Nghiên cứu của luận án được thực hiện với ba mục tiêu: (1) Xây dựng mô hình mối quan hệ giữa các nguồn lực bên ngoài của: nhà cung cấp, nhà tổ chức, các tổ chức chuyên nghiệp, du khách MICE, nguồn lực điểm đến MICE và sự phát triển du lịch MICE của Việt Nam; (2) Kiểm định sự phù hợp giữa lý thuyết và dữ liệu của mô hình nghiên cứu tại điểm đến MICE Đà Lạt và (3) thông qua kết quả nghiên cứu để đề xuất hàm ý quản trị đối với các doanh nghiệp tham gia cung cấp các nguồn lực, cùng với nguồn lực điểm đến MICE để tạo nên sự phát triển du lịch MICE trong tương lai.
Mục tiêu thứ nhất: Nghiên cứu của luận án đã dựa trên cơ sở tổng hợp và cụ thể hóa lý thuyết về nguồn lực, lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết phát triển mà những nghiên cứu trước đã thực hiện để xây dựng được mô hình lý thuyết về mối quan hệ từ các khái niệm chính là: (1) Nguồn lực nhà cung cấp; (2) Nguồn lực nhà tổ chức; (3) Nguồn lực tổ chức chuyên nghiệp; (4) Nguồn lực du khách MICE; (5) Nguồn lực điểm đến MICE và (6) Sự phát triển du lịch MICE. Để kiểm định mô hình lý thuyết về mối quan hệ này, nghiên cứu của luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp:
nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, có kết hợp với số liệu thứ cấp để mô tả hoạt động hiện nay về du lịch tại Đà Lạt, nơi được đề xuất nghiên cứu.
Giai đoạn nghiên cứu định tính, thông qua tổng quan lý thuyết và phương pháp chuyên gia dùng để xác định các bên liên quan, điều chỉnh và hình thành các thang đo lường các khái niệm trong mô hình nghiên cứu.
Giai đoạn nghiên cứu định lượng, bước một là nghiên cứu định lượng sơ bộ được thực hiện thông qua kỹ thuật phỏng vấn trực tiếp với một mẫu có kích thước N1
= 85/100. Thang đo được đánh giá sơ bộ theo dữ liệu của nghiên cứu này thông qua đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA). Bước hai
là nghiên cứu định lượng chính thức, các kỹ thuật phân tích EFA, CFA được sử dụng để kiểm định độ tin cậy, giá trị phân biệt, giá trị lý thuyết của các thang đo.
Về phương diện thang đo, sau khi thực hiện nghiên cứu định lượng sơ bộ, có 33 biến quan sát trong 6 thang đo. Ở bước kiểm định EFA trong nghiên cứu định lượng chính thức, có 4 biến quan sát bị loại vì không đảm bảo yếu tố tải, còn 29 biến quan sát trong 6 thang đo lường các khái niệm của mô hình chính thức.
Mục tiêu nghiên cứu thứ hai được thực hiện thông qua việc kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. Kết quả 5 giả thuyết được chấp nhận, điều này khẳng định sự phù hợp của mô hình lý thuyết với dữ liệu thị trường. Nghiên cứu đã đo lường được mức độ tác động của các nguồn lực bên ngoài ảnh hưởng đến nguồn lực điểm đến MICE, sau đó ảnh hưởng thuận chiều đến sự phát triển du lịch MICE. Cụ thể:
Bảng 4.19 cho thấy đối với các nguồn lực bên ngoài ảnh hưởng đến nguồn lực điểm đến MICE thì nguồn lực nhà cung cấp có tác động mạnh nhất (βS = 0,373), tiếp đến là nguồn lực nhà tổ chức (βO = 0,259) và thứ ba là nguồn lực du khách MICE (βT
= 0,209). Nguồn lực điểm đến MICE và nguồn lực du khách MICE tiếp tục có quan hệ thuận chiều với sự phát triển du lịch MICE, mạnh nhất là nguồn lực du khách MICE (βT-PT = 0,343) rồi đến nguồn lực điểm đến MICE (βD-PT = 0,225).
