợi và giao dịch nhanh chóng sẽ giúp DNNVV tiết kiệm được nhiều chi phí quản lí hoạt động.
Khác với nhu cầu tín dụng, nhu cầu dịch vụ thanh toán là nhu cầu tối thiểu mà mỗi doanh nghiệp khi mới thành lập đều có. Các doanh nghiệp sẽ chủ động tìm tới ngân hàng để tìm kiếm dịch vụ tốt và phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. Ngoài các yếu tố kể trên, DNNVV sẽ quan tâm tới việc kết nối với các đối tác của mình thông qua việc sử dụng cùng hệ thống ngân hàng để tiết giảm các chi phí cũng như thời gian thanh toán với các đối tác, từ đó dễ dàng gắn kết với nhà cung cấp và các khách hàng hơn.
1.2.3.3. Nhu cầu gửi tiền và đầu tư sinh lời
DNNVV với các hạn chế trong vị thế đàm phán đã tạo ra một cấu trúc vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng. Do đó, không nhiều DNNVV sở hữu nguồn tài chính đủ mạnh để phát sinh các nhu cầu tiết kiệm hoặc đầu tư một cách dài hạn hoặc thường xuyên. Mặc dù vậy, doanh nghiệp trong một số giai đoạn vẫn có thể phát sinh các nhu cầu này nhưng nhu cầu sẽ không cố định mà phụ thuộc vào khoảng thời gian duy trì của nguồn tài chính đó tại công ty.
Với các khoản tiền có kỳ hạn ngắn, DNNVV sẽ thường mong muốn lựa chọn các sản phẩm tiền gửi do tính thanh khoản cao. Khi cần, doanh nghiệp có thể dễ dàng rút tiền để phục vụ các nhu cầu thanh toán. Thậm chí, doanh nghiệp có thể tính toán chính xác ngày cần thanh toán để có thể gửi một kỳ hạn phù hợp và nhận khoản lợi tức ở mức tốt nhất. Ngoài tiền gửi có kỳ hạn, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn gửi tiền dưới hình thức không kỳ hạn để đảm bảo các nhu cầu thanh toán ngắn hạn cũng như giúp quản lý dòng tiền và nguồn ngân quỹ công ty minh bạch.
Với các khoản tiền có kỳ hạn dài hơn, các sản phẩm đầu tư dài hạn sẽ cho phép DNNVV nhận được khoản lợi tức tốt hơn với kỳ hạn linh hoạt hơn. Mặc dù vậy, các hạn chế về quy mô tham gia tối thiểu phải lớn, thời gian nắm giữ tối thiểu dài hơn và tính thanh khoản của một số sản phẩm là thấp hơn là các điểm khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm đầu tư của DNNVV. Ngoài ra, việc không có một bộ phận chuyên trách quản lý về tài chính cũng gây ra nhiều khó khăn trong khâu hoạch định tài chính và tham gia vào các sản phẩm tài chính phức tạp. Điều này đòi hỏi các ngân hàng cần có lực lượng tư vấn đầu tư để hỗ trợ nhu cầu cho các DNNVV.