Mục tiêu thứ ba, căn cứ vào kết quả nghiên cứu, luận án đã đề xuất các hàm ý quản trị cho các nhà quản trị doanh nghiệp, quản trị điểm đến để có chiến lược tham gia và kinh doanh phù hợp nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho cả sự phát triển du lịch MICE.
5.1.2 Đóng góp mới của luận án
* Đóng góp về mô hình đo lường
Thông qua quá trình tập hợp các thang đo từ các nghiên cứu trước và nghiên cứu định tính, điều chỉnh thang đo, kết quả định lượng chính thức cho thấy các thang đo được xây dựng mới về mối quan hệ giữa các nguồn lực bên ngoài, nguồn lực điểm đến MICE và sự phát triển du lịch MICE theo hướng quản trị kinh doanh có độ tin cậy, giá trị hội tụ và giá trị phân biệt tốt, phù hợp để sử dụng trong ngành du lịch MICE ở Đà Lạt. Để tạo nên sự phát triển, việc đo lường chính xác các nguồn lực của nhà cung cấp, nhà tổ chức, du khách MICE và nguồn lực điểm đến là vấn đề cốt yếu.
Ngoài ra, mô hình nghiên cứu còn đo lường được mức độ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch MICE không chỉ do mối quan hệ tích cực giữa nguồn lực điểm đến MICE mà còn có mối quan hệ tích cực với nguồn lực của du khách MICE, điều mà nghiên cứu của Hussain và ctg (2014), Yu và Lee (2014) đã đề xuất mối quan hệ lý thuyết nhưng chưa xây dựng thang đo và chưa kiểm định định lượng.
Mô hình đo lường đã cho thấy sự phát triển du lịch MICE được phản ảnh qua mối quan hệ với các nguồn lực bên ngoài của nhà cung cấp, nhà tổ chức, du khách MICE và nguồn lực của điểm đến MICE. Các thành phần này không chỉ là những nhân tố hoạt động riêng biệt mà có mối quan hệ tương quan, nhân quả. Sự phát triển du lịch MICE khi xem xét ở khía cạnh nguồn lực đã cho thấy nguồn lực là một trong những tài nguyên quan trọng để tạo nên sự phát triển, cả ở mức độ tổ chức và cả ở quy mô điểm đến du lịch nói chung, du lịch MICE nói riêng.
* Đóng góp về mô hình lý thuyết
Với việc kiểm định thành công mô hình lý thuyết đề xuất, nghiên cứu đã đóng góp một số những điểm mới về lý thuyết:
Luận án đã đi sâu nghiên cứu và phân tích mối quan hệ trực tiếp cũng như gián tiếp giữa các nguồn lực bên ngoài, nguồn lực điểm đến MICE và sự phát triển du lịch MICE. Kết quả là phù hợp với những nghiên cứu trước đây, cụ thể: (i) Tương đồng với quan điểm chiến lược điểm đến tích hợp đa cấp về tài nguyên và mạng lưới cùng sản xuất của Haugland và ctg (2011); (ii) Phù hợp với quan điểm điểm đến như một hệ thống của Gržinić và Saftić (2012); (iii) Chứng minh được khả năng liên kết năng lực cạnh tranh để phát triển, nghĩa là bổ sung thêm nguồn lực của du khách so với nghiên cứu của Wilde và Cox (2008); (iv) Xác định được vai trò của các bên liên quan rõ ràng đối với việc phát triển điểm đến, phát triển du lịch bằng độ lớn của mối quan hệ tương tác; và (v) Xác định và đo lường được mối quan hệ của lý thuyết dựa vào nguồn lực và sự phát triển du lịch MICE.
Một là đóng góp để cụ thể hóa khái niệm điểm đến MICE – nguồn lực điểm đến MICE theo hướng nghiên cứu về nguồn lực, đó là kết quả của tổng hợp nguồn lực bên trong điểm đến và sự đóng góp nguồn lực của: nhà cung cấp, nhà tổ chức và du khách MICE từ bên ngoài, được biểu hiện bằng các mối quan hệ tích cực trong mô hình lý thuyết chính thức và đã được kiểm định chứng minh.
Nghiên cứu của Haugland và ctg (2011) cho thấy phát triển điểm đến thông qua các nguồn lực hiện nay là một chủ đề nghiên cứu quan trọng trong phát triển du lịch.
Nghiên cứu của ông đã cung cấp thêm cơ sở lý thuyết về việc tích hợp, phân phối nguồn lực và khả năng của các hoạt động có thể có ở điểm đến. Getz (2007) khẳng định rằng các chính phủ, chính quyền địa phương sử dụng sự kiện như một phương tiện để phát triển khu vực, kết quả là họ đã chứng minh khả năng tạo ra kết quả kinh doanh tích cực cho vùng thông qua việc gia tăng cơ sở hạ tầng, tạo thêm việc làm cho người dân, gia tăng thu nhập bình quân đầu người; Từ góc độ tiếp cận khác, Wilde và Cox (2008) đã xác định trong giai đọan phát triển, các yếu tố cơ bản để một điểm đến có thể phát triển là (1) Cơ sở hạ tầng du lịch thường xuyên được duy trì. Việc này có thể được thực hiện thông qua các nhà cung cấp trong và ngoài điểm đến; (2) khả năng tổ chức, quản lý và hợp tác của các tổ chức quản lý điểm đến và các điểm du lịch trong điểm đến và (3) là tầm nhìn của cộng đồng đóng góp vai trò quan trọng cho việc phát triển mạnh mẽ trong tương lai của điểm đến; Zecevic và ctg (2011) cũng khẳng định rằng thông qua một số lượng lớn người mua đến điểm đến cũng sẽ góp phần làm thay đổi hình ảnh và phát triển điểm đến.
Như vậy, trong điều kiện một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nói chung, sự phát triển của du lịch Đà Lạt nói riêng thì việc xác định cụ thể các bên liên quan sẽ góp phần cho điểm đến du lịch nhận diện nhanh những nhân tố giúp mình gia tăng phát triển mạnh trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gay gắt.
Hai là cụ thể hóa khái niệm sự phát triển du lịch MICE theo hướng quản trị.
Nghiên cứu của luận án này đã bổ sung rõ ràng, cụ thể hơn về sự phát triển du lịch MICE theo góc độ quản trị kinh doanh là sự gia tăng về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, thu hút được nhiều chi tiêu của du khách hơn, cơ sở hạ tầng về vui chơi giải trí, nghiên cứu khám phá; hoạt động kinh doanh dịch vụ phát triển đa dạng và tốt hơn, gia tăng giao lưu văn hóa và tích cực bảo vệ tài nguyên du lịch nói riêng, môi trường nói chung. Nói cách khác là luận án đã xây dựng được thang đo và đo lường được sự phát triển du lịch MICE theo hướng tiếp cận quản trị kinh doanh theo mô hình đã được đề xuất và kiểm định.
Sự phát triển du lịch nói chung, du lịch MICE nói riêng được xem là có giá trị trong phát triển hoạt động của các tổ chức kinh doanh du lịch dựa trên khối tài sản tạo
ra thu nhập đáng kể và khả năng cung cấp việc làm của nó (William và Shaw, 1998).
Với một điểm đến du lịch có được một nguồn lực tích hợp từ bên trong và bên ngoài sẽ có cơ hội đăng cai một loạt những sự kiện của mình. Nghiên cứu của luận án này có kết quả phù hợp với các nghiên cứu của Mistilis và Dwyer (2008) và nghiên cứu của Hussain và ctg (2014), góp phần khẳng định sự phù hợp của nguồn lực điểm đến tạo nên kết quả trực tiếp về gia tăng việc làm, tăng thu nhập và đẩy nhanh được tốc độ đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cung cấp cho du khách MICE. Các hoạt động du lịch MICE khác như trao đổi, chuyển giao khoa học, công nghệ, văn hóa, có nhiều du khách đến hơn cũng sẽ được gia tăng. Như vậy du lịch MICE sẽ có sự phát triển. Nói khác đi, nguồn lực của điểm đến trở thành điều kiện cần và đủ để tạo nên sự phát triển du lịch MICE tại một điểm đến